Giá trị hiện thực và nhân đạo trong một số tác phẩm lớp

Một phần của tài liệu Chuyên đề ôn thi học sinh giỏi ngữ văn lớp 10 (Trang 35 - 39)

Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” – Thạch Lam

1.Giá trị hiện thực

- Tác phẩm phản ánh một cách chân thực cuộc sống lam lũ của những người lao động nghèo, những kiếp người tàn tạ chìm khuất trong bóng tối. Đó là những mảnh đời nhỏ bé, bất hạnh. Đó là hàng nước của mẹ con chị Tí, là gánh hàng phở Bác Siêu, là gia đình bác Xẩm nghèo và cả hai chị em Liên và An…Tất cả được tái hiện một cách tinh tế, sinh động dưới ngòi bút tài hoa của Thạch Lam.

- Bức tranh hiện thực trong tác phẩm đậm chất trữ tình. Khác với bức tranh hiện thực khách quan trong trào lưu hiện thực, bức tranh đời sống trong “Hai đứa

trẻ”được cảm nhận chủ yếu qua cảm xúc và tâm trạng của nhân vật. Mặt khác,

Thạch Lam viết về cuộc sống chủ yếu qua kí ức tuổi thơ của mình. Trang đời đã hóa thành trang văn, do vậy màu sắc trữ tình có phần đậm nét hơn.

Đánh giá: Sự hòa quyện giữa yếu tố hiện thực và trữ tình là một đặc điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật Thạch Lam. Điều đó đã tạo nên những trang văn vừa mang hơi thở cuộc sống, vừa giàu chất thơ cho “Hai đứa trẻ”.

2. Giá trị nhân đạo

- Miêu tả cuộc sống con người bằng niềm cảm thông, xót thương sâu sắc. Miền đất và những mảnh đời bị quên lãng trong tù túng, tăm tối kia lại có sức gợi cảm sâu sắc.

- Nhà văn khẳng định, trân trọng sâu sắc trước những ước mơ, khát vọng nhỏ bé, bình dị nhưng hết sức chính đáng và đẹp đẽ. Sống trong buồn tẻ, tăm tối, vô nghĩa nhưng con người vẫn hướng đến một cuộc sống tươi sáng. Có người cho rằng: Liên đã nỗ lực vươn lên, bám vào chiếc phao để một mặt không bị chìm nghỉm, mặt khác để khuấy động ao đời tù túng, đơn điệu kia.

- Tác phẩm còn rung lên tiếng chuông cảnh tỉnh người đọc trước những mảnh đời bất hạnh dễ bị lãng quên, chìm lấp trong đói nghèo, tăm tối, vừa có sức lay gọi: hãy quan tâm đến họ, giúp họ thoát khỏi sự tù túng bế tắc.

Đánh giá: Tư tưởng nhân đạo của Thạch Lam có sự khác biệt với nhân đạo chủ nghĩa trong một số sáng tác của nhóm Tự lực văn đoàn lúc bấy giờ. Tư tưởng nhân đạo của Thạch Lam có nhiều điểm tiến bộ, phù hợp với quá trình phát triển tư tưởng nhân đạo trong VHVN giai đoạn 1930-1945.

Truyện ngắn “Chí Phèo”– Nam Cao. 1. Giá trị hiện thực

a.Phản ánh những vấn đề cơ bản của xã hội nông thôn

- Mối quan hệ trong nội bộ giai cấp phong kiến thống trị.Một mặt chúng đối nghịch với nhau, luôn rình cơ hội để trị nhau, mong cho nhau lụn bại để cưỡi lên đầu lên cổ nhau. Mặt khác chúng lại cấu kết với nhau để bóc lột người nông dân.

=>Phản ánh ý thức tranh chấp và giành địa vị bá chủ trong làng xã.

- Mâu thuẫn giai cấp đối kháng, gay gắt giữa bọn địa chủ cường hào thống trị với những người nông dân bị áp bức, bóc lột. Thông qua cuộc đời và số phận bi thảm của nhân vật Chí Phèo, nhà văn đã phản ánh xung đột giai cấp gay gắt giữa nông dân và địa chủ ở nông thôn Việt Nam những năm trước Cách mạng Tháng Tám. Mối mâu thuẫn này không thể điều hòa được phải giải quyết bằng những biện pháp quyết liệt, dữ dội. Cả hai đều phải chết.

b.Phản ánh hiện thực đời sống tăm tối, đau khổ của người nông dân bị cự tuyệt quyền làm người.

Chí Phèo điển hình cho người nông dân lương thiện bị tước mất hình người, tính người bị biến thành quỷ dữ. Chí Phèo vốn bản chất là một người nông dân lương thiện và giàu lòng tự trọng. Xã hội tàn bạo mà đại diện là bá Kiến và nhà tù thực dân đã biến Chí thành kẻ lưu manh và dần biến Chí thành con quỷ dữ. Khi trở thành quỷ dữ Chí bị chính làng Vũ Đại loại ra khỏi đời sống cộng đồng. Chí sống tăm tối như thú vật, xa lạ với mọi người, xa lạ với xã hội loài người. Do đó, nỗi đau lớn nhất ở Chí Phèo chính là nỗi đau của một con người bị tàn phá về thể xác, bị hủy diệt về tâm hồn, bị xã hội cự tuyệt không cho làm người, chứ không chỉ là nỗi đau vì đói cơm rách áo, không nhà cửa, không nơi nương tựa...như một số nhân vật trong các tác phẩm văn học hiện thực khác. Giá trị hiện thực mới mẻ, độc đáo của tác phẩm chính là ở chỗ đó.

c.“Chí Phèo” đã khái quát hiện thực mang tính quy luật trong xã hội cũ: có áp bức thì có đấu tranh, đấu tranh tự phát thường dẫn đến kết cục bi thảm. Và những cuộc đấu tranh như thế này chưa thể kết thúc được vì “tre già măng mọc”. Bá Kiến chết còn lí Cường, còn nhiều tên cường hào ác bá khác thì còn những “hiện tượng Chí Phèo” và còn những cuộc đấu tranh tự phát…

2. Giá trị nhân đạo

Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao trước hết thể hiện ở thái độ tố cáo, lên án gay gắt những thế lực tàn bạo đã áp bức, đẩy người nông dân lương thiện vào con đường tha hóa, tước đoạt quyền làm người của họ.

Đại diện của thế lực cường hào ở nông thôn trực tiếp đẩy Chí Phèo vào con đường tha hóa là bá Kiến. Chính hắn đã đẩy Chí Phèo đi ở tù chỉ vì cơn ghen vu vơ.

Nhà tù của chế độ thực dân đã biến Chí Phèo từ một nông dân lương thiện thành một kẻ lưu manh.

Sau khi Chí Phèo ở tù về, vẫn ôm mối hận thù với bá Kiến. Nhưng bằng sự khôn ngoan lọc lõi, bá Kiến đã biến Chí Phèo thành tay sai, chuyên nghề rạch mặt ăn vạ cho y, biến Chí Phèo thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.

Trong truyện không chỉ có mình Chí Phèo, mà còn những Binh Chức, Năm Thọ. Tác giả đã tố cáo cả chế độ xã hội đương thời là nguồn gốc, là thủ phạm của hiện tượng một bộ phận nông dân bị xô đẩy vào con đường tha hóa.

Tư tưởng nhân đạo của Nam Cao thể hiện ở sự phát hiện và cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ của con người, cụ thể ở đây là những người nông dân nghèo.

Cũng như nhiều cây bút hiện thực, Nam Cao hướng ngòi bút vào cuộc sống nghèo khổ, tăm tối, những số phận đau khổ của người nông dân (Cuộc đời Chí Phèo, kiếp sống của thị Nở cũng như nhiều nông dân trong các tác phẩm khác)

Nhưng điều khác biệt và sâu sắc hơn là ở chỗ Nam Cao không chỉ nói đến những nỗi khổ do bị bóc lột, bần cùng hóa (như chị Dậu trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố; anh Pha trong Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan) mà còn là nỗi đau bị tha hóa, bị tước đoạt cả nhân hình, nhân tính, bị tước đoạt quyền làm người, bị đẩy ra khỏi xã hội loài người. Đó là nỗi đau lớn nhất của con người.

Điểm đặc sắc trong chủ nghĩa nhân đạo của Nam Cao là trong khi miêu tả người nông dân bị tha hóa, nhà văn đã đi sâu vào nội tâm nhân vật, phát hiện và khẳng định nhân phẩm của họ, diễn tả sâu sắc khát vọng muốn được trở lại người lương thiện.

Khi Chí Phèo đã thực sự trở thành con quỷ dữ, Nam Cao vẫn rọi sâu vào trong tiềm thức của nhân vật để thấy được ở y sự thèm khát được giao tiếp với đồng loại, với xã hội loài người, dù chỉ là chửi nhau (đoạn đầu tác phẩm).

Trong truyện, Nam Cao đã dành phần chủ yếu để khám phá và diễn tả sự thức tỉnh những khát vọng được trở lại làm người lương thiện của Chí Phèo và tấn bi kịch của nhân vật.

Từ lúc gặp thị Nở và mối tình với thị đã đánh thức dậy ở Chí Phèo cái khao khát cháy bỏng được trở lại làm người lương thiện. Chí Phèo không còn thèm rượu mà thèm lương thiện, muốn được làm hòa với mọi người biết bao, muốn được nhận vào cái xã hội bằng phẳng thân thiện của những người lương thiện.

Nam Cao đã diễn tả quá trình thức tỉnh ý thức của Chí Phèo như là sự thức tỉnh nhân tính, qua đó thể hiện sự tôn trọng và niềm tin ở bản tính lương thiện của những người nông dân đã bị đẩy vào tình cảnh khốn cùng.

Qua tấn bi kịch và kết cục bi thảm của Chí Phèo, Nam Cao cất lên tiếng kêu khẩn thiết và đầy phẫn uất cho con người.

Tấn bi kịch của Chí Phèo là khi nhận ra mình đã bị tước đoạt quyền làm người mà không có cách nào trở lại làm người lương thiện. Thể hiện tấn bi kịch này, Nam Cao đã diễn tả nỗi đau tột cùng của con người, qua đó là sự cảm thông sâu sắc và nỗi đau của chính nhà văn về con người.

Câu nói khẩn thiết của Chí Phèo ở cuối truyện “Tao muốn làm người lương thiện” và tiếng kêu đau đớn tuyệt vọng của anh “Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này?” chính là lời tố cáo đanh

thép và tiếng kêu bi phẫn, khẩn thiết đòi quyền làm người cho những kẻ khốn cùng đã bị xã hội tước đoạt quyền ấy.

Tuy chưa thể chỉ ra lối thoát cho các số phận bi thảm của những người như Chí Phèo, nhưng tác phẩm chứa đựng tư tưởng nhân đạo sâu sắc và mãnh liệt của nhà văn. Tư tưởng nhân đạo ấy đi liền với một cái nhìn hiện thực sâu sắc, mới mẻ và một tài năng lớn của nhà văn hiện thực Nam Cao.

CÁC CHUYÊN ĐỀ ÔN THI HỌC SINH GIỎI LỚP 12Chuyên đề 1 : NGHỊ LUẬN XÃ HỘI Chuyên đề 1 : NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

Một phần của tài liệu Chuyên đề ôn thi học sinh giỏi ngữ văn lớp 10 (Trang 35 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(166 trang)
w