Quan điểm tăng cường bảo đảm quyền tố cáo ở nước ta hiện nay

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo đảm quyền tố cáo của công dân từ thực tiễn thành phố đà nẵng (Trang 61 - 64)

Yêu cầu chung đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật ở nước ta được ghi rõ trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Với mục tiêu là phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch góp phần thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, Bộ Chính trị đã đưa ra những định hướng quan trọng, trong đó việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về khiếu nại hành chính. Theo tinh thần của Nghị quyết 48- NQ/TW thì mọi quyết định và hành vi hành chính trái pháp luật phải được phát hiện và có thể bị khởi kiện trước tòa án. Hoàn thiện pháp luật bảo đảm quyền tố cáo đòi hỏi các quy định về thủ tục giải quyết tố cáo phải được đổi mới theo hướng công khai, đơn giản, thuận lợi cho dân, đồng thời bảo đảm tính thông suốt, hiệu quả của quản lý hành chính. Nghị quyết số 48-NQ/TW cũng đặt ra nhiệm vụ phải xây dựng cơ chế bảo vệ Hiến pháp và luật, hoàn thiện pháp luật về quyền giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của các cơ quan dân cử, quyền giám sát của công dân đối với hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức. Chính vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền tố cáo cũng cần đáp ứng được các yêu cầu này.

Có thể nhận thấy rằng quyền tố cáo của công dân có những bảo đảm gồm: những điều kiện khách quan của sự phát triển xã hội và những phương tiện do nhà nước và xã hội tạo ra cho công dân để thực hiện được quyền tố cáo, bảo vệ họ khi thực hiện các quyền đó.

3.1.1. Bảo đảm kinh tế

Với chính sách kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, Nhà nước ta ngày càng tạo ra những điều kiện cần thiết để công dân thực hiện các quyền và tự do được pháp luật thừa nhận. Mục đích chính sách kinh tế của Nhà nước ta là phát triển dân sinh, dân giàu, nước mạnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân… Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước ta là đặt con người vào vị trí trọng tâm, giải phóng và phát huy mọi tiềm năng của mỗi cá nhân, tập thể và cả dân tộc. Đó chính là những tiền đề, điều kiện đảm bảo về kinh tế để mọi công dân thực hiện tốt các quyền tự do và nghĩa vụ của mình, trong đó có quyền khiếu nại, tố cáo.

3.1.2. Bảo đảm chính trị

Quyền và nghĩa vụ của công dân nói chung, quyền khiếu nại, tố cáo nói riêng được đảm bảo bằng thể chế chính trị của nền dân chủ. Ở nước ta hiện nay, bảo đảm chính trị quan trọng nhất là sự cầm quyền của Đảng Cộng sản đối với Nhà nước và xã hội, hoạt động quản lý của Nhà nước và sự tham gia chính trị của các tổ chức xã hội. Trong hoạt động bảo đảm các quyền và nghĩa vụ của công dân, các cơ quan Nhà nước cần quan hệ chặt chẽ với các tổ chức xã hội, đặc biệt là những tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vì đó là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ là bảo đảm về chính trị trong việc thực hiện quyền của công dân, trong đó có quyền khiếu nại, tố cáo.

3.1.3. Bảo đảm tư tưởng

Hệ tư tưởng Mác-Lênin, những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức và truyền thống dân tộc, con người Việt Nam, sự thống nhất của chính trị, tư tưởng và đạo đức, tình hữu ái giai cấp, tình đồng chí, sự phát triển trình độ văn hoá xã hội là những bảo đảm về mặt tư tưởng cho việc thực hiện các quyền, tự do, nghĩa vụ cơ bản của công dân, trong đó có quyền khiếu nại, tố cáo.

3.1.4. Bảo đảm pháp lý

Bảo đảm pháp lý đối với quyền khiếu nại, tố cáo của công được xem xét ở hai phương diện khác nhau. Đó là chế độ (hay môi trường) pháp lý - chính trị, trong đó quyền khiếu nại, tố cáo tồn tại cùng với các quyền, nghĩa vụ khác của công dân và được tổ chức thực hiện. Phương diện thứ hai đó là cơ chế

hoạt động của các cơ quan nhà nước tổ chức thực hiện quyền công dân, nhằm giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân. Tất cả các quy định của pháp luật về quyền công dân, kể cả quyền khiếu nại, tố cáo của công dân và phương thức hoạt động của các cơ quan Nhà nước nhằm giải quyết khiếu nại, tố cáo là bảo đảm pháp lý.

Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo cần phải tôn trọng: quyền tự khiếu nại tố cáo hoặc thông qua người hợp pháp để khiếu nại tố cáo; được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm hại, được bồi thường thiệt hại…Đồng thời, pháp luật còn bảo đảm quyền của người bị tố cáo, đưa ra bằng chứng về tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị tố cáo.

Để bảo vệ quyền tố cáo của công dân, pháp luật hình sự còn quy định cụ thể biện pháp hình phạt: phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Như vậy, việc ban hành điều cấm, các hình thức xử lý vi phạm là những bảo đảm pháp lý vững chắc có hiệu quả cho việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân, cơ quan, tổ chức nhằm nâng cao tính tích cực của công dân trong đấu tranh, phòng các vi phạm pháp luật nhằm tăng cường, củng cố pháp chế XHCN và trật tự pháp luật XHCN.

3.1.5. Bảo đảm xã hội

Bảo đảm xã hội là tổng thể những biện pháp do các tổ chức xã hội thực hiện nhằm bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện trên thực tế, góp phần loại trừ mọi hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Những biện pháp đó gồm: công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, viên chức, nhân dân; sự kiểm tra, giám sát của cán bộ các tổ chức đối với việc thực hiện pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, của các cơ quan nhà nước, những người có chức vụ.

Tóm lại, chế định pháp luật về bảo đảm quyền tố cáo của công dân ở nước ta không ngừng phát triển ngày càng hoàn thiện, đầy đủ và cụ thể hơn về mặt nội dung và hình thức. Sự luôn hoàn thiện của pháp luật là một điều kiện tiên quyết đảm bảo việc thực hiện quyền tố cáo, tạo cơ chế bảo đảm quyền tự do, lợi ích hợp pháp của công dân. Cuộc cải cách nền hành chính đã càng đẩy mạnh việc giải quyết khiếu nại của công dân. Soát xét, bổ sung và thể chế hoá các đường lối, chính sách đối với lĩnh vực dân khiếu nại, tố cáo nhiều là tiền đề chính trị-tư tưởng cho việc hoàn thiện pháp luật về quyền khiếu nại và quyền tố cáo của công dân, mở ra khả năng thực tế nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của Toà án trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo đảm quyền tố cáo của công dân từ thực tiễn thành phố đà nẵng (Trang 61 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)