Phân bố tỷ lệ mất sớm răng cối sữa theo tuổi, giới tính

Một phần của tài liệu Mất răng cối sữa sớm (Trang 58)

Tỷ lệ học sinh nam so với học sinh nữ trong mẫu nghiên cứu chúng tôi gần bằng nhau (bảng 3.1), và có thể nói là cân bằng. Theo kết quả điều tra cho thấy có 23,7% trẻ nữ bị MSRCS trong khi tỷ lệ này ở trẻ nam là 31% (bảng 3.4). Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tình trạng MSRCS giữa nam và nữ (p = 0,176). Kết quả này cũng tương tự với một số nghiên cứu khác như nghiên cứu của Đào Thị Hằng Nga (2004), Trần Thị An Huy (2008), Đào Thị Phương Dung (2009), S. Syed Shaheed Ahamed và cộng sự (2012), Leite Cavalcanti A và cộng sự (2008). Chúng ta thấy rằng, trẻ em ở lứa tuổi tiểu học chưa thật sự ý thức đầy đủ về các hành vi chăm sóc răng miệng của mình, hầu hết các hoạt động về sức khỏe răng miệng của trẻ chủ yếu dựa vào sự nhắc nhở của cha mẹ và thầy cô. Vì vậy mà ở lứa tuổi này, tình trạng MSRCS ở trẻ nam và trẻ nữ không có sự khác biệt rõ rệt.

Tuy nhiên, trong nghiên cứu này chúng tôi nhận thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa tình trạng MSRCS với độ tuổi của học sinh (p < 0,001), trong đó, tỷ lệ MSRCS xảy ra nhiều nhất ở trẻ 9 tuổi (chiếm 41,6%) và thấp nhất là ở trẻ 7 tuổi (chiếm 12,3%) (bảng 3.5). Kết quả này tương tự như kết quả nghiên cứu của Leite Cavalcanti A (2008) [36], và cũng gần tương tự với nghiên cứu của S. Syed Shaheed Ahamed (2012) [50] MSRCS xảy ra nhiều nhất ở trẻ 8 tuổi. Điều này cho thấy tỷ lệ MSRCS gia tăng theo tuổi của học sinh, có thể lý giải do răng tồn tại càng lâu thì càng chịu nhiều tác động của môi trường trong miệng, càng dễ bị sâu răng tấn công dẫn đến quyết định nhổ sớm để giải quyết tình trạng đau nhức của trẻ.

Một phần của tài liệu Mất răng cối sữa sớm (Trang 58)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(67 trang)
w