Các yếu tố các động đến kiểm soát thủ tục hành chính

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) KIỂM SOÁT THỦ tục HÀNH CHÍNH từ THỰC TIỄN HUYỆN THĂNG BÌNH, TỈNH QUẢNG NAM (Trang 33 - 39)

Việc thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính chịu sự ảnh hưởng của các yếu tố chủ yếu sau:

- Hệ thống thể chế trong kiểm soát TTHC;

- Trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức;

- Sự phối hợp giữa cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính với các cơ quan nhà nước khác trong quá trình xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hành chính;

- Nguồn lực đảm bảo cho hoạt động kiểm soát TTHC;

- Truyền thông và việc huy động nguồn lực của xã hội tham gia vào việc kiểm soát thủ tục hành chính.

1.3.1. Hệ thống thể chế trong kiểm soát TTHC

Thể chế về kiểm soát thủ tục hành chính là hệ thống các quy định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, là cơ sở, là hành lang pháp lý cho các cơ quan hành chính triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ trong cả nước. Thể chế kiểm soát thủ tục hành chính không chỉ có các quy định về tổ chức bộ máy các cơ quan quản lý nhà nước về kiểm soát TTHC, các cơ quan chịu trách nhiệm kiểm soát TTHC mà còn gồm các quy định về nhiều vấn đề khác như: nội dung, cách thức thực hiện các hoạt động kiểm soát TTHC, điều kiện đảm bảo thực hiện kiểm soát TTHC, chế độ thông tin, báo cáo, kiểm tra việc thực hiện kiểm soát TTHC, xử lý vi phạm v.v... Là một bộ phận của thể chế về thủ tục hành chính và nền hành chính, để đáp ứng yêu cầu của quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến thủ tục hành chính cũng như hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính đòi hỏi thể chế về kiểm soát thủ tục hành chính phải kịp thời được sửa đổi, bổ sung, nâng cao tính hoàn chỉnh, hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của công tác kiểm soát thủ tục hành chính. Muốn làm được điều đó thì việc hoạch định, xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật về kiểm soát thủ

tục hành chính phải dựa trên cơ sở một hệ thống tư duy được đúc kết từ thực tiễn cuộc sống, từ việc thực thi thủ tục hành chính và quá trình thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cũng như phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và tình hình kinh tế, xã hội của đất nước trong từng giai đoạn, từng thời kỳ.

Như vậy, thề chế chính là yếu tố, là cơ sở, là căn cứ pháp lý quan trọng quy định nội dung, chất lượng, hiệu quả hoạt động của công tác kiểm soát thủ tục hành chính. Nếu thể chế, chính sách rõ ràng, minh bạch, dễ dàng vận dụng linh hoạt ở từng địa phương, đơn vị sẽ giúp cho công tác kiểm soát thủ tục hành chính được thuận lợi, vận hành một cách trơn tru và dễ dàng hỗ trợ cho nhau trong việc thực hiện các mục tiêu cải cách thủ tục hành chính một cách toàn diện nhất, đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Ngược lại nếu thể chế không đảm bảo sẽ làm giảm hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính, ảnh hưởng chung đến việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính cũng như xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp.

1.3.2. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức

“Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muốn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Do vậy, việc xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị, có năng lực, có tính chuyên nghiệp cao, năng động, sáng tạo là một yếu tố hết sức quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm soát thủ tục hành chính. Xuất phát từ đặc thù của công tác kiểm soát thủ tục hành chính, đội ngũ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ này ngoài kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cần phải có kinh nghiệm thực tiễn trong việc thực hiện thủ tục hành chính, am hiểu về nhiều lĩnh vực, có tư duy tổng hợp, phân tích và có cái nhìn bao quát, từ đó mới có thể đưa ra những nhận xét, đánh giá đúng đắn về các quy định thủ tục hành chính, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động này. Giữ vai trò là chủ thể kiểm soát thủ tục hành chính, nếu đội ngũ cán bộ, công chứchạn chế về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình

thực hiện nhiệm vụ, gây ách tắt, thiếu linh hoạt, chủ động trong công việc dẫn đến hiệu quả và chất lượng không cao. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi các cơ quan, đơn vị cần quan tâm, chỉ đạo, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính, làm tốt công tác quản lý, giáo dục, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm gắn với công tác đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ, công chức cuối năm.

1.3.3. Sự phối hợp giữa cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính với các cơ quan nhà nước khác trong quá trình xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hành chính

Đây là một trong những yếu tố quan trọng tác động rất lớn đến kiểm soát thủ tục hành chính. Để các quy định quy phạm pháp luật về thủ tục hành chính được đảm bảo chất lượng và đáp ứng nhu cầu của thực tiễn cần có sự phối hợp thường xuyên, đồng bộ của các cơ quan có liên quan ngay trong quá trình xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hành chính. Công tác phối hợp kiểm soát phải được thực hiện bắt đầu từ việc đánh giá tác động các quy định thủ tục hành chính trong quá trình dự thảo quy định về thủ tục hành chính do các cơ quan có thẩm quyền chủ trì soạn thảo thực hiện; việc gửi lấy ý kiến đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính và thẩm định các dự thảo. Làm tốt và đồng bộ công tác phối hợp sẽ giúp cho thủ tục hành chính được ban hành đảm bảo tính đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện; phù hợp với mục tiêu quản lý hành chính nhà nước; bảo đảm quyền bình đẳng của các đối tượng thực hiện thủ tục hành chính; tiết kiệm thời gian và chi phí của cá nhân, tổ chức và cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời giúp cho thủ tục hành chính được ban hành đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả của các quy định về thủ tục hành chính. Ngược lại, nếu thiếu sự phối hợp hay phối hợp một cách chưa thường xuyên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của thủ tục hành chính, dễ dẫn đến thủ tục hành chính sau khi được ban hành không đảm bảo các nguyên tác cơ bản, không phù hợp với hệ thống pháp luật, thiếu tính khả thi, khó đi vào cuộc sống.

1.3.4. Nguồn lực đảm bảo cho hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính

Cũng như tất cả các hoạt động khác trong quản lý hành chính nhà nước, hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính sẽ đạt hiệu quả, chất lượng cao khi đảm bảo bố trí đầy đủ nguồn lực, kinh phí, trang thiết bị cũng như cơ sở vật chất cần thiết, hợp lý. Việc bố trí đầy đủ, kịp thời các điều kiện cần thiết tạo điều kiện cho các cơ quan, cá nhân có trách nhiệm kiểm soát thủ tục hành chính tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đào tạo nâng cao trình độ, chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư cho hoạt động điều tra, nghiên cứu, góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng kiềm soát thủ tục hành chính, tạo điều kiện đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, đơn giản và xây dựng nền hành chính thật sự chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của người dân và tổ chức. Nguồn lực tác động rất lớn đến tất cả các khâu trong kiểm soát thủ tục hành chính, là nhân tố cơ bản để công tác kiểm soát thủ tục hành chính phát huy được vai trò, tác dụng, tầm quan trọng và ý nghĩa của nó trong công tác quản lý nhà nước nói chung và cải cách hành chính nói riêng. Việc đảm bảo các nguồn lực cần được chú trọng và quan tâm đúng mức. Ngoài kinh phí cho trang thiết bị cũng như cơ sở vật chất cần thiết thì nguồn lực đảm bảo cho con người cũng hết sức quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu công việc đồng thời nâng cao tinh thần, trách nhiệm làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp kiểm soát thủ tục hành chính. Do vậy, nếu không đảm bảo nguồn lực cho hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính sẽ là một trong những nguyên nhân cơ bản làm giảm hiệu quả, chất lượng của công tác này. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phát sinh tư tưởng, thiếu tinh thần trách nhiệm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ không cao.

1.3.5. Truyền thông và việc huy động nguồn lực của xã hội tham gia vào việc kiểm soát thủ tục hành chính.

Có thể thấy rằng, công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền chính là

“cầu nối” hiệu quả và quan trọng để góp phần đưa mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Nó có một vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động của nền

hành chính, cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính cũng như hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông sẽ góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm công tác kiểm soát thủ tục hành chính ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đây còn là yếu tố tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia giám sát việc thực hiện thủ tục hành chính cũng như giám sát hoạt động thực thi công vụ, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhằm kịp thời phát hiện những biểu hiện tiêu cực, những hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà trong quá trình làm việc. Thực tế cho thấy, nếu đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước không được thông tin, truyền thông một cách thường xuyên, kịp thời thì hành trình đi vào cuộc sống của các quy định sẽ không đảm bảo, hiệu quả không cao làm ảnh hưởng đến chất lượng của các quy định.

Kiểm soát thủ tục hành chính là một quy trình bao gồm nhiều khâu, nhiều công đoạn, nhiều bước liên kết chặt chẽ, biện chứng với nhau đòi hỏi phải có sự tham gia, sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Trong kiểm soát thủ tục hành chính, vai trò giám sát, phản biện của các tổ chức, cá nhân là hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động này. Điều này là tất yếu bởi thủ tục hành chính có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Với tư cách là đối tượng thụ hưởng trực tiếp tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sẽ tham gia giám sát việc thực hiện quy định hành chính của các cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính, kịp thời phát hiện, phản ánh, kiến nghị những hành vi nhũng nhiễu, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà trong quá trình thực thi công vụ.

Tiểu kết chương 1

Kiểm soát thủ tục hành chính được xem là công cụ hữu hiệu trong hoạt động quản lý nhà nước với chức năng chính là xem xét, đánh giá, theo dõi nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định về TTHC, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện TTHC.

Trong chương 1 luận văn đã làm rõ những vấn đề lý luận và quy định của pháp luật về kiểm soát thủ tục hành chính. luận văn đã đưara khái niệm thủ tục hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính; vai trò, ý nghĩa của kiểm soát thủ tục hành chính Nội dung kiểm soát thủ tục hành chính được xác định bao gồm các hoạt động: kiểm soát quy định thủ tục hành chính tại các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; Kiểm soát việc thực hiện thủ tục hành chính; Rà soát, đánh giá thủ tục hành chính; Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.

Bên cạnh đó, chương 1 của luận văn cũng phân tích, làm rõ các yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến kiểm soát thủ tục hành chính đó là: 1) Thể chế kiểm soát thủ tục hành chính; 2) Trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức; 3) Sự phối hợp giữa cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính với các cơ quan nhà nước khác trong quá trình xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thủ tục hành chính; 4) Nguồn lực đảm bảo cho hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính; 5) Truyền thông và việc huy động nguồn lực của xã hội tham gia vào việc kiểm soát thủ tục hành chính.

Việc làm rõ những nội dung trên là cơ sở lý luận cho việc khảo sát, đánh giá thực trạng kiểm soát thủ tục hành chính ở chương 2 và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát thủ tục hành chính ở chương 3.

CHƯƠNG 2

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) KIỂM SOÁT THỦ tục HÀNH CHÍNH từ THỰC TIỄN HUYỆN THĂNG BÌNH, TỈNH QUẢNG NAM (Trang 33 - 39)