Các ứng phó của Việt Nam đối với các rào cản của Hoa Kỳ

Một phần của tài liệu Rào cản phi thuế quan của hoa kỳ đối với xuất khẩu hàng dệt may việt nam 70 (Trang 76 - 81)

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:

3.3. Các ứng phó của Việt Nam đối với các rào cản của Hoa Kỳ

Với các rào cản phi thuế quan của Hoa Kỳ đặt ra, Việt Nam đã chủ động đưa ra một số các ứng phó nhằm khắc phục, thích ứng với các rào cản trên:

- Đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghiệp sản xuất dệt may

Về phía nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các giải pháp thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào in, nhuộm vải, đồng thời hoàn thành chương trình 1 tỷ mét vải mà Chính phủ đã phê duyệt, ngành dệt may đề ra chiến lược xây dựng thêm các khu công nghiệp dệt nhuộm, có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn tại một số địa phương như Thái Bình, Nghệ An, Trà Vinh…[60] Bên cạnh đó, ngành cũng tiến hành xây dựng một phòng thí nghiệm sinh thái tại Viện Dệt may có nhiệm vụ làm cơ sở cấp chứng chỉ an toàn cho hàng xuất khẩu và kiểm tra các loại hàng hóa, bảo đảm an toàn cho người sử dụng tại Việt Nam cũng như tại các thị trường nhập khẩu. Phòng thí nghiệm cũng có nhiệm vụ xây dựng và quản lý các tiêu chuẩn an toàn sản phẩm và các hàng rào kỹ thuật cần thiết nhằm bảo vệ cho người tiêu dùng tại thị trường trong nước. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm 2015 giảm mạnh, nhưng ngành dệt may lại tăng đột biến. Trong tổng số vốn 5,85 tỷ USD đầu tư, dệt may chiếm 1,12 tỷ USD, với 3 dự án lớn, trong đó có dự án tới 660 triệu USD, cao nhất từ trước tới nay [61].

- Tăng cường hiểu biết, sự quan tâm đối với các vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội và tiêu chuẩn lao động

Bộ luật Lao động Việt Nam đã đưa ra quy định cấm phân biệt đối xử, ngược đãi, cưỡng bức người lao động và khống chế số giờ làm thêm (không quá 4 giờ/ngày và 200 giờ/năm), SA 8000 quy định giờ làm việc chuẩn (8 giờ/ ngày hoặc 48 giờ/tuần). Những vấn đề về kỷ luật lao động, tiền lương trong Bộ luật Lao động cũng được đề cập xử lý tương tự như yêu cầu của SA 8000. Một số công ty dệt may đã quan tâm hơn đến các vấn đề liên quan đến

trách nhiệm xã hội. Điển hình công ty May 10 hàng năm đã đón tiếp hàng chục đoàn đối tác nước ngoài đến kiểm tra tình hình thực hiện trách nhiệm xã hội với người lao động. Công ty có đầy đủ các giấy tờ hợp lệ theo yêu cầu của đối tác nước ngoài như chứng minh thư nhân dân, số hộ khẩu, giấy kiểm tra sức khỏe để kiểm tra việc có sử dụng lao động vị thành niên hay không. Công ty cũng đã trang bị đầy đủ hệ thống chiếu sáng, quạt thông gió, thiết bị y tế, phòng cháy chữa cháy.

Nhằm đối phó với rào cản liên quan đến tiêu chuẩn về lao động và trách nhiệm xã hội, năm 2014, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giao Hội đồng tiền lương Quốc gia nghiên cứu, tham vấn ý kiến của các Bộ, cơ quan, các chuyên gia trong nước và quốc tế để xây dựng Đề án thành lập Ủy ban năng suất lao động theo quy định. Thành lập Ủy ban năng suất lao động để nghiên cứu, đánh giá về năng suất lao động của người lao động làm căn cứ xây dựng phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng hàng năm, bảo đảm mối quan hệ hợp lý giữa tăng năng suất lao động và tăng tiền lương. Để đối phó với tình trạng sử dụng lao động trẻ em, chính phủ Việt Nam tiến hành giám sát, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm. Trong tháng 9/2012, Bộ Công an của chính phủ Việt Nam báo cáo rằng đã giải cứu 19 trẻ em thuộc một nhóm người dân tộc thiểu số bị bán đến các nhà máy may mặc nhỏ quanh thành phố Hồ Chí Minh.

Vào tháng Giêng năm 2013, mức lương tối thiểu hàng tháng cho người lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã được nâng lên 2,3 triệu đồng. Đây là một nỗ lực của chính phủ Việt Nam nhằm giúp người lao động đảm bảo mức sinh hoạt của mình. Luật lao động của Việt Nam cố gắng để bổ sung năng lực quản lý hạn chế của các cơ quan chính phủ bằng cách cho phép hình thành Công đoàn chính thức để giúp việc tuân thủ pháp luật trong sử dụng lao động. Tổng Liên Đoàn Lao động báo cáo rằng đã điều động 100 thanh tra về lao động tại Hà Nội.

- Tăng cường cải tiến, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất

Vì dệt may là sản phẩm xuất khẩu chiến lược của Việt Nam nên Nhà nước và doanh nghiệp đã chú trọng đến việc cải tiến, đổi mới công nghệ và dây chuyền sản xuất. Chính phủ Việt Nam đã luôn có những biện pháp thu hút đầu tư vào cải tiến, đổi mới công nghệ. Việt Nam luôn có những chính sách ưu đãi, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, các chính sách và những cải cách về thủ tục hành chính đã được các tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung đã cải thiện nhiều, giúp các nhà đầu tư tiếp cận dễ dàng hơn. Ngành dệt may cũng đã tổ chức lại hệ thống viện nghiên cứu chuyên ngành theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, có đủ năng lực tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp dệt nhuộm nghiên cứu triển khai tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ. Nghiên cứu áp dụng công nghệ sản xuất nguyên liệu mới, các sản phẩm dệt may có tính năng khác biệt, các công nghệ sản xuất sạch hơn trong ngành dệt may, các công nghệ tiết kiệm năng lượng, áp dụng các phầm mềm trong thiết kế, quản lý sản xuất và chất lượng các sản phẩm dệt may. Hỗ trợ nâng cấp các trung tâm giám định, kiểm tra chất lượng sản phẩm dệt may để hỗ trợ cho các doanh nghiệp dệt may trong quản lý chất lượng và khắc phục các rào cản kỹ thuật. Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 32/2009/TT-BCT ban hành ngày 5 tháng 11 năm 2009, quy định tạm thời về giới hạn cho phép đối với hàm lượng formaldehyt, các amin thơm có thể giải phóng ra từ thuốc nhuộm azo trong các điều kiện khử trên sản phẩm dệt may được sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh trên thị trường Việt Nam.

Bộ Công Thương Việt Nam đã có những nỗ lực trong việc thúc đẩy đầu tư vào việc sản xuất các loại vải chất lượng với mục đích cạnh tranh với các loại vải nhập khẩu. Mục tiêu của họ là dịch chuyển ra khỏi các hợp đồng CMT và tăng cường các hợp đồng FOB, trong đó các nhà sản xuất Việt Nam có thể tự lấy nguồn vải và phụ kiện, từ đó giữ lại được nhiều hơn giá trị gia tăng. Loại

hợp đồng có giá trị nhất là hợp đồng sản xuất các thiết kế gốc (ODM), trong đó các nhà sản xuất Việt Nam thiết kế, lấy nguồn vải và các đầu vào khác, đồng thời sản xuất sản phẩm, từ đó thu giữ nhiều giá trị gia tăng.

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) được thành lập bởi Thủ tướng Chính phủ trong năm 1995 để giám sát dệt may nhà nước và nhà máy may mặc để thúc đẩy hội nhập tốt hơn. Từ năm 1997, Vinatex phối hợp các hoạt động của 52 xưởng dệt và 122 doanh nghiệp may mặc nhà nước. Vinatex cũng có tới 67 thành viên. Năm 2011, Vinatex đã có 60 chi nhánh ngành dệt may được cổ phần hóa. Mặc dù hầu hết là các công ty cổ phần, nhà nước vẫn duy trì kiểm soát bằng việc sở hữu chủ yếu cổ phần của các nhà máy dệt may lớn thuộc Vinatex, như Phong Phú (52%), Việt Tiến (60 %), cũng như vô số các công ty một thành viên. Tính đến nay chỉ có Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) là đầu tư mạnh cho các khâu sản xuất sợi, dệt nhuộm... Từ năm 2013, Vinatex đã đầu tư 51 dự án, trong đó có 14 dự án sợi, 15 dự án dệt, 15 dự án may... với tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành vào năm 2016, các dự án có khả năng đáp ứng 50%-60% nhu cầu của toàn Tập đoàn. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ không đủ vốn đầu tư cho phát triển nguồn nguyên liệu, thì đang hết sức lo lắng về vấn đề này [62]

- Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ

Ngày 27/12/2007, Bộ trưởng Bộ Công thương đã Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Trong đó, một trong những quan điểm của ngành là phát triển mạnh sản xuất công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên phụ liệu dệt may, giảm nhập siêu, nâng cao giá trị gia tăng của ngành. Đẩy mạnh phát triển các cơ sở sản xuất bông, xơ, sợi tổng hợp và phụ liệu để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Ngày 19/11/2008, Bộ Công thương đã quyết định phê duyệt Chương trình sản xuất vải dệt thoi phục vụ xuất khẩu

đến năm 2015 trên quan điểm tập trung phát triển mạnh sản xuất nguyên phụ liệu, giảm nhập siêu, khuyên khích huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế.

- Gắn chặt quyền lợi với các công ty nhập khẩu Hoa Kỳ

Nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của các rào cản kỹ thuật của Hoa Kỳ áp đặt cho các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam, các doanh nghiệp Việt nam đã kết hợp với các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong hoạt động sản xuất, phân phối dệt may nhằm nắm bắt thông tin kịp thời, hiểu rõ ràng hơn vì các quy trình thủ tục của Hoa Kỳ. Chính điều này đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam tránh được một số rào cản mà Hoa Kỳ đưa ra.

- Thắt chặt quản lý, kiểm tra, tư vấn cho các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may

Ngày 30 tháng 11 năm 2007, Bộ Công Thương đã ra quyết định số 1935/QD-BCT thành lập tổ kiểm tra có sự tham gia của Vụ xuất nhập khẩu, Vụ công nghiệp và tiêu dùng thực phẩm, Cục quản lí thị trường (Bộ Công Thương), Tổng cục hải quan (Bộ tài chính), Hiệp hội dệt may Việt Nam, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam. Nhiệm vụ của tổ này là kiểm tra các doanh nghiệp xuất khẩu có dấu hiệu gian lận thương mại, vi phạm qui định về xuất xứ hàng hóa, qui định về quản lí chất lượng xuất nhập khẩu; kiểm tra doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm về qui trình sản xuất hay có đơn giá xuất khẩu quá thấp…; kiểm tra việc chấp hành các qui định của Nhà nước trong xuất nhập khẩu dệt may của các doanh nghiệp. Khi phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật, tổ sẽ báo cáo, kiến nghị lên các cơ quan hữu quan có thẩm quyền ra quyết định xử lí. Tổ cũng giúp Bộ Công Thương thu thập thông tin về tình hình sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong diện kiểm tra để đề xuất những chính sách phù hợp với tình hình thực tế và thông lệ quốc tế, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, khắc phục những hạn chế, cản

trở trong sản xuất và xuất khẩu nhất là tránh được các rào cản kỹ thuật của nước nhập khẩu.

Ngoài ra, nhà nước đã thành lập Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại đặt tại Vụ xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương. Văn phòng tại Bộ Công Thương sẽ trả lời về các văn bản pháp qui kỹ thuật và qui trình đánh giá (trong phạm vi quản lí của Bộ Công Thương) về các khả năng cản trở thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua rào cản kỹ thuật [63]. Văn phòng sẽ tiếp nhận trả lời câu hỏi của hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp lớn xuất khẩu nhiều hàng hoá trong trường hợp có khả năng bị kiện về hàng rào kỹ thuật trong thương mại thuộc phạm vi quản lí của Bộ Công Thương, bằng fax hoặc email trong vòng 24h kể từ khi nhận thông báo từ văn phòng TBT Việt Nam.

Một phần của tài liệu Rào cản phi thuế quan của hoa kỳ đối với xuất khẩu hàng dệt may việt nam 70 (Trang 76 - 81)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(120 trang)
w