1.3.1. Phương pháp thuyết phục
Thuyết phục là làm cho đối tượng quản lý hiểu rõ sự cần thiết và tự giác thực hiện những hành vi nhất định hoặc tránh thực hiện những hành vi nhất định. Như vậy, Phương pháp thuyết phục do chủ thể quản lý nhà nước sử dụng để tác động lên đối tượng quản lý nhằm thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của mình. Bản chất của phương pháp thuyết phục là làm cho đối tượng quản lý hiểu rõ sự cần thiết và tự giác thực hiện hoặc tránh thực hiện những hành vi nhất định. Phương pháp thuyết phục được thể hiện bằng những hoạt động như: giải thích, động viên, hướng dẫn, chứng minh… làm cho đối tượng hiểu rõ và tự giác chấp hành các yêu cầu của chủ thể quản lý.
Phương thức giáo dục, thuyết phục trong quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch được thể hiện ở việc các cơ quan quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch dùng các công cụ như: loa phát thanh; tờ rơi; trao đổi trực tiếp; panô, áp phích… để chuyển tải các quy định của pháp luật về cung cấp dịch vụ du lịch. Đối tượng hướng tới của phương thức này bao gồm cả nhà cung ứng lẫn khách du lịch để đảm bảo cho họ hiểu và duy trì các quyền và nghĩa vụ của mình vì vấn đề hài hoà lợi ích của đôi bên cũng như đảm bảo lợi ích cho xã hội.
1.3.2. Phương pháp hành chính
Phương pháp hành chính là phương thức tác động tới cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng quản lý bằng cách quy định trực tiếp nghĩa vụ của họ qua những mệnh lệnh dựa trên quyền lực nhà nước và phục tùng.
Đặc trưng của phương pháp này là sự tác động trực tiếp của chủ thể quản lý lên đối tượng quản lý bằng cách đơn phương quy định nhiệm vụ và phương án hành động của đối tượng quản lý. Phương pháp này được tiến hành trong khuôn khổ của pháp luật.Các quyết định hành chính được ban hành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ thể quản lý do pháp luật quy định. Ví dụ: Chủ tịch
UBND các cấp chỉ được ra chỉ thị, kiểm tra hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong khuôn khổ, chức năng, quyền hạn của mình do pháp luật quy định. Tóm lại, phương pháp hành chính là phương thức tác động đến cá nhân, tổ chức thuộc đối tượng quản lý thông qua quy định trực tiếp nghĩa vụ của họ qua những mệnh lệnh và sự phục tùng.
Trong quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch, phương thức hành chính được thể hiện thông qua các hoạt động cụ thể như:
- Cấp và thu hồi giấy phép. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét các điều kiện của từng chủ thể khi các chủ thể này thực hiện thủ tục xin cấp phép kinh doanh dịch vụ du lịch. Và tiến hành thu hồi các giấy phép khi hết thời hạn hoặc các chủ thể cung ứng vi phạm các quy định của pháp luật đến mức phải thu hồi giấy phép có thời hạn hoặc vĩnh viễn.
- Ban hành các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn trong hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch. Bằng thẩm quyền của mình, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, ấn định và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể cho từng lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Đó cũng là cơ sở cho hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch.
- Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và hành chính nhằm điều chỉnh, cấm đoán, bắt buộc… các chủ thể cung ứng, khách hàng và các bên liên quan phải tuân thủ trong quá trình cung ứng – thụ hưởng dịch vụ du lịch. Các văn bản này chính là mạnh lệnh hành chính mà các đối tượng quản lý phải tuân thủ.
Phương thức hành chính trong quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch là phương thức phổ biến nhất, được sử dụng thường xuyên và đóng vai trò quan trọng nhất trong việc đạt được mục tiêu quản lý của nhà nước về dịch vụ du lịch ở cả phạm vi quốc gia lẫn địa phương.
1.3.3. Phương pháp kinh tế
Phương pháp kinh tế là phương pháp tác động gián tiếp đến hành vi của các đối tượng quản lý thông qua việc sử dụng những đòn bẩy kinh tế tác động đến lợi ích của con người.
Đây là phương pháp tác động gián tiếp đến đối tượng quản lý thông qua lợi ích kinh tế như việc quy định chế độ thưởng, xử phạt. Phương pháp kinh tế được thể hiện trong việc sử dụng đòn bẩy kinh tế như: quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh; chế độ hạch toán kinh tế, chế độ thưởng… nhằm tạo điều kiện vật chất thuận lợi cho hoạt động có hiệu quả của đối tượng quản lý phát huy năng lực sáng tạo, chọn cách tốt nhất để hoàn thành nhiệm vụ.
Trong quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch, phương thức kinh tế được áp dụng rất phổ biến với hai nhóm hoạt động cơ bản: khen thưởng, động lực và xử phạt.
- Nhóm khen thưởng, động lực là cơ quan quản lý nhà nước sử dụng tiền hoặc các công cụ mang ý nghĩa tài sản khác như: ưu đãi thuế; ưu đãi vay vốn; hạ giá thuê – mua… để tặng thưởng cho những cá nhân, tổ chức kinh doanh và thụ hưởng dịch vụ chấp hành tốt các yêu cầu của cơ quan quản lý hoặc để sử dụng chúng như một liệu pháp tạo động lực kích thích đầu tư, phát triển.Ví dụ: huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc ưu đãi 60% tiền thuê đất cho việc mở mới dịch vụ du lịch lưu trú Homestay trên địa bàn trong năm 2020. Tỉnh Quảng Ninh trao tặng 5.000.000 đồng cho du khách có lượt thứ 14 triệu năm 2019…
- Nhóm xử phạt là việc cơ quan quản lý nhà nước căn cứ quy định về xử phạt hành chính và hành vi thực tế của chủ thể thực hiện hành vi mà ra các quyết định xử phạt bằng tiền hoặc tịch thu tài sản của những cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về cung ứng và thụ hưởng dịch vụ du lịch. Đây là phương thức gây nên sự răn đe lớn do người bị xử phạt phải chịu tổn thất về kinh tế - chủ yếu là tiền đối với hành vi vi phạm của mình, từ đó sẽ tuân thủ pháp luật được tốt hơn. Ví dụ: Singapore xử phạt 400 đô Sing đối với du khách có hành vi hái hoa công cộng.
1.3.4. Phương pháp cưỡng chế
Cưỡng chế là biện pháp bắt buộc bằng bạo lực của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền đối với những cá nhân, tổ chức nhất định trong những trường hợp pháp luật quy định buộc cá nhân, tổ chức đó phải thực hiện hay không thực hiện những hành vi nhất định hoặc phải phục tùng những hạn chế về mặt tài sản hoặc tự do thân thể.
Chủ thể áp dụng phương pháp cưỡng chế phải là cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật như: cơ quan công an, ủy ban nhân dân… Đối tượng bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế là cá nhân, tổ chức nhất định trong những trường hợp pháp luật quy định như: cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính. Biểu hiện của phương pháp cưỡng chế là buộc cá nhân, tổ chức phải chấp hành các quyết định đơn phương của chủ thể quản lý. Cụ thể là buộc cá nhân, tổ chức phải thực hiện hay không thực hiện những hành vi nhất định hoặc phải phục tùng những hạn chế nhất định về mặt tài sản của cá nhân, tổ chức hoặc tự do thân thể của cá nhân.
Có bốn loại cưỡng chế nhà nước:
+ Cưỡng chế hình sự: là biện pháp cưỡng chế do các cơ quan có thẩm quyền áp dụng đối với những người có hành vi phạm tội hoặc bị tình nghi phạm tội.
+ Cưỡng chế dân sư: Là biện pháp cưỡng chế nhà nước do các cơ quan có thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân hay tổ chức có hành vi vi phạm dân sự, gây thiệt hại cho nhà nước, tập thể hoặc công dân.
+ Cưỡng chế kỷ luật: Là biện pháp cưỡng chế nhà nước do các cơ quan và người có thẩm quyền áp dụng đối với những cán bộ công chức có hành vi vi phạm kỷ luật nhà nước.
+ Cưỡng chế hành chính: Là biện pháp cưỡng chế nhà nước do các cơ quan và người có thẩm quyền quyết định áp dụng đối với cá nhân hay tổ chức có hành vi vi phạm hành chính hoặc đối với một số cá nhân, tổ chức nhất định với mục đích ngăn chặn hay phòng ngừa các vi phạm pháp luật…
Đây là phương thức có sức mạnh lớn nhất vì trực tiếp sử dụng bạo lực để đạt được các mục tiêu quản lý. Trong quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch, phương thức này chủ yếu thể hiện dưới hình thức là hoạt động cưỡng chế tháo dỡ; cưỡng chế ngừng hoạt động; cưỡng chế thực hiện các lệnh cấm… trong thực hiện cung ứng và thụ hưởng dịch vụ du lịch. Ví dụ chính quyền cưỡng chế người lưu trú đi khai báo y tế hoặc cách ly tập trung nếu các du khách đến từ vùng có yếu tố dịch tể nhưng không khai báo hoặc trốn cách ly.
Phương thức này thường được sử dụng sau cùng vì có yếu tố bạo lực nên không được ưu tiên sử dụng.