Đối với việc chọn mẫu kiểm toán

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác kiểm toán khoản mục nợ phải trả người bán trong kiểm toán BCTC do công ty TNHH kiểm toán và kế toán AAC thực hiện đối với khách hàng ABC (Trang 59 - 60)

Chất lượng kiểm toán luôn là mục tiêu của mỗi cuộc kiểm toán. Trong điều kiện nguồn kinh phí, nhân lực và thời gian bị giới hạn, để đảm bảo được chất lượng của cuộc kiểm toán, hạn chế những rủi ro, thì chọn mẫu là công cụ hữu hiệu để giải quyết vấn đề nêu trên. Vì thế, việc nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng chọn mẫu trong kiểm toán BCTC là cần thiết. Đối với việc chọn mẫu theo phương pháp CMA mà công ty đang áp dụng có nhược điểm đây là phương pháp chọn mẫu theo số lớn. Do đó:

- KTV nên kết hợp phương pháp chọn mẫu CMA với chọn mẫu ngẫu nhiên, chọn mẫu theo xét đoán, bất kỳ hay chọn mẫu có tính hệ thống các nghiệp vụ còn lại. Khi kết hợp thêm các phương pháp chọn mẫu này phạm vi kiểm toán đã được mở rộng ra, khả năng xảy ra sai sót giảm đi đồng thời chất lượng cuộc kiểm toán sẽ được tăng lên.

- Công ty không nên quá áp đặt một khung cứng về phương pháp chọn mẫu sẽ giúp cho công ty giải quyết được một số tình huống phát sinh bất ngờ khi chọn mẫu trong cuộc kiểm toán. Khi đó, khả năng phán đoán và kinh nghiệm của KTV có thể

kết hợp với phương pháp chọn mẫu trước đó để mang lại hiệu quả kiểm tra cao nhất, hạn chế rủi ro chọn mẫu.

- Với sự phát triển của khoa học công nghệ thì các kỹ thuật chọn mẫu cũng đã được ứng dụng và hỗ trợ rất nhiều. Công ty có thể ứng dụng các phần mềm chọn mẫu, bên cạnh tiết kiệm được chi phí, thời gian và sức lao động thì vẫn đảm bảo được độ chính xác và hiệu quả. Với một khối lượng lớn tài liệu cần phải kiểm tra như vậy mà được sự hỗ trợ của công nghệ có thể giảm thiểu được rất nhiều công việc cho KTV để dành thời gian tập trung vào xét đoán và phân tích những nghiệp vụ mà theo KTV là chứa đựng nhiều rủi ro. Phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên kết hợp với hỗ trợ máy tính sẽ giúp việc chọn mẫu kiểm toán được thực hiện một cách khách quan hơn.

- Bên cạnh kết hợp thêm các phương pháp chọn mẫu thì công ty cần nâng cao hiểu biết của KTV, giúp KTV hiểu rõ được bản chất của từng phương pháp chọn mẫu để có thể biết cách áp dụng các phương pháp chọn mẫu khác nhau trong từng trường hợp cụ thể. Đồng thời khi đã hiểu rõ bản chất từng phương pháp thì KTV có thể vận dụng kết hợp các phương pháp bổ sung cho nhau để tăng tính đại diện của mẫu.

- Ngoài ra, KTV có thể sử dụng phương pháp chọn mẫu phâm nhóm, hiệu quả của cuộc kiểm toán có thể tăng lên nếu kiểm toán viên phân nhóm một tổng thể bằng cách chia tổng thể thành các nhóm riêng biệt có cùng tính chất. Mục tiêu của việc phân nhóm là làm giảm tính biến động của các phần tử trong mỗi nhóm và do đó cho phép giảm cỡ mẫu mà không làm tăng rủi ro lấy mẫu. Khi tiến hành kiểm tra chi tiết, một tổng thể có thể được phân nhóm theo một tính chất cụ thể cho thấy mức độ rủi ro có sai sót cao hơn. Kết quả của các thủ tục kiểm toán áp dụng cho một mẫu chứa các phần tử trong một nhóm chỉ có thể được dự tính cho các phần tử tạo nên nhóm đó. Để đưa ra kết luận về toàn bộ tổng thể, kiểm toán viên cần xem xét rủi ro có sai sót trọng yếu của các nhóm khác tạo nên tổng thể.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện công tác kiểm toán khoản mục nợ phải trả người bán trong kiểm toán BCTC do công ty TNHH kiểm toán và kế toán AAC thực hiện đối với khách hàng ABC (Trang 59 - 60)