Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng. Nó là phương tiện không thể thiếu, bảo đảm cho sự tồn tại, vận hành bình thường của xã hội nói chung và định hướng hành vi con người thực hiện phù hợp với các chuẩn mực đạo đức, góp phần bồi đắp nên những giá trị mới. Trong công cuộc đổi mới cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, việc tăng cường vai trò của pháp luật được đặt ra như một tất yếu khách quan. Điều đó không chỉ nhằm mục đích xây dựng một xã hội có trật tự, kỷ cương, mà còn góp phần bảo vệ quyền con người được sống và làm việc tự do dưới một quốc gia an toàn và văn minh. Pháp luật được ban hành để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh, và không phải quy định nào khi áp dụng vào thực tiễn cũng phù hợp ngay mà sẽ vấp phải những bất cập, hạn chế. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật có vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết. Hiện nay, pháp luật về lao động là NKT ở Việt Nam đã được xây dựng tương đối hoàn thiện, nhiều quy định được tiếp cận phù hợp với yêu cầu kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó không ít quy định vẫn thiếu tính khả thi, do đó để đảm bảo tính logic và khoa học, việc hoàn thiện pháp luật cần dựa trên những định hướng cụ thể sau đây:
Một là, hoàn thiện pháp luật về lao động là NKT phải dựa trên cơ sở quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về đảm bảo quyền con người và mục tiêu giáo dục nghề nghiệp, việc làm và an toàn lao động cho người khuyết tật
Năm 2013 đã đánh dấu sự tham gia của Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Đây là hoạt động xuất phát từ chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là bảo vệ, thúc đẩy các quyền con người và tích cực hợp tác quốc tế. Hiện nay, quyền con người đã trở thành một vấn đề toàn cầu, mối quan tâm
lớn của cộng đồng quốc tế. Đảng ta đã khẳng định, bảo vệ quyền con người là nguyện vọng chung của nhân loại, thành quả đấu tranh của loài người qua nhiều thế hệ. Và, đảm bảo quyền con người của NKT là một trong những nội dung được Đảng và Nhà nước ta chú trọng quan tâm. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện rất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cho người khuyết tật, nhất là về phương diện tạo việc làm, đẩy mạnh giáo dục, dạy nghề và hỗ trợ phương tiện, công cụ lao động, giao thông đi lại phù hợp nhất cho NKT cụ thể thông qua các khoản vay ưu đãi từ quỹ việc làm cho người khuyết tật, hỗ trợ doanh nghiệp để khuyến khích sử dụng nhiều lao động khuyết tật, đầu tư kinh phí nâng cấp phương tiện giao thông công cộng để NKT dễ dàng tiếp cận… Vì vậy, trong quá trình xây dựng, ban hành và hoàn thiện các quy định pháp luật về lao động là NKT phải dựa trên cơ sở quan điểm, đường lối, chủ trương và chính sách mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra để hướng tới một sự thay đổi toàn diện và hiệu quả.
Hai là, hoàn thiện pháp luật về lao động là NKT phải đồng bộ, thống nhất với các văn bản pháp luật liên quan, đảm bảo xu thế hội nhập và hợp tác quốc tế
Pháp luật về lao động là NKT phải đảm bảo tính thống nhất với pháp luật nói chung, không trái, mâu thuẫn với quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan. Phải kế thừa những yếu tố hợp lý trong các quy định pháp luật về NKT về lao động, an sinh xã hội, văn hóa, giáo dục qua các thời kỳ, đồng thời vận dụng một cách sáng tạo những kinh nghiệm pháp luật quốc tế.
Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam đã tham gia vào rất nhiều công ước quốc tế về NKT. Đặc biệt, gần đây là Công ước số 159 của ILO về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm của người khuyết tật. Là một nước thành viên, Việt Nam đòi hỏi phải tiến hành rà soát và sửa đổi, bổ sung nhiều quy định pháp luật để tương thích với các yêu cầu đặt ra của Công ước. Do đó, khi ban hành và hoàn thiện các quy định pháp luật về lao động là NKT cần cân nhắc về sự phù hợp với các Công ước quốc tế và tăng cường hợp tác, học hỏi kinh nghiệm quốc tế từ pháp luật của các quốc gia tiến bộ trên Thế giới.
Ba là, hoàn thiện pháp luật về lao động là NKT phải được tiến hành trên cơ sở đổi mới đồng bộ về các phương diện an sinh xã hội: cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, văn hóa và truyền thông
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn đề ra phương hướng quyết tâm phát triển hệ thống an sinh xã hội bảo đảm thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của người dân, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và chuẩn mực quốc tế. Kể từ năm 1986 đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để ổn định chính trị - xã hội, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Để pháp luật về lao động là NKT áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn thì đòi hỏi cần có sự phát triển toàn diện và hỗ trợ từ các chính sách an sinh xã hội. Điều đó đồng nghĩa với việc, cần tăng cường chương trình hỗ trợ cá nhân và hộ gia đình phát triển sản xuất, hỗ trợ tín dụng, giải quyết việc làm và kết nối thông tin thị trường lao động cho người khuyết tật, tăng cường tiếp cận của NKT đến hệ thống dịch vụ xã hội cơ bản như: giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, an toàn lao động [30, tr.68]. Vì nếu chỉ dừng lại ở ban hành và quy định trong chính sách, mà không có những hành động cụ thể trong thực tiễn như đầu tư hệ thống giao thông cho NKT, cải cách chương trình giáo dục và dạy nghề cho NKT, y tế cộng đồng và phục hồi chức năng cho NKT, … thì vô hình chung những quy định trong pháp luật chỉ mang tính lý thuyết và không hiệu quả khi thực hiện vào cuộc sống.
Bốn là, hoàn thiện pháp luật về lao động là NKT phải phù hợp với yêu cầu đặt ra của nền kinh tế và gắn liền với trách nhiệm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động
Là một nước đang phát triển, kinh tế Việt Nam có nhiều chuyển biến phức tạp và thách thức. Điều đó đồng nghĩa với việc thị trường lao động đang ngày càng kén chọn và yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cao. Vì vậy, khi xây dựng và hoàn thiện pháp luật về lao động là NKT cần thể chế hóa quan điểm về định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường vào các quy định, hướng đến nâng cao chất lượng NKT có đầy đủ năng lực làm việc trong đa dạng ngành nghề hơn trước thông qua
các nội dung cụ thể về hỗ trợ việc làm, khuyến khích tuyển dụng.
Người khuyết tật, là bộ phận lao động đặc thù, gặp nhiều hạn chế và luôn ở vị thế yếu trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, không vì thế mà các quy định pháp luật được xây dựng để đáp ứng tất cả mong muốn đặt ra của NKT. Quy định về lao động là NKT cần được xây dựng trên cơ sở cân bằng hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa NKT và người sử dụng lao động. Vì nếu chỉ hướng đến bảo vệ NKT và quên đi các giá trị lợi ích chính đáng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đang sử dụng lao động khuyết tật thì đồng nghĩa với việc thiếu sự bình đẳng và phân biệt đối xử. Sự bất bình đẳng này sẽ khiến người sử dụng lao động rát e dè, thậm chí là viện lý do để không tuyển dụng và nhận NKT vào làm việc.