Dịch giả người đọc đặc biệt:

Một phần của tài liệu Niên luận "Đi tìm độ vênh giữa bản dịch với nguyên tác thơ Đường trong SGK" pot (Trang 37 - 39)

Trước đây, mĩ học sáng tác khép kín chỉ thừa nhận mối quan hệ giữa tác giả và tác phẩm. Nhưng nay, mĩ học tiếp nhận đã bổ sung thêm vai trò vô cùng quan trọng của người tiếp nhận tác phẩm (tức người đọc). “Không có văn học nếu không có người đọc… văn học có từ mối quan hệ giữa tác phẩm và người tiếp nhận, từ đội ngũ thay đổi không ngừng về mặt lịch sử của những người tiếp nhận cùng thời và người tiếp nhận mai sau”[7, 149]. Đó là nói về văn học với những người đọc nói chung. Đối với những tác phẩm văn học được chuyển dịch sang một ngôn ngữ khác, cần phải nhấn mạnh đến một đối tượng người đọc đặc biệt: các dịch giả. Với người đọc

bình thường, họ có thể cảm nhận tác phẩm theo ý chủ quan của mình, tính đúng sai không ảnh hưởng gì nhiều đến việc tiếp nhận của người khác. Còn người dịch, họ trước hết cũng là người đọc – đọc tác phẩm bằng tri thức và cảm xúc của mình. Đặc biệt đối với những người dịch thơ, để dịch được thì họ phải là những độc giả tri âm, đồng cảm với tác giả, để lòng mình rung động theo nỗi lòng tác giả mà đi sâu vào thế giới của tác phẩm. Nhưng họ cũng đồng thời là người viết, người sáng tạo – tạo ra gương mặt mới cho tác phẩm bằng một ngôn ngữ khác. Việc này tất nhiên không loại trừ tính chủ quan trong cách đọc của người dịch, nhưng nó phải đáp ứng một yêu cầu khách quan: gương mặt mới của tác phẩm ra đời trên cơ sở cách đọc và hiểu ấy phải phản ánh đúng được những gì có trong nguyên tác. Nói cách khác, hoạt động tiếp nhận của dịch giả không chỉ là đọc đơn thuần mà phải đọc với thái độ nghiên cứu khoa học để hiểu nguyên tác một cách đúng đắn và sâu sắc, từ đó tạo cho nguyên tác một diện mạo “mới mà không khác”. Hoạt động sau cùng mang tính sáng tạo đó của dịch giả lại là việc làm khó khăn, phải thống nhất được hai điều mâu thuẫn: vận dụng ngôn ngữ dịch sao cho vừa trung thành với nguyên tác, lại vừa phải sử dụng đúng và hay bản thân ngôn ngữ dịch đó.

Bất kì một người đọc nào, trước thời điểm đọc tác phẩm, họ đã có sẵn một khả năng tiếp nhận, một tầm hiểu biết nhất định về mặt văn học. Gọi theo thuật ngữ chuyên biệt của mĩ học tiếp nhận, đó là “tầm đón đợi” – “hệ quy chiếu có thể trình bày được một cách khách quan mà đối với mỗi tác phẩm ở thời điểm lịch sử xuất hiện của nó, hệ quy chiếu đó sẽ được rút ra từ ba yếu tố cơ bản: kinh nghiệm có trước của công chúng về thể loại của tác phẩm, hình thức và hệ đề tài của tác phẩm trước đó mà nó yêu cầu phải tìm hiểu; và sự đối lập giữa ngôn ngữ thi ca và ngôn ngữ thực tế, giữa thế giới tưởng tượng và thực tế hàng ngày”[6, 201- 202]. Hiểu một cách đơn giản hơn, nó là một hệ quy chiếu thuộc về kinh nghiệm văn học của người tiếp nhận, là những kiến thức hiểu biết về văn học (dù sơ lược hay sâu sắc),

là nhu cầu, trình độ thưởng thức liên quan đến kinh nghiệm sống, hứng thú, quan điểm và lí tưởng thẩm mĩ của người đọc. Với tư cách một người đọc, việc tiếp nhận và dịch thuật của các dịch giả đương nhiên cũng chịu sự chi phối của các yếu tố trên. Cụ thể đối với việc dịch thơ Đường, những người dịch đương nhiên là phải có một vốn Hán học nhất định nếu không nói là sâu sắc, có sự am hiểu Đường thi nói riêng và văn hoá, văn học Trung Quốc nói chung. Bên cạnh đó, một điều quan trọng là có niềm say mê đọc, dịch Đường thi. Đó không còn là niềm say mê của một người đọc thông thường mà là của một nghệ sĩ. Quá trình đọc thơ Đường của họ gắn với quá trình tái sáng tạo, kết quả là những bản dịch thơ ở một ngôn ngữ khác - tiếng Việt. Nói cách khác, đó là một quá trình mà người dịch phải tự có sự chuyển hoá khéo léo từ một người đọc đến một người viết với lí tưởng thẩm mĩ hoà quyện giữa lí tưởng thẩm mĩ riêng sẵn có của người làm nghệ thuật và lí tưởng mà tác giả đời Đường gửi gắm trong mỗi tác phẩm.

Một phần của tài liệu Niên luận "Đi tìm độ vênh giữa bản dịch với nguyên tác thơ Đường trong SGK" pot (Trang 37 - 39)