Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng qua thực tiễn xét xử tại tòa án nhân dân thành phố hạ long, tỉnh quảng ninh (Trang 42 - 49)

2.2.3. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng tại Tòa án Tòa án

- Giai đoạn khởi kiện và thụ lý vụ án:

Khởi kiện vụ án tranh chấp HĐTD ngân hàng được hiểu là việc cá nhân, pháp nhân làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết các tranh chấp HĐTD để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của mình đang bị tranh chấp hay vi phạm.

Quyền khởi kiện vụ án: BLTTDS năm 2015 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình” (Điều 186, BLTTDS năm 2015).

Để thực hiện quyền khởi kiện của mình, bên khởi kiện (nguyên đơn) phải chuẩn bị hồ sơ khởi kiện và nộp tại TAND có thẩm quyền. Hồ sơ khởi kiện bao gồm đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ gửi kèm theo đơn khởi kiện phải đáp ứng đầy đủ hai yêu cầu về hình thức và nội dung: Về hình thức, đơn khởi kiện phải ghi đầy đủ ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện, tên Tòa án yêu cầu giải quyết và người ký trong đơn kiện phải đúng thẩm quyền. Về nội dung, đơn khởi kiện phải có đầy đủ các nội dung như: thông tin về nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, tóm tắt nội dung vụ kiện, yêu cầu cụ thể của nguyên đơn. Nội dung của đơn khởi kiện phải trình bày đầy đủ, ngắn gọn, rõ ràng. Theo quy định của BLTTDS năm 2015 thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự. Chính vì vậy, ngay từ khi nộp đơn kiện, kèm theo đơn khởi kiện thì nguyên đơn cần phải xuất trình đầy đủ các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ liên quan để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Tòa án chỉ tự mình thu thập chứng cứ trong một số trường hợp nhất định.

Người khởi kiện nộp đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức như nộp trực tiếp tại Tòa án, theo đường dịch vụ bưu chính hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức điện thử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (Khoản 1, Điều 190, BLTTDS năm 2015).

Thụ lý vụ án được hiểu là việc Tòa án có thẩm quyền chấp nhận đơn của người khởi kiện và nghi vào sổ thụ lý vụ án để giải quyết.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Sau khi xem xét thấy có đủ các điều kiện thụ lý vụ án như: Người khởi kiện có quyền khởi kiện, sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án, sự việc không được các bên thoả thuận giải quyết bằng thủ tục trọng tài thương mại thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí. Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Toà án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai nộp tạm ứng án phí.Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí và ghi vào sổ thụ lý. Như vậy vụ án đã được đưa vào quy trình giải quyết của Tòa án. Trong trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo (Điều 195, BLTTDS năm 2015).

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án. Có nghĩa là trong thời gian 03 ngày người nộp đơn xuất trình cho Tòa án biên lai nộp tạm ứng án phí thì Chánh án Toà án mới phân công Thẩm phán giải quyết vụ án. Tuy nhiên, trên thực tế thì khi nhận đơn khởi kiện Chánh án Tòa án phân công ngay cho Thẩm phán thụ lý.Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị

đơn, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án. Văn bản thông báo phải đảm bảo các nội dung được quy định tại Khoản 2, Điều 196, BLTTDS năm 2015.

- Giai đoạn hoà giải và chuẩn bị xét xử:

Ở giai đoạn này, hồ sơ sẽ được Thẩm phán thụ lý nghiên cứu để tiến hành xét xử vụ án và Thẩm phán thụ lý có thể yêu cầu các bên thực hiện các công việc sau: yêu cầu các bên xuất trình thêm các giấy tờ, tài liệu cần thiết liên quan đến vụ việc; triệu tập lên Tòa án để lấy lời khai hoặc để đối chất; triệu tập các đương sự đến tiến hành hoà giải để các đương sự thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Trước khi tiến hành phiên hoà giải, Tòa án phải thông báo cho các đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự biết về thời gian, địa điểm tiến hành phiên hòa giải, nội dung các vấn đề cần hòa giải. Việc hòa giải được tiến hành theo các nguyên tắc: tôn trọng sự tự nguyện thoả thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thoả thuận không phù hợp với ý chí của mình; Nội dung thoả thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.

+ Thành phần phiên hòa giải gồm: Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải, thư ký tòa án ghi biên bản hòa giải, các đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của các đương sự, người phiên dịch (nếu đương sự không biết tiếng Việt). Trong một vụ án có nhiều đương sự, mà có đương sự vắng mặt trong phiên hòa giải, nhưng các đương sự có mặt vẫn đồng ý tiến hành hòa giải và việc hòa giải đó không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì Thẩm phán tiến hành hòa giải giữa các đương sự có mặt; nếu các đương sự đề nghị hoãn phiên hòa giải để có mặt tất cả các đương sự trong vụ án thì Thẩm phán phải hoãn phiên hòa giải. Thẩm phán phải thông báo việc hoãn phiên hòa giải và việc mở lại phiên họp cho các đương sự (Điều 209, BLTTDS năm 2015).

+ Trình tự tiến hành hòa giải: Khi tiến hành hòa giải, Thẩm phán phổ biến cho các đương sự biết các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết

vụ án để các bên liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành để họ tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Việc hòa giải được thư ký Tòa án ghi vào biên bản và biên bản hòa giải phải có các nội dung chính quy định tại Điều 211, BLTTDS năm 2015. Biên bản hòa giải phải có đầy đủ chữ ký hoặc điểm chỉ của các đương sự có mặt trong phiên hòa giải, chữ ký của thư ký Tòa án ghi biên bản và của Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải. Khi các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành. Trường hợp hòa giải không thành thì Tòa án lập biên bản hòa giải không thành và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Biên bản này được gửi ngay cho các đương sự tham gia hòa giải (Điều 211, BLTTDS năm 2015).

Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy hầu hết các quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự do Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải ra quyết định. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp. Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án. Nếu như các bên hòa giải không thành thì Tòa án đưa vụ án ra xét xử công khai hoặc xét xử kín để đảm bảo bí mật cho các bên khi các bên yêu cầu và được Tòa án chấp thuận (Điều 212, BLTTDS năm 2015).

Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án tranh chấp phát sinh từ HĐTD ngân hàng được quy định như sau: Đối với tranh chấp HĐTD ngân hàng là loại tranh chấp về kinh doanh, thương mại thì thời hạn là 02 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Ngoài ra, đối với các loại tranh chấp HĐTD mà có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá 01 tháng. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, tuỳ từng trường hợp, ngoài quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án ra một trong các quyết định sau đây: Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án; Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án; Quyết định đưa vụ án ra xét xử.

- Giai đoạn xét xử sơ thẩm: Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng theo luật định thì thời hạn này là 02 tháng.

Phiên tòa sơ thẩm phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa. Phiên tòa sơ thẩm diễn ra theo trình tự thủ tục: chuẩn bị khai mạc phiên tòa, thủ tục hỏi tại phiên tòa, tranh tụng tại phiên tòa, nghị án và tuyên án được quy định từ Điều 222 đến Điều 269, BLTTDS năm 2015. Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử gồm có: một Thẩm phán là Chủ tọa, hai Hội thẩm nhân dân. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên tòa, các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện được Tòa án cấp trích lục bản án. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp.

- Giai đoạn xét xử phúc thẩm:Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị.

Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được

niêm yết. Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án (Điều 273, BLTTDS năm 2015).

Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm và Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án (Điều 280, BLTTDS năm 2015).

Sau khi nhận được đơn kháng cáo, Toà án cấp sơ thẩm phải kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo. Sau khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Toà án cấp sơ thẩm phải thông báo cho người kháng cáo biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật, nếu họ không thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí phúc thẩm (Điều 274, BLTTDS năm 2015).

Trong thời hạn 10 kể từ ngày nhận được thông báo của Toà án về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Toà án cấp sơ thẩm biên lai nộp tiền tạm ứng án phí. Hết thời hạn này mà người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm thì được coi là họ từ bỏ việc kháng cáo, trừ trường hợp có lý do chính đáng (Điều 276, BLTTDS năm 2015).

Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, kháng cáo, kháng nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án và thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có). Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm có một Thẩm phán phân công làm chủ tọa phiên tòa và hai Thẩm phán (Điều 285, BLTTDS năm 2015).

phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày ra quyết định. Khi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, các bên phải tự nguyện thi hành. Nếu một bên không tự nguyện thi hành, bên được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cưỡng chế thi hành. Bên được thi hành án làm đơn gửi tới cơ quan thi hành án dân sự thuộc tỉnh, thành phố đối với bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật do Tòa án cấp tỉnh, thành phố tuyên.Trong trường hợp bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật do Tòa án cấp quận, huyện tuyên thì bên được thi hành án làm đơn đề nghị thi hành án gửi tới đội thi hành án dân sự thuộc quận, huyện. Bên được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án cư trú (nếu người phải thi hành án là cá nhân) hoặc yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự nơi bên phải thi hành án có trụ sở hoặc nơi có tài sản (nếu bên phải thi hành án là pháp nhân).

- Giai đoạn xem xét lại bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực: gồm có thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm. Ngoài thủ tục sơ thẩm và thủ tục phúc thẩm, giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng ngân hàng tại Toà án còn có hai thủ tục nữa đó là: Thủ tục Giám đốc thẩm và Thủ tục tái thẩm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng qua thực tiễn xét xử tại tòa án nhân dân thành phố hạ long, tỉnh quảng ninh (Trang 42 - 49)