Quan niệm về thời gian và không gian

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Quan niệm về vũ trụ và nhân sinh trong sáng tác dân gian của dân tộc Ngái (Trang 48 - 55)

7. Đóng góp của đề tài

2.2.3. Quan niệm về thời gian và không gian

Quan niệm về không gian và thời gian nghệ thuật trong sáng tác dân gian của người Ngái được thể hiện rất cụ thể qua các thể loại khác nhau như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, lối hát đối đáp và cả trong tín ngưỡng dân gian.

Thần thoại nhằm giải thích các hiện tượng tự nhiên xảy ra xung quanh con người, thần thoại là lòng tin của con người về nguồn gốc vũ trụ, cho nên không gian trong thần thoại thường xác định. Thời gian của thần thoại cũng xác định đó là quá khứ khởi nguyên, thần thoại thường nhằm giải thích nguồn gốc vũ trụ, thường mở đầu bằng câu “Thuở xưa, khi trời đất còn hỗn độn…”.

Trong “Truyện quả bầu khô” của người Ngái mở đầu: “Từ thuở hồng hoang, ở một làng nọ cảnh vật, con người đông vui. Vào một ngày nọ, có một trận hồng thủy kéo đến làm chết hết con người và muôn loài trong làng. …”

Trong truyền thuyết cả thời gian và không gian đều được xác định cụ thể, mặc dầu truyền thuyết cũng bao hàm hư cấu với ý đồ làm cho người nghe tin vào điều được kể ra, nên cả thời gian và không gian trong truyền thuyết đều xác định cụ thể, mở đầu bằng câu “Vào thời…ở…”, truyền thuyết giáo dục ý thức cộng đồng thiên về nhận thức lí trí.

Trong truyện cổ tích, không gian nghệ thuật trong truyện theo tác giả Lê Trường Phát, trên cơ sở xét về phương diện bản thể, không gian cổ tích thường có hai dạng: “Không gian cuộc sống trần thế và không gian kì ảo phi trần thế. Không gian cuộc sống trần thế chủ yếu là không gian làng quê… nơi nhân vật sinh ra và sống phần lớn cuộc đời của mình. Không gian kì ảo phi trần thế là không gian Thiên phủ (cõi tiên, thiên đình) …” [24; tr. 44]. Tuy nhiên loại không gian kì ảo ít xuất hiện trong truyện cổ tích của dân tộc Ngái, phần lớn là không gian đời thường, không gian sinh hoạt, chủ yếu diễn ra trong phạm vi gia đình. Không gian cổ tích bao quanh hoạt động của nhân vật chính, là không gian khép kín, không gian chỉ tồn tại xung quanh nhân vật chính mà thôi. Không gian cổ tích khó xác định phạm vi, địa điểm. Truyện nào cũng có một không gian gần giống nhau mà ta có thể bắt gặp trong một truyện cổ tích khác. Không gian tự nhiên và không gian xã hội kết hợp với nhau tạo nên một “thế giới cổ tích” độc đáo. Phần không gian sinh hoạt xã hội cho thấy hơi thở nhân sinh, còn phần không gian tự nhiên lại mở ra cho người nghe một không gian bao la cho trí tưởng tượng con người vỗ cánh. Về thời gian nghệ thuật, thời gian trong truyện cổ tích luôn là thời gian quá khứ vĩnh hằng, không bao giờ thay đổi. Thời gian không thể xác định bằng năm tháng. Thời gian trong cổ tích không gián đoạn mà diễn biến theo hành động nhân vật. Nó chậm chạp hay gấp gáp đều do động thái của nhân vật chính trong truyện. Các từ chỉ thời gian cũng có tính chất ước lệ, câu chuyện xảy ra từ xa xưa mở đầu bằng môtip “Ngày xửa ngày xưa” thời gian diễn ra tuần tự theo diễn biến sự việc, sự việc nào diễn ra trước thì có trước. Thời gian của truyện là dòng chảy liên tục, trong đó diễn ra chuỗi hành động của nhân vật chính, nhân vật sinh ra, lớn lên, hoạt động và kết thúc bằng sự thay đổi số phận. Bao giờ cũng là kết thúc có hậu, thể hiện quan điểm của nhân dân “Ở hiền thì gặp lành”, “Ác giả, ác báo”. Như trong truyện cổ tích “Lấy chồng chăn” của người Ngái, thời gian không có sự đảo lộn, mà diễn biến theo câu chuyện, theo những hành động của nhân vật chính, kết

thúc tác phẩm có hậu “cô út lấy được người chồng khôi ngô tuấn tú”, “cô cả thì bị một con chăn lớn nuốt vào bụng, may nhờ vợ chồng cô em cứu giúp”.

Trong lối đối đáp nam nữ của người Ngái, không gian hẹp hơn, chủ yếu không gian riêng, còn thời gian chủ yếu là thực tại, câu hát được ứng tác ngay tức thời trong những lúc lao động mệt nhọc.

Chàng trai:

Em ơi em cấy ruộng thì cứ cấy ruộng

Dừng ngửa mặt lên để anh nhìn thấy anh thương

Cô gái:

Anh đi bộ thì cứ đi bộ

Đừng có cúi mặt xuống nhìn em cấy ruộng Em bán mặt cho đất, em bán lưng cho trời.

(Lời bài hát của bà Dương Thị Lỷ, 80 tuổi, tại Lục Ngạn, Bắc Giang)

Ngoài ra không gian, thời gian còn được thể hiện cụ thể, sâu sắc trong tín ngưỡng dân gian của người Ngái.

Không gian, thời gian sinh tồn: Là một phương diện của không gian xã hội, chứa đựng trong đó các mối quan hệ của con người với con người, con người với các hiện tượng xung quanh mình vào những không gian và thời gian khác nhau. Vì vậy, mỗi tộc người đều có không gian đặc thù trong quá trình sinh sống của họ.

Không gian sinh tồn được xác định là những không gian tác động trực tiếp đến đời sống văn hóa tộc người với những mối quan hệ khác nhau. Trong bản thân không gian sinh tồn lại có thể phân định thành nhiều không gian cụ thể như không gian cư trú, không gian kiến trúc, không gian canh tác, …

Không gian sinh tồn chính là yếu tố tác động đến đặc điểm tư duy, cách thức xây dựng cốt truyện, hình tượng nghệ thuật, cách thức thể hiện tâm tư, tình cảm hay những nhận thức của tộc người về cuộc sống, về thế giới xung quanh... thể hiện trong các sáng tác dân gian của họ. Hay nói cách khác, không gian sinh tồn chính là một trong những cửa ngõ để đi vào thế giới văn học dân gian, đồng thời qua đó họ thể

hiện những quan điểm về vũ trụ. Người Ngái quan niệm có sự tồn tại của thế giới vũ trụ với ba tầng gồm cõi trời (thiên đường), cõi đất (âm phủ) và cõi nhân gian, trong đó không gian sinh tồn của họ thuộc tầng giữa, như một mặt phẳng được giới hạn bởi chân trời. Điều này được thể hiện qua tín ngưỡng thờ cúng và phong tục trong đám tang, lễ hội của người Ngái. Trong quá trình thực địa tại Bắc Giang, chúng tôi được tham dự vào lễ hội Đại Phan của dân tộc Hoa, Ngái, Sán Dìu. Lễ hội có ý nghĩa tạ ơn trời đất, tạ ơn thần linh đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân làng no ấm và cầu khấn cho những vụ mùa tiếp theo, cầu siêu cho những vong hồn không nơi nương tựa... Thế giới vũ trụ gồm ba tầng Trời, Đất và Người có sự tương giao với nhau. Lễ hội là tấm gương phản chiếu tương đối toàn diện sinh hoạt cộng đồng, mang trong mình những nét đặc sắc, đậm nét riêng của văn hóa người Ngái. Lễ hội tổ chức trong không khí trang trọng và linh thiêng, thời khắc diễn ra lễ hội đã hội tụ tất cả những tinh hoa, giá trị văn hóa cao nhất; ở đó những nét đẹp giữa văn hóa và tâm linh hòa quyện với nhau đầy độc đáo, sự tiếp biến văn hóa từ quá khứ đến hiện tại và tương lai.

Không gian, thời gian thiêng: Trong quá trình thực địa tại một số gia đình người Ngái ở nhiều nơi thuộc các tỉnh phía Bắc Việt Nam như Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Bắc Giang… chúng tôi được nghe giới thiệu kỹ về bàn thờ gia tiên– không gian thiêng tuyệt đối của người Ngái, là nơi thể hiện lòng thành kính của con cháu với tổ tiên, chính vì vậy nên bàn thờ được lập chính giữa ngôi nhà, là nơi trang trọng, linh thiêng và thành kính. Việc lập bàn thờ gia tiên cũng giống như các tộc người Đông Nam Á là đều xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng thần linh, tổ tiên mà điểm mấu chốt của nó là quan niệm về linh hồn. Đối với người Ngái, cũng như các dân tộc khác, thì con người không tự nhiên chết đi mà đó là kết quả của một quá trình chuyển tiếp từ sự sống sang cái chết, trong đó có vai trò rất quan trọng của linh hồn. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Ngái có ý nghĩa mong muốn kết nối quá khứ và hiện tại, giữa người sống và những người đã khuất, là sự thể hiện quan niệm về nhân sinh của người Ngái “sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”. Người chết chưa phải là hết, tổ tiên những người đã mất lúc nào cũng bên cạnh người sống, ngự trên bàn thờ của mỗi gia đình, động viên, trợ giúp con cháu trong cuộc sống hàng ngày. Nếu như tôn giáo thường tuyệt đối hóa đời sống thần linh, hướng con người về thế giới siêu thoát thì

tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tuy có hướng con người về quá khứ, song lại rất coi trọng hiện tại và tương lai.

Trong tín ngưỡng dân gian của người Ngái, thì nghi lễ tang ma là quan trọng nhất để đưa ông bà, cha mẹ, những người đã khuất về với tổ tiên (những người mới mất được lập bàn thờ riêng, cho tới khi cải táng) sau đó mới được nhập bàn thờ gia tiên. Trong quá trình thờ riêng, người Ngái tạo ra một không gian riêng cho người đã khuất “nhà táng”, sau khi cải táng thì không gian thiêng “nhà táng” được hóa (đốt).

Nhà táng của người Ngái – là không gian thiêng dành cho linh hồn người chết. Người Ngái quan niệm, khi linh hồn lìa khỏi xác thì bơ vơ, không biết đi về đâu mà cư ngụ. Tục làm nhà táng cho linh hồn ra đời từ quan niệm đó. Ngôi nhà đó trở thành nơi cư ngụ cho linh hồn người quá cố khỏi bơ vơ nơi chín suối. Với kiến trúc chặt chẽ và hệ thống nghi thức trang trọng, giàu ý nghĩa nhân văn, nhà táng không đơn thuần là một nghi thức trong phong tục tang ma, mà còn là cả một thế giới quan, nhân sinh quan độc đáo, thú vị của người Ngái. Sau khi hoàn tất các thủ tục, nghi lễ thì nhà táng được đốt (hóa) cho linh hồn người chết.

Nghi lễ nhà táng cho thấy rõ hơn sự kết nối các tầng vũ trụ cũng như ý niệm về linh hồn của người Ngái, từ đó nhận thức sáng rõ về con đường tâm linh của họ. Đối với người Ngái, linh hồn không chỉ tồn tại mà còn có những mối liên quan nhất định đối với người sống “Người chết rồi hồn còn quay về tổ”. Sau khi qua đời, truốt hơi thở cuối cùng của người chết, linh hồn khi thoát khỏi thể xác đi lang thang, người Ngái làm nhà táng cho linh hồn người khuất trú ngụ. Sau thời gian chuyển tiếp tương đương với thời gian để tang của những người thân thích gần nhất còn sống, họ đi vào thế giới của người chết, khi mà lòng thành của người thân đã chuẩn bị cho họ đi vào đó bằng những lễ nghi tập tục đã quy định. Lễ tục chay có khuynh hướng thiết lập lại một sự thăng bằng tương ứng với sự thăng bằng đã bị cắt đoạn: Gia đình mất đi một thành viên, vũ trụ mất đi một cá nhân, sự cần thiết tìm lại một chỗ của cá nhân đó chưa được chuẩn bị trong một thế giới khác. Quan niệm trần sao âm vậy đã trở thành nếp nghĩ bất biến đối với người Ngái. Tuy nhiên, dù sao thì người chết vẫn là một thực tế và công việc của người sống là đưa linh hồn người chết về với tổ tiên. Trong chuyến đi thực địa tại Lục Ngạn, Bắc Giang chúng tôi được dự đám tang của người Ngái, bà Lâu Thị Lai, thọ 66 tuổi, tại Tân Lập, Lục Nam, Bắc Giang. Tại đây chúng tôi được

nghe thầy cúng kể lại quá trình đám tang của người Ngái, có rất nhiều điểm khác biệt so với dân tộc kinh. Đầu tiên lập bàn thờ Tam Bảo, thờ Phật, nơi mỗi khi hành lễ phải xin phép hay mời đức Phật về chứng giám (lấy nước sạch ngoài sông, suối) rửa sạch, làm cơm cúng cho linh hồn người khuất. Thầy cúng làm lễ thỉnh cầu gia tiên, thỉnh cầu thần hoàng ở thôn bản người đã khuất, đón linh hồn người khuất (lập bát hương), thỉnh trời đất, báo cáo ông bà của người khuất, tiếp đó là khâm liệm, phát tang cho con cháu. Sau khi phát tang xong, thầy cúng lại làm lễ báo cáo Tam Bảo, Thần Hoàng hôm nay bắt đầu làm chay cho người đã khuất, tiếp theo chiêu hồn (2 tờ sớ dâng lên), hành hương (giải oan cho người khuất), lập nhà táng cho người mất… Thầy cúng sẽ làm lễ và cúng trong suốt hai ngày hai đêm, sau đó mới đưa linh cữu ra đồng, người Ngái chủ yếu dùng hình thức địa táng cho người mất. Lễ lập cây phan với ý nghĩa chỉ dẫn con đường cho linh hồn. Thầy cúng có hai đại phan: Phan màu đỏ là đại diện cho vong, phan màu vàng là con đường tiếp dẫn linh hồn lên thiên đường. Trong lúc chuẩn bị, thầy cả đi vòng quanh ba lượt bảo hộ bình an cho con đường và chỉ bảo cho linh hồn đi theo con đường ấy. Tiếp theo thầy cúng thứ hai buộc hai đầu cây phan được vào nhau cũng là lúc con đường (đỏ và vàng) được chắp nối. Chính vì thế, lập cây phan hay cũng chính là hình thức đánh dấu, bắc cầu để linh hồn lên đến cõi Trời. Mặt khác, cây phan đồng thời cũng là sự kết nối trời đất, vạn vật làm nên sự luân chuyển giữa hai thế giới, sau đó cúng Đạo tràng Tam thanh, tuyên sớ rước linh hồn lên kiệu, về với cõi thiên đường.

Để linh hồn thoát khỏi cõi trần tục, siêu thoát lên thiên đàng cần làm lễ phá ngục. Đây là nghi lễ đặc biệt quan trọng trong đám nhà táng, bởi nếu không làm thì linh hồn chưa được “cởi trói” vẫn quẩn quanh nơi ngục tối. Quan trọng hơn là sau khi phá ngục, thầy cúng còn làm phép tẩy uế, chải tóc, thay trang phục cho người chết, rồi đưa linh hồn về trước linh tiền sám Phật, rửa tội, nghe kinh. Làm lễ phá ngục giải thoát cho linh hồn người đã khuất.

“Ra khỏi nhà ngục u tối

Đi theo có thiên binh vạn tướng Thấy quỷ sứ bắt mở cửa sắt gông cùm Nếu là vong thì về linh vị”

Rạng sáng ngày cuối cùng là lễ Trấn môn quan. Đây là lễ cuối cùng ở ngoài trời trước khi đưa nhà táng ra mộ phần để địa táng. Trước đó (lúc giữa đêm) môn quan gồm 5 cửa được bài trí ở ngũ phương (Đông-Tây- Nam -Bắc và Trung tâm). Thầy cúng đọc niệm và khi qua mỗi cửa ải đều phá chứ không phải xin phép qua cửa, đưa linh hồn người chết đi qua. Khi qua chín cửa ải đường trời (9 tầng mây), phải có một người cầm bó đuốc theo để đốt bùa của thần trông cửa ấy, không cho ông ta ngáng trở hoặc làm hại. Điểm độc đáo trong nghi lễ này của người Ngái là tính tổ chức rất chặt chẽ giữa các vị trí. Nghi lễ cuối cùng là đốt nhà táng trong ngày cải táng. Khi ra đến mộ, thầy cúng chụm đầu vào nhau làm lễ đưa đường người chết về nơi an nghỉ và sẽ được hưởng những đồ tùy táng, mong người quá cố phù hộ cho con cháu làm ăn thịnh vượng, bình yên. Khi các phần lễ xong, người ta đốt nhà táng. Thời gian thiêng là những ngày húy của tổ tiên hoặc những ngày lễ tết. Ngoài ra việc cúng giỗ tổ tiên cũng được tổ chức vào những ngày trong gia đình có những việc quan trọng như lấy vợ, làm nhà, … Thông qua nghi lễ thờ cúng, người Ngái gửi gắm lòng biết ơn đối với tổ tiên ông bà “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”,

Cây nhớ gốc mới nở cành xanh ngọn. Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”.

Nếu như không gian sinh tồn bao gồm các yếu tố có mối quan hệ liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của con người, thì không gian thiêng vừa chi phối cách thức tổ chức đời sống, vừa hướng con người đến những điều cao siêu, thần bí, một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của tộc người. Không chỉ người Ngái mà với nhiều tộc người, mọi sự lí giải về cõi người, cõi giữa, cõi mà họ đang sinh sống đều gắn với công lao của “cõi trên”, cõi mang sứ mệnh kiến tạo. Mối quan hệ với không gian “bên trên” vì thế được tạo thành một cách tự nhiên và được thiêng liêng hóa. Các mối quan hệ với không gian cũng vì thế mà được mở rộng dần. Cõi thiêng

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Quan niệm về vũ trụ và nhân sinh trong sáng tác dân gian của dân tộc Ngái (Trang 48 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)