Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn năm 2014-2018
Để đánh giá thực trạng nhân thân NPT trên địa bàn huyện Củ Chi, TP.HCM trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2018, học viên đã tiến hành phân tích, tổng hợp các thông tin có liên quan thu được từ thống kê của các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn này kết hợp việc nghiên cứu điển hình với 200 bản án hình sự với 238 bị cáo và thu được kết quả như sau:
2.2.1. Thực trạng đặc điểm về mặt xã hội-nhân khẩu
2.2.1.1. Giới tính của người phạm tội
từ năm 2014 đến năm 2018 cho thấy có tổng số 1554 NPT giới tính nam, tức là gấp 12,1 lần so với tỷ lệ NPT là nữ với 128 NPT. Tỷ lệ nam giới phạm tội hàng năm trên địa bàn huyện Củ Chi luôn cao hơn hẳn so với nữ giới. Thống kê cho thấy NPT nam giới thường phạm các tội xâm phạm sở hữu, các tội phạm về ma túy, chống người thi hành công vụ, vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Trong mỗi nhóm nam giới giới khác nhau về nơi ở, nghề nghiệp cũng như địa vị xã hội thì hình thức phạm tội cũng khác nhau và thường đóng vai trò người chủ mưu, thực hành trong các vụ án có đồng phạm.
NPT là nữ giới trên địa bàn huyện Củ Chi thường thực hiện tội phạm đơn lẻ, nếu có tổ chức thì chỉ là đồng phạm giữ vai trò thứ yếu. Họ thường phạm các lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, mua bán trái phép chất ma túy, cố ý gây thương tích (do ghen tuông tình ái) hoặc trộm cắp tài sản. Điển hình như vụ án sau:
Lúc 08 giờ 20 phút ngày 19/7/2018, Trương Thị H điều khiển xe gắn máy biển số 50Y-6007 đến chợ Sáng thuộc ấp Bến Than, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi để xe 2 bên ngoài rồi đi vào trong chợ phát hiện bà Dương Thị L bán hàng trầu cau có để túi xách màu đỏ tím đựng tiền bên cạnh. Lợi dụng lúc bà L bán hàng cho khách,
H lén lấy túi xách của bà L (bên trong có số tiền 2.230.000 đồng) rồi bỏ đi thì bị người dân phát hiện bắt giữ giao Công an xử lý. Tại Bản kết luận định giá tài sản số: 163/KL- HĐĐGTS ngày 30/7/2018 của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự huyện Củ Chi, kết luận: 01 (một) túi xách bằng vải màu đỏ tím kích thước 20cm x 20cm trị giá 8.000 đồng. Tổng giá trị tài sản bị cáo chiếm đoạt là 2.238.000 đồng. Trương Thị H bị xử phạt 09 tháng tù [Bản án 144/2018/HS-ST ngày 30/8/2018 của TAND huyện CủChi].
2.2.1.2. Độ tuổi của người phạm tội
Theo thống kê TAND huyện Củ Chi tại Bảng phụ lục 2.7 cho thấy: Trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2018, NPT ở nhóm từ đủ 18 tuổi đến dưới 30 tuổi chiếm đa số với tổng số 973 người (tương đương 57,73%). Theo thực tiễn xét xử của TAND huyện Củ Chi thì người trong lứa tuổi này có xu hướng thực hiện hành vi phạm tội ở tất cả các loại tội phạm. Nhóm NPT trong lứa tuổi từ 30 đến dưới 60 tuổi khá cao với tổng số 531 người (tương đương 31,57%). Loại tội phạm phổ biến do nhóm NPT
trong lứa tuổi từ 30 đến 60 tuổi là các tội về xâm phạm ma túy, xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt. Ví dụ như trường hợp phạm tội của Lý Minh T (sinh năm: 1968; cư trú tại Ấp N, xã B, huyện D, tỉnh Tây Ninh; nghề nghiệp: Làm mướn; trình độ văn hóa: Không biết chữ).
Do đã lớn tuổi trong khi không có nghề nghiệp ổn định nên Lý Minh T có ý định chiếm đoạt tài sản của người khác để lấy tiền tiêu xài. Khoảng 02 giờ ngày 14/01/2018, T phát hiện tại cửa hàng vật liệu xây dựng tại địa chỉ số 1132, tổ 10, ấp X, xã A, huyện C do anh Hồ Thanh P làm chủ có đậu chiếc xe ôtô tải biển số 51D- 122.75 nên T leo lên cabin chiếc xe ôtô tải rồi đóng cửa lại và dùng tu vít mở công tắc điện điều chỉnh kính trên cửa bên trái, dùng kềm cắt đứt toàn bộ dây điện. Tiếp theo, T mở đường viền đồng hồ trên taplo rồi mở tiếp đồng hồ taplo, dùng kềm cắt đứt toàn bộ dây điện nối với đồng hồ. Sau đó T bỏ toàn bộ tài sản vừa lấy được vào một túi nylon màu đen đã chuẩn bị sẵn. Lúc này, anh P phát hiện có người đột nhập vào trong cabin xe nên gọi điện thoại cho người thân và tri hô, T bỏ chạy nhưng bị anh P cùng người dân hỗ trợ bắt quả tang giao công an xử lý [Bản án 151/2018/HS- ST ngày 12/9/2018 của TAND huyện Củ Chi].
Đặc biệt, nhóm NPT trên địa bàn huyện Củ Chi giai đoạn năm 2014 đến năm 2018 từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi chiếm tỷ lệ 9,8% với tổng số 165 người. Hầu hết các bị cáo trong độ tuổi này đang trong quá trình phát triển cả về sinh lí, tâm lí và ý thức. Đây là giai đoạn diễn ra sự phát triển cơ thể mất cân bằng nên đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng tạm thời trong cảm xúc của người chưa thành niên. Trạng thái thần kinh, trạng thái cảm xúc không cân bằng dễ đưa đến các hành vi lệch chuẩn cho người chưa thành niên. Họ cảm nhận rõ rệt rằng mình đã lớn hay mình cũng gần giống người lớn, sắp trở thành người lớn. Trong quan hệ với trẻ nhỏ tuổi hơn hay trong quan hệ với các bạn đồng lứa, họ có xu hướng cố gắng thể hiện mình như những người đã lớn. Họ hướng tới các giá trị của người lớn, so sánh mình với người lớn, mong muốn được tự lập, tự chủ trong giải quyết các vấn đề của riêng họ. Tuy nhiên, do kinh nghiệm trong cuộc sống còn quá ít ỏi, đặc biệt là khả năng nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế, nhiều người chưa thành niên thực hiện hành vi phạm tội chỉ
để thỏa mãn nhu cầu, hứng thú không đúng đắn của cá nhân, không quan tâm đến hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Chỉ khi được giải thích, phân tích thì họ mới hiểu rằng hành vi của mình là phạm tội. Ở lứa tuổi này, nhu cầu độc lập thái quá thường biểu hiện ra bên ngoài dưới dạng các hành vi như ngang bướng, cố chấp, dễ tự ái, gây gổ, phô trương. Tất cả những hành vi này của người chưa thành niên đều mang tính chất của hành vi lệch chuẩn, dễ dẫn tới các hành vi phạm tội. Sự tò mò và khám phá cái mới cũng có thể trở thành một trong những nguyên nhân dẫn tới hành vi phạm tội của các em nếu thiếu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của gia đình, xã hội, không tự chủ được bản thân, không phân biệt được đúng sai. Trong lứa tuổi này, loại tội phạm phổ biến được thực hiện là các tội phạm xâm phạm sở hữu, cố ý gây thương tích.
Nhóm NPT từ 60 tuổi trở lên phạm tội ít nhất chiếm tỷ lệ 1,4%, với tổng số 23 người. Trải qua nhiều biến động của cuộc sống, những người trong độ tuổi này thường có suy nghĩ chín chắn hơn, điềm đạm hơn, khả năng kiểm soát và kiềm chế hành vi cao hơn nên ít rơi vào các tình huống tiêu cực. Người trong lứa tuổi này thường có xu hướng thích hưởng thụ, thích được thỏa mãn sở thích của bản thân. Thực tiễn tại huyện Củ Chi cho thấy, phần lớn người trong độ tuổi này thường phạm các tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc, dâm ô với trẻ em.
2.2.1.3. Trình độ học vấn của người phạm tội
Qua phân tích số liệu tại Bảng phụ lục số 2.8 cho thấy: Số NPT có trình độ học vấn trung học cơ sở và trung học phổ thông chiếm đa số với tổng số 1477 bị cáo (bị cáo có trình độ học vấn từ lớp 6 đến lớp 9 là 881 người, từ lớp 10 đến lớp 12 là: 596 người). Với trình độ học vấn cấp 2, cấp 3 trong bối cảnh hiện nay thì việc kiếm được công việc nhẹ nhàng, có thu nhập ổn định là khá khó khăn. Bên cạnh đó, khả năng nhận thức về pháp luật, thể hiện hành vi ứng xử trong cuộc sống của những người này cũng không cao, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ vào con đường phạm tội.
Số NPT có trình độ học vấn thấp (không biết chữ hoặc tiểu học) chiếm tỷ lệ tương đối với tổng số 273 bị cáo (72 bị cáo không biết chữ và 201 bị cáo có trình độ tiểu học). Với trình độ học vấn quá thấp, các bị cáo ít có khả năng đọc và hiểu được các văn bản, tài liệu tuyên truyền pháp luật, văn bản pháp luật nên không ý thức được
hành vi của mình là phạm tội cũng như hậu quả do tội phạm gây ra. Các tội phạm phổ biến do nhóm này thực hiện là các tội xâm phạm sở hữu, cố ý gây thương tích, ma túy, chống người thi hành công vụ.
Thực tiễn xét xử trên địa bàn huyện Củ Chi cho thấy, nhiều bị cáo, dù có trình độ học vấn cao, có sự hiểu biết pháp luật nhất định nhưng vẫn phạm tội, tuy nhiên tỷ lệ NPT này không cao (chỉ chiếm 1,3% với tổng số 22 người). Những người có trình độ cao đẳng, đại học thường có ý thức pháp luật đúng đắn dẫn đến thực hiện các hành vi phù hợp với các giá trị đạo đức, giá trị pháp luật. Ngoài ra, họ có khả năng kiềm chế và kiểm soát hành vi cao hơn so với những người khác, nên họ ít bị kích động, dụ dỗ, lôi kéo vào con đường phạm tội. Thông thường tội phạm họ thực hiện là những tội phạm vô ý như vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Ngoài ra, nhóm người này cũng thực hiện một số tội phạm khác với lỗi cố ý nhằm để thỏa mãn sở thích (phạm tội đánh bạc) hoặc để giàu có nhanh chóng (phạm tội về kinh tế).
2.2.1.4. Nghề nghiệp của người phạm tội
Theo số liệu thống kê ở Bảng phụ lục 2.9, số NPT không có nghề nghiệp, hoặc nghề nghiệp có thu nhập không ổn định chiếm tỷ lệ cao với tổng số 587 người không nghề nghiệp và 788 người có nghề nghiệp không ổn định. Những NPT thất nghiệp, lao động phổ thông, công việc nặng nhọc nhưng không mang lại thu nhập ổn định, đảm bảo cho cuộc sống như chạy xe ôm, buôn bán, phụ hồ… thường phạm các tội cướp giật, trộm cắp, cướp và các tội phạm về ma túy để có thể kiếm tiền dễ dàng hơn phục vụ cho bản thân, gia đình. Số NPT có công việc đem đến thu nhập ổn định, tương đối đảm bảo cho cuộc sống như công chức nhà nước, nhân viên văn phòng...
chiếm tỷ lệ không cao với 18.25% trên tổng số 307 người, tập trung ở các tội về vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội phạm về kinh tế. Thông thường những người này phạm tội do lỗi vô ý hoặc cố ý phạm tội do quá tham lam, mong muốn được giàu có một cách nhanh chóng mà không phải vất vả lao động. Như vậy, chúng ta có thể nhận định rằng: Tình trạng phạm tội tỷ lệ nghịch với mức độ ổn định về thu nhập do nghề
nghiệp mang lại cho người phạm tội.
2.2.1.5. Hoàn cảnh gia đình của người phạm tội
Hoàn cảnh gia đình và sự thay đổi của hoàn cảnh gia đình có tác động mạnh mẽ đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của người phạm tội. Qua nghiên cứu 200 bản án hình sự sơ thẩm với 238 bị cáo trên địa bàn huyện Củ Chi cho thấy, có 45 bị cáo sống trong gia đình khuyết thiếu (chiếm tỷ lệ 18,91%); 67 bị cáo sống trong gia đình không hạnh phúc, thường xuyên mắng chửi nhau (chiếm tỷ lê 28,15%), 38 bị cáo sống trong gia đình không quan tâm, chăm sóc, giáo dục con cái (chiếm tỷ lệ 15.97%), 36 bị cáo sống trong gia đình có người thân vi phạm pháp luật (chiếm tỷ lệ 15.13%) và 52 bị cáo được gia đình giáo dục bằng phương pháp không đúng cách (chiếm tỷ lệ 21.85%) [Xem Bảng phụ lục 2.10]. Như vậy, có thể thấy rằng sự hạnh phúc cũng như phương pháp giáo dục của gia đình có tác động to lớn đến sự hình thành nhân cách tiêu cực của người phạm tội. Tất cả các trường hợp được khảo sát cho thấy không bị cáo nào cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống gia đình mình, trong đó tỷ lệ các bị cáo gia đình không hòa thuận, quan tâm lẫn nhau, thường đánh, chửi nhau chiếm tỷ lệ cao nhất.
2.2.1.6. Nơi cư trú của người phạm tội
Trong Bảng phụ lục số 2.11 thể hiện, trong tổng số 238 bị cáo được nghiên cứu về đặc điểm nơi cư trú thì số lượng bị cáo là người sinh sống ổn định trên địa bàn huyện Củ Chi là 99 người, trong đó có 45 người có hộ khẩu thường trú (chiếm tỷ lệ 18,91%), và 54 người có đăng ký tạm trú (chiếm tỷ lệ 22,69%). 09 bị cáo không có nơi ở ổn định, chiếm tỷ lệ 3,78%. Phần lớn các bị cáo là người có nơi cư trú tại các địa phương khác thuộc TP.HCM và các tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Tây Ninh, Long An với tổng số 130 người, trong đó số người cư trú tại các quận, huyện khác thuộc TP.HCM là 111 người (chiếm tỷ lệ 46,64%), và ở các tỉnh, thành khác là 19 người (chiếm tỷ lệ 7,98%). Nơi sinh sống của những bị cáo này trước khi phạm tội hầu hết những địa phương có đặc thù chung là điều kiện kinh tế, xã hội còn hạn chế, tình hình tội phạm phức tạp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn (huyện Hóc Môn, TP.HCM và những huyện thuộc Bình Dương, Long An, Củ Chi), do đó ảnh
hưởng không ít đến sự hình thành nhân thân tiêu cực của các bị cáo. Hơn nữa, do các địa phương đều có vị trí giáp ranh với huyện Củ Chi nên các bị cáo cho rằng việc thực hiện tội phạm ở huyện Củ Chi sau đó bỏ trốn về lại nơi cư trú sẽ giúp các bị cáo thuận lợi hơn trong việc trốn tránh việc điều tra và xử lý của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, nghiên cứu thực trạng về đặc điểm nhân thân NPT trên địa bàn huyện Củ Chi trong thời gian từ năm 2014 đến năm 2018, học viên nhận thấy những đặc trưng cơ bản sau đây: NPT chủ yếu là nam giới, trong lứa tuổi từ 18 đến dưới 60 tuổi; có trình độ học vấn thấp; có nơi cư trú ở TP.HCM, không có nghề nghiệp và thu nhập ổn định; không được giáo dục đúng cách hoặc gia đình không hạnh phúc, có sở thích không lành mạnh.
2.2.2. Thực trạng các đặc điểm về đạo đức - tâm lý
2.2.2.1. Thực trạng nhu cầu, hứng thú của người phạm tội
Qua nghiên cứu đặc điểm nhu cầu, sở thích của 238 bị cáo đã xét xử tại 200 bản án hình sự sơ thẩm của TAND huyện Củ Chi trong giai đoạn năm 2014 đến năm 2018, cho thấy: Động cơ phạm tội của 238 NPT trên địa bàn huyện Củ Chi trong thời gian qua tập tập trung ở các động cơ sau: Vụ lợi về kinh tế, thỏa mãn nhu cầu, giải quyết mâu thuẫn [Xem bảng phụ lục 2.12].
Thông qua phỏng vấn 30 Điều tra viên của Công an huyện Củ Chi, học viên nhận thấy mối quan hệ giữa việc thực hiện hành vi phạm tội của NPT trên địa bàn huyện Củ Chi với những nhu cầu, sở thích sau đây:
- Nhu cầu về vật chất, tiền bạc, chiếm hữu tài sản, sở thích hưởng thụ tài sản là nhu cầu điển hình của những NPT xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt, tội phạm về kinh tế, tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tội phạm mua bán trái phép chất ma túy… Những người phạm các tội này thường có sở thích hưởng thụ tài sản người khác mà không phải thông qua lao động hay thói quen tụ tập, chơi bời, quậy phá.
- Nhu cầu thỏa mãn cơn nghiện sản là nhu cầu điển hình của những NPT tàng trữ trái phép chất ma túy. Những NPT này thường có thói quen sử dụng các chất kích thích như ma túy, rượu bia.
- Nhu cầu thỏa mãn tình dục là nhu cầu điển hình của NPT dâm ô, giao cấu với