Bên cạnh tài năng về quân sự, ngoại giao, Trần Nhân Tông còn là một tài năng văn học của dân tộc. Nhà vua sáng tác rất nhiều tác phẩm với đủ các thể loại: thơ, phú, văn xuôi, bài giảng, ngữ lục và văn thư ngoại giao. Nhưng do chiến tranh, đa số tác phẩm của ông đã bị thất lạc, chỉ còn lại rất ít, được trích lại rải rác trong một số sách như: Tam Tổ Thực Lục, Thánh Đăng Lục, Việt Âm Thi Tập,…
Về thơ, Lê Mạnh Thát sưu tập và khẳng định “tổng số thơ của vua Trần Nhân Tông là 32 bài cộng với 3 đoạn phiến” [41, tr.364]. Tuy nhiên, con số đó là chưa tính hết các đoạn phiến nằm rải rác trong các bài phú, văn xuôi và bài
giảng. Chúng ta có hai bài thơ chữ Hán trong hai bài phú Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca và Cư trần lạc đạo phú, bài Tán Tuệ Trung trong bài văn xuôi
Thượng sĩ hành trạng, bài Hữu cú vô cú, Hàm tuyết1 tại buổi giảng ở chùa Sùng Nghiêm núi Chí Linh, bài Nhược vị2 trong buổi giảng tại viện Kỳ Lân núi Chí Linh. Ngoài ra, trong buổi giảng này còn có rất nhiều những đoạn phiến thơ hai câu. Các bài thơ đều được viết bằng chữ Hán. Đó là “những vần thơ thanh nhã, sâu sắc và không kém phần hào hùng” [8, tr. 146].
Về phú, Trần Nhân Tông có sáng tác hai bài bằng chữ Nôm: Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca và Cư trần lạc đạo phú. Đây là hai tác phẩm rất có giá trị đối với Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt bài Cư trần lạc đạo phú được coi là bản tuyên ngôn của con đường sống đạo mà Phật giáo Việt Nam đã đề ra và đã chi phối hàng triệu triệu phật tử Việt Nam thời ấy và những thế kỉ về sau. Nhưng giá trị của hai tác phẩm này không phải chỉ dừng lại ở đó mà chúng còn là sự khẳng định vẻ đẹp của tiếng Việt như là một ngôn ngữ văn học. Điều này đã tạo nên sức hấp dẫn và lôi cuốn được sự chú ý của người đương thời và hậu thế. Đây chính là cống hiến lớn cho nền văn học Việt Nam.
Ngoài thơ, phú, Trần Nhân Tông còn có văn xuôi, bài giảng, ngữ lục và văn thư ngoại giao. Văn xuôi có bài Thượng sĩ hành trạng in vào cuối sách Thượng sĩ ngữ lục viết về tiểu sử của Tuệ Trung Thượng Sĩ cùng với những bài tán của môn nhân thượng sĩ. Còn bài giảng thì hiện nay có hai bài: bài giảng vào năm Giáp Thìn (1304) tại chùa Sùng Nghiêm và bài giảng năm Bính Ngọ (1306) tại viện Kỳ Lân. Bài giảng ở chùa Sùng Nghiêm được ghi lại trong Thánh đăng ngữ lục, còn bài giảng tại viện Kỳ Lân được Pháp Loa chép lại trong Thiền đạo yếu lược của Pháp Loa (?). Về ngữ lục, có hai loại: thứ nhất là sư đệ vấn đáp ghi lại những đối đáp Thiền học bằng thơ giữa vua với các môn đồ, thứ hai là những phát biểu của vua trong các cuộc đón tiếp sứ giặc do sứ giặc ghi lại. Các phát
1, 2: Hiện nay hai văn bản này không tìm thấy.
0F 1F
biểu này đã cho thấy được phong thái, cách ứng xử và quan điểm của nhà vua dưới con mắt của đối phương. Qua hai đoạn ngữ lục trước và sau hai cuộc chiến tranh vệ quốc 1285 và 1288, có thể thấy quan điểm của vua Trần Nhân Tông rất nhất quán: đấu tranh không nhân nhượng, không khuất phục trước uy quyền và những lời dọa dẫm của Hốt Tất Liệt. Hai mươi hai văn kiện ngoại giao gửi cho vua quan nhà Nguyên của vua Trần Nhân Tông cũng thể hiện rất rõ điều đó. Qua các văn kiện này cho thấy rõ con người và tài trí của Trần Nhân Tông: mong muốn xây dựng hòa bình gữa hai quốc gia láng giềng, kiên trì dùng biện pháp mềm dẻo nhưng cũng rất cương quyết để đập tan mộng xâm lược của vua Nguyên.
Như vậy, các tác phẩm của vua Trần Nhân Tông tuy còn lại không nhiều nhưng đó đều là những tác phẩm có giá trị về mặt văn học, lịch sử, văn hóa, triết học (Thiền tông). Trong đó, mảng thơ của ông là những tác phẩm có giá trị văn chương rất cao và đã tạo nên một vẻ đẹp riêng trong dòng chảy chung của văn học Lý – Trần. Bởi, nó thể hiện được tài hoa và phẩm chất tâm hồn đặc biệt của vị vua phật Trần Nhân Tông.