Giải pháp về quy định pháp luật tố tụng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng qua thực tiễn xét xử tại tòa án nhân dân thành phố hạ long, tỉnh quảng ninh (Trang 80 - 82)

chấp hợp đồng tín dụng tại Tòa án

Thực tiễn xét xử các vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng của Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã nảy sinh nhiều bất cập cần sửa đổi và hoàn thiện. Hoàn thiện pháp luật trong giải quyết tranh chấp HĐTD ngân hàng là việc làm cần thiết, nhằm thúc đẩy quan hệ vay vốn tín dụng giữa các chủ thể được thuận tiện hơn; bảo vệ quyền lợi chính đáng của các chủ thể trong quan hệ tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi để thị trường tín dụng phát triển.

Thứ nhất: Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Tòa án

Với việc ban hành BLTTDS năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/07/2016 thì thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện đã được mở rộng căn cứ theo Khoản 1, Khoản 2, Điều 35. Việc quy định không hợp lý về thẩm quyền của các cơ quan giải

quyết tranh chấp có thể dẫn đến sự kém hiệu quả trong quá trình giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại nói chung và tranh chấp phát sinh từ HĐTD ngân hàng nói riêng. Điều này thể hiện khá rõ trong pháp luật thực định ở Việt Nam hiện nay. Cụ thể là, việc mở rộng thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐTD ngân hàng nói riêng và các tranh chấp trong kinh doanh thương mại nói chung cho tòa án nhân dân cấp quận/huyện đang gây nhiều áp lực cho tòa án cấp quận/huyện trong những năm gần đây. Hiện nay, ở tòa án cấp quận/huyện, thẩm phán đang một lúc gánh nhiều việc trên vai: từ việc giải quyết các vụ án hình sự, dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình đến các vụ án kinh tế, kinh doanh thương mại…Chính vì thế đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc hoàn thiện kiến thức pháp luật và nghiệp vụ chuyên sâu của thẩm phán, hội thẩm nhân dân.

Cùng với thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh từ HĐTD như hiện nay là quá tải đối với TAND cấp huyện nhất là đối với những huyện có hoạt động kinh tế phát triển, nhu cầu vay vốn tín dụng phát triển kinh doanh tăng lên đồng nghĩa với việc tranh chấp phát sinh từ HĐTD tăng cao và phức tạp. Do vậy, khi việc TAND cấp huyện tăng thẩm quyền giải quyết tranh chấp thì cần tăng thêm về số lượng và chất lượng: Thẩm phán, thư ký, cơ sở vật chất của TAND cấp huyện nhằm đảm bảo công tác giải quyết tranh chấp nói chung và tranh chấp HĐTD nói riêng của TAND cấp huyện được đúng theo quy định của BLTTDS năm 2015.

Thứ hai: Cần có hướng dẫn cụ thể về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn, ban hành các quy định thủ tục rút gọn vụ về án giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng theo Điều 317 BLTTDS năm 2015.

Tại BLTTDS năm 2015 đã bổ sung thêm trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn được quy định từ Điều 316 đến Điều 324. Việc ban hành thủ tục rút gọn đã giúp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án, tạo cơ sở pháp lý để Tòa án giải quyết nhanh chóng các tranh chấp phát sinh trong xã hội mà vẫn bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức; giảm nhẹ thời gian, chi phí tố tụng của Tòa án và thời gian, chi phí của các đương sự cho việc tham gia tố tụng tại Tòa án. Tuy nhiên, do là quy định mới nên thực tiễn áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn còn nhiều tồn tại, hạn chế, bộc lộ nhiều bất cập. Về điều kiện

áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn theo điểm a, khoản 1, Điều 317, BBTTDS năm 2015 quy định: “Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ”. Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể nào về cách hiểu thế nào là “Vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ”. Do vậy, TAND tối cao cần có hướng dẫn cụ thể về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn, phải có cơ chế giám sát chặt chẽ trình tự tố tụng này để đảm bảo quyền lợi cho bên vay, vì khi xảy ra tranh chấp HĐTD thì các TCTD (bên cho vay) là bên mong muốn được áp dụng giải quyết theo trình tự tố tụng rút gọn nhất để nhanh chóng thu hồi vốn và giải quyết nợ xấu do hoạt động tín dụng gây ra. Bổ sung thêm các văn bản hướng dẫn về xử án theo thủ tục rút gọn của BLTTDS nhằm đảm bảo tính chính xác khi áp dụng các vụ án theo thủ tục này. Bổ sung quy định cho phép Tòa án có thẩm quyền chuyển từ thủ tục tố tụng thông thường sang giải quyết theo thủ tục tố tụng rút gọn nếu trong quá trình giải quyết vụ án tranh chấp mà xét thấy vụ án thỏa mãn các điều kiện để áp dụng thủ tục tố tụng rút gọn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng ngân hàng qua thực tiễn xét xử tại tòa án nhân dân thành phố hạ long, tỉnh quảng ninh (Trang 80 - 82)