1.5.1. Đặc điểm nhận thức của học sinh khá, giỏi
Trước hết học sinh khá, giỏi, đối tượng rèn luyện, bồi dưỡng phải tỏ ra “hứng thú”, bởi vì đây là yếu tố quan trọng để nảy sinh sáng tạo. Cho nên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường muốn rèn luyện cho học sinh một số yếu tố của tư duy sáng tạo thì trước tiên giáo viên trong quá trình giảng dạy phải ra bài tập sao cho phù hợp để học sinh thấy hứng thú trong học tập, hứng thú gây ra sáng tạo và sáng tạo lại thúc đẩy hứng thú mới học sinh phải thấy được cần có hứng thú, nhận thức cao, cần có khát khao nhận thức cái mới và vận dụng nội dung cái mới vào thực tiễn.
- HS phải nhận thức được rằng muốn giải được bài toán, cái đầu tiên là phải có một nền “Kiến thức vững chắc”. Một quá trình sáng tạo bất kỳ đều bắt đầu từ sự tái hiện cái đã biết. Tâm lý học hiện đại không phủ nhận vai trò của trí nhớ. Dĩ nhiên nếu chỉ ghi nhớ đơn thuần không biết suy nghĩ, vận dụng sáng tạo thì đó là kiến thức vô dụng. Người học sinh phải biết vận dụng tri thức đã biết vào tình huống mới để giải quyết bài toán.
- HS phải có tính “Nghi ngờ khoa học”, luôn tự đặt ra cho mình câu hỏi, cách làm này, phương án giải quyết này đã tối ưu chưa? Có cách giải quyết nào hay hơn nữa không?
Đối với học sinh khá, giỏi thì khả năng ghi nhớ thường rất tốt. Các em sử dụng một cách có ý thức những thủ thuật ghi nhớ, biết lập giàn bài cho tư liệu cần ghi nhớ và thường xuyên vận dụng các thao tác tư duy trong quá trình ghi nhớ. Mặt khác, do được tiếp xúc với nhiều môn học nên vốn từ ngữ, thuật ngữ khoa học tăng lên rõ rệt. Ngôn ngữ học sinh khá phong phú và chuẩn xác, phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Với những đặc điểm về phát triển trí tuệ của học sinh khá và giỏi như hoạt động tư duy có nhiều biến đổi, học sinh có khả năng tư duy độc lập và có sự vận động liên tục của các thao tác tư duy trong quá trình lĩnh hội tri thức. Tri giác có chủ định chiếm ưu thế, khả năng quan sát được nâng cao. Đó là những điều kiện thuận lợi để phát triển tư duy sáng tạo cho học sinh.
1.5.2. Biểu hiện của tư duy sáng tạo ở học sinh Trung học phổ thông trong học tập.
Những biểu hiện của tư duy sáng tạo ở học sinh Trung học phổ thông là :
+) Biết nhìn nhận một sự vật theo một khía cạnh mới, nhìn một sự kiện dưới nhiều góc độ khác nhau
+) Biết đề xuất những giải pháp khác nhau khi phải xử lí một tình huống
+) Không bằng lòng với giải pháp đã có, không suy nghĩ cứng nhắc theo những gì đã có
+) Không máy móc áp dụng những quy tắc, phương pháp đã biết vào những tính huống mới.