7. Đóng góp của đề tài
3.1. Khái niệm về quan niệm nhân sinh
Để có thể làm sáng tỏ quan niệm nhân sinh trong trong sáng tác dân gian của dân tộc Ngái, tác giả luận văn tìm hiểu, xem xét khái niệm nhân sinh. Nhân sinh có nguồn gốc là tiếng Hán Việt. Nhân là người. Sinh là cách thức tồn tại, hoạt động, sinh sống. Nhân sinh là cuộc sống của con người. Theo Từ Điển Tiếng Việt [27], quan niệm nhân sinh là hệ thống quan niệm về cuộc đời, về ý nghĩa, mục đích của cuộc sống con người.
Vậy có thể hiểu quan niệm nhân sinh là sự xem xét, suy nghĩ về sự sống của con người, là quan niệm về những định luật diễn hóa trong đời sống nhân loại và sự sống của con người.
Nói đến “Nhân sinh” tức là nói đến sinh mệnh con người, đến cuộc sống con người và cả nhân tính của con người trong xã hội. Sinh mệnh là yếu tố cơ bản duy trì sự sinh tồn của con người. Cuộc sống ở đây là cuộc sống nội tâm và cuộc sống ngoại tâm, nói cách khác là đời sống tinh thần và đời sống vật chất của con người. Nhân sinh giúp con người chỉ ra phương hướng hay mục đích sống của mình, hướng về một mục tiêu nhất định. Nghiên cứu về vấn đề nhân sinh tức là đi nghiên cứu về bản chất của mỗi con người thể hiện như thế nào trong cuộc sống, mục đích, thái độ, hành vi của đời sống con người.
Về bản chất, vấn đề nhân sinh là cốt lõi nội tại của triết học. Mọi hoạt động triết học từ các cấp độ khác nhau, trong các mức liên ngành, lý thuyết hay ứng dụng triết học đều phản ánh một khát vọng chung nhất của con người là mưu cầu một cuộc sống hoàn thiện hơn, tốt hơn, hạnh phúc hơn (Chân, Thiện, Mỹ); trên cơ sở hiểu biết sâu sắc hơn về mục đích, giá trị, hoàn cảnh cuộc sống cũng như khả năng và giới hạn của các kỹ thuật và phương thức sống (tư duy và hành động) của chính con người.
Trong cuốn “Lịch sử triết học” Trần Đăng Sinh cho rằng, tư tưởng về nhân sinh bao gồm những vấn đề cơ bản như: Bản chất của con người, đạo làm người, đường lối trị nước, mối quan hệ giữa “trị” và “loạn”, mối quan hệ giữa vua và quan,
mối quan hệ giữa vua và dân, vấn đề sử dụng nhân tài… được đặc biệt chú trọng trong tư tưởng triết học Việt Nam. Mặc dù chịu ảnh hưởng khá nhiều của tư tưởng “Tam cương”, “Ngũ thường” của Nho giáo nhưng nhân sinh quan của người Ngái vẫn mang trong mình những nét riêng không pha trộn. [12; tr.55].
Như vậy có thể hiểu “Nhân sinh là hệ thống những tư tưởng, quan niệm, cách nhìn nhận của con người về ý nghĩa, mục đích của cuộc đời về thế giới xung quanh con người; từ đó định hướng suy nghĩ, thái độ, hoạt động, hành vi của con người nhằm tác động lại cuộc sống và thực tiễn xã hội”. Quan niệm nhân sinh trong sáng tác dân gian là hệ thống những tư tưởng, quan niệm của con người (của các tác giả dân gian) về cuộc sống, về các giá trị của con người trong cuộc sống, thông qua đó nhằm giáo dục con người hướng tới những hành vi, thái độ, đạo đức phù hợp với chuẩn mực.
Quan niệm nhân sinh gồm những quan niệm về cuộc sống của con người, đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi sau: Con người từ đâu mà sinh ra? Con người chết rồi sẽ ra sao? Cách ứng xử của con người trong cuộc sống? Vị trí của con người trong cuộc đời này? Lẽ sống của con người là gì? Mục đích, ý nghĩa, giá trị của cuộc sống con người ra sao và sống như thế nào cho xứng đáng? … Qua đó người Ngái thể hiện quan niệm nhân sinh sâu sắc của mình.