Các nhân tố chủ quan:

Một phần của tài liệu Niên luận "Đi tìm độ vênh giữa bản dịch với nguyên tác thơ Đường trong SGK" pot (Trang 49 - 52)

Việc dịch thơ Đường một mặt chịu tác động của những nhân tố khách quan như văn cảnh xã hội, mặt khác lại bị quy định một cách trực tiếp bởi những nhân tố chủ quan, thuộc chính những người dịch. Dưới đây chúng tôi sẽ làm rõ hơn vai trò của một số nhân tố này trong dịch thuật Đường thi.

a. Tầm đón đợi (kinh nghiệm thẩm mĩ):

Khái niệm tầm đón đợi trong tiếp nhận văn học, chúng tôi đã đề cập đến ở phần trên. Thực chất đối với dịch thơ Đường, tầm đón đợi của dịch giả là sự thể hiện năng lực văn học của họ trong việc phát hiện ra cái thế

giới sâu xa diệu vợi, cái “hồn Đường” tinh tế trong những kiệt tác Đường thi và năng lực chuyển tải nó qua những câu thơ tiếng Việt. Năng lực ấy trước hết là cái vốn Hán học, sự am hiểu văn hoá – văn học Trung Quốc đưa các dịch giả gần lại với những bài thơ Đường, tiếp cận và hiểu chúng. Cái năng lực chủ quan này liên quan mật thiết với yếu tố khách quan là sự gần gũi về không gian văn hoá, như đã nói ở trên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dịch. Tuy nhiên, bản thân mỗi dịch giả cũng lại có một năng lực khác mà chính nó góp phần tạo nên độ vênh giữa bản dịch thơ và nguyên tác. Đó là năng lực của một người nghệ sĩ, người làm công việc tái sáng tạo những bài Đường thi. Những người dịch thơ Đường như Tản Đà, Ngô Tất Tố… còn có bên trong họ một con người sáng tác với những kinh nghiệm riêng, quan điểm nghệ thuật riêng, và quan trọng nhất là có phong cách riêng. Những phong cách dịch thơ Đường riêng của Tản Đà, Ngô Tất Tố, Khương Hữu Dụng, Tương Như… ta đều đã thấy rõ. Dù phải dựa theo phong cách tác giả như một yêu cầu bắt buộc, trong mỗi bản dịch thơ ít nhiều vẫn phảng phất phong cách riêng của dịch thơ như một điều đương nhiên. Phải lưu ý rằng ở đây là sự tái sáng tạo những bài Đường thi bằng một ngôn ngữ khác với một con mắt nghệ thuật khác của những người sống cách nguyên tác cả mười thế kỉ, vì thế mà bản dịch không thể giống y như nguyên tác. Độ vênh giữa bản dịch thơ và nguyên tác ít hay nhiều lại phụ thuộc năng lực, sự tài hoa và tinh tế của cá nhân mỗi người dịch.

b. Quan niệm dịch thơ của những người dịch thơ Đường:

Là những người dịch thơ, đương nhiên những người dịch thơ Đường có ý thức sâu sắc về công việc của mình với tất cả những khó khăn của nó. Ở phần này chúng tôi muốn giới thiệu lại ý kiến của chính những dịch giả có bản dịch thơ được chọn vào SGK mà ta đang xét, qua đó để hiểu thêm về việc dịch thơ Đường và độ vênh - một điều rất khó tránh.

Từ lúc đọc đến lúc tìm tòi câu chữ để chuyển đạt ý hiểu của mình sau khi đọc, mỗi dịch giả nói chung và dịch thơ Đường nói riêng luôn bị ám

ảnh bởi những yêu cầu dịch sát, đúng, hay… Dịch giả Khương Hữu Dụng coi quá trình đọc - dịch chứa đầy những cám dỗ, từ đọc đến hiểu, rồi “người dịch đắm đuối với nguyên bản như người tình vậy”. Và đặc biệt, “dịch thơ Đường rất khó vì ý nghĩa quá hàm súc của mỗi chữ, mỗi câu trong bài thơ. Dịch thoát thì có khi không sát ý, sát nghĩa mà dịch thế nào vừa đạt được sát nghĩa, sát ý nhưng phải hay, phải thoát là không dễ [21]. Đủ thấy việc dịch thơ Đường - thứ thơ tinh tế đa nghĩa - cần nhiều tinh tuý học lực đến thế nào.

Tản Đà - người dịch tài hoa với những phút xuất thần – cũng cho rằng: “…dịch văn vần lại càng khó, vì là số chữ có hạn, điệu luật cố định, như kẻ ra tuồng ở trên chỗ sân khấu, phải theo khu thế mà múa mang… Cho nên trừ phi con nhà nghề, khó có câu thơ dịch nghe được, mà dẫu là nhà nghề thật, cũng còn có nhờ ở sự may” [14] “Con nhà nghề” ở đây chính là nhấn mạnh năng lực cá nhân, kinh nghiệm nghệ thuật.

Có thể thấy nhìn chung là các dịch giả dịch thơ Đường đã có ý thức rất rõ về công việc của mình với những yêu cầu, đòi hỏi của nó. Sự ý thức này một mặt khiến cho họ thêm cố gắng đem tinh thần và tài năng dồn vào mỗi câu chữ sao cho bản dịch của mình sát và hay. Mặt khác, đôi khi chính ý thức này tạo nên một sức ép vô hình ám ảnh các dịch giả, nếu không thoát ra được thì họ sẽ bị chữ nghĩa trói buộc, chạy theo san bằng độ vênh mà không thể cụ thể hoá ý hiểu của mình một cách tự nhiên. Khi đó bản dịch thơ tưởng như sát mà lại chỉ là một bản ráp chữ mất đi tính nghệ thuật, dù ý có sát cũng khó có thể coi là một bản dịch thành công. Và độ vênh vẫn tồn tại khi nhìn ở góc độ này hay góc độ khác.

Tiểu kết:

Mặc dù những yếu tố chủ quan cá nhân chi phối đến việc dịch thơ của những người dịch thơ Đường mà chúng tôi nêu trên đây còn sơ lược, chưa đầy đủ, nhưng qua đó phần nào cũng có thể thấy sự chi phối mạnh mẽ,

trực tiếp của chúng trong việc tạo nên độ vênh giữa bản dịch thơ và nguyên tác các bài Đường thi.

Cách đọc - dịch Đường thi của những người dịch thơ Đường thực chất là một cách tiếp nhận đặc biệt bị chi phối bởi nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Tình thế đó tạo nên không ít khó khăn, và độ vênh giữa bản dịch thơ và nguyên tác xuất hiện như một điều tất yếu.

KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu Niên luận "Đi tìm độ vênh giữa bản dịch với nguyên tác thơ Đường trong SGK" pot (Trang 49 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(57 trang)
w