Trong quy trình cho vay vốn thì công tác phân tích, thẩm định có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tác động lớn đến chất lượng của khoản tín dụng. Do vậy để Chi nhánh đạt được hiệu quả cao nhất khi cho vay thì cần thực hiện tốt công tác phân tích tình hình tài chính khách hàng và phương án sử dụng vốn để hạn chế tốt nhất những rủi ro tín dụng về sau.
Thứ nhất, CBTD yêu cầu khách hàng cung cấp các BCTC đã được kiểm toán từ các công ty kiểm toán lớn, có uy tín trong khu vực để đảm bảo độ tin cậy, tránh làm mất thời gian trong quá trình phân tích. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có BCTC kiểm toán thì cần cung cấp báo cáo thuế để phục vụ cho quá trình phân tích.
Thứ hai, CBTD cần sát sao hơn trong khâu kiểm tra tính hợp lí, trung thực của các BCTC của khách hàng. Việc này có thể mất thời gian hơn biện pháp thứ nhất nhưng lại đem lại rất nhiều lợi ích. Việc trực tiếp thẩm định thông tin sẽ giúp CBTD
có cái nhìn chính xác nhất về thực trạng DN, nâng cao chất lượng phân tích tín dụng, giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng.
Cụ thể, CBTD cần gặp trực tiếp khách hàng, thăm quan nơi làm việc cũng như nhà xưởng sản xuất của DN để thẩm định tình hình hoạt động kinh doanh thực tế so với các tài liệu được cung cấp. Về cơ bản, công tác giám sát định kì phải đạt được các mục tiêu: nắm được cách vận hành, sự thay đổi trong quá trình sản xuất kinh doanh; quản lí sát sao việc sử dụng vốn, nguồn vốn nào dùng cho sản xuất, cho kinh doanh,...; nắm vững chu kì kinh doanh, tiêu thụ để giúp cung cấp vốn cho doanh nghiệp và thu hồi khoản vay và lãi định kì về cho ngân hàng; chú ý các thông tin khác về doanh nghiệp nhằm kịp thời kiểm soát rủi ro và tư vấn quản lí vốn hiệu quả cho khách hàng. Cán bộ tín dụng có thể tận dụng những cách khác để thẩm định tình hình tài chính của khách hàng mà không cần tốn quá nhiều chi phí như thông qua các kênh thông tin mạng, báo chí, khai thác thông tin từ người lao động tại doanh nghiệp hoặc các đối tác của doanh nghiệp,.. .việc này sẽ giúp CBTD có thông tin đa chiều để đưa ra đánh giá khách quan nhất, đối chiếu tình hình thực tế với các BCTC để kiểm tra tính hợp lí của số liệu. Tuy nhiên, CBTD cũng nên tỉnh táo khi tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, chỉ nên xử lí những thông tin có nguồn gốc minh bạch, có độ tin cậy cao.
Thứ ba, chi nhánh nên mở rộng và tăng cường mối quan hệ với các tổ chức cung cấp thông tin tài chính để có thể khai thác hoặc mua thông tin khi cần thiết một cách nhanh chóng, kịp thời đáp ứng công tác thẩm định BCTC, kiểm tra tính chính xác của thông tin.