Phương pháp thực hành Thiền có nhiều cách, nhưng có một cách đơn giản mà hiệu nghiệm, đó là: Quán niệm hơi thở. Ta ngồi yên lặng, lưng thẳng, mắt khép lại và để ý hơi thở vô ra. Hơi thở này đang đi vào, ta biết rõ như vậy; hơi thở này đang đi ra, ta biết rõ như vậy.
Một tiết học bộ môn khoa học trên lớp đâu phải chỉ dành cho việc ngồi yên lặng và theo dõi từng nhịp thở, từng hơi thở của bản thân mình. Những chỉ đạo chuyên môn, những hướng dẫn phương pháp nghiệp cụ cho một tiết dạy trên lớp không có chỗ cho việc thực hành Thiền như vậy. Và nếu có, cũng thật khó khăn để thuyết phục các học sinh đang độ tuổi hiếu động ngồi yên và theo dõi hơi thở. Vậy, ta cần hướng dẫn học sinh quán niệm hơi thở, buông lỏng tâm trí như thế nào?
Tôi sẽ mang theo một quả chuông đồng nhỏ có thể để vừa cặp sách mỗi khi đi dạy. Tôi quy ước cho học
sinh về ý nghĩa của tiếng chuông. Tiếng chuông là âm thanh ra hiệu chúng ta sẽ thực hành Thiền. Khi tiếng chuông vang lên, các em hãy chấm dứt suy nghĩ và những ức chế hiện tại trong đầu để quay trở về với hơi thở của mình. Hãy chú tâm vào hơi thở, thở thật chậm rãi và sâu lắng, mắt có thể hơi nhắm, miệng hãy nở một nụ cười nhẹ nhàng. Thở vào, tôi là bông hoa tươi mát. Thở ra, bông hoa tươi mát mỉm cười với tôi. Tôi cũng đứng yên và tập thở , tập cười cùng các em. Chúng tôi thường dành khoảng 2 phút để nghỉ ngơi, thư giãn và an tâm theo cách ấy. Sau hai phút tĩnh lặng, ngồi yên, thở và mỉm cười, chúng tôi lại bắt đầu với bài học. Thật kì diệu, có em học sinh đã giải quyết được vấn đề hóc búa mà bài học đã đặt ra. Có em học sinh đã biết ứng xử chín chắn và điềm đạm hơn thay vì nghịch ngợm và nổi loạn trong lớp học. Có em học sinh đã biết tập trung và chú ý hơn vào bài học.