Dịch thuật là một phương diện đặc biệt của tiếp nhận văn học (trong trường hợp tác phẩm đi từ không gian ngôn ngữ này sang không gian ngôn ngữ khác). Vì vậy, nó cũng không nằm ngoài sự chi phối của các nhân tố khách quan tác động đến hoạt động tiếp nhận, trong đó quan trọng nhất là các yếu tố văn hoá, xã hội thuộc một bối cảnh lịch sử nhất định. Dưới đây, chúng tôi sẽ xem xét sự tác động của các yếu tố này đến việc dịch thuật Đường thi nói chung và các bài thơ Đường trong SGK (THCS) nói riêng.
Trước hết, cần phải nói rằng, nếu chỉ dựa vào các thông tin trong SGK thì khó có thể thấy được bối cảnh văn hoá - lịch sử mà các bản dịch thơ ra đời. Chúng tôi đã thống kê nguồn gốc các bản dịch thơ Đường trong SGK với kết quả như sau:
SGK Văn 9 (1989): tất cả các bản dịch thơ chỉ nêu tên dịch giả (trong ngoặc đơn), không có thêm thông tin cho biết bản dịch lấy từ đâu.
SGK Văn học 9 (1995) và Ngữ văn 7 (2003):
Bản dịch thơ Người dịch Nguồn gốc
Hành lộ nan NKP Không có thông tin
Vọng Lư Sơn bộc bố Tương Như Thơ Đường, tập II, NXB Văn học, Hà Nội, 1987
Tĩnh dạ tứ Tương Như Thơ Đường, tập II, NXB
Văn học, Hà Nội, 1987
Thái liên khúc Tản Đà Không có thông tin
Thạch Hào lại Khương Hữu Dụng Không có thông tin
Giang bạn độc bộ tầm hoa
NKP Không có thông tin
Mao ốc vị thu phong sở phá ca*
Khương Hữu Dụng Thơ Đỗ Phủ, NXB Văn học, Hà Nội, 1962
Tuyệt cú (chùm 4 Tản Đà Không có thông tin Tương Như Không có thông tin
Tuyệt cú (chùm 6 bài)
Khương Hữu Dụng Không có thông tin
Phong Kiều dạ bạc K.D Thơ Đường, tập 1, NXB Văn
học, Hà Nội, 1987
Hồi hương ngẫu thư
Phạm Sĩ Vĩ Thơ Đường, tập I, NXB Văn học, Hà Nội, 1987
Trần Trọng San Thơ Đường, tập I, Bắc Đẩu, Sài Gòn, 1966
(*: bản dịch ở cả hai sách nhưng chỉ Ngữ văn 7 (2003) có thông tin)
Nhận xét: SGK Ngữ Văn 7 (2003), tất cả các bản dịch đều có thông tin về nguồn gốc rõ ràng. Về người dịch thì đa số các bản dịch của Tương Như (2/3) có thông tin, sau đó là Khương Hữu Dụng (1/3), Phạm Sĩ Vĩ, Trần Trọng San và tác giả K.D. Còn lại các bản dịch của Tản Đà và NKP đều không có thông tin xuất xứ.
Như vậy, SGK THCS không đưa ra đầy đủ thông tin về các bản dịch thơ được chọn. Nhưng ngay cả các thông tin mà SGK cung cấp cũng không có ý nghĩa gì trong việc tìm hiểu bối cảnh lịch sử - văn hoá mà các bản dịch thơ ra đời. Nguồn mà SGK đưa ra là các tuyển tập thơ Đường (sớm nhất là năm 1962), chúng tôi chắc chắn đây không phải là nơi lần đầu tiên các bản dịch này xuất hiện. Trên thực tế, Tản Đà, Khương Hữu Dụng… đều bắt đầu dịch Đường thi từ những năm 30 của thế kỉ XX, công bố trên các tờ báo, tạp chí lúc bấy giờ. Ví dụ như những bản dịch thơ của Tản Đà (đã được chọn đưa vào SGK THCS): Bản dịch Hoàng Hạc lâu đăng trên báo Ngày nay số 80 (10/10/1937), bản dịch Thái liên khúc đăng trên Ngày nay số 89 (10/12/1937), bản dịch Tuyệt cú đăng trên Ngày nay số 97 (13/2/1938). Hoàn cảnh lịch sử - văn hoá nước ta mấy chục năm đầu thế kỉ XX có nhiều
yếu tố tác động không nhỏ đến việc tiếp nhận và dịch thuật Đường thi. Đó mới chính là bối cảnh ra đời các bản dịch thơ Đường trong SGK THCS mà ta đang nghiên cứu.
Mấy thập kỉ đầu thế kỉ XX là thời kì xã hội Việt Nam có những đổi thay quan trọng. Sự đô hộ của thực dân Pháp đã khiến cho một xã hội phương Đông trì trệ lâu đời như nước ta biến đổi nhiều mặt: chính trị, kinh tế, kết cấu xã hội và đặc biệt là văn hoá – văn học. Âm mưu của thực dân Pháp lợi dụng chữ Quốc ngữ để tuyên truyền văn hoá Pháp, áp đặt một ách thống trị văn hoá, cộng với chính cố gắng xã hội hoá chữ Quốc ngữ của các nhà duy tân Việt Nam tạo nên một cuộc biến chuyển lớn lao: sự chuyển đổi vai trò chủ đạo từ văn tự chữ viết khối vuông (Hán, Nôm) sang hệ mẫu tự Latinh (chữ Quốc ngữ). Bước tiến dài trong tiến trình hiện đại hoá văn hoá này, bên cạnh những yếu tố tích cực là cơ bản, đã dẫn đến một nguy cơ khó tránh khỏi: sự đứt gãy của văn hoá đương đại với văn hoá truyền thống. Nhất là khi trong những năm đầu thế kỉ XX có cả một phong trào “bài cựu nghênh tân” quyết liệt. Trong tình hình đó, những giá trị văn hoá Hán học truyền thống cũng khó giữ trọn, nói gì đền văn chương cổ Trung Quốc, đến thơ Đường. Chính cái tình thế của thời buổi giao thời kim cổ đó đặt ra yêu cầu phải bảo tồn nền văn chương truyền thống (chữ Hán và chữ Nôm) và cả sợi dây liên hệ mật thiết với nó là những giá trị tiêu biểu của văn chương cổ Trung Hoa. Về phần mình, chính các nhà cựu nho có vốn tân học, có tâm huyết đã có ý thức dịch những vốn văn hoá truyền thống giàu giá trị để bảo tồn, mặt khác là bắc nhịp cầu nối với thế hệ mới - thế hệ tân học, thế hệ chủ yếu chỉ biết chữ Quốc ngữ. Trong công trình Việt Hán văn khảo khởi in trên Đông Dương tạp chí từ số 167 đến 180, Phan Kế Bính đã biên khảo, dịch thuật một số tác phẩm văn chương cổ Trung Quốc, trong đó có thơ Đường, coi đó như là “những vốn cần được bảo tồn, giới thiệu, và là cơ sở để hiểu văn chương Việt Nam” [15]. Như vậy, các bản dịch thơ Đường ra đời trong giai đoạn này chính là do nhu cầu bảo tồn văn hoá – văn học
truyền thống, do yêu cầu thời đại kim cổ giao thời và nhu cầu của một thế hệ độc giả mới. Có một số bản dịch là sưu tầm từ các bản dịch xưa (bản dịch chữ Nôm của Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến…), nhưng chủ yếu là do các dịch giả của thời kì này dịch mới và đăng trên các tạp chí.
Đến đây lại cần nói thêm một yếu tố tác động không nhỏ đến việc tiếp nhận, dịch thuật Đường thi trong vài thập kỉ đầu thế kỉ XX, đó là sự phát triển của xuất bản, báo chí. Theo yêu cầu thời đại, các tờ báo Quốc ngữ đã mang những bản dịch thơ Đường bằng Quốc ngữ tiếp cận với đông đảo người đọc thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội. Thực sự trên các tờ báo của những năm 30 đã có cả một phong trào dịch thơ Đường, tuy không phải là rầm rộ những cũng tồn tại khá lâu dài. Trên Nam Phong tạp chí (1917 – 1934) có Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục dịch và chú giải thơ Đường để “giới thiệu cổ học cho giới tân học” và Phạm Sĩ Vĩ dịch Thiên gia thi. Tản Đà dịch thơ Đường cho Tiểu thuyết thứ bảy (1934), Ngày nay
(1937 – 1938). Trên Đông Dương tạp chí (1937) có Á Nam Trần Tuấn Khải. Trên Tri Tân (1941 – 1946) có Hoa Bằng, Tùng Vân, Trúc Khê… Đến sau cách mạng, phong trào này vẫn còn tiếp tục (chủ yếu là trên báo chí miền Nam) với những đại diện như: tờ Văn hóa Nguyệt san (1955) và
Bách Khoa (1957) có Á Nam Trần Tuấn Khải, Đông Xuyên, Huyền Mặc, Hoàng Khôi…; Văn hoá ngày nay (1958) có Nhất Linh, Khái Hưng; tạp chí
Lành mạnh có Tương Phố, tập san Gió mới có một số bản dịch của Trần Trọng San. Nhìn chung, càng ngày càng vắng bóng những người biết chữ Hán, ham mê dịch thơ Đường nên các bản dịch Đường thi trên báo cũng ngày càng thưa thớt. Dù sao vẫn phải khẳng định sự phát triển của báo chí thời kì này tạo nhiều cơ hội cho việc dịch thuật nói chung và dịch thơ Đường nói riêng. Nhưng cũng cần thấy rằng, một khi đã gắn với báo chí, việc dịch thơ Đường mà ta đang nói đến không phải là một thú chơi nhàn tản, một niềm đam mê, không đơn giản là ý thức văn hoá đáp ứng nhu cầu thời đại. Đó là một công việc đúng nghĩa: dịch thơ bán cho các báo để lấy
tiền. Tính “cơm áo” cũng có những tác động nhất định đến việc đọc và dịch thơ Đường. Người dịch không phải là dịch cho riêng mình thưởng thức, nên bị chi phối cả bởi những yêu cầu của độc giả. Như Tản Đà tâm sự: “cái việc dịch thơ để đăng báo, nó làm cho mình cũng phải tuỳ thời như các báo. Dạo này mùa thu nên cũng phải dịch bài về mùa thu” [15]
Từ đầu những năm 40 trở đi, việc dịch thơ Đường đã có một bước phát triển mới là sự xuất hiện của các tuyển tập thơ Đường, tập hợp các bản dịch thơ Đường một cách đầy đủ hơn như: Đường thi (1940, 1942) của Ngô Tất Tố, Đường thi (1944) của Trần Trọng Kim, Thơ Đỗ Phủ (1944) của Nhượng Tống. Sau đó có thêm Thơ Đỗ Phủ (Nxb Văn học, H., 1962) do một số nhà thơ mới và Nam Trân, Khương Hữu Dụng dịch. Những tuyển tập đó chủ yếu đi theo hướng dịch thuật kết hợp với khảo cứu, mục đích như Ngô Tất Tố đã nêu: để cứu “nền Hán học đã tàn, tài liệu của việc khảo cứu đã sắp mai một”, và vì “lúc truyền vào trong nền văn hoá của ta, thơ Đường cũng vẫn chiếm phần ưu thắng”. Ngoài ra còn có một hướng đi khác như Trần Trọng Kim tiếp nối Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục tiếp tục dịch và giới thiệu theo từng thể thơ, dịch nguyên điệu nguyên vần, chú trọng đến “thi pháp” thơ Đường. Đến thời điểm hiện tại, các tập dịch thơ Đường vẫn tiếp tục xuất hiện, chủ yếu do niềm đam mê của bản thân người dịch, hoặc do yêu cầu khắc phục những thiếu sót của các bản dịch trước. Yếu tố tác động của hoàn cảnh khách quan đã thay đổi nhiều so với trước.
Nói tóm lại, các bản dịch thơ Đường thuộc giai đoạn mà chúng tôi đã đề cập đến (trong đó có các bản dịch đã được chọn đưa vào SGK) chủ yếu là kết quả của ý thức văn hoá của một tầng lớp dịch giả trước yêu cầu của văn học trong hoàn cảnh xã hội những thập kỉ đầu XX.
b. Sự gần gũi văn hoá và khoảng cách thời đại:
Việt Nam và Trung Quốc đã có sự giao lưu văn hoá từ lâu đời, trong đó văn hoá Việt Nam chịu ảnh hưởng rõ rệt của văn hoá và tư tưởng Trung Quốc. Xét về phương diện dịch thuật, đây là điểm thuận lợi cho các dịch
giả Việt Nam khi dịch thơ Đường. Những người dịch thơ Đường mà ta đã nói đến đều là những nhà cựu học, có vốn Hán học sâu sắc. Sự gần gũi, am hiểu văn hoá Trung Quốc mà cụ thể hơn là Đường thi là điều kiện cho họ tiếp cận, hiểu thấu đáo ngôn ngữ thi ca đời Đường, trên cơ sở đó dịch được một cách “tinh xác”, giữ được “vị Đường” trong những bản dịch thơ tiếng Việt. Đó là về phía dịch giả. Về phía công chúng tiếp nhận, người Việt Nam đã có truyền thống yêu thích thơ Đường truyền qua nhiều thế hệ. Trong thời đại mới, phần lớn độc giả không biết chữ Hán nhưng vẫn có niềm yêu thích đối với các kiệt tác Đường thi, vì thế vẫn có sự hào hứng nhất định đối với những bản dịch thơ mang “vị Đường” mà phảng phất hồn Việt. Điều này có tác động tích cực, tạo thêm động lực cho các dịch giả.
Nếu như sự gần gũi về không gian văn hoá tạo điều kiện thuận lợi cho dịch thuật Đường thi thì khoảng cách thời đại lại gây không ít khó khăn cho việc đọc đúng và dịch đúng. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho có độ vênh giữa bản dịch thơ và nguyên tác các bài Đường thi nói chung, các bài được chọn trong SGK THCS nói riêng. Khoảng cách thời gian đến cả ngàn năm khiến cho những người Trung Quốc đọc thơ Đường còn khó, việc dịch ra thơ tiếng Việt lại càng khó hơn nhiều. Cho dù là những người có vốn Hán học, am hiểu Đường thi, khoảng cách thời gian đó cũng tạo một khoảng dài ngăn cách, nên họ khó mà hiểu hết tinh thần, ý tưởng của các bài thơ của những thi nhân sống cách mình hơn mười thế kỉ. Ngôn ngữ Đường thi là thứ ngôn ngữ vô cùng hàm súc, sâu xa, tư duy hiện đại không dễ gì hiểu và diễn đạt được chính xác. Thậm chí, tư duy hiện đại nhiều khi đưa người dịch đi theo một hướng suy nghĩ khác, chệch hướng so với nguyên ý của nguyên tác. Vậy nên mới có những chỗ “vênh” do dịch theo tư duy hiện đại như Tương Như trong bản dịch
Vọng Lư Sơn bộc bố. “Dao khan bộc bố quải tiền xuyên” dịch thành “Xa trông dòng thác trước sông này” là bởi tư duy của người hiện đại nghĩ ngay đến một điều lôgic là thác nước đổ xuống dòng sông phía trước”.
Hoặc Tản Đà trong bản dịch bài Thái liên nữ dịch không chính xác một chỗ là “Phong phiêu hương duệ không trung cử” (Gió thổi ống tay áo đượm hương thơm bay trong không trung) dịch thành “thơm tho vạt áo gió tung…”. Có lẽ ông đã hiểu theo cách tư duy hiện đại là chỉ có vạt áo mới có thể bay trong gió mà quên mất rằng người Trung Quốc xưa thường mặc áo có ống tay rất rộng.
Cách hiểu hiện đại đã chi phối khá nhiều đến việc dịch Đường thi mà ta đang xét. Một hạn chế nổi bật là các bản dịch được chọn hầu như chỉ thể hiện được một cách hiểu trong khi nguyên tác đa nghĩa, nhiều cách hiểu. Do vậy, các bản dịch thơ dù có tài hoa đến đâu cũng khó có thể chuyển đạt trọn vẹn những gì có trong nguyên tác.
Tiểu kết:
Dịch thuật Đường thi bị ảnh hưởng khá nhiều bởi các yếu tố thuộc về hoàn cảnh xã hội và thời đại. Do yêu cầu khách quan của văn học trong bối cảnh “điều hoà tân cựu” tác động đến những người làm dịch thuật, các bản dịch thơ tiếng Việt của các bài Đường thi ra đời và được tiếp nhận một cách hứng thú. Chịu cả những tác động tích cực và tiêu cực của hoàn cảnh khách quan đó, các bản dịch thơ dù còn nhiều thiếu sót, có độ vênh so với nguyên tác, chúng vẫn tồn tại qua thời gian, được thừa nhận với những vị trí xứng đáng mà các bản dịch được chọn đưa vào SGK là ví dụ tiêu biểu.