Nếu như giao đất, cho thuê đất là cơ sở để làm phát sinh quan hệ pháp luật đất đai, phát sinh quyền SDĐ của người được Nhà nước trao quyền sử dụng thì thu hồi đất là một biện pháp làm chấm dứt quan hệ pháp luật đất đai bằng một quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thông qua những hoạt động này, Nhà nước thể hiện rất rõ quyền định đoạt đất đai với tư cách là đại diện chủ sở hữu đối với đất đai.
Sau khi Luật Đất đai năm 2003 ra đời, với đặc thù chế độ sở hữu toàn dân mà Nhà nước là đại diện sở hữu, có khá nhiều bàn luận khác nhau về căn cứ pháp lý này. Có quan điểm cho rằng thu hồi đất chỉ thực sự phù hợp trong trường hợp Nhà nước thu hồi đất do có hành vi vi phạm pháp luật đất đai và thu hồi do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật đất đai hoặc tự nguyện, bởi lẽ Nhà nước giao đất, mặc dù người dân không có quyền sở hữu nhưng đã được xác lập quyền chiếm hữu và quyền sử dụng, họ có quyền định đoạt quyền sử dụng đất hợp pháp của mình. Tuy nhiên, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, căn cứ để thu hồi đất nói chung đã được thể hiện tại Điều 54 Khoản 3 theo đó “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.b
Như vậy, căn cứ để Nhà nước thu hồi đất trong đó có đất nông nghiệp là trong trường hợp thật cần thiết do pháp luật quy định. Đối với đất nông nghiệp, Luật Đất đai năm 2013 quy định 3 trường hợp thu hồi đất, đó là: (1). Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; (2). Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai; (3). Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người.
Để cụ thể hóa 3 căn cứ thu hồi đất nói chung, thu hồi đất nông nghiệp nói riêng, Luật Đất đai năm 2013 cũng làm rõ các căn cứ này tại các điều từ Điều 61 đến Điều 65.
Sở dĩ, quy định về các căn cứ để thu hồi đất là quy định có tính Hiến định và còn được cụ thể hóa trong Luật Đất đai năm 2013 là bởi vì hệ quả của thu hồi đất nông nghiệp cũng giống như thu hồi các loại đất khác đó là làm chấm dứt quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng thửa đất. Như đã phân tích, vai trò của đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất, là nguồn sống, là truyền thống của người dân, hệ quả của việc thu hồi đất nông nghiệp là rất lớn đặc biệt là ảnh hưởng tới đời sống của người nông dân. Nói cách khác, hệ quả của việc thu hồi đất nông nghiệp là khá nghiêm trọng, đó là:
Thứ nhất, xét về mặt tài sản, người có đất nông nghiệp bị thu hồi sẽ mất đi
quyền SDĐ, chịu thiệt hại về các kết quả đầu tư đã bỏ công sức xây dựng như công trình hạ tầng, cây cối, thiệt hại do không được khai thác hoa lợi, lợi tức phát sinh từ đất. So với các loại đất khác thì khi thu hồi đất nông nghiệp, thiệt hại về công trình hạ tầng, công trình kiến trúc không lớn như đất ở, các loại đất phi nông nghiệp khác nhưng đất nông nghiệp với vai trò tư liệu sản xuất chính trong nông nghiệp, những thiệt hại về cây cối, nông sản, hoa lợi, lợi tức trong tương lai lại vô cùng lớn.
Thứ hai, thiệt hại về chi phí đầu tư vào đất. Giá trị của đất nông nghiệp chủ
yếu phụ thuộc vào độ màu mỡ, phì nhiêu của từng loại đất. Con người không những chỉ sử dụng độ màu mỡ tự nhiên của đất mà còn có khả năng tăng thêm độ màu mỡ của đất. Để sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, người sử dụng phải đầu tư điều chỉnh độ màu mỡ, giá trị dinh dưỡng của đất nông nghiệp cho phù hợp với các loại hình chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp. Có thể nói, các chi phí đầu tư vào đất mà người sử dụng đất nông nghiệp bỏ ra như phí san lấp, phí cải tạo đất,… là không hề nhỏ. Khi thu hồi đất nông nghiệp, cần có sự xem xét chính xác các chi phí đầu tư này dựa trên các hồ sơ, chứng cứ chứng minh.
Thứ ba, thiệt hại do ngừng việc sản xuất, kinh doanh nông nghiệp khi người
sử dụng bị thu hồi đất nông nghiệp là rất lớn. Thu hồi đất nông nghiệp chính là thu hồi tư liệu sản xuất của người nông dân, họ sẽ bị mất cơ hội lao động, mất nguồn sống. So với việc thu hồi đất khác, thu hồi đất nông nghiệp không chỉ gây thiệt hại trước mắt mà còn ảnh hưởng lâu dài do khó có sự thay đổi, chuyển đổi việc làm cho người nông dân.
Chính vì vậy, pháp luật không chỉ quy định về các căn cứ để thu hồi đất nông nghiệp mà còn quy định về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp.