Những người dịch thơ Đường trong SGK THCS

Một phần của tài liệu Niên luận "Đi tìm độ vênh giữa bản dịch với nguyên tác thơ Đường trong SGK" pot (Trang 39 - 42)

Có thể nói, đội ngũ những người dịch thơ Đường ở nước ta khá đông đảo. Chỉ điểm qua một vài tờ báo những năm 20, 30 của thế kỉ trước cũng đã thấy rất nhiều gương mặt quen thuộc: Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục, Phạm Sỹ Vỹ, Á Nam Trần Tuấn Khải, Hoa Bằng, Trúc Khê, Tản Đà… Đó đều là những trí thức “vừa cũ vừa mới”, những nhà cựu học đã bắt đầu hướng theo tân học. Trong một phạm vi nhỏ, chúng tôi chỉ có thể nhắc đến những người làm công việc dịch Đường thi có bản dịch được chọn đưa vào SGK THCS. Thống kê lại các dịch giả và số bản dịch được chọn, ta có bảng sau:

Dịch giả Số

bản dịch Dịch giả

Số bản dịch

Khương Hữu Dụng 5 Hoàng Tạo 1

Tương Như 3 N.T

(Nhượng Tống)

Tản Đà 3 Trúc Khê 1

N.K.P 3 Phạm Sĩ Vĩ 1

Trần Trọng San 1

Có thể thấy, các dịch giả trên đây đều là những tên tuổi nổi bật, có vị trí nhất định trong làng dịch thuật Việt Nam. Đa số họ đều là những trí thức có hiểu biết về Hán học, có trình độ văn hóa và năng lực cảm thụ nghệ thuật ở mức độ sâu sắc hơn những người đọc thông thường. Trong mỗi bản dịch Đường thi được chọn đưa vào SGK, họ đều ít nhiều thể hiện được phong cách riêng của mình bên cạnh việc chuyển đạt phong cách tác giả. Để thấy rõ điều này, ta có thể xem xét cụ thể hơn ba trường hợp tiêu biểu, những bậc gạo cội trong việc dịch thuật Đường thi: Tản Đà, Khương Hữu Dụng, Tương Như (Nam Trân). Đây cũng là những dịch giả có số lượng bản dịch được chọn nhiều nhất.

Khương Hữu Dụng, Tương Như và Tản Đà đều được đánh giá là những người dịch thơ Đường có nhiều sáng tạo với nhiều bản dịch thành công. Trong ba dịch giả trên thì Tản Đà là người nổi tiếng với các bản dịch Đường thi sớm nhất. GS Lê Trí Viễn nhận định: “Xưa nay người dịch thơ ấy (thơ Đường) không ít, nhưng trừ Nguyễn Công Trứ phác chơi vài bài, chỉ có một dịch giả đích thực là nhà thơ Tản Đà”[21]. Chúng tôi nhắc lại nhận định này chỉ với ý khẳng định vị trí của Tản Đà – một bậc tiền bối dịch thơ Đường ở Việt Nam. Tản Đà đến với việc dịch Đường thi, một phần là trong hoàn cảnh “cơm áo không đùa với khách thơ”, nhưng cũng là do những phút ngẫu hứng xuất thần của bậc “tài tử đa cùng”. Không phải là người “bỏ công cả một đời” để dịch, nhưng ông cũng phải trăn trở khá nhiều mới có được những bản dịch hay, đạt đến đỉnh cao của thơ dịch ở Việt Nam mà bản dịch Hoàng Hạc lâu là một ví dụ. Trong SGK có 3 bản dịch thơ của Tản Đà dịch 3 tác phẩm: một của Lý Bạch, một của Đỗ Phủ và một của Thôi Hiệu. Theo chúng tôi, đây là sự lựa chọn khá hợp lí của

những người biên soạn. Các bản dịch này đều thể hiện được những nét gần gũi giữa phong cách của Tản Đà với phong cách của ba tác giả trên. Chất tài tử phong lưu của con người “Túi thơ đeo khắp ba kì/ Lạ gì sông biển, thiếu gì gió trăng” ấy dễ dàng tìm đến với nét bay bổng, mê đắm nghệ sĩ của Lý Bạch trong Thái liên khúc; nét thanh thoát mênh mang của Thôi Hiệu trong Hoàng Hạc lâu; nét ý vị, hòa nhập cảnh tình của Đỗ Phủ trong

Tuyệt cú (“Lưỡng cá hoàng li minh thúy liễu”). Những bản dịch đó của ông có cái gì tinh tế , dễ đưa tác phẩm thấm sâu vào lòng người.

Về Khương Hữu Dụng, “nếu suốt đời ông đã làm thơ như một ám ảnh thì cũng có thể nói suốt đời ông dịch thơ như một ám ảnh”[4, 14]. Nhà thơ, dịch giả Tế Hanh đánh giá: “cùng với Tản Đà, Khương Hữu Dụng là người dịch thơ Đường có nhiều sáng tạo hơn cả”. Tế Hanh đánh giá cao những bản dịch của Khương Hữu Dụng nhưng cũng nhận xét: “ Anh dịch thơ làm thơ, tìm tòi cân nhắc từng chữ. Nhiều khi vì quá tìm tòi nên mất đi cái phần tự nhiên ảnh hưởng đến bài thơ dịch”[21].. Điều này phần nào thể hiện ở những bản dịch thơ của Khương Hữu Dụng được đưa vào SGK mà ta đang xét. Một điều đáng chú ý là tất cả những bản dịch được chọn đều là dịch thơ Đỗ Phủ. 4/5 trong số đó là thơ tự sự, ngôn ngữ chân thực mộc mạc nhưng chất chứa rất nhiều tâm sự, tình cảm. Phải chăng nhiều khi để “mất đi cái phần tự nhiên” nên Khương Hữu Dụng chưa thành công lắm với những bài thơ “phiêu dật” của Lý Bạch? Hay vì cái lối sống thanh bạch, nhiều lo âu cho nước cho đời [21] đã đưa ông đến gần hơn, hòa điệu hơn với những tác phẩm đầy tâm tư của Đỗ Phủ? Chúng tôi xin dẫn ra đây một tư liệu của dịch giả Thúy Toàn: “Theo những người bạn sớm biết ông thì ông bắt đầu dịch thơ Đường từ những năm 30 của thế kỉ trước. Thoạt đầu ông tìm được ở những nhà thơ cổ điển Trung Quốc như Mạnh Hạo Nhiên, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Lục Du… là những người bạn tâm tình trong cuộc đời sớm gặp nhiều trắc trở, khó khăn, cô đơn của mình. Ông bắt tay vào việc dịch tác phẩm của họ như làm cái việc đối thoại, giãi bày tâm

sự của mình”[21]. Ở đây, với những bản dịch được chọn, chúng tôi thấy hình như ông đối thoại thành công nhất với “người bạn tâm tình” Đỗ Phủ sống cách mình hơn nghìn năm.

Dịch giả còn lại – Tương Như (Nam Trân) – cũng là gương mặt nổi bật trong làng dịch thuật Việt Nam. Đánh giá về sự nghiệp dịch thơ của Tương Như, Phùng Nam Điền viết: “Nam Trân dịch hàng trăm hàng nghìn bài thơ Đường và tạo được một phong cách dịch riêng khó lẫn. Ông có những bản dịch hay về Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Xương Linh, Vương Chi Hoán, Lệnh Hồ Sở… và nhiều nhà thơ khác. Mỗi dịch giả đều có những sở trường, sở đoản ở bài này, tác giả kia cũng là chuyện đương nhiên. Nhưng với Nam Trân – Tương Như quả là người dành cho thơ Đường nhiều tâm huyết nhất trong đội ngũ dịch giả thơ Đường ở Việt Nam về số lượng cũng như chất lượng”[8, 322]. Quả thực, các bản dịch thơ được chọn trong chương trình là minh chứng cho “phong cách dịch riêng”, cho “tâm huyết” của ông.

Thiết nghĩ ba gương mặt tiêu biểu trên cũng đã đủ giúp ta hình dung về những người làm công việc dịch thơ Đường ở nước ta, không chỉ là những dịch giả có bản dịch được chọn đưa vào SGK.

Tiểu kết:

Những người dịch thơ Đường là những người đọc rất đặc biệt, vừa đọc vừa sáng tạo với những nét riêng so với người đọc thông thường về năng lực cảm thụ, trình độ thẩm mĩ, vốn văn hoá (hiểu biết về Hán học và Đường thi)… Họ tiếp nhận Đường thi với năng lực, nhu cầu của người vừa là người đọc, vừa là người nghệ sĩ tái sáng tạo những bài thơ.

Một phần của tài liệu Niên luận "Đi tìm độ vênh giữa bản dịch với nguyên tác thơ Đường trong SGK" pot (Trang 39 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(57 trang)
w