Quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau, trong đó cơ bản có thể kể tới một số yếu tố điển hình sau:
Thứ nhất, thể chế về du lịch của quốc gia và địa phương. Thể chế về du lịch
của một quốc gia hay của địa phương là những chính sách và văn bản pháp luật của quốc gia hoặc địa phương đó ban hành về vấn đề du lịch. Thể chế này ấn định quy mô, tính chất và định hướng phát triển của ngành du lịch. Do đó, sự phát triển hay bó hẹp của khách thể quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch đến từ sự cởi mở hay giới hạn của thể chế về du lịch.
Các chính sách và pháp luật về du lịch nói chung và dịch vụ du lịch nói riêng là cơ sở pháp lý để hoạt động quản lý của nhà chức trách được thực thi trên thực tiễn. Do vậy, có thể thấy chính các thể chế này sẽ quy định nội dung, phương thức và các thẩm quyền quản lý nhà nước về du lịch trên phạm vi lãnh thổ quốc gia hay địa phương. Chính vì thế, các thể chế này có tác động rất lớn đến hoạt động quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch theo hai chiều hướng. Nếu đó là những chính sách và pháp luật đúng đắn, phù hợp với đòi hỏi khách quan của xã hội và của tình hình du lịch quốc gia hoặc địa phương, thì các thể chế này sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của du lịch, cũng như xác lập một cách khoa học và đầy đủ các vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch. Ngược lại, nếu đó là những chính sách có chất lượng kém, những văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp sẽ dẫn đến chính các thể chế là cản lực cho sự phát triển của du lịch và quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch trên địa bàn đó.
Thứ hai, tiềm lực quản lý. Tiềm lực quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch bao
gồm tiềm lực bộ máy, tiềm lực con người, tiềm lực vật chất (tiền bạc và trang thiết bị). Quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch là quá trình tác động có mục đích thông qua các phương thức, công cụ… của nhà nước đến hoạt động cung ứng dịch vụ du lịch. Chính vì thế, vấn đề tiềm lực quản lý với bao gồm: tiềm lực về tổ chức bộ
máy, tiềm lực về tư duy và kỹ năng của con người, tiềm lực về vật chất sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch.
Tiềm lực về tổ chức là sự kiện toàn của các tổ chức được trao quyền quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch. Các tổ chức này càng được tổ chức chặt chẽ, khoa học với sự phân công, phối hợp logic, nhịp nhàng sẽ đảm bảo cho việc thực thi thẩm quyền quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch được đầy đủ, toàn vẹn. Ngược lại, sự chồng chéo sẽ khiến cho nhiều nội dung quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch sẽ bị bỏ ngỏ, trong khi đó nhiều nội dung khác sẽ bị chồng lấn về thẩm quyền. Không những thế, một tổ chức thông suốt và có thứ bậc sẽ đem lại quyền uy cho hoạt động quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch nói riêng và quản lý nhà nước nói chung.
Tiềm lực về con người là khả năng nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, về nội dung, phương thức và thẩm quyền quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch của các cá nhân công quyền được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch. Có được các nhận thức này một cách đầy đủ, người thực thi mới hiểu rõ được bản chất hành vi công vụ của mình, từ đó trực tiếp quy định hành vi kỹ năng quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch của cá nhân đó. Nếu hoạt động quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch được thực thi bởi một bộ máy nhân sự chuyên nghiệp, tài năng và tận tâm, thì hoạt động quản lý mới sớm đạt được mục tiêu. Ngược lại, chính những cá nhân yếu kém về nhận thức và hành vi sẽ cản trở hoạt động quản lý này đạt tới mục tiêu.
Tiềm lực về vật chất bao gồm tiềm lực về các nguồn tài chính và nguồn lực về các trang thiết bị phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch. Quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch nói riêng trong thời kỳ mới đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn về vật lực để ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý. Việc ứng dụng công nghệ thông tin với sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại sẽ giúp hoạt động quản lý diễn ra nhanh chóng, chính xác, minh bạch và hiệu quả cao. Ngược lại, nếu vật lực yếu kém, lạc hậu, công tác quản lý chủ yếu xoay quanh các phương thức thủ công sẽ mang đến sự chậm trễ và thiếu
công bằng trong hoạt động quản lý, gây ra những kìm hãm cho sự phát triển của dịch vụ du lịch quốc gia hoặc địa phương.
Thứ ba, các vấn đề thuộc về môi trường tự nhiên. Các vấn đề của môi trường
tự nhiên như địa hình, khí hậu, thiên tai… cũng tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch. Cụ thể, vị trí địa lý với quy mô của lãnh thổ hay sự phức tạp của địa hình sẽ tác động trực tiếp đến cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch. Phạm vi càng rộng và địa hình các phức tạp tất yếu sẽ đòi hỏi càng cao về sự phân nhánh của các tổ chức hoặc cá nhân được trao quyền quản lý và ngược lại. Vấn đề khí hậu tác động đến các quy định về thời gian và nội dung quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch. Các dịch vụ du lịch bản chất là những giá trị hưởng thụ được cung ứng bởi các nhà cung cấp dịch vụ, nó chịu tác động của vấn đề khí hậu rõ rệt. Ví dụ: dịch vụ cung cấp đồ ăn, thức uống sẽ có sự biến đổi về chất lượng khác nhau giữa mùa đông và mùa hè. Chính vì thế, nhà quản lý cũng phải nắm bắt được các quy luật để có những quy định về quy chuẩn khi thanh tra, kiểm tra và giám sát chất lượng của các sản phẩm này. Đối với thiên tai, chủ yếu tác động của nó là những cản trở tiêu cực đến hoạt động du lịch nói chung và cung ứng dịch vụ du lịch nói riêng. Do đó, thiên tác cũng tác động tiêu cực trực tiếp đến hoạt động quản lý dịch vụ du lịch. Ví dụ, ngập lụt tại thành phố Hội An diễn ra thường xuyên khiến cho hoạt động du lịch bị đình trệ trong một khoảng thời gian nhất định, các dịch vụ du lịch vì thế cũng bị hạn chế. Hoạt động quản lý nhà nước về du lịch tất yếu cũng không thể thực hiện hết các nội dung quản lý của mình một cách bình thường.
Thứ tư, những vấn đề văn hoá và trình độ dân trí. Văn hoá và dân trí tác động
trực tiếp đến cách thức cung ứng và hưởng thụ dịch vụ du lịch, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch. Vấn đề văn hoá quy định nội dung của dịch vụ du lịch. Ví dụ, đất nước Thái Lan có đặc trưng văn hoá là sự phổ biến và tôn sùng Phật giáo và Hoàng gia. Do đó, người du lịch phải ăn mặc kín đáo khi tham quan các công trình thuộc hai vấn đề kể trên. Từ đó tạo ra dịch vụ cho thuê tấm vải choàng cho những du lịch ăn mặc không kín đáo. Điều
này đồng nghĩa với việc quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch của Thái Lan và các địa phương thuộc quốc gia này phải bổ sung thêm nội dung quản lý về dịch vụ cho thuê tấm vải choàng với các khía cạnh quản lý như: điều kiện cho thuê; giá cả; địa điểm; màu sắc… Nội dung này hoàn toàn không xuất hiện trong quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch ở Việt Nam do sự khác biệt về đặc điểm văn hoá của người Việt và người Thái.
Vấn đề trình độ dân trí cũng tác động rất lớn đối với quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch. Trình độ dân trí của các chủ thể cung ứng dịch vụ du lịch là việc hiểu và tuân thủ các quy định về quyền và nghĩa vụ, trong đó đặc biệt là các nghĩa vụ của mình khi cung ứng dịch vụ du lịch. Ở chiều hướng khác, trình độ dân trí của khách du lịch là sự hiểu biết của người du lịch về quyền và nghĩa vụ, trong đó đặc biệt là quyền của mình khi hưởng thụ các dịch vụ du lịch. Nếu trình độ dân trí của cả hai đối tượng đều cao, mối quan hệ cung ứng – hưởng thụ sẽ được diễn ra trên cơ sở sự tác động qua lại của sự thoả thuận. Trong đó, nghĩa vụ của người này là cơ sở để thoả mãn quyền của người khác và ngược lại. Trạng thái này cần rất ít đến sự hiện diện của nhà nước. Ngược lại, sự không hiểu rõ và tuân thủ các quyền và nghĩa vụ của mình sẽ dẫn tới các xung đột về lợi ích đôi bên hoặc dẫn đến người cung ứng vi phạm các nguy cơ của cung ứng dịch vụ du lịch thì đòi hỏi sự quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch phải mạnh mẽ hơn.
Thứ năm, sự tác động của quốc tế. Sự tác động của quốc tế bao gồm hai vấn
đề: vấn đề hội nhập quốc tế và vấn đề tiêu cực của quốc tế.
Quá trình, mức độ và quy mô hội nhập quốc tế có tác động trực tiếp đến hoạt động quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch của một quốc gia, thậm chí là của một địa phương cụ thể. Các quốc gia càng hội nhập sâu rộng càng đón nhận nhiều lượng khách du lịch quốc tế. Dịch vụ du lịch cung cấp cho du khách quốc tế có sự khác biệt với dịch vu du lịch dành cho du khách nội địa. Đầu tiên, các dịch vụ du lịch phải đảm bảo phổ biến, vừa đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu du khách đến từ rất nhiều đất nước với đa dạng nền văn hoá, sắc tộc và tôn giáo. Nhưng đồng thời dịch vụ du lịch đó phải không trái với các quy tắc văn hoá, sắc tộc và tôn giáo đó của
một hay nhiều cộng đồng quốc tế. Tiếp đó, dịch vụ du lịch dành cho du khách quốc tế có tiêu chuẩn cao hơn dành cho du khách nội địa. Điều này không có nghĩa là dịch vụ du lịch phải coi trọng du khách quốc tế mà xem nhẹ du khách nội địa. Bản chất của vấn đề nằm ở chỗ, du khách quốc tế tiêu tốn nhiều chi phí hơn du khách nội địa cho cùng một điểm du lịch do khoảng cách địa lý, ngôn ngữ, sinh hoạt… chính vì thế họ luôn có tâm lý yêu cầu dịch vụ du lịch cao hơn so với tiêu chuẩn chung của du khách nội địa. Sự tác động này cũng có ảnh hưởng trực tiếp tới quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch trong khâu định hướng và giám sát chất lượng và việc tuân thủ nguyên tắc của các nhà cung ứng. Càng hội nhập sâu rộng, thu hút được nhiều du khách quốc tế thì công tác quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch càng nặng nề với đa dạng các nội dung quản lý hơn và ngược lại.
Tiểu kết Chương 1
Như vậy, thông qua kết quả nghiên cứu lý luận về quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch có thể thấy, đây là một hoạt động có chủ đích của nhà nước, tác động vào hoạt động cung ứng và thụ hưởng dịch vụ du lịch để đạt được những mục đích đã dự liệu trước. Hoạt động quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch có 04 nội dung chính bao gồm: ban hành văn bản quản lý; tổ chức thực hiện các văn bản quản lý; thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động dịch vụ du lịch và xử phạt hành chính trong lĩnh vực này. Phương thức được sử dụng trong quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch bao gồm: phương thức thuyết phục; phương thức hành chính; phương thức kinh tế và phương thức cưỡng chế.Quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch chịu ảnh hưởng, tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan như: những yếu tố thuộc về môi trường tự nhiên; thể chế quản lý; năng lực nhận thức và thực thi của chủ thể quản lý; vấn đề văn hoá và dân trí; tác động của hội nhập quốc tế.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DỊCH VỤ DU LỊCH TẠI THÀNH PHỐ HỘI AN, TỈNH QUẢNG NAM
2.1. Những đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội của thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam có liên quan đến quản lý nhà nước về dịch vụ du lịch