Nguyên nhân dẫn đến phát sinh tranh chấp hợp đồng tín dụng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng qua thực tiễn xét xử tại tòa án nhân dân thành phố hạ long, tỉnh quảng ninh (Trang 25 - 27)

Trong nền kinh tế thị trường, do nhu cầu vốn để phát triển kinh tế là rất lớn nên tranh chấp phát sinh từ HĐTD ngân hàng cũng có xu hướng ngày càng tăng, đa dạng về chủng loại và phức tạp về tính chất, mức độ của quan hệ tranh chấp. Do vậy, việc tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp là hết sức cần thiết để từ đó đánh giá và đưa ra những giải pháp, chính sách phù hợp nhất nhằm hạn chế tranh chấp, từ đó giảm chi phí giao dịch cho các bên liên quan đến HĐTD ngân hàng. Từ những đặc điểm và phân loại tranh chấp HĐTD ngân hàng có thể thấy nguyên nhân gây ra tranh chấp HĐTD rất đa dạng, được xem xét theo nhiều tiêu thức khác nhau. Tuy nhiên, về lý thuyết có thể phân chia các nguyên nhân này thành ba nhóm cơ bản sau đây:

- Thứ nhất, nguyên nhân từ phía bên cho vay:

+ Nguyên nhân từ vấn đề giải ngân: Bên cho vay đã không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ giải ngân theo đúng các điều kiện trong HĐTD đã ký làm hạn chế khả năng thực hiện kế hoạch kinh doanh như dự kiến, hiệu quả kinh doanh đạt được thấp gây ảnh hưởng đến việc trả lãi và gốc sau này của bên vay.

+ Bên cho vay chưa có chính sách phù hợp và quy trình cấp tín dụng hiệu quả, chặt chẽ, chưa có quy trình quản trị rủi ro hữu hiệu, chưa chú trọng đến phân tích khách hàng, chấm điểm, xếp loại, xếp hạng khách hàng, phân loại rủi ro tín dụng để tính toán điều kiện và khả năng trả nợ của bên vay khi đến hạn hợp đồng.

+ Bên cho vay chưa chấp hành đầy đủ các điều kiện về biện pháp bảo đảm tiền vay của Ngân hàng nhà nước, chưa phân tích, đánh giá các điều kiện về biện pháp bảo đảm tiền vay. Nhiều TCTD khi đánh giá về biện pháp bảo đảm tiền vay chỉ dựa vào nguồn thông tin, hồ sơ, số liệu do khách hàng cung cấp mà chưa có sự kiểm chứng các sổ sách kế toán và kiểm tra thực tế.

+ Năng lực, phẩm chất, đạo đức của cán bộ tín dụng: do sự hạn chế về năng lực nghiệp vụ của các bộ ngân hàng, do các NHTM thường có thói quen tập trung nhiều công sức cho việc thẩm định trước khi cho vay mà không kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay.

- Thứ hai, nguyên nhân từ phía bên vay:

+ Nguyên nhân khách quan:Là những yếu tố tác động ngoài ý chí, tầm kiểm soát của bên vay như do sự thay đổi của chính sách quản lý kinh tế, do thiên tai, dịch bệnh, hoả hoạn, điều chỉnh quy hoạch, do biến động thị trường, quan hệ cung cầu hàng hoá thay đổi…làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của bên vay không thực hiện như kế hoạch đã đề ra.

+ Nguyên nhân chủ quan: là những yếu tố xuất phát từ mỗi khách hàng. Có thể là do bên vay không nắm được thông tin cần thiết về kế hoạch đầu tư, sản xuất khi vay vốn dẫn đến việc sử dụng vốn vay về đầu tư không có hiệu quả. Có thể là do vốn tự có tham gia vào dự án, phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không đáp ứng nhu cầu, năng lực điều hành còn hạn chế, thiếu thông tin thị trường và thông tin về các đối tác, bạn hàng làm ảnh hưởng tới quá trình sản xuất, công nghệ chưa được cải tiến, nâng cấp nên sản phẩm sản xuất ra chưa có tính cạnh tranh cao, hiệu quả kinh doanh kém, hậu quả là doanh nghiệp thua lỗ lâm vào tình trạng phá sản. Cũng có trường hợp do bên vay cố tình đưa ra những thông tin sai sự thật ngay từ khi vay vốn nên khi về đầu tư hay sử dụng vào mục đích của mình không có hiệu quả.

Nguyên nhân nữa là do bên vay còn thiếu hiểu biết về pháp luật, trình độ hiểu biết của bên vay còn hạn chế về những kiến thức pháp luật liên quan. Có trường hợp bên vay ký những hợp đồng trái luật trong khi bản thân không hiểu rõ về pháp luật, nên khả năng xảy ra những bất lợi cho mình là rất lớn.

- Thứ ba, nguyên nhân do quy định của pháp luật:

Các quy định của pháp luật còn chưa được thống nhất, dẫn đến mỗi bên hiểu theo những cách khác nhau nhằm bảo vệ cho quyền và lợi ích của mình, từ đó xảy ra tranh chấp khi các các bên nảy sinh bất đồng quan điểm, mâu thuẫn. Hiện nay pháp luật quy định bên cho vay nếu muốn từ chối cho vay khách hàng nào thì bắt buộc phải đưa ra lý do, căn cứ chính đáng. Nhưng trên thực tế chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Do vậy, phía bên cho vay cho rằng cho vay là quyền tự do kinh doanh của họ nên lý do có chính đáng hay không là do họ quyết

định. Còn phía bên đi vay thì không chấp nhận với cách hiểu đó nên trong trường hợp bị từ chối cho vay họ sẵn sàng khiếu nại tới các cơ quan liên quan để đề nghị giải quyết.

Ngoài ra, còn nhiều quy định chồng chéo lẫn nhau đặc biệt là các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm. Hành lang pháp lý cho hoạt động giao dịch bảo đảm chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ và nhiều quy định không thể thực hiện được trên thực tế, như việc thế chấp tài sản là đất và tài sản gắn liền với đất nhưng trên giấy chứng nhận chỉ có đất, chưa chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất chưa bổ sung trước bạ nhà nên khi công chứng hợp đồng thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm chỉ ghi quyền sử dụng đất mà không ghi phần tài sản trên đất. Việc đăng ký giao dịch bảo đảm thực hiện phân tán ở nhiều cơ quan khác nhau tạo ra sự không đồng bộ trong quá trình quản lý. Theo Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và Nghị định 11/2012/NĐ- CP sửa đổi nghị định 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm, cho phép các TCTD được lựa chọn hình thức xử lý đa dạng như: bán tài sản thế chấp, nhận các khoản tiền và tài sản từ người thứ ba trong trường hợp thế chấp quyền đòi nợ, phương thức khác do các bên thoả thuận. Trường hợp các bên không tự thoả thuận được phương thức xử lý tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì các tài sản này được đem bán đấu giá nhưng để thực hiện được các bên lại phải ký hợp đồng uỷ quyền tại đơn vị bán đấu giá có thẩm quyền. Điều này thường không thực hịên được do bên thế chấp không đồng ý và khi đó các TCTD không có cơ chế nào để bảo vệ được quyền lợi của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng qua thực tiễn xét xử tại tòa án nhân dân thành phố hạ long, tỉnh quảng ninh (Trang 25 - 27)