Nội dung kiểm soát thủ tục hành chính

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) KIỂM SOÁT THỦ tục HÀNH CHÍNH từ THỰC TIỄN HUYỆN THĂNG BÌNH, TỈNH QUẢNG NAM (Trang 26 - 33)

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính, có thể xác định hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính bao gồm những nội dung sau:

- Kiểm soát quy định về thủ tục hành chính tại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;

- Kiểm soát việc thực hiện thủ tục hành chính; - Rà soát, đánh giá thủ tục hành chính;

- Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính

1.2.1. Kiểm soát quy định về thủ tục hành chính tại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật

Hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính được thực hiện ngay từ giai đoạn xây dựng các quy định thủ tục hành chính để các quy định thủ tục hành chính được ban hành đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý và khả thi.

Kiểm soát việc quy định thủ tục hành chính là việc xem xét, đánh giá, theo dõi quá trình xây dựng và ban hành các thủ tục hành chính nhằm đảm bảo cho các thủ tục hành chính được quy định theo đúng các nguyên tắc, yêu cầu và trình tự đặt ra.

Thủ tục hành chính được quy định phải bảo đảm các nguyên tắc: Đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; phù hợp với mục tiêu quản lý hành chính nhà nước; bảo đảm quyền bình đẳng của các đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; tiết kiệm thời gian và chi phí của cá nhân, tổ chức và cơ quan hành chính nhà nước; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả của các quy định về thủ tục hành chính.

Thủ tục hành chính phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật theo đúng thẩm quyền và thể thức pháp luật quy định.

Khi xây dựng thủ tục hành chính, cơ quan chủ trì soạn thảo phải thực hiện đánh giá tác động của thủ tục hành chính theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình xây dựng thủ tục hành chính, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan hữu quan; nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của cơ quan tham gia ý kiến. Việc lấy ý kiến về quy định thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật góp phần tạo lập các quy định thủ tục hành chính tốt, đạt chất lượng, đáp ứng các tiêu chí chuẩn của một thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng của dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định thủ tục hành chính phải được cơ quan có thẩm quyền thẩm định.

1.2.2. Kiểm soát việc thực hiện thủ tục hành chính

Mục đích kiểm soát việc thực hiện thủ tục hành chính là nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định về thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện thủ tục hành chính.

+ Công bố thủ tục hành chính; + Công khai thủ tục hành chính;

+ Kiểm soát việc giải quyết thủ tục hành chính

Công bố, công khai TTHC là một trong các biện pháp, cách thức để cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện quy định TTHC, đưa các quy định TTHC đi vào cuộc sống. Công bố, công khai nhằm bảo đảm tính đầy đủ, chính xác, đồng bộ, thống nhất và hiệu lực của quy định TTHC trên CSDLQG. Công bố, công khai là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhân dân kiểm tra, giám sát cơ quan, cán bộ, công chức.

Việc công bố và công khai TTHC phải đầy đủ, chính xác và đúng thời hạn quy định; Công bố TTHC phải thực hiện trước khi công khai TTHC và phải theo quy trình chặt chẽ để bảo đảm độ chính xác, tin cậy của các TTHC được công bố; Công bố TTHC phải đúng thẩm quyền; Công khai TTHC phải do cơ quan được chỉ định làm đầu mối thực hiện, đảm bảo công khai đúng địa chỉ, tạo thuận lợi tối đa cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân tìm hiểu, thực hiện TTHC.

Nội dung kiểm soát việc giải quyết thủ tục hành chính nhằm xem xét, đánh giá trách nhiệm của cơ quan thực hiện thủ tục hành chính trong việc sử dụng, bố trí cán bộ công chức để thực hiện thủ tục hành chính; trách nhiệm hướng dẫn, giải thích, cung cấp thông tin cho cá nhân, tổ chức có liên quan; việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong thực hiện thủ tục hành chính; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính... cũng như trách nhiệm của cán bộ, công chức được phân công thực hiện thủ tục hành chính.

1.2.3. Rà soát, đánh giá thủ tục hành chính

Rà soát, đánh giá thủ tục hành chính là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền nhằm kiểm tra, đánh giá tính hợp lý, hợp pháp, tính khả thi và mức độ đi vào cuộc sống của thủ tục hành chính. Qua công tác rà soát, đánh giá sẽ kịp thời phát hiện những thủ tục hành chính lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp, những thủ tục rườm rà, không cần thiết cũng như những chồng chéo, bất cập của thủ tục hành chính để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ,

loại bỏ nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực, giảm chi phí, rút ngắn thời gian giải quyết, bảo đảm công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ, đồng thời đáp ứng được các nguyên tắc về quy định và thực hiện thủ tục hành chính.

Các nội dung rà soát, đánh giá thủ tục hành chính bao gồm: - Rà soát, đánh giá về sự cần thiết của thủ tục hành chính. Đây chính là quá trình xem xét sự cần thiết để có tiếp tục duy trì thủ tục hành chính cụ thể nào đó hay không. Việc xem xét này gắn liền với hiệu quả của thủ tục hành chính đó trong quá trình thực hiện. Từ đó, nghiên cứu, cân nhắc đề ra các giải pháp khác phù hợp hơn, hiệu quả hơn việc duy trì và thực hiện thủ tục hành chính đó. Thực tế cho thấy có những thủ tục hành chính sau một quá trình thực hiện sẽ lạc hậu, không cần thiết phải duy trì thực hiện mà thay vào đó là các giải pháp tối ưu hơn. Một thủ tục hành chính được xem là cần thiết phải đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực nhất định; bảo đảm quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và là biện pháp tối ưu trong các biện pháp có thể được thực hiện để bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước và bảo đảm quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

- Rà soát, đánh giá tính hợp lý của thủ tục hành chính. Đây là việc làm nhằm xem xét mối quan hệ của thủ tục hành chính được chọn để rà soát, đánh giá với các thủ tục hành chính và các quy định liên quan. Tính hợp lý của thủ tục hành chính được đánh giá theo các nội dung chủ yếu đó là: tên của thủ tục hành chính; trình tự thực hiện thủ tục hành chính; cách thức thực hiện thủ tục hành chính; hồ sơ để giải quyết thủ tục hành chính; thời hạn giải quyết thủ tục hành chính; đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; cơ quan, đơn vị thực hiện thủ tục hành chính; phí, lệ phí và các khoản chi trả khác; các nội dung thông tin của mẫu đơn, mẫu tờ khai thực hiện thủ tục hành chính; các yêu cầu, thủ tục của thủ tục hành chính và kết quả thực hiện thủ tục hành chính. Qua việc rà soát, đánh giá từng nội dụng, thành phần cụ thể, các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền sẽ xem xét tính logic của thủ tục hành chính, phát hiện những chồng chéo, mâu

thuẩn, trùng lặp của các thủ tục hành chính đồng thời có cí nhìn bao quát về sự phù hợp của thủ tục với thực tiễn cuộc sống cũng như với trình độ phát triển kinh tế, xã hội và trình độ quản lý.

- Rà soát, đánh giá về tính hợp pháp của thủ tục hành chính. Đây là việc làm nhằm xem xét, đánh giá thủ tục hành chính được ban hành có đúng thẩm quyền hay không; nội dung của các quy định về thủ tục hành chính có sự thống nhất trong cùng một văn bản hay không; có trái với các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao hơn cũng như các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hay không. Qua đó, xác định thủ tục hành chính được rà soát, đánh giá có đảm bảo tính hiệu lực, tính khả thi, có đúng hình thức và thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hay không, từ đó, giúp các cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ cho phù hợp.

Ngoài các nội dung nêu trên, trong quá trình rà soát, đánh giá thủ tục hành chính, các cơ quan thực hiện phải tính chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Quy trình rà soát, đánh giá thủ tục hành chính được Bộ Tư pháp quy định tại Điều 12 Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 24/02/2014, cụ thể gồm các bước như sau:

- Bước 1: Lập Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính gồm các nội dung sau: tên thủ tục hành chính hoặc nhóm thủ tục hành chính, quy định hành chính có liên quan được rà soát; cơ quan thực hiện; thời gian thực hiện; căn cứ lựa chọn; xác định rõ các chỉ tiêu định lượng cụ thể về tỷ lệ cắt giảm số lượng thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

- Bước 2: Tiến hành rà soát, đánh giá thủ tục hành chính. Căn cứ vào nội dung Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính, việc rà soát, đánh giá được thực hiện theo các cách thức sau:

+ Rà soát, đánh giá từng thủ tục hành chính + Rà soát, đánh giá nhóm thủ tục hành chính

+ Cơ quan rà soát, đánh giá thủ tục hành chính có thể tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động và các tổ chức, cá nhân có liên quan khác nhằm thu

thập thông tin. Việc tổ chức lấy ý kiến các bên có liên quan có thể thông qua hình thức hội thảo, hội nghị, tham vấn hoặc các biểu mẫu lấy ý kiến.

- Bước 3: Tính chi phí khi rà soát, đánh giá thủ tục hành chính theo hướng dẫn, bao gồm:

+ Tính chi phí tuân thủ thủ tục hành chính hiện tại. + Tính chi phí thủ tục hành chính sau đơn giản hóa. + So sánh lợi ích

- Bước 4: Tổng hợp kết quả rà soát, đánh giá - Bước 5: Gửi kết quả rà soát, đánh giá

Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính.

1.2.4. Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính

Với quan điểm chuyển dần sang nền hành chính phục vụ, lấy mức độ hài lòng của công dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với thủ tục hành chính làm thước đo đánh giá chất lượng, hiệu quả của thủ tục hành chính trong quá trình triển khai thực hiện, do đó, việc tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về thủ tục hành chính là hết sức quan trọng và cần thiết. Là đối tượng trực tiếp tham gia vào thủ tục hành chính, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sẽ là một trong những “kênh” quan trọng phát hiện những bất cập, vướng mắt của thủ tục hành chính. Thông qua việc trực tiếp tiếp cận và sử dụng thủ tục hành chính, với tư cách là một bên chủ thể, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sẽ cùng với các cơ quan có thẩm quyền phát hiện những lỗ hỏng, những thủ tục còn rườm rà, lạc hậu, không còn phù hợp để phản ánh, kiến nghị sửa đổi thay thế. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng thủ tục hành chính, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sẽ phát huy chức năng giám sát việc thực hiện quy định hành chính của các cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính, kịp thời phát hiện, phản ánh, kiến nghị những hành vi nhũng nhiễu, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà trong quá trình thực thi

công vụ; phát hiện việc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định hành chính của cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước

Theo quy định của Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/02/2008 của Chính phủ về việc tiếp nhận, xử lý những phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; Nghị định số 48/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 92/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tiếp nhậnphản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức phải bố trí cán bộ, công chức hoặc bộ phận thực hiện tiếp nhận; xây dựng và tổ chức thực hiện quy trình tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ.

Việc xử lý phản ánh, kiến nghị phải thực hiện theo đúng quy trình pháp luật quy định. Cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền xử lý phản ánh, kiến nghị lựa chọn một trong các hình thức sau để xử lý: 1) Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hủy bỏ quy định hành chính theo thẩm quyền; 2) Kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hủy bỏ quy định hành chính không đáp ứng các tiêu chí pháp luật quy định; 3) Ban hành theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền ban hành quy định hành chính mới phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước.

Kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị phải được công khai theo các hình thức như: đăng tải trên Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị; trên Cổng thông tin hoặc Trang thông tin điện tử (website) của cơ quan; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; gửi công văn thông báo cho cá nhân, tổ chức có phản ánh, kiến nghị; hoặc các hình thức khác.

Trong phạm vi nghiên cứu của luận văn này, chủ thể thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính là cơ quan nhà nước ở cấp huyện, vì vậy không có thẩm quyền kiểm soát quy định thủ tục hành chính. Cơ quan hành chính nhà nước ở cấp huyện chỉ thực hiện 3 nội dung kiểm soát đó là: Kiểm soát việc thực hiện thủ tục hành chính; Rà soát, đánh giá thủ tục hành chính; Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính..

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) KIỂM SOÁT THỦ tục HÀNH CHÍNH từ THỰC TIỄN HUYỆN THĂNG BÌNH, TỈNH QUẢNG NAM (Trang 26 - 33)