hành tới nay
Với các mục tiêu chủ yếu là nhằm tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp được tự do cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật, bảo vệ quyền cạnh tranh hợp pháp trong kinh doanh và khuyến khích cạnh tranh lành mạnh, ngăn chặn hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh, đảm bảo việc cạnh tranh được thực hiện theo nguyên tắc trung thực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, Luật Cạnh tranh được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc để điều chỉnh các hành vi, quan hệ cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo.
Luật Cạnh tranh năm 2004 đã chỉ ra thế nào là các hành vi cạnh tranh không lành mạnh tại khoản 4 Điều 3, đó là “hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng”, chỉ ra các dạng hành vi cạnh tranh không lành mạnh ở Điều 39 và nhận diện các hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh ở Điều 45, bao gồm: (i) So sánh trực tiếp hàng hoá, dịch vụ của mình với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác; (ii) Bắt chước một sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng; (iii) Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng…
Trong các lĩnh vực pháp luật khác, nhiều văn bản pháp luật cũng quy định nghiêm cấm các hành vi quảng cáo sai sự thật, gian dối và nhằm cạnh tranh không lành mạnh như: Luật Thương mại năm 2005, Luật Chất lượng
sản phẩm hàng hóa năm 2004, Luật Dược năm 2005, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật Quảng cáo năm 2012…
Trong việc quy định các hình thức xử lý vi phạm đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, trong đó có quy định về mức xử phạt và thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh. Cũng tại Nghị định này, pháp luật quy định cho phép các bên bị thiệt hại do các hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh gây ra có quyền khởi kiện bên vi phạm ra Tòa án để đòi bồi thường thiệt hại đòi bồi thường và việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo các quy định của pháp luật về dân sự. Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 bên cạnh việc quy định về tội quảng cáo gian dối thì cũng đã có thêm quy định về tội “Vi phạm quy định về cạnh tranh”.
Có thể nói, sau khi Luật Cạnh tranh năm 2004 được ban hành tới nay, hệ thống các quy định pháp luật về cạnh tranh trong lĩnh vực quảng cáo đã lần lượt được ban hành, từ đó hình thành cơ chế nhận diện và xử lý hiệu quả các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo.