2.1. Khái quát tình hình áp dụng án treo trên địa bàn tỉnh Bình Phước Phước
Bình Phước là một tỉnh biên giới thuộc vùng Đông Nam Bộ, là tỉnh biên giới có vị trí đặc biệt quan trọng của vùng với diện tích tự nhiên là 6871,5 km2, với dân số khoảng 921.411 người, mật độ dân số bình quân khoảng 135 người/km2, phía Nam giáp tỉnh Bình Dương, phía Bắc giáp tỉnh Đắk Nông và Campuchia, phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và Campuchia. Tỉnh Bình Phước bao gồm 8 huyện và 3 thị xã, cụ thể: Các huyện Đồng Phú, Phú Riềng, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Bù Đăng, Chơn Thành, Hớn Quản, Lộc Ninh và có 3 thị xã là Đồng Xoài, Bình Long, Phước Long.
Những năm vừa qua, Bình Phước có tốc độ tăng trưởng kinh tế có sự phát triển ở mức khá cao so với bình quân của khu vực và cả nước, bình quân gần 10%/năm, tình hình kinh tế và chính trị đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong toàn tỉnh không ngừng được nâng cao. Bên cạnh những thành tựu đạt được thì Bình Phước cũng còn nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội còn tồn tại như: Chênh lệch giàu nghèo tăng, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp...
Tính trung bình từ năm 2016 đến năm 2020 Tòa án hai cấp của tỉnh Bình Phước xét xử: 5352 vụ với 9660 bị cáo trung bình 1070,4 vụ với 1932 bị cáo 1 năm, cụ thể: Năm 2016 Tòa án nhân dân hai cấp của tỉnh Bình Phước xét xử 1064 vụ với 1915 bị cáo. Năm 2017 xét xử 940 vụ với 1678 bị cáo (giảm 124 vụ và giảm 237 bị cáo so với năm 2016). Năm 2018 xét xử 862 vụ với 1600 bị cáo (giảm 78 vụ và 78 bị cáo so với năm 2017). Năm 2019 xét xử 1212 vụ với 2111 bị cáo (tăng 350 vụ và 511 bị cáo so với năm 2018). Năm
2020 xét xử 1274 vụ với 2356 bị cáo (tăng 62 vụ và 245 bị cáo so với năm 2019).[Bảng 2.2. Phần phụ lục].
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, trong thời gian tới, các loại tội phạm: Buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, tệ nạn mại dâm, cờ bạc, ma túy, tình hình tội phạm băng, nhóm có tổ chức, nhất là các băng, nhóm tội phạm bảo kê, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi... diễn biến ngày càng phức tạp hơn và có chiều hướng ngày càng gia tăng cả về tính chất và mức độ phạm tội. Vì vậy, các cấp chính quyền cần có giải pháp cụ thể để phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả các loại tội phạm trên.
Thực tế hiện nay khi so sánh việc cho hưởng án treo của Việt Nam với các nước khác trên thế giới thì tỷ lệ cho hưởng án treo của Việt Nam còn thấp hơn nhiều. Nếu như vào năm 2008 tỉ lệ các bị cáo được hưởng án treo chiếm khoảng 28% người bị kết án (tỷ lệ chung của cả nước theo nghiên cứu của PGS.TS Trần Văn Độ). Mặc dù vậy, thông qua kết quả xét xử phúc thẩm của Tòa án cũng cho thấy số bản án sơ thẩm bị cấp phúc thẩm sửa từ phạt tù giam chuyển sang phạt tù nhưng cho hưởng án treo thường cao gấp 3-4 lần số bản án sơ thẩm bị sửa từ phạt tù cho hưởng án treo sang phạt tù giam. Từ đó cho thấy trong nhiều vụ án đáng lẽ bị cáo có thể được hưởng án treo nhưng Tòa án quyết định cho họ được hưởng án treo. Ở các nước khác trên thế giới, theo nghiên cứu thì tỉ lệ người phạm tội bị kết án phạt tù chỉ chiếm 50%-60% số người phạm tội, còn ở Việt Nam khoảng 80 – 83%, cho thấy tỷ lệ người phạm tội bị kết án phạt tù ở Việt Nam còn khá cao.
Cũng theo số liệu thống kê, tổng hợp của TANDTC thì:
– Năm 2015: có 21.450 bị cáo được hưởng án treo/106.078 bị cáo;
chiếm tỷ lệ 20,2%.
– Năm 2016: có 18.443 bị cáo được hưởng án treo/103.985 bị cáo; chiếm tỷ lệ 17,7%.
Năm 2017: có 17.644 bị cáo được hưởng án treo/94.423 bị cáo; chiếm tỷ lệ 18,7% [37]
- Năm 2018: có 21.234 bị cáo được hưởng án treo/92.146 bị cáo; chiếm tỷ lệ 23%.
- Năm 2019: có 21.862 bị cáo được hưởng án treo/93.320 bị cáo; chiếm tỷ lệ 23,4%.
[Bảng 2.1, phần phụ lục]
Qua bảng số liệu thống kê thực tế cho thấy số người phạm tội được hưởng án treo ở Bình Phước trong 5 năm qua là 1121 vụ với 1403 bị cáo, trung bình 224,2 vụ với 280,6 bị cáo/năm chiếm tỷ lệ (1403/9660 bị cáo) khoảng 14,5 % 1 năm so với số người bị kết án được hưởng án treo của cả nước năm 2016 là 17,7 %; tỷ lệ này năm 2017 là 13,5 %, năm 2018 là 10,6; năm 2019 là 22,4%; năm 2020 là 19,1%. Cụ thể như sau: năm 2016 xảy ra 198 vụ với 258 bị cáo được hưởng án treo; năm 2017 xảy ra 111 vụ với 170 bị cáo được hưởng án treo; năm 2018 xảy ra 125 vụ với 172 bị cáo được hưởng án treo; năm 2019 xảy ra 289 vụ với 353 bị cáo được hưởng án treo; năm 2020 xảy ra 398 vụ với 448 bị cáo được hưởng án treo. Tỷ lệ người được hưởng án treo từ năm 2016 đến năm 2020 chiếm khoảng 14,5 %. Tình hình người phạm tội được hưởng án treo trên địa bàn tỉnh Bình Phước thời gian qua cho thấy: tỷ lệ người bị kết án được hưởng án treo so với các hình phạt khác của Toà án nhân dân tỉnh Bình Phước có thể thấy số lượng người bị kết án được hưởng án treo so với các hình phạt khác chiếm một tỷ lệ tương đối và đang có xu hướng tăng dần trong các năm 2019 và 2020. Đây là một kết quả đáng khích lệ, thấy được vai trò và tầm quan trọng của áp dụng án treo trong hoạt động xét xử các vụ án hình sự… Qua công tác thi hành án, theo dõi, giám sát, giáo dục các đối tượng chấp hành án treo tại địa phương nơi cư trú, làm việc của họ thì thấy rằng phần lớn các đối tượng này cải tạo tốt tại địa phương, khoảng hơn 90% số người bị kết án được hưởng án treo không phạm
tội mới trong thời gian thử thách. Đây có thể coi là hiệu quả của việc áp dụng chế định án treo trong hoạt động xét xử của ngành toà án nói chung và ngành Toà án nhân dân tỉnh Bình Phước nói riêng.