2.3.1. Thành quả
Năm 2017, một cuộc thanh tra chuyên đề diện rộng đã được mở ra giúp các cơ quan QLNN về ATBX tại Trung ương và địa phương nắm bắt được thực trạng hoạt động, tình hình thực hiện các quy định bảo đảm ATBX, an ninh nguồn phóng xạ của các cơ sở quản lý, sử dụng nguồn phóng xạ. Qua đó, các tổ chức, cơ sở bức xạ và các cá nhân quản lý nguồn phóng xạ kịp thời chấn chỉnh và nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật. Công tác quản lý nhà nước về ATBXHN trong 3 năm trở lại đây đã đạt nhiều thành quả. Sau đây là một số kết quả chính:
Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản phục vụ công tác quản lý Nhà nước về an toàn an ninh trong lĩnh vực ứng dụng bức xạ và hạt nhân.
Công tác cấp phép cho các hoạt động trong lĩnh vực NLNT đã được thực hiện đúng các quy định của pháp luật, không để tồn đọng hồ sơ.
Công tác thanh tra, phối hợp với các sở KH&CN, thanh tra chuyên đề phối hợp với Thanh tra Bộ được triển khai thực hiện đúng kế hoạch, đạt mục tiêu tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ATBXHN.
Công tác xây dựng năng lực của cơ quan quản lý Nhà nước về ATBXHN, sự phối hợp với các Bộ ngành được nâng cao thông qua các kênh hợp tác quốc tế, góp phần phục vụ hiệu quả việc triển khai các ứng dụng NLNT ở nước ta.
2.3.2. Những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân
Quản lý nhà nước được bảo đảm về phương diện tổ chức bộ máy, trước hết là bộ máy các cơ quan hành chính. Đặc điểm này thể hiện tiềm năng to lớn của quản lý nhà nước, song cũng làm phát sinh những ảnh hưởng tiêu cực do bộ máy cồng kềnh, sự phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn không rõ, dễ nảy sinh mâu thuẫn, chồng chéo làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước.
Các rào cản thực tế ở Việt Nam về hiệu lực quản lý của nhà nước
Về hiệu lực quản lý nói chung ở Việt Nam, hiện nay có bốn vấn đề chính như sau:
-Thứ nhất, nền quản trị công của Việt Nam còn nhiều lạc hậu.
Tính chuyên nghiệp của hệ thống còn chưa cao về phương diện tổ chức bộ máy, văn hóa ứng xử của đội ngũ công chức nhà nước cho tới quy trình quản lý tổng thể. Trong quá trình vận hành, việc quản trị thể hiện nhiều hạn chế và bất cập, không tương thích với sự biến đổi của thực tiễn trong nước và thế giới. Cụ thể, còn mang nặng tính quan liêu giấy tờ nên những sản phẩm của các quy trình này đáp ứng không kịp thời và kém hiệu lực đối với yêu cầu thực tiễn. Dòng thông tin về cơ bản vẫn là từ trên xuống. Do vậy, sự ăn khớp của ý tưởng quản lý với nhu cầu thực tiễn cuộc sống không khớp vì vậy chính sách không đáp ứng nhu cầu gây thiệt hại, rủi ro. Vì vậy nên lấy thực tiễn làm cơ sở hình thành những ý tưởng chính sách. Từ đó, các nhà quản trị cần phải xây dựng nội dung chính sách, quyết định và những công cụ, điều kiện cần thiết để giải quyết kịp thời đòi hỏi của thực tiễn.
-Thứ hai, vấn đề trách nhiệm, lương tâm và chuyên môn của công chức. Nhìn chung, chuỗi trách nhiệm trong bộ máy quản trị chưa rõ ràng và
thiếu chế tài cưỡng chế. Xử lý vi phạm trách nhiệm không nghiêm minh và công bằng. Trách nhiệm cá nhân của công chức chưa thực sự cao, còn nhiều người vẫn ỷ lại và viện vào trách nhiệm tập thể mà không dám chịu trách nhiệm riêng. Trách nhiệm giao phó càng cụ thể, chế độ thù lao phù hợp và chế tài càng nghiêm khắc thì bộ máy quản lý sẽ vận hành càng hiệu quả [36].
-Thứ ba, hệ thống công cụ và điều kiện thực thi chưa đồng bộ.
Hiện tượng chồng chéo, mâu thuẫn trong các văn bản chính thức của nhà nước không phải là ít. Quy trình hành chính nhà nước còn rườm rà, máy móc cứng nhắc. Sự thiếu đồng nhất về văn bản quản lý làm cho hiệu lực nhà nước thống nhất suy yếu.
-Thứ tư, vấn đề giám sát và hiệu lực xử lý, cưỡng chế sai phạm
Thực tế, công tác kiểm tra và giám sát còn nhiều hạn chế về hiệu lực và không kịp thời về thời gian. Sự phối hợp của các cơ quan chức năng thanh tra và kiểm toán rất lỏng lẻo, thiếu đồng bộ. Công tác xử lý hay cưỡng chế sai phạm, truy cứu trách nhiệm công vụ chưa thực sự kịp thời và đúng pháp luật [36].
Những khó khăn trong công tác QLNN về ATBX
Trong công tác QLNN về ATBXHN hiện nay có 5 khó khăn chính. Sau đây là những khó khăn, hạn chế và những nguyên nhân của chúng.
i. Nguy cơ thất lạc nguồn phóng xạ
Khó khăn lớn nhất trong công tác QLNN về ATBX là việc đối mặt với nguy cơ thất lạc nguồn phóng xạ, vật liệu hạt nhân. Điều này có một số nguyên nhân sau:
- Hoạt động thanh tra đối với các cơ sở bức xạ mặc dù đã được các Sở KHCN đẩy mạnh nhưng số lượng cơ sở được thanh tra chưa nhiều, chất lượng và hiệu quả còn chưa được như mong muốn. Việc thanh tra của một số địa phương chưa thực sự kiên quyết trong việc xử lý đối với tổ chức có hành vi vi phạm.
- Một số văn bản còn có sự chồng chéo, chưa có sự kết hợp liên Bộ một cách nhất quán. Ví dụ như Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ [26] nhằm tránh tình trạng thanh tra quá 01 lần/năm đối với 1 cơ sở. Điều này dẫn đến việc đoàn thanh tra của Cục không thể tiến hành thanh tra đối với các cơ sở đã được các cơ quan quản lý khác đã thanh tra với nội dung khác.
ii. Một số thiết bị chưa được hiệu chuẩn trước khi đưa vào sử dụng
Nhu cầu sử dụng các nguồn phóng xạ hở trong y học hạt nhân để chẩn đoán và điều trị bệnh ngày càng phát triển. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở y học hạt nhân đều sử dụng các thiết bị chuẩn hoạt độ (Calibrator) để chuẩn và xác định hoạt độ phóng xạ trước khi sử dụng, nhưng các thiết bị này không được
hiệu chuẩn định kỳ một cách triệt để. Nguyên nhân việc này cũng do việc thanh kiểm tra chưa nghiêm, việc quản lý thiết bị của cơ sở đôi khi bị buông lỏng. Tình trạng không tuân thủ quy định, quy chế của cơ sở cũng như của các cơ quan cấp trên.
iii. Chậm trễ ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật
Hiện nay các thông tư về ATBXHN tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, các thiết bị với các công nghệ tiên tiến phát triển nhanh, nhất là các thiết bị trong ngành y tế. Các quy chuẩn kỹ thuật vẫn chưa cập nhật đầy đủ. Một phần cũng do thiếu các cán bộ chuyên môn sâu. Tình trạng soạn thảo các Quy chuẩn kỹ thuật phải chạy theo sau khi các cơ sở bức xạ đã nhập thiết bị mới về. Điều này dẫn đến việc đôi khi các thiết bị này phải nằm chờ chế tài thích hợp.
Ví dụ: Thông tư 02/2016/TT-BKHCN ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thiết bị chụp cắt lớp vi tính dùng trong y tế (CT). Tuy nhiên Quy chuẩn kỹ thuật này không áp dụng đối với thiết bị CT được tích hợp với hệ chẩn đoán hình ảnh khác (ví dụ: PET/CT, SPECT/CT). Các thiết bị như PET/CT, SPECT/CT phải một thời gian sau mới có Quy chuẩn kỹ thuật.
Tương tự như vậy, đối với Thông tư 13/2014/TTLT-BKHCN-BYT quy định dành cho máy chụp X quang, Đến năm 2018, Thông tư 13/2018/TT- BKHCN mới được ban hành để bổ sung một số Quy chuẩn kỹ thuật cho máy X quang tăng sáng truyền hình, X quang di động, X quang răng...
iv. Nhiệm vụ quan trắc phóng xạ môi trường
Việc thực hiện nhiệm vụ quan trắc phóng xạ môi trường bước đầu đã có những khó khăn:
-Các trạm quan trắc phóng xạ môi trường trong Mạng lưới Quan trắc môi trường quốc gia hiện nay chỉ quan trắc được các thông số cơ bản nhất, số lượng các điểm quan trắc ít. Do vậy các dữ liệu này chưa đáp ứng yêu cầu phát hiện nhanh các diễn biến bất thường về bức xạ trên lãnh thổ Việt Nam để hỗ trợ công tác ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân.
-Chưa có các tổng hợp, điều tra nghiên cứu bổ sung đầy đủ về phóng xạ môi trường quốc gia trước khi có điện hạt nhân để thiết lập cơ sở dữ liệu nền ban đầu.
- Chưa triển khai được Dự án đầu tư Mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường theo Quyết định số 1636/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
-Chưa xây dựng được Thông tư liên tịch về quản lý phóng xạ môi trường giữa Bộ KH&CN và Bộ TN&MT để xác định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa hai bộ trong các vấn đề liên quan đến quản lý phóng xạ môi trường.
v. Thiếu chuyên gia giỏi
Lĩnh vực an toàn hạt nhân trong thời gian vừa qua, việc thẩm định an toàn cho khảo sát địa điểm lò phản ứng nghiên cứu mới cũng như địa điểm cho nhà máy điện hạt nhân cho thấy Việt Nam còn thiếu những chuyên gia thẩm định có chuyên môn sâu. Quá trình khảo sát cũng như đánh giá an toàn khi lựa chọn sản phẩm hiện đang phải nhờ đến sự giúp đỡ hoặc thuê chuyên gia nước ngoài.
Về mặt tổ chức, Các cán bộ phụ trách ATBX tại các cơ sở bức xạ hiện nay thường là kiêm nhiệm nên nhiều trường hợp không có đủ thời gian để kịp xử lý những sự cố khẩn cấp.
Tiểu kết chương
Qua việc đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về ATBXHN tại Viện NLNTVN, một viện có chức năng hoạt động bao quát gần như tất cả các lĩnh vực liên quan đến bức xạ ở nước ta. Vì vậy, Chương 2 đã đem đến một khái quát chung về tình hình quản lý ATBXHN tại các cơ sở bức xạ trong cả nước. Từ đó đánh giá hiệu quả của các chính sách của nhà nước trong việc quản lý ATBXHN.
Chương 3
GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG HIỆU LỰC QUẢN LÝ VỀ AN TOÀN BỨC XẠ VÀ HẠT NHÂN
Từ những hiện trạng về mặt quản lý ATBXHN, chúng ta thấy rằng một bộ máy điều hành toàn bộ chu trình quản lý đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định tính hiệu lực của hệ thống quản lý nhà nước. Về lý thuyết, hai mối tương quan quản lý thuận - nghịch cần được vận hành trôi chảy, nhất quán đối với từng mắt xích thông tin quản lý bởi đội ngũ công chức chuyên môn sâu, công tâm và trách nhiệm cao. Dòng thông tin thuận từ trung tâm trên xuống bảo đảm mệnh lệnh điều khiển hành vi tuân thủ và giám sát, điều chỉnh. Dòng thông tin nghịch từ dưới lên phản ánh sự phản hồi, kết quả thực thi mệnh lệnh. Những dòng thông tin quản lý này đòi hỏi chính xác thể hiện hiệu lực QLNN. Việc đánh giá và xem xét lại thường xuyên những dòng thông tin quản lý là cần thiết nhằm có những điều chỉnh kịp thời, đáp ứng tốt hơn nhất là trong việc quản lý ATBXHN.
Một điểm quan trọng nữa bảo đảm tính hiệu lực QLNN trong ATBXHN là xác định và thực thi chuỗi trách nhiệm quản lý xuyên suốt cả hệ thống quản lý nhà nước, từ Cục ATBXHN đến các Sở KH&CN ở địa phương và các phòng ứng dụng bức xạ tại các cơ sở bức xạ. Trách nhiệm gắn liền với quy định luật pháp và các nguyên tắc đạo đức, theo đó những người chịu trách nhiệm phải tuân thủ khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Trách nhiệm tổ chức và trách nhiệm cá nhân của mỗi cơ sở bức xạ là cầu nối trong tất cả mọi khâu của bộ máy QLNN.
Việc thực hiện tốt trách nhiệm quản lý làm cho bộ máy của cơ quan pháp quy trở nên hiệu lực và chu đáo hơn bởi xác định rõ ràng chức năng, quyền hạn và nhiệm vụ cụ thể của từng đối tượng quản lý và bị quản lý, của từng cơ sở bức xạ cũng như các nhân viên bức xạ. Trách nhiệm được quy
định cụ thể và rõ ràng đối với từng đơn vị và cá nhân trong đơn vị đó thông qua quy chế và hệ thống phân công nhiệm vụ tương ứng với vị trí trong đơn vị. Công tác đánh giá năng lực công chức cũng gắn liền với những quy định này. Thực hiện tốt nhiệm vụ hay chưa hoàn thành nhiệm vụ phải được phân định công minh bằng các hành động thưởng-phạt kịp thời và chính đáng. Việc thực thi trách nhiệm phải được giám sát bằng luật pháp, quy tắc chuẩn mực, vì thế các nhân viên bức xạ không thể hành động tùy tiện vô tổ chức và thiếu lương tâm nghề nghiệp.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATBXHN và khắc phục các hạn chế yếu kém thời gian qua, Các giải pháp cần tiến hành một cách đồng bộ từ việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường năng lực của công tác hỗ trợ kỹ thuật đến vấn đề đào tạo cũng như nâng cao văn hóa an toàn trong các cơ sở bức xạ và hạt nhân.