1.2.1 Khái niệm, đặc điểm của hủy phán quyết trọng tài thương mại
Theo thông lệ quốc tế, hủy quyết định trọng tài là một thủ tục pháp lý do Tòa án tiến hành nhằm xem xét lại PQTT thương mại được ban hành có tuân thủ đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục xét xử của TTTM theo luật định.
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bên, hạn chế sự tuỳ tiện của Trọng tài viên, pháp luật quy định sau khi vụ tranh chấp được giải quyết bởi Trọng tài, nếu một bên không đồng ý sẽ có quyền yêu cầu Toà án nơi Hội đồng Trọng tài ra quyết định để yêu cầu được huỷ quyết định đó. Tòa án không xét xử lại việc tranh chấp khi giải quyết vì Tòa án không phải cấp xét xử thứ hai của Trọng tài, cũng không có quyền kết luận đúng sai về nội dung phán quyết về việc xác định quyền và nghĩa vụ các bên tham gia tranh chấp, Tòa án chỉ có quyền xem xét căn cứ ra quyết định hủy hoặc giữ phán quyết trọng tài. Nếu phán quyết Trọng tài bị hủy thì tranh chấp chưa được giải quyết, khi đó thì các bên có quyền khởi kiện tại Tòa án.
Hủy PQTT là một chế định của pháp luật TTTM, theo đó, một trong các bên tranh chấp được quyền yêu cầu tòa án bác PQTT nếu có đủ căn cứ chứng minh rằng trọng tài đã ra phán quyết thuộc một trong những trường hợp bị hủy theo quy định của pháp luật.
Việc hủy PQTT phải tuân theo một trình tự và thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định.
1.2.2 Bản chất, cơ sở pháp lý của hủy phán quyết trọng tài thương mại
Một yếu tố đảm bảo cho tính khả thi trong phán quyết của trọng tài là các quy định về hủy phán quyết trọng tài phải hợp lý và chặt chẽ, tránh trường hợp quyết định trọng tài có thể bị bên thua kiện yêu cầu hủy một cách tùy tiện. Tố tụng trọng tài không có nhiều giai đoạn xét xử, không có thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Vì vậy, không ai có thể đảm bảo rằng quyết
định giải quyết tranh chấp của trọng tài luôn luôn đúng về mọi phương diện. Để có thể hạn chế tối đa những sai sót trong quá trình giải quyết tranh chấp tại trọng tài và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, pháp luật quốc gia của nhiều nước trên thế giới và Luật mẫu của UNCITRAL về Trọng tài thương mại quốc tế (sau đây gọi tắt là Luật mẫu) đều quy định trình tự, thủ tục hủy PQTT thương mại khi một bên tranh chấp có yêu cầu với những căn cứ được quy định.
Yêu cầu hủy PQTT là thủ tục khiếu kiện duy nhất
Luật mẫu và các quốc gia sử dụng Luật mẫu chỉ cho phép tiến hành một thủ tục khiếu kiện duy nhất, nghĩa là loại trừ mọi thủ tục khiếu kiện khác có thể được quy định trong pháp luật tố tụng của một nước. Điều 34, khoản 1 quy định rằng yêu cầu hủy phán quyết trọng tài là hình thức khiếu kiện duy nhất được phép; yêu cầu này phải được đưa ra trong thời hạn ba tháng kể từ ngày bên yêu cầu nhận được phán quyết (khoản 3). Trong khi quy định về các phương thức “khiếu kiện” (nói cách khác là các biện pháp một bên có thể tiến hành nhằm tích cực “chống lại” phán quyết trọng tài), Điều 34 của Luật mẫu không cấm một bên yêu cầu Tòa án kiểm tra phán quyết trọng tài (Điều 35 và Điều 36). Mặc dù Điều 34 dừng ở quy định khiếu kiện ra Tòa án (tức là một cơ quan tài phán của Nhà nước) song không có gì ngăn cản việc khiếu kiện ra một Hội đồng trọng tài cấp phúc thẩm nếu các bên có thỏa thuận như vậy (trường hợp này khá phổ biến trong lĩnh vực mua bán một số hàng hóa nhất định).
Căn cứ hủy PQTT thương mại
Luật mẫu và pháp luật của các quốc gia tuân theo Luật mẫu đã đưa ra một danh sách đầy đủ các căn cứ hủy phán quyết trọng tài. Danh sách các căn cứ này về cơ bản tương đương với danh sách các căn cứ từ chối công nhận hoặc thi hành phán quyết trọng tài quy định tại khoản 1, Điều 36 – một điều khoản dựa theo các quy định tại Điều V của Công ước New Yorlk 1958. Các căn cứ hủy phán quyết trọng tài nêu tại khoản 2, Điều 34 của Luật mẫu được
chia thành hai nhóm:
Nhóm thứ nhất: là những căn cứ phải được một bên chứng minh, bao gồm các trường hợp sau
- Tình trạng không có năng lực ký kết thỏa thuận trọng tài của một bên; - Thỏa thuận trọng tài vô hiệu;
- Một bên không được thông báo về việc chỉ định trọng tài viên hoặc về thủ tục tố tụng trọng tài, hoặc một bên không thể thực hiện được việc bảo vệ quyền lợi của mình;
- Phán quyết trọng tài liên quan đến những vấn đề không được đưa ra trọng tài giải quyết;
- Việc thành lập hội đồng trọng tài hoặc việc tiến hành tố tụng trọng tài không phù hợp với thỏa thuận của các bên hoặc không phù hợp với quy định của Luật mẫu nếu các bên không có thỏa thuận.
Nhóm thứ hai: là những căn cứ có thể do Tòa án chủ động xác định, bao gồm các trường hợp sau
- Vấn đề là đối tượng của tranh chấp không thể được giải quyết bằng trọng tài;
- Phán quyết trọng tài trái với trật tự công (đây được coi là những trường hợp vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản về công bằng trong tố tụng) Tính chất tương đồng giữa các căn cứ hủy phán quyết trọng tài quy định trong Luật mẫu so với các căn cứ từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài quy định tại Điều V của Công ước New York 1958 gợi lại cách tiếp cận của Công ước Châu Âu về trọng tài thương mại quốc tế (Geneva, 1961).
Theo Điều IX của Công ước này, việc một Tòa án nước ngoài tuyên hủy phán quyết trọng tài trên cơ sở một căn cứ khác với những căn cứ quy định tại Điều V của Công ước New York 1958 không được coi là lý do để từ chối thi hành phán quyết đó. Như vậy, Luật mẫu đã đi xa hơn theo hướng bằng cách quy định giới hạn trực tiếp các căn cứ hủy phán quyết trọng tài.
Mặc dù các căn cứ hủy phán quyết trọng tài quy định tại khoản 2 Điều 34 gần như tương tự với các căn cứ từ chối công nhận hoặc thi hành phán quyết trọng tài quy định tại khoản 1, Điều 36, cần lưu ý đến một điểm khác biệt có ý nghĩa thiết thực. Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài với căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 34 chỉ có thể được gửi đến Tòa án của nước nơi
tuyên phán quyết, trong khi đơn yêu cầu thi hành phán quyết trọng tài có thể được gửi đến Tòa án của bất kỳ nước nào. Vì vậy, nội dung các căn cứ liên quan đến trật tự công và thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài có thể sẽ thay đổi tùy thuộc vào luật được Tòa án áp dụng (Tòa án của nước nơi có yêu cầu hủy hoặc nước nơi yêu cầu thi hành phán quyết).
1.2.3 Quyền yêu cầu và hậu quả pháp lý của hủy phán quyết trọng tài thương mại
Quyền yêu cầu hủy PQTT
Như đã trình bày trên, với căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 34 Luật mẫu đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng chỉ có thể được gửi đến Tòa án của nước nơi tuyên phán quyết, cụ thể:
“Một quyết định chỉ có thể bị Toà án theo qui định tại Điều 6 hủy bỏ trong trường hợp:
(a) Bên làm đơn yêu cầu đưa ra những bằng chứng khẳng định rằng: (i) Một trong các bên ký kết thoả thuận trọng tài theo qui định tại điều 7 không đủ năng lực ký kết thoả thuận đó; hoặc thoả thuận nói trên không có giá trị pháp lý theo luật mà các bên đã chọn để áp dụng hoặc theo luật của nước nơi quyết định được tuyên trong trường hợp mà các bên không ghi rõ; hoặc
(ii) Bên phải thi hành quyết định không được thông báo một cách đầy đủ về việc chỉ định trọng tài viên hoặc tố tụng trọng tài hoặc nói cách khác không thể thực hiện việc tranh tụng của mình; hoặc
(iii) Quyết định giải quyết tranh chấp không được qui định hoặc không nằm trong phạm vi các điều khoản của thoả thuận đưa ra trọng tài giải quyết, hoặc quyết định này bao gồm những quyết định về các vấn đề vượt quá phạm vi của thoả thuận trọng tài giải quyết với điều kiện là những quyết định về các vấn đề đưa ra trọng tài giải quyết có thể tách ra khỏi những vấn đề không được đưa ra trọng tài và chỉ có phần của quyết định chứa đựng các quyết định về vấn đề không được nêu ra trọng tài giải quyết có thể bị hủy bỏ; hoặc
(iv) Thành phần của hội đồng trọng tài hoặc tố tụng trọng tài không phù hợp với thoả thuận giữa các bên trừ trường hợp thoả thuận này trái với điều khoản trong luật này mà các bên không thể vi phạm được, hoặc nếu không có thoả thuận đó, không phù hợp với luật này; hoặc
(b) Toà án phát hiện rằng:
(i) Theo luật của nước đó, vấn đề nội dung tranh chấp không thể giải quyết bằng trọng tài được; hoặc
(ii) Quyết định mâu thuẫn với chính sách công của quốc gia đó”.
Tuy Luật mẫu không quy định, song trên thực tế vẫn cho thấy bên cạnh nguyên đơn, bị đơn vẫn có sự tham gia của có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ việc giải quyết tranh chấp bằng TTTM. Vì vậy, cần thêm một loại chủ thể nữa cũng có quyền yêu cầu tòa án tuyên hủy PQTT, đó là người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan trong vụ tranh chấp.
Theo thông lệ quốc tế, khi một bên biết rằng bất kì điều khoản của Luật này có thể bị các bên làm tổn hại, hoặc bất kì yêu cầu nào theo thoả thuận trọng tài chưa được tuân thủ và vẫn tiếp tục tiến hành trọng tài mà không tuyên bố sự phản đối của mình về những việc không chấp hành đó trong thời hạn cho phép thì sẽ xem như đã từ bỏ quyền phản đối của mình (Điều 4, Luật Mẫu)
Hậu quả pháp lý của hủy PQTT
Hậu quả pháp lý đối với các bên tranh chấp
mà các bên muốn đạt được khi lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài sẽ vô nghĩa, các bên sẽ phải lựa chọn giải quyết bằng một TTTT mới hoặc Tòa án gây tốn kém cho cả hai bên tham gia tố tụng.
Hậu quả pháp lý đối với trọng tài viên tham gia xét xử
Luật TTTM 2010 quy định, nếu TTV vi phạm các điều khoản trong thủ tục tố tụng thì phán quyết trở nên vô nghĩa và sẽ bị hủy. Tuy vậy, trường hợp nếu phán quyết bị hủy bởi chứng cứ mà các bên cung cấp giả mạo hoặc do TTTT vô hiệu (không năm trong sự kiểm soát của TTV) thì “phán quyết vô hiệu” trở thành nghiêm trọng đối với trọng tài. Pháp luật Việt Nam hiện tại không có bất cứ cơ chế giám sát nào đối với việc hủy PQTT của Tòa án gây ra tình trạng tùy tiện hủy PQTT là không tránh khỏi. Khiến cho các TTV lo lắng với kết quả phán quyết của mình, hơn nữa còn làm giảm uy tín của hoạt
động trọng tài nói riêng, và thị trường đầu tư quốc gia nói chung.
Hậu quả pháp lý đối với Tòa án
Khi PQTT bị hủy, một bên có quyền khởi kiện vụ án. Việc hủy PQTT là nguyên nhân tăng sự quá tải của hệ thống tòa án vốn đã nghiêm trọng nay lại càng nghiêm trọng hơn. Trong đó, quy định của pháp luật hiện nay về quyết định của tòa án về việc hủy PQTT có được giám đốc thẩm, tái thẩm hay không vẫn chưa được minh bạch, rõ rang làm cho các thẩm phán khó khăn khi có nhiều trường hợp sau khi quyết định hủy phán quyết ban hành, bên thắng trong tố tụng trọng tài khiếu kiện quyết định hủy đó.
Tiểu kết chương 1
1. Việt Nam là quốc gia chịu sự ảnh hưởng của Civil Law, nhưng pháp luật về Trọng tài cũng có lịch sử phát triển riêng của nó. Vì vậy, dù có những tương đồng, vẫn không thể áp dụng tất cả nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành đối với hoạt động của Trọng tài. Do đó, vẫn cần có pháp luật Trọng tài thương mại bên cạnh Bộ luật Tố tụng Dân sự với những điểm chung trong thẩm quyền giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại của tài phán kinh tế nhưng cũng phải thể hiện những nét riêng trong hoạt động của Trọng tài với tính chất tài phán phi chính phủ để phân biệt với tài phán nhà nước. 2. Nhìn chung, các nước trên thế giới đều quan niệm trọng tài là mô hình giải quyết tranh chấp quan trọng có nhiều ưu thế, trong đó nổi bật là tính nhanh gọn, bí mật và phán quyết của trọng tài là có giá trị chung thẩm...
Trọng tài Thương mại hoạt động một cách độc lập, với tính chất phi chính phủ, không có cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào có quyền can thiệp vào hoạt động giải quyết tranh chấp của Trọng tài nếu không có yêu cầu từ phía các bên tranh chấp.
3. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bên, hạn chế sự tuỳ tiện của Trọng tài viên, pháp luật quy định sau khi vụ tranh chấp được giải quyết bởi Trọng tài, nếu một bên không đồng ý sẽ có quyền yêu cầu Toà án nơi Hội đồng Trọng tài ra quyết định để yêu cầu được huỷ quyết định đó. Tòa án vốn không phải cấp xét xử thứ hai của Trọng tài nên sẽ không xét xử lại tranh chấp khi giải quyết và cũng không có thẩm quyền kết luận sai hay đúng về phán quyết Trọng tài trong việc chỉ ra nghĩa vụ hay quyền các bên tranh chấp. Tòa án chỉ có quyền xem xét để ra quyết định giữ nguyên hay hủy PQTT.
Chương 2
THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN THỰC THI PHÁP LUẬT VỀ HỦY PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI