KẾT LUẬN
Căn cứ vào những phân tích nêu trên, có thể rút ra các kết luận dưới đây:
Thứ nhất, các chính sách của Nhà nước trong hơn hai thập kỷ qua được tập trung vào các DNNN trong lĩnh vực sản xuất. Nguồn lực dành cho phát triển ngành thép nói riêng, một số ngành được xem là mũi nhọn khác nói chung được mặc định là chuyển cho các DNNN. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này không chỉ không đưa lại những gì như kỳ vọng mà còn là gánh nặng cho nền kinh tế Việt Nam do sự cồng kềnh và kém hiệu quả của chúng. Nguyên nhân cơ bản là do những trục trặc cố hữu của loại hình doanh nghiệp này với ràng buộc ngân sách mềm và vấn đề ủy quyền tác nghiệp. Thay vì theo cách tiếp cận mà Hàn Quốc đã thành công là dành nguồn lực cho những người làm tốt thì Việt Nam đã chọn cách phân bổ nguồn lực tự định cho các DNNN. Điều này đã gây ra rất nhiều tác động tiêu cực đến khả năng trở nên thịnh vượng của Việt Nam. Nói chung, các chính sách đã tạo ra cơ chế người làm tốt thì bị phạt trong khi người làm tệ được ưu ái đã tác động rất tiêu cực đến dự phát triển ở Việt Nam.
Thứ hai, sự lớn mạnh và chiếm lĩnh thị trường thép của các doanh nghiệp tư nhân cho thấy vai trò của kinh tế thị trường của khu vực tư nhân đối với sự phát triển của một quốc gia. Mặc dù gần như không được ưu đãi gì và có khi còn bị cản trở rất nhiều, nhưng các doanh nghiệp tư nhân đã vươn lên và trở thành trụ cột của ngành thép Việt Nam. Chính cơ chế thị trường tinh thần doanh nhân đã tạo ra kết quả này cho dù các doanh nghiệp tư nhân trong nước nhìn chung bị đối xử bất bình đẳng trong ba đối tượng gồm: DNNN, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp dân doanh. Thứ ba, sai lầm chiến lược lớn nhất có lẽ là việc dựa vào Trung Quốc để phát triển ngành thép Việt Nam. Trình độ phát triển của Trung Quốc, nhất là ở cuối thập niên 1990 là không khác nhiều so với Việt Nam. Do vậy, khả năng tìm kiếm các công nghệ và cách quản lý tiên tiến như Hàn Quốc đã được hưởng lợi từ Nhật Bản là không nhiều. Quan trọng hơn, xét về logic thì Việt Nam luôn được xem là đối thủ cạnh tranh tiềm tàng với Trung Quốc nên khả năng Trung Quốc thực sự muốn giúp Việt Nam phát triển một ngành thép cũng như những ngành khác có khả năng cạnh tranh để chống lại chính họ là không cao. Trái lại, rất có thể tận dụng việc Việt Nam dùng tín dụng cũng như các sự hỗ trợ khác từ Trung Quốc nên họ đã tranh thủ chuyển những công nghệ hay máy móc thiết bị lạc hậu với giá đắt đỏ cho Việt Nam. Điều này giúp làm tăng khả năng cạnh tranh của ngành thép Trung Quốc vì họ có điều kiện đổi mới công nghệ sau khi bán được các thiết bị lạc hậu. Đây là vấn đề cần xem xét và phân tích thấu đáo, nhưng rất có thể đây một sai lầm mang tính chiến lược của Việt Nam trong việc dựa vào Trung Quốc để phát triển ngành thép cũng như một số ngành công nghiệp khác.
Thứ tư, chính sách cấm xuất khẩu quặng sắt nói riêng và một số loại quặng khác nói chung vô hình trung đã đem lại lợi thế cho chính đối thủ cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp cùng lĩnh vực của Trung Quốc. Các chính sách cấm đoán hay hạn chế đã vô hình trung trao quyền thương lượng cho các doanh nghiệp Trung Quốc ép giá để mua rẻ các sản phẩm thô của Việt Nam. Điều nghiêm trọng ở chỗ là Việt Nam lại là thị trường tiêu thủ các sản phẩm được chế biến từ các nguyên liệu thô mà Việt Nam xuất đi với giá bán bị ép. Hậu quả là các doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc và nhập siêu từ Trung Quốc ngày một gia tăng. Hơn thế,
46
chính sách cấm xuất khẩu quặng thép hiện nay vô hình trung đã tạo ra một sân chơi không bình đẳng và một số doanh nghiệp đã tiên phong trong việc đầu tư các thiết bị công nghệ gặp bất lợi.
Thứ năm, sự thất thường trong các chính sách đã tạo ra môi trường kinh doanh hết sức rủi ro. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước – đối tượng đóng vai trò nền tảng để một quốc gia có thể phát triển ở vị trí bất lợi nhất. Điều này đã làm thui chột tinh thần doanh nhân và ước muốn tạo ra những ngành công nghiệp hay sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Hành vi tất yếu của không ít doanh nghiệp là gói gém trong ngắn hạn để kinh doanh và hoạt động qua ngày bằng cách tận dụng những yếu tố phi sáng tạo thay vì tập trung sáng tạo để tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho toàn xã hội. Đây có lẽ là lý do làm cho Việt Nam đã qua ba thập kỷ đổi mới vẫn chưa xuất hiện các nhà công nghiệp (industrialists) đúng nghĩa là trụ cột cho nền kinh tế.