đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân
Theo Từ điển tiếng Việt, bồi thường là đền bù những tổn hại đã gây ra cho người khác. Trong cuộc sống thường ngày, bồi thường được sử dụng trong trường hợp một người có hành vi gây thiệt hại cho người khác và phải đền bù cho người bị thiệt hại những tổn thất do hành vi của mình gây ra.
Trong quan hệ pháp luật, trách niệm bồi thường được đặt ra khi một chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho chủ thể khác. Đó có thể là bồi thường thiệt hại dân sự hay bồi thường do vi phạm hành chính, bồi thường do vi phạm pháp luật Hình sự,…
Trong quan hệ pháp luật đất đai, khái niệm bồi thường đã được đề cập đến từ rất sớm. Tuy nhiên, khi Luật Đất đai 1987 ra đời, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 186/HĐBT ngày 31/05/1990 quy định “Về đền bù thiệt hại đất nông nghiệp, đất có rừng khi chuyển sang sử dụng vào mục đích khác”, thuật ngữ bồi thường được thay thế bằng thuật ngữ đền bù thiệt hại. Khi Luật Đất đai được sửa đổi năm 2001, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 1993 được Quốc hội ban hành, thuật ngữ bồi thường được sử dụng và tiếp tục xuất hiện trong Luật Đất đai năm 2003. Theo đó, “Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị thu hồi cho người bị thu hồi đất”(Khoản 6 Điều 4 Luật Đất đai năm 2003).
Khái niệm này chưa thật toàn diện, bởi lẽ nếu quy định bồi thường là việc Nhà nước trả lại giá trị quyền SDĐ là không đúng. Giá trị của đất, đặc biệt là đất nông nghiệp không bao giờ giữ nguyên giá trị ban đầu mà luôn tăng thêm do có sự cải tạo, đầu tư của con người. Bên cạnh việc bồi thường giá trị quyền sử dụng đất, Nhà nước còn có các chính sách bồi thường với tài sản trên đất, những chi phí đầu tư vào đất.
Nhằm có cách hiểu rõ ràng hơn về định nghĩa này, tách bạch rõ bồi thường về đất và bồi thường về tài sản, Luật Đất đai năm 2013 tại Khoản 12 Điều 3 đã giải thích rõ: “Bồi thường về đất là việc Nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất thu hồi cho người sử dụng đất” còn những vấn đề bồi thường tài sản gắn liền với đất, những chi phí đầu tư vào đất được quy định cụ thể hơn tại các điều luật khác. Từ khái niệm này có thể thấy vấn đề bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất về cơ bản có những đặc điểm sau:
- Bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của HGĐ, CN là hậu quả pháp lý trực tiếp do hành vi thu hồi đất của Nhà nước, nó chỉ phát sinh sau khi có quyết định hành chính về thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
- Bồi thường là trách nhiệm của Nhà nước nhằm bù đắp tổn thất về quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất nông nghiệp do bị thu hồi;
- HGĐ, CN bị Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp không chỉ được bồi thường về đất mà còn được bồi thường về tài sản trên đất, và còn được xem xét giải quyết các vấn đề mang tính xã hội như ổn định sản xuất giải quyết việc làm.
- Việc bồi thường của Nhà nước chỉ áp dụng đối với các đối tượng bị thu hồi đất nông nghiệp là HGĐ, CN đáp ứng những điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật.
Từ những phân tích ở trên, có thể hiểu đầy đủ về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của HGĐ, CN là việc Nhà nước bù đắp những thiệt hại về đất và tài sản, bao gồm cả các chi phí đầu tư vào đất nông nghiệp do việc thu hồi đất nông nghiệp gây ra cho HGĐ, CN sử dụng đất khi HGĐ, CN đáp ứng các quy định của pháp luật về đất đai.
Pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của HGĐ, CN là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình Nhà nước bồi thường về đất, tài sản, chi phí đầu tư trên đất khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp.
Pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của HGĐ, CN có 3 đặc điểm chủ yếu như sau:
- Về chủ thể: Tham gia vào quan hệ pháp luật ở lĩnh vực này có Nhà nước – Nhà nước là chủ thể có thẩm quyền giao đất nông nghiệp, cho thuê đất nông nghiệp. Tuy nhiên, khi thực hiện quyền này của Nhà nước, Nhà nước trao lại cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện quyền hạn và trách nhiệm trong việc bồi thường cho HGĐ, CN bị thu hồi đất.
Tham gia vào quan hệ pháp luật này còn có HGĐ và cá nhân – những chủ thể được trao quyền SDĐ nông nghiệp là những đối tượng thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp.
- Về nguồn luật: Nguồn của pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của HGĐ, CN bao gồm hệ thống các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan. Trước tiên là Hiến pháp năm 2013 với ý nghĩa là đạo luật cơ bản, xuyên suốt có giá trị pháp lý cao nhất. Tiếp đến là BLDS 2015 với ý nghĩa là bộ luật chung, quy định các vấn đề về tài sản, về đất đai, về quyền sử dụng đất, về HGĐ, về CN,… Cuối cùng là các luật chuyên ngành như Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thực hiện về thu hồi đất nông nghiệp và bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp.
- Vê cách thức tính tiền bồi thưởng khi Nhà nước thu hồi đất của HGĐ, CN: Do đất nông nghiệp cũng là đất công do Nhà nước thống nhất quản lý và việc thu hồi đất nông nghiệp cũng phải căn cứ theo những quy định của pháp luật nên cách tính tiền bồi thường cũng là một đặc điểm riêng có.
Pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp là một lĩnh vực chịu sự chi phối bởi hình thức sở hữu toàn dân về đất đai còn có những đặc trưng riêng như: Cơ sở để bồi thường khi thu hồi đất nông nghiệp không chỉ dựa trên những thiệt hại thực tế mà người nông dân phải gánh chịu ngay tại thời điểm thu hồi đất mà còn tính đến cả những thiệt hại trong tương lai bởi vai trò không thể thay thế được của đất nông nghiệp đối với người nông dân, khác với chủ thể khác, các loại đất khác, đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất chính của người nông dân. Ngoài ra, pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp áp dụng chủ yếu với cá nhân, hộ nông dân ở nông thôn, là sự kết hợp đan xen nhiều biện
pháp khác nhau như: Biện pháp hành chính, biện pháp kinh tế, biện pháp tuyết phục và cưỡng chế. Đặc biệt, ở mỗi địa phương khác nhau khi thực hiện về bồi thường đối với người nông dân khi bị thu hồi đất thì bên cạnh việc tuân thủ các quy định chung của pháp luật cần chú trọng đặc điểm vùng miền, đặc điểm của các loại đất để có những định hướng giải quyết phù hợp. Nội dung này sẽ được phân tích cụ thể ở Chương 2 của Luận văn.