thiếu tính khả thi
Trong quá trình áp dụng pháp luật để xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo cho thấy, các quy định pháp luật trong lĩnh vực này rất khó đi vào thực tiễn, thể hiện ở các vấn đề sau đây:
Một là, phương thức xử lý và mức xử phạt đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo hiện nay là chưa thật sự phù hợp. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh đến 140 triệu đồng. Mức phạt này xét trên thực tế chưa đủ sức răn đe và ngăn ngừa vi phạm khi mức phí quảng cáo, đặc biệt khoản tiền phạt này càng mất ý nghĩa nếu tính cả mức độ trượt giá như hiện nay khi mà lợi nhuận từ hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ hoạt động quảng cáo lại lớn hơn gấp nhiều lần mức tiền nộp phạt, các doanh nghiệp sẵn sàng vi phạm và chịu phạt. Bên cạnh đó, biện pháp truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh chưa được chú ý nhiều. Đồng thời, trong thời gian qua, việc khởi kiện chủ thể hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo ra Tòa án nhân dân để đòi bồi thường thiệt hại dân sự cũng dường như không có trường hợp nào…
Hai là, chưa có căn cứ để làm rõ mục đích cạnh tranh không lành mạnh của chủ thể các hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh. Xin đơn cử một vụ việc mà Cục Quản lý cạnh tranh xử lý chưa thỏa đáng, đó là: Năm 2011, Acecook Việt Nam đã gửi đơn lên Cục Quản lý cạnh tranh khiếu nại mẫu quảng cáo của Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan đưa thông tin gây nhầm lẫn về chất lượng mì ăn liền và yêu cầu ngừng truyền thông. Theo Acecook, mẩu quảng cáo này có dấu hiệu của hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Thông điệp quảng cáo mì Tiến Vua bò cải chua của Công ty cổ phần Masan có nội dung: Khi cho nước sôi vào vắt mì, nếu nước trong tô chuyển sang màu vàng đục, chứng tỏ sản phẩm có sử dụng phẩm màu. Với cách so sánh hai hình ảnh vắt mì vàng sậm và vàng nhạt, quảng cáo đã gây ấn tượng mạnh cho người tiêu dùng “mì màu vàng sậm là có sử dụng phẩm màu”. Nhiều người tiêu dùng đã băn khoăn nhiều loại mì đang lưu hành trên thị trường lẫn mì mình từng sử dụng là không an toàn? Sau khi mẩu quảng cáo này liên tục được phát trên sóng truyền hình, Acecook Việt Nam đã khiếu
nại lên Cục Quản lý cạnh tranh, cho rằng quảng cáo của Masan gây nhầm lẫn về chất lượng mỳ ăn liền tạo sự hoang mang cho người tiêu dùng và yêu cầu Masan ngừng truyền thông về mẩu quảng cáo này.
Trong quá trình xử lý đơn khiếu nại, Cục Quản lý cạnh tranh nhận định rằng vụ việc nêu trên không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 45 Luật Cạnh tranh về “quảng cáo gian dối hoặc gây nhầm lẫn”. Theo cách giải thích của Cục, quy định đó chỉ áp dụng khi gây nhầm lẫn về chính sản phẩm của doanh nghiệp, chứ không áp dụng khi gây nhầm lẫn về sản phẩm của doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, trong văn bản trả lại hồ sơ, Cục Quản lý cạnh tranh nhận định quảng cáo nói trên của Masan có dấu hiệu của hành vi “quảng cáo nói xấu, so sánh hoặc gây nhầm lẫn với hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của người khác” bị cấm theo Nghị định 75/2010/NĐ-CP hoặc hành vi “quảng cáo có nội dung nói xấu, so sánh làm giảm uy tín, chất lượng hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác” bị cấm theo Nghị định 02/2011/NĐ-CP. Và theo đó, thẩm quyền xử lý thuộc về Bộ Thông tin và Truyền thông chứ không phải Cục Quản lý cạnh tranh.
Cục Quản lý cạnh tranh đã có nhận định có dấu hiệu của hành vi quảng cáo nói xấu, gây nhầm lẫn trong văn bản trả lại hồ sơ, thế nhưng lại viện dẫn quy định về quảng cáo chứ không vận dụng quy định về cạnh tranh. Đó là, quảng cáo nói trên của Masan có dấu hiệu của hành vi “quảng cáo nói xấu, so sánh hoặc gây nhầm lẫn với hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ của người khác bị cấm theo Nghị định số 75/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa hoặc hành vi “quảng cáo có nội dung nói xấu, so sánh làm giảm uy tín, chất lượng hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác” bị cấm theo Nghị định số 02/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Do đó, Cục Quản lý cạnh tranh chuyển vụ việc sang Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý. Điều này là không hợp lý và thể hiện việc thiếu trách nhiệm của Cục Quản lý cạnh
tranh khi muốn đùn đẩy phần việc lẽ ra của mình sang cho nơi khác. Bởi lẽ, về nguyên tắc, pháp luật cạnh tranh qui định cho Cục Quản lý cạnh tranh có thẩm quyền điều tra và xử lý các hành vi có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh. Trong Luật Cạnh tranh có một số quy định tương tự với quy định trong chuyên ngành về quảng cáo (quảng cáo so sánh, gian dối, gây nhầm lẫn…) hoặc về sở hữu trí tuệ (chỉ dẫn gây nhầm lẫn) hoặc về thương mại (khuyến mãi nhằm cạnh tranh không lành mạnh) nhưng khoản 1 Điều 5 Luật Cạnh tranh có quy định: “Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với quy định của luật khác về hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh thì áp dụng quy định của Luật này”. Như vậy, Cục Quản lý cạnh tranh cần phải điều tra một cách kỹ lưỡng hơn để xử lý hành vi vi phạm theo Luật Cạnh tranh năm 2004.
Ba là, về khiếu nại vụ việc cạnh tranh. Tại khoản 1 Điều 58 Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định về khiếu nại vụ việc cạnh tranh: “Tổ chức, cá nhân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm quy định của Luật này (sau đây gọi chung là bên khiếu nại) có quyền khiếu nại đến cơ quan quản lý cạnh tranh”. Quy định này mang tính chất mở, cho phép không chỉ các đối thủ cạnh tranh mà người tiêu dùng cũng có quyền thực hiện các hành vi pháp lý chống lại chủ thể có hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh, nhưng lại phải chịu sự ràng buộc từ quy định về phí xử lý vụ việc cạnh tranh, theo đó, “bên khiếu nại phải nộp tiền tạm ứng chi phí cho việc xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật”. Mục đích của việc đặt ra mức phí này là để ngăn chặn việc lạm dụng quyền khởi kiện như một biện pháp quấy rối hoạt động của doanh nghiệp và có thể gây ra tình trạng quá tải cho hoạt động của Cục Quản lý cạnh tranh. Mức phí này không là trở ngại đối với các doanh nghiệp nhưng đối với người tiêu dùng thì quy định về mức phí này có phần gây phiền phức và trở thành rào cản cho người tiêu dùng thực hiện quyền lợi chính đáng của họ. Do vậy, để khuyến
khích người tiêu dùng sử dụng pháp luật cạnh tranh như một công cụ để bảo vệ quyền lợi của mình, nên mở rộng đối tượng miễn nộp tạm ứng phí xử lý vụ việc cạnh tranh được quy định tại Điều 56 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP, không chỉ bao gồm người tiêu dùng có thu nhập thấp mà bao gồm toàn bộ các đối tượng là người tiêu dùng, các hiệp hội người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 115 Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định: “Trường hợp không nhất trí với quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, các bên có liên quan có quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với một phần hoặc toàn bộ nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại ra Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền”. Việc giải quyết đơn kiện tại Toà Hành chính đối với quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, trong đó có hành vi cạnh tranh không lành mạnh được thực hiện theo pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Vấn đề đặt ra là, Toà Hành chính sẽ xem xét lại toàn bộ vụ việc từ đầu hay xem xét lại cả nội dung và thủ tục cạnh tranh đã được áp dụng bởi các cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh hay chỉ xem xét về mặt hình thức? Giá trị pháp lý của quyết định giải quyết khiếu nại của Toà án như thế nào…? Điều này cần có văn bản hướng dẫn cụ thể của Toà án nhân dân tối cao, đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa Cục Quản lý cạnh tranh với Toà án trong việc xem xét, giải quyết đơn khởi kiện.
Bốn là, về nghĩa vụ chứng minh của bên khiếu nại. Theo quy định tại Điều 74 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh năm 2004 thì nghĩa vụ chứng minh một vụ việc cạnh tranh thuộc về bên khiếu nại. Quy định này đã gây khó dễ cho bên khiếu nại là doanh nghiệp và người tiêu dùng. Bởi cơ quan quản lý cạnh tranh khi tự tiến hành điều tra hoàn toàn có quyền yêu cầu bên bị khiếu nại cung cấp các chứng cứ chứng minh các thông tin mình đưa ra trong quảng cáo là đúng sự thật, nhưng đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng thì việc chứng minh hành vi vi phạm của bên bị
khiếu nại là khó khả thi. Bởi chỉ có bên bị khiếu nại mới là người nắm rõ các thông tin về chất lượng, nguồn gốc, cấu thành sản phẩm… Cho nên, cần quy định bên bị khiếu nại chứng minh tính trung thực của quảng cáo sẽ khả thi và hiệu quả hơn. Quy định như vậy cũng phù hợp với trách nhiệm thông tin trung thực của người quảng cáo được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác như Luật Thương mại, Luật Quảng cáo và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.