tỉnh Quảng Nam
2.3.1. Tình hình ban hành các chính sách, pháp luật về dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam
Trong giai đoạn 2016-2020, chính quyền tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An dựa trên sự phân cấp về thẩm quyền đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp quy điều chỉnh vấn đề dịch vụ du lịch.
Về phía chính quyền tỉnh Quảng Nam đã ban hành các chính sách, văn bản pháp lý sau:
- Nghị quyết số: 08-NQ/TU ngày 27/12/2016 của Tỉnh ủy về phát triển dulịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025;
- Nghị quyết số: 145/2009/NQ-HĐND, ngày 22/7/2009 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam Về quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh quảng nam đến năm 2015, định hướng 2020;
- Quyết định số: 1117/QĐ-UBND, của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ngày 30/3/2018, Ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ và Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 27/12/2016 của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
- Quyết định số: 3285/QĐ-UBND, của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch Quảng Nam, ngày 01/11/2018;
- Quyết định 1714/QĐ-UBND, của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Ban hành Quy chế xét chọn cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, ngày 10/6/2019;
- Quyết định số: 17/2019/QĐ-UBND, của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Ban hành Quy định quản lý khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, ngày 04/10/2019.
Cụ thể hoá những quan điểm này của chính quyền tỉnh và sự phân cấp quản lý về dịch vụ du lịch cho chính quyền cấp huyện, chính quyền thành phố Hội An đã ban hành các chính sách, văn bản pháp quy sau:
- Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo, viết đặt biển hiệu trên địa bàn Thành Phố Hội An, ban hành kèm theo quyết định số 1036/2016/QĐ-UBND ngày 23/3/2016 của UBND Thành Phố Hội An.
- Quy chế tạm thời về hoạt động quản lý vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy trên địa bàn Thành Phố Hội An, ban hành kèm theo quyết định số 1831/2016/QĐ-UBND ngày 19/7/2017 của UBND thành phố Hội An.
- Quy chế phối hợp cấp phép và kiểm tra xử lý vi phạm xây dựng trong Khu phố cổ Thành Phố Hội An, ban hành kèm theo quyết định số 01/2018/QĐ-UBND ngày 16/5/2018 của UBND thành phố Hội An.
- Quy chế phối quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại trong khu phố cổ và một số vùng lân cận, ban hành kèm theo quyết định số 06/2018/QĐ-UBND ngày 30/6/2018 của UBND thành phố Hội An.
2.3.2. Tình hình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam
Thứ nhất, tổ chức lực lượng quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch. Quản lý nhà
nước về dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố Hội An là một hoạt động phức tạp và có tính liên ngành. Do đó, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về dịch vụ du lịch trên địa bàn rất phức tạp, nhiều đơn vị tổ chức, phối hợp. Việc tổ chức thực hiện bao gồm thiết lập cơ cấu tổ chức, nhân sự và vật lực. Trong đó, chủ yếu nhất là cơ cấu tổ chức, nhân sự quản lý. Theo đó, có thể chia thành hai nhóm các chủ thể gồm: nhóm các chủ thể có chuyên môn trực tiếp quản lý dịch vụ du lịch và nhóm các chủ thể có thẩm quyền quản lý liên quan đến hoạt động quản lý dịch vụ du lịch.
Nhóm thứ nhất được thể hiện bởi Sơ đồ 2.1.Theo đó, thành phố Hội An là di sản văn hoá thế giới, do đó không chỉ có sự quản lý nhà nước của địa phương, mà còn có cả sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương về hoạt động du lịch nói chung và dịch vụ du lịch nói riêng. Các cơ quan trung ương trực tiếp tham gia quản lý chuyên môn về du lịch ở Hội An bao gồm: Chính phủ và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Trong đó: Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn và phát huy các giá trị du lịch ở Hội An, trong đó có cả dịch vụ du lịch và chỉ đạo thực hiện các văn bản pháp lý đó; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đóng vai trò là cơ quan quản lý trung ương về lịch vực Du lịch, là đơn vị trực tiếp ban hành các văn bản hướng dẫn, cụ thể hoá các quy định pháp luật về quản lý du lịch và dịch vụ du lịch và trực tiếp quản lý, chỉ đạo, giám sát công tác quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch tại Hội An của các cơ quan chức năng ở địa phương.
Sơ đồ 2.1. Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành du lịch về dịch vụ du lịch tại Hội An
Về phía địa phương, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Nam và cơ quan chuyên môn là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đóng vai trò là cơ quan chỉ đạo cao nhất ở địa phương về công tác quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, Uỷ ban nhân dân thành phố Hội An cùng các cơ quan chuyên môn và Uỷ ban nhân dân các xã, phường thuộc thành phố Hội An là những cơ quan trực tiếp tham gia quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch theo sự phân cấp thẩm quyền. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc tổ chức và vận hành của Trung tâm Quản lý bảo tồn văn hoá Hội An với Phòng Quản lý Khu phố cổ: Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu lãnh đạo Trung tâm về công tác hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và trực tiếp khảo sát, tham mưu cấp phép tu bổ di tích trong khu vực I, II của Khu phố cổ; theo dõi, báo cáo, tham mưu đề xuất hướng giải quyết và tham gia xử lý các trường hợp vi phạm tu bổ di tích trong khu vực I, II của Khu phố cổ; phối hợp giám sát các công trình tu bổ di tích do cơ quan khác làm chủ đầu tư; cập nhật, lưu trữ hồ sơ kiến trúc các di tích trong
khu vực I, II của Khu phố cổ; phối hợp thực hiện công tác phòng chống lụt bão đối với các di tích trong Khu phố cổ; cung cấp thông tin về thủ tục, hồ sơ tu bổ di tích tư nhân, tập thể và trực công tác tiếp dân tại Trung tâm; giới thiệu quy trình tu bổ, các quy định sửa chữa, trưng bày sản phẩm, vật liệu xây dựng truyền thống; quản lý và sử dụng các thiết bị, tài sản, nguồn kinh phí được giao theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh tổ chức các cơ quan chuyên môn về du lịch quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch, các cơ quan, tổ chức có chuyên môn liên quan cũng được xây dựng với chức năng quản lý những vấn đề dịch vụ du lịch liên quan như: ngành Kế hoạch và Đầu tư quản lý việc cấp và và thu hồi giấy phép kinh doanh; ngành Tài chính, Thuế quản lý các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí; ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý các vấn đề liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm; ngành Xây dựng quản lý các vấn đề liên quan đến trật tự xây dựng công trình; ngành Giao thông vận tải quản lý vấn đề vận tải du lịch… Các ngành kể trên đều được tổ chức bộ máy nhiều cấp bậc và có sự phân cấp quản lý chặt chẽ.
Thứ hai, tổ chức vật lực cho công tác quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch.
Chính quyền tỉnh Quảng Nam hằng năm đều có nguồn ngân sách đầu tư cho công tác quản lý dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và gia tăng theo từng năm. Giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm tỉnh Quảng Nam chi 6.7 tỷ đồng/nămphục vụ công tác quản lý dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, nhiều phương tiện kỹ thuật cũng đã được đầu tư, mua sắm giúp tạo thuận lợi cho công tác quản lý dịch vụ du lịch.[21; tr 35]
Năm 2016, chính quyền tỉnh Quảng Nam xây dựng hệ thống phần mềm quản lý điện tử cho các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến quản lý du lịch nói chung và dịch vụ du lịch nói riêng. Đến năm 2019, cơ bản toàn bộ công tác quản lý về lĩnh vực này ở cấp tỉnh, huyện đạt mức độ Ba. Đây có thể nói là sự đầu tư kịp thời và rất đúng đắn, đã giúp tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền của cho người dân, nhà nước và cả xã hội. Năm 2018, chính quyền thành phố Hội An lắp đặt 411 camera giám sát trên 18 tuyến phố cổ và các tuyến phố trung tâm nhằm giám sát an
ninh, trật tự du lịch. Việc lắp đặt camera này không chỉ giúp công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng được liên tục, kịp thời và đơn giản mà còn giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành các quy tắc hơn. [21; tr 37]
Năm 2020, chính quyền thành phố Hội An cũng triển khai dịch vụ kiểm soát cho thuê xe tự lái thông qua mã QR code đã giúp hoạt động quản lý nội dung này đơn giản và tiết kiệm được nhiều công sức hơn. Cũng trong năm 2020, chính quyền thành phố Hội An đã triển khai phần mềm khai báo dịch tễ trực tuyến và kiểm soát qua mã QR giúp hoạt động khai báo của du khách và chủ cơ sở lưu trú thuận tiện, linh động hơn và việc truy vết, kiểm soát và phối hợp giữa các cơ quan chức năng cũng hiệu quả hơn.
Thứ ba, tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về dịch vụ du lịch. Bên cạnh việc chuẩn bị nhân lực và vật lực, tuyên truyền, phổ biến chính sách,
pháp luật về dịch vụ du lịch cũng là một nội dung quan trọng trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố Hội An.
Việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về dịch vụ du lịch được thực hiện qua các biện pháp và những số liệu cụ thể sau:
- Sử dụng loa phát thanh xã, phường. Hiện nay trên địa bàn thành phố Hội An có 34 cụm loa phát thanh phường, xã. Bao gồm 22 cụm loa phát thanh truyền thống ở khu vực quanh phố cổ và 12 cụm loa phát thanh ẩn trong phố cổ. Mỗi năm, truyền thanh cấp xã xây dựng 02 chương trình và tiếp sóng 03 chương trình phát thanh về phổ biến, cập nhật kiến thức về chính sách và pháp luật về dịch vụ du lịch. Hệ thống loa phát thanh hiện nay đang đóng vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn Thành phố.[21; tr 37]
- Tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động, đối thoại và ký các cam kết. Hằng năm, chính quyền thành phố Hội An tổ chức 02 đợt tuyên truyền lưu động bằng cách cử tuyên truyền viên đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch để tư vấn, phát hoặc dán áp phích có nội dung về chính sách, pháp luật về dịch vụ du lịch, tổ chức 02 đợt đối thoại trực tiếp/năm (trừ năm 2020) và tổ chức ký cam kết thường niên cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ. Đối với du khách, chính quyền cũng
đã chuyển tải những thông tin chính về chính sách, pháp luật về dịch vụ du lịch ở mặt sau vé tham quan, các tờ rơi tại đầu các tuyến phố công cộng, sau bản đồ du lịch…[21; tr 38]
2.3.3. Tình hình thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam
Hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố Hội An cũng được lên kế hoạch và triển khai nghiêm túc. Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn thành phố trung bình có 04 đợt thanh tra về quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch của cấp tỉnh và cấp huyệntheo kế hoạch và trung bình 06 đợt thanh tra đợt xuất. Trong khi đó, hoạt động kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên với sự tham gia đầy đủ của 03 cấp chính quyền địa phương. Số liệu thống kê tình hình thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam được phản ánh qua Bảng 2.5.
Bảng 2.5. Số lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động dịch vụ du lịch tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam[21; tr 40]
Năm/hoạt động Thanh tra Kiểm tra Giám sát
2016 02 25 10
2017 02 25 10
2018 04 35 15
2019 06 60 15
2020 20 50 15
2.3.4. Tình hình xử lý vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý nhà nước vềdịch vụ du lịch
Tình hình xử phạt vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016-2020 được thống kê tại Bảng 2.6.
Bảng 2.6. Số lượng vụ việc xử phạt hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố Hội An, tỉnh
Quảng Nam[21; tr 40]
Năm Xử phạt VPHC Khiếu nại Tố cáo
2016 37 12 03
2017 39 11 03
2018 42 22 01
2019 66 07 04
2020 102 02 12
Theo đó, xử phạt hành chính giai đoạn 2016-2020 có 286 vụ việc, trong đó chủ yếu xử phạt hành chính ở mức phạt tiền và tịch thu giấy phép có thời hạn. Tổng số tiền xử phạt trong giai đoạn này là 3.32 tỷ đồng và tước giấy phép 36 trường hợp. Các hành vi bị xử phạt đa số đến từ việc vi phạm quy chế về cung ứng dịch vụ như: không công khai, minh bạch giá cả; kinh doanh không phép, trái phép; vi phạm điều kiện an toàn trong vận tải; vi phạm về thuế; vi phạm về quảng cáo và vi phạm trong trật tự đô thị. Đặc biệt trong năm 2020, việc vi phạm và xử phạt tăng đột biến và chủ yếu đến sự các hành vi trái quy định về khai báo và cách ly y tế nhằm phòng, chống Covid-19.[21; tr 39]
Đối với hoạt động khiếu nại, giai đoạn 2016-2020 có 54 vụ việc khiếu nại. Trong đó chủ yếu đến từ 02 lĩnh vực: vi phạm thời gian cấp giấy phép kinh doanh và khiếu nại các quyết định xử phạt hành chính. Tỷ lệ giải quyết khiếu nại trung bình giai đoạn này đạt 97.6%. Các khiếu nại không giải quyết được đến từ những lý do khách quan như người khiếu nại đã chết, đã chuyển nơi ở hoặc không xác định được nội dung khiếu nại. Có 32% các khiếu nại đúng – chỉ ra được các hành vi sai trái của chính quyền, chủ yếu đến từ vấn đề thời hạn cấp giấy chứng nhận. Các
khiếu nại khác về quyết định xử phạt hành chính đa số là các khiếu nại sai. Đặc biệt, không có hiện tượng khiếu nại lần hai.[21; tr 39]
Đối với tố cáo, giai đoạn 2016-2020 có 23 vụ, việc bị tố cáo. Trong đó chủ yếu đối tượng hướng tới là các pháp nhân thương mại tham gia vào cung ứng dịch vụ du lịch. Trong đó 52% các vụ, việc bị tố cáo liên quan đến vấn đề giá dịch vụ; 21% liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường của các chủ thể cung ứng dịch vụ; 20% liên quan đến việc khai báo và cách ly ý tế và 7% thuộc các nội dung khác. Trong đó, chính quyền đã giải quyết 100% các vụ, việc tố cáo và không làm phát sinh trường hợp khiếu kiện hoặc tố cáo nhiều lần nào. [21; tr 39]
2.4. Những kết quả đạt được và hạn chế, bất cập trong quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam