Tình hình nghiên cứu trong nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phân tích nồng độ hydrocarbon đa vòng thơm (PAHs) trong không khí tại hà nội theo độ cao bằng phương pháp lấy mẫu thụ động, sử dụng thiết bị GC MS (Trang 25 - 26)

Việt Nam là một quốc gia nằm trong nhóm nước có nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt là quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đang phát triển nhanh chóng. Vì thế, môi trường không khí tại các đô thị bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Các thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, ô nhiễm không khí là rõ rệt và đang trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Các nghiên cứu về sự ô nhiễm của PAHs ở nước ta đã được thực hiện từ cuối những năm 1990. Các PAHs đã được phát hiện trong nhiều thành phần môi trường khác nhau như không khí [27, 28], đất và trầm tích [27, 29, 30], bụi lắng [10, 11] và sinh vật với cách lấy mẫu cơ động, nhanh chóng. Việc phát hiện, phân tích hàm lượng, thành phần PAHs trong pha khí thì vẫn còn rất hạn chế, các nghiên cứu PAHs trong không khí chủ yếu được nghiên cứu bằng cách lấy mẫu trực tiếp ở tầm thấp với thời gian ngắn, chưa đánh giá được tổng quan hết mức độ ô nhiễm tại khu vực. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, sự ô nhiễm PAHs trong môi trường ở nước ta có liên quan chặt chẽ đến quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và hoạt động giao thông. Những rủi ro về sức khỏe, bao gồm cả rủi ro ung thư liên quan đến phơi nhiễm PAHs từ môi trường (ví dụ như bụi ngoài đường ở khu vực đô thị) đã được đề cập đến trong một số nghiên cứu [31, 32]. Tuy nhiên thông tin về mức độ ô nhiễm và các rủi ro liên quan đến PAHs trong môi trường không khí ở nước ta là chưa nhiều [33, 34]. Trong môi trường không khí ở Hà Nội, theo tác giả Vũ Đức Toàn (2010) cho thấy ô nhiễm PAHs trong không khí tại Hà Nội đã ở mức độ khá cao. Nồng độ cực đại của 28 PAHs trong các mẫu bụi và mẫu khí năm 2007 lần lượt là 290 và 1300 ng/m3. PAHs phân bố ở phạm vi rộng với hàm lượng đáng kể của một số PAHs có khả năng gây ung thư cao. Nguồn thải PAHs chủ yếu là từ khói thải của các động cơ sử dụng nhiên liệu không có bộ xử lí khí thải [35].

Hoàng Quốc Anh và cộng sự (2019) đã có công trình nghiên cứu hàm lượng của 16 PAHs được xác định ở mẫu bụi lắng trong nhà và trên mặt đường thu thập tại khu vực đô thị trung tâm của Hà Nội. Kết quả cho thấy nồng độ của PAHs trong mẫu bụi trong nhà và ngoài đường dao động tương ứng trong

khoảng 830-3500 ng/g và 1400-4700 ng/g. Mức độ ô nhiễm PAHs trong mẫu bụi nằm ở mức trung bình so với các quốc gia khác trên thế giới [34].

GS. Nghiêm Trung Dũng thực hiện đề tài: ''Nghiên cứu mức độ phát thải và lan truyền của các hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs) tại Hà Nội’’ năm 2003 cho thấy: không khí Hà Nội nhiễm PAHs ở mức độ cao. Nồng độ của 17 PAHs tại Thượng Đình, Chương Dương, Bách Khoa lần lượt là 168,88 ng/m3, 295,63 ng/m3, 144,93 ng/m3 [4].

Ở Thành phố Hồ Chí Minh, mẫu bụi được lấy tại 3 ví trí: tầng hầm bãi gửi xe, ven đường và không khí xung quanh từ ngày 27/12/2010 đến ngày 26/01/2011. Kết quả cho thấy, tổng nồng độ của 10 PAHs tại các vị trí tầng hầm, lề đường và không khí xung quanh lần lượt dao động từ 29,7 - 43,7 ng/m3, 37,1 - 45,7 ng/m3 và 8,8 - 18,1 ng/m3. Nồng độ cực đại của tổng PAHs được tìm thấy ở hạt bụi có kích thước < 0,4 µm tại vị trí tầng hầm và lề đường, trong khi đó tại vị trí không khí xung quanh nồng độ cực đại của tổng PAHs được tìm thấy ở hạt bụi có kích thước từ 0,4 - 0,7 µm [36]. Tại 3 điểm quan trắc ở thành phố Hồ Chí Minh, nút giao thông Phú Lâm có hàm lượng cao nhất là 147,92 ng/m3, các điểm còn lại lần lượt là: Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ 124,05 ng/m3, Hùng Xanh 87,04 ng/m3 [37].

Để đánh giá sự phân bố và nồng độ PAHs trong phát thải của máy phát điện động cơ diesel, Tôn Nữ Thanh Phương và cộng sự (2013) đã nghiên cứu thực hiện việc đo đạc và đánh giá được hệ số phát thải PAHs từ máy phát điện. Kết quả cho thấy nồng độ trung bình PAHs trong pha khí và pha hạt từ phát thải của nhiên liệu lần lượt là 180,12; 3,90 µg/m3. Các hợp chất có nồng độ cao trong phát thải ở pha khí là Naph, Ace; trong pha hạt là Phe, Flu, Pyr. Phát thải bụi PM và hệ số phát thải PAHs của động cơ lần lượt là 338,43 mg/m3; 7133,46 mg/l [38].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phân tích nồng độ hydrocarbon đa vòng thơm (PAHs) trong không khí tại hà nội theo độ cao bằng phương pháp lấy mẫu thụ động, sử dụng thiết bị GC MS (Trang 25 - 26)