1.4.5.1. Pháp luật về doanh thu của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Doanh thu của doanh nghiệp bao gồm: Doanh thu bán hàng là toàn bộ số tiền thu được xác định theo giá trị hợp lý của các khoản đã thu hoặc sẽ thu được từ bán sản phẩm hàng hóa sau khi trừ đi các khoản giảm giá hàng bán, chiết khấu thương mại, giá trị hàng bán bị trả lại.
Doanh thu bán hàng còn bao gồm:
- Các khoản phí thu thêm ngoài giá bán (nếu có), trợ giá phụ thu theo quy định của Nhà nước mà doanh nghiệp được hưởng.
- Giá trị hàng hoá biếu tặng, trao đổi tiêu dùng nội bộ sau khi sản xuất ra được sử dụng trong kỳ.
Doanh thu cung cấp dịch vụ là toàn bộ số tiền thu được hoặc sẽ thu được từ các giao dịch cung cấp dịch vụ cho khách hàng, trường hợp cho thuê tài sản, nhận trước tiền cho thuê của nhiều năm thì doanh thu là tổng số tiền thu được chia đều cho số năm cho thuê tài sản.
Doanh thu hoạt động tài chính gồm tổng số tiền thu từ tiền lãi, tiền bản quyền, cổ tức, lợi nhuận được chia và doanh thu hoạt động tài chính khác của doanh nghiệp.
Thu nhập khác là các khoản thu từ các hoạt động sảy ra không thường xuyên của doanh nghiệp như thu về bán vật tư thừa ứ đọng, bán công cụ dụng cụ phân bổ hết giá trị đã hư hỏng, thu tiền phạt vi phạm hợp đồng thanh toán, thu từ thanh lý nhượng bán tài sản cố định, nợ khó đòi đã xử lý.
1.4.5.2. Pháp luật về chi phí
Theo điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi bởi Thông tư 119/2014/TT- BTC và Thông tư 96/2015/TT-BTC) của Bộ tài chính. Doanh nghiệp nhỏ và vừa được trừ các khoản chi phí sau nếu đáp ứng đủ các điều kiện:
- Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế Giá trị gia tăng) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, một số chi phí liên quan đến phần tổn thất, hàng hóa bị hư hỏng sẽ được tính vào chi phí được trừ. Cụ thể:
- Trường hợp doanh nghiệp có chi phí liên quan đến phần giá trị hao tổn do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
- Hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, không được bồi thường thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Như vậy, chi phí của doanh nghiệp là biểu hiện bằng tiền toàn bộ các hao phí vật chất và lao động mà doanh nghiệp phải bỏ ra để tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một thời kỳ nhất định.
Chi phí của doanh nghiệp bao gồm chi phí hoạt động kinh doanh và chi phí hoạt động khác. Chi phí hoạt động kinh doanh bao gồm các chi phí có liên quan đến quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như chi phí nguyên, nhiên, vật liệu; khấu hao tài sản cố định, tiền lương, chi phí dịch vụ mua ngoài và chi phí bằng tiền khác.
Chi phí hoạt động khác bao gồm các chi phí cho việc mua bán trái phiếu, tín phiếu, cổ phiếu, chi phí cho thuê tài sản, chi phí cho hoạt động liên doanh, liên kết, góp vốn cổ phần, chi phí cho việc thu hồi các khoản nợ đã xóa, chi phí để thu tiền phạt và các khoản chi phí khác.
Trong nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay có nhiều loại hình doanh nghiệp. Tùy thuộc vào tính chất sở hữu và đặc điểm của mỗi loại hình doanh nghiệp mà sự điều chỉnh của pháp luật có sự khác nhau đối với hoạt động quản lý chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, việc quản lý chi phí sản xuất kinh doanh chủ yếu xuất phát từ lợi ích của chính họ theo nguyên tắc tự chủ và tự chịu trách nhiệm đối với kết quả kinh doanh, pháp luật chỉ quy định chế độ quản lý chi phí kinh doanh liên quan đến việc xác định các khoản phải nộp mà họ có nghĩa vụ thực hiện với Nhà nước như thuế, phí, lệ phí…
Chi phí quản lý doanh nghiệp, bao gồm:
- Chi phí nhân viên quản lý: là toàn bộ các chi phí phải trả cho nhân sự quản lý doanh nghiệp, bao gồm tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội,…
- Chi phí vật liệu quản lý: là các khoản chi cho vật liệu dùng cho công tác quản lý doanh nghiệp: văn phòng phẩm, công cụ dụng cụ,…
- Chi phí đồ dùng văn phòng: chi phí chi cho các dụng cụ, đồ dùng văn phòng. -Chi phí khấu hao tài sản cố định: là khoản khấu hao các tài sản cố định dùng chung cho doanh nghiệp: nhà cửa làm việc, máy móc thiết bị quản lý, vật kiến trúc,…
-Thuế, phí và lệ phí: thuế môn bài, tiền thuê đất, các khoản phí, lệ phí khác,… - Chi phí dự phòng: dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng phải trả tính vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp,
- Chi phí dịch vụ mua ngoài: các khoản chi dịch vụ mua ngoài phục vụ cho công tác quản lý doanh nghiệp: tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, tiền thuê tài sản cố định, chi phí trả cho nhà thầu phụ,…
- Chi phí bằng tiền khác: các chi phí khác như chi phí hội nghị, công tác phí, tàu xe,…