Niềm tự hào về đất nước, con người và văn hóa Đại Việt

Một phần của tài liệu thơ trần nhân tông với những nét đặc điểm tiêu biểu (Trang 47)

Không chỉ yêu mến, gắn bó với quê hương, Trần Nhân Tông còn bộc lộ niềm tự hào đối với đất nước, con người và văn hóa Đại Việt. Sau ba lần chiến thắng quân Nguyên, nhà Trần nói chung và Trần Nhân Tông nói riêng vẫn theo chính sách ngoại giao mềm mỏng đối với nhà Nguyên. Ông sai sứ sang cống và dâng biểu “xin lỗi”. Nhà Nguyên đã cử Lý Tư Diễn sang nước ta tuyên chiếu “tha tội” và phong tước như cũ. Trong bữa tiệc họp mặt, nhà vua đã họa thơ và tặng cho sứ thần. Trong bài thơ, nhà vua cũng thể hiện được khí thế, bản lĩnh và niềm tự hào của người con đất Việt:

Thác khai địa giác gia hòa khí, Tịnh hiệp thiên hà tẩy chiến trần

(Mảnh đất mới mở rộng cũng có hòa khí,

Kéo sông Thiên Hà rửa sạch bụi chiến tranh.) [7, tr.474-475] Mặc dù lời thơ lúc đầu tỏ vẻ nhún nhường, đề cao “Hán ân”, mừng chiếu chỉ thiên triều ban xuống nhưng nhà vua vẫn không quên thể hiện hào khí của dân tộc sau khi giành thắng lợi trên chiến trường. Nhà vua khẳng định Đại Việt

là mảnh đất có hòa khí, con người yêu chuộng hòa bình. Nước Việt tuy nhỏ bé nhưng khi bị xâm lược vẫn có người tài đủ để kéo sông Thiên hà rửa sạch bụi chiến tranh. Đọc câu thơ của Trần Nhân Tông gợi nhớ đến câu thơ của Đỗ Phủ trong bài Tẩy binh mã:

An đắc tráng sĩ vãn Ngân Hà

Tịnh tẩy giáp binh trường bất dụng.

(Ước gì có được người tráng sĩ kéo sông Ngân Hà Rửa sạch giáp binh để mãi mãi không dùng đến nữa.)

Nhưng với Đỗ Phủ, chấm dứt chiến tranh chỉ là niềm mơ ước, cho nên hình ảnh thơ tuy kì vĩ nhưng âm điệu lại buồn thương. Còn với vua Trần Nhân Tông, việc đánh thắng quân Nguyên xâm lược đã là hiện thực nên giọng thơ vô cùng hào sảng, đầy tự tin và tự hào.

Trong bài “Tức sự”, Trần Nhân Tông cũng thể hiện niềm tự tin về sức mạnh dân tộc trong không khí chiến trận sôi nổi của quân dân Đại Việt:

Cối kê cựu sự quân tu ký Hoan, Ái do tồn thập vạn binh.

(Việc cũ ở Cối Kê ngươi nên nhớ,

Châu Hoan, châu Ái đang còn hàng chục vạn quân.) [7, tr. 482] Hai câu thơ có lẽ chỉ nhằm trấn an quân sĩ trước sức mạnh của giặc Nguyên nhưng đã lan truyền rất nhanh như một thông điệp về tinh thần tự chủ, tự cường của người đứng đầu đất nước. Bằng việc nhắc lại điển tích thời Chiến quốc “Cối Kê”, Trần Nhân Tông đã tiếp thêm sức mạnh cho quân đội. Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, nhà vua vừa bộc lộ niềm tin vào triển vọng của đất nước, vừa động viên quân sĩ, vừa nhắc nhở mọi người đừng quên mất thực tế là vùng hậu phương Thanh – Nghệ lực lượng vẫn còn hùng mạnh, chưa hề suy suyển. Trong bài “Xuân nhật yết chiêu lăng”, hình ảnh trang nghiêm và hùng dũng của quân đội thời Trần cũng được Trần Nhân Tông miêu tả với lòng đầy tự hào:

Tì hổ thiên môn túc

(Quân thị vệ như hùm gấu, trước nghìn cửa đứng nghiêm túc) [7, tr. 452-453] Đó là hình ảnh những con người mang hào khí của thời đại – hào khí Đông A. Sức mạnh và sự dũng mãnh của quân đội thời Trần, sau này cũng được Phạm Ngũ Lão nhắc đến với niềm tự hào trong bài Thuật Hoài Tam quân tì hổ khí thôn ngưu” (Ba quân như hổ báo nuốt trôi trâu). Chính những con người ấy đã làm nên những chiến tích lừng lẫy cho nhà Trần và cho toàn dân tộc. Những chiến thắng lẫy lừng đó sẽ còn mãi trong lòng của mọi người dân Đại Việt:

Bạch đầu quân sĩ tại,

Vãng vãng thuyết Nguyên Phong.

(Xuân nhật yết Chiêu Lăng) (Người lính già đầu bạc còn đến ngày nay,

Thường kể lại chuyện đời Nguyên Phong.) [7, tr.452-453]

Ngày xuân, nhà vua đến viếng mộ ông nội Trần Thái Tông, chứng kiến sự uy nghi của khu lăng mộ và nghe câu chuyện của người lính già đã từng tham gia vào việc đánh đuổi giặc Nguyên lần thứ nhất (1257) với niềm tự hào khôn xiết. Nguyên Phong là niên hiệu diễn ra trận đại thắng Nguyên – Mông năm 1258 do vua Trần Thái Tông lãnh đạo. Chiến thắng ấy đã làm nên hào khí Đông A bất diệt, trở thành mội lực tiếp bước cho những chiến thắng về sau. Sự kiện đó cũng đánh dấu mốc thời gian quan trọng trong tâm thức của người đương thời. Vì thế mà người lính già đầu bạc tham gia kháng chiến ngày nào giờ đang coi giữ lăng mộ vẫn mãi hưng phấn nhắc lại câu chuyện về đời Nguyên Phong. Qua đó, Trần Nhân Tông cũng nhớ về cội nguồn, nhớ về lịch sử với lòng ngưỡng mộ và niềm tự hào lớn lao, sâu sắc.

Niềm tin vào tương lai đất nước, vào sức mạnh của dân tộc lại được Trần Nhân Tông khẳng định một lần nữa trong ngày khải hoàn. Năm 1288, sau chiến thắng trên sông Bạch Đằng, triều đình đem các tướng giặc bị bắt làm lễ dâng

thắng trận ở Chiêu Lăng. Trần Nhân Tông tức cảnh đã ngâm hai câu thơ:

Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã, Sơn hà thiên cổ vạn kim âu.

(Tức sự) (Trên nền xã tắc hai lần ngựa đá phải mệt nhọc,

Nhưng núi sông nghìn đời được đặt vững như âu vàng.) [7, tr.483] Nhìn thấy chân những con ngựa đá trước lăng đều lấm bùn do vết tích giày xéo của quân giặc, Trần Nhân Tông đau xót nhưng đồng thời vẫn khẳng định niềm tin mãnh liệt vào sự trường tồn vĩnh viễn của dân tộc. Hai câu thơ ngắn gọn nhưng đã tạc vào lịch sử một xác tín bất di bất dịch về ý thức độc lập tự cường của dân tộc. Mặc dù hậu quả của chiến tranh còn đó, đất nước còn nhiều mối lo, nhân dân đều mệt mỏi vì cuộc chiến chống ngoại xâm nhưng niềm tin tưởng, tự hào về sự vững mạnh của đất nước là không bao giờ lụi tắt.

Không chỉ dừng lại ở những chiến thắng hiển hách, những con người anh dũng phi thường, Trần Nhân Tông còn bộc lộ niềm tự hào về bề dày văn hóa của dân tộc. Trước những đòi hỏi vô lí của nhà Nguyên, nhà vua lúc nào cũng tỏ ra mềm mỏng, hòa nhã, khiêm nhường, gửi gắm vào những bài thơ tiếp sứ thông điệp hòa bình. Nhưng chưa bao giờ ông chịu hạ mình hay tỏ ra khiếp sợ “thiên triều”. Trước sau như một, ông cương quyết giữ vững chủ quyền dân tộc và tìm cách khước từ mọi đòi hỏi vô lí của ngoại bang. Trong một lần tiếp Trương Hiển Khanh – thượng thư nhà Nguyên được cử sang sứ Đại Việt – vào đúng dịp tết mồng ba tháng ba, vua đã tặng viên sứ Bắc một mâm bánh cùng một bài thơ bày tỏ lòng tự hào của mình về phong tục tập quán đẹp đẽ của đất nước:

Giá chi vũ bãi thí xuân sam, Huống trị kim triêu tam nguyệt tam. Hồng ngọc đôi bàn xuân thái bính, Tòng lai phong tục cựu An Nam.

(Múa giá chi xong, thử tấm áo ngày xuân,

Huống nữa hôm nay lại gặp tiết mồng ba tháng ba. Bánh rau mùa xuân như ngọc hồng bầy đầy mâm, Đó là phong tục của nước An Nam xưa nay.

(Tặng bánh ngày xuân cho Trương Hiển Khanh) [7, tr.457 – 458] Bài thơ thể hiện thái độ ân cần và trọng thị của nhà vua đối với Trương Hiển Khanh, đồng thời cũng phô bày vẻ đẹp của phong tục đất nước để khách thưởng lãm và qua đó bày tỏ lòng tự hào về văn hóa nước Nam. Với hình ảnh điệu múa cổ Giá chi, nhân dân nô nức trong những bộ trang phục sặc sỡ ngày xuân cùng với mâm bánh rau tươi thắm như hồng ngọc, nhà thơ đã làm sống dậy không khí lễ hội từ ngàn xưa của dân tộc, gợi được chiều sâu văn hóa của người Việt. Những hình ảnh giản dị với lời thơ nhã nhặn, khiêm nhường nhưng đã phác họa lên cả một bề dày văn hóa mà thấp thoáng đằng sau là ánh mắt tự hào về bản sắc riêng của dân tộc mình. Câu thơ cuối “Tòng lai phong tục cựu An Nam” vừa thể hiện niềm tự hào sâu sắc của Trần Nhân Tông với văn hóa cổ truyền, vừa khéo léo gửi lời nhắn nhủ đến Trương Hiển Khanh và toàn thể triều Nguyên rằng, nước Đại Việt là một nước có truyền thống văn hóa lâu đời, hoàn toàn độc lập và bình đẳng với phương Bắc. Vì vậy, cả hai nước phải tồn tại trong một vị thế bình đẳng, nước láng giềng không nên nhòm ngó sang hay nghĩ đến chuyện xâm chiếm Đại Việt. Bài thơ lời ít mà ý nhiều, thể hiện được bản lĩnh của vị hoàng đế phương Nam. Sau này, trong bài Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi cũng tự hào khẳng định:

Như nước Đại Việt ta từ trước Vốn xưng văn hiến đã lâu Núi sông bờ cõi đã chia Phong tục Bắc Nam cũng khác

Qua những vần thơ bình dị mà chất chứa tình yêu và lòng tự hào đối với quê hương đất nước và con người Đại Việt, chúng ta càng hiểu hơn vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của vị vua nước Việt. Điều này đã lí giải vì sao dưới triều đại Trần Nhân Tông, quân dân Đại Việt có thể làm nên những điều kì diệu, đưa đất nước phát triển đến một tầm cao mới như thế.

2.2.Tâm hồn phong phú, mẫn cảm và dạt dào chất nhân văn 2.2.1. Mẫn cảm trước thiên nhiên

Thiên nhiên là đề tài muôn thuở của thi ca. Giữa thiên nhiên và con người bao giờ cũng có mối quan hệ tương giao. Đặc biệt với cảm thức thời trung đại, con người đã xem mình là một tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ, một phần tử của vũ trụ, thiên nhiên. Do đó con người hòa nhập vào thiên nhiên, xem thiên nhiên với mình là một – “vạn vật nhất thể”. Thi nhân tiếp xúc với thiên nhiên bằng nhiều trạng thái cảm xúc phong phú, đa dạng: từ là tâm trạng bình lắng trước cảnh thiên nhiên cô tịch, thanh nhã đến tinh thần tiêu dao, tự tại trước không gian cao rộng.

Người ta thường nói, thơ là tiếng nói của trái tim, là sự rung động của tâm hồn trước hiện thực. Thơ Trần Nhân Tông cũng vậy, đó là những khúc nhạc lòng say đắm của một trái tim nhạy cảm trước thiên nhiên, vạn vật. Nhà thơ giống như một nghệ sĩ lang thang, đặt chân lên mọi miền quê của đất nước rồi với một trái tim tràn ngập yêu thương, một tâm hồn mẫn cảm trước non nước hữu tình, cảnh vật nên thơ đã hình thành nên những tứ thơ kì thú về thiên nhiên gây rung động lòng người và dào dạt chất nhân văn. Có thể nói, Trần Nhân Tông là một trong những thi sĩ viết nhiều về thiên nhiên và để lại những tuyệt tác trong văn chương Lý – Trần nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. Có thể kể đến những bài thơ còn lại đến nay như: Xuân hiểu, Xuân cảnh, Đăng Bảo Đài sơn, Nhị nguyệt thập nhất nhật dạ, Khuê oán, Thiên Trường vãn vọng, Nguyệt, Đề Phổ Minh tự thủy tạ, Tây chinh đạo trung, Vũ Lâm thu vãn, Lạng Châu vãn

cảnh, Tảo Mai I, II, Thiên Trường phủ, Đại Lãm Thần Quang tự, Mai, Động Thiên hồ thượng, Sơn phòng mạn hứng II.

Một điều dễ nhận thấy trong thơ thiên nhiên của Trần Nhân Tông là cảnh vật thường thanh nhã, u tịch nhưng hữu tình, hòa quyện quấn quýt, vừa hư vừa thực. Thiên nhiên ở đây không hoàn toàn câm lặng nhưng cũng không ồn ã. Đó là những tiếng chuông lan tỏa giữa không gian thanh vắng, tiếng ve kêu đâu đó giữa ngày hè, tiếng sáo trên lưng trâu của những đứa trẻ mục đồng,…Thi nhân mở lòng đón nhận cái vang vọng của những âm thanh thiên nhiên vào tận cõi sâu thẳm tâm hồn để cùng hòa điệu, cùng rung cảm chứ ít khi thấy miêu tả cụ thể những âm thanh ấy. Đây cũng là đặc điểm chung của thơ thiên nhiên trung đại. Mỗi bài thơ như một bức tranh thủy mạc, chỉ điểm qua bằng một vài nét chấm phá, tả ít gợi nhiều, cốt ghi lại được cái hồn của cảnh vật. Nhưng chất chứa đằng sau đó là tình yêu thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm trước những biến thiên của cảnh vật.

Để sáng tác nên những bài thơ thiên nhiên bất hủ và qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên trong thơ, thi nhân cần có một tâm hồn nhạy bén và rộng mở, sẵn sàng rung động trước cảnh đẹp tuyệt vời của thiên nhiên ngoại vật, đồng thời phải nắm bắt cảm xúc trào dâng trong tâm thức. Với phong cách sáng tác đa dạng cùng với một tâm hồn mẫn cảm, Trần Nhân Tông đã viết nên những dòng thơ về thiên nhiên làm rung động lòng người, vừa biểu đạt được tâm thái an nhiên vừa miêu tả được cảnh đẹp siêu phàm thoát tục. Đọc bài thơ Đăng bảo đài sơn, chúng ta sẽ cảm nhận được tất cả sự tinh tế của tâm hồn ấy:

Địa tịch đài du cổ, Thời lai xuân vị thâm.

Vân sơn tương viễn cận, Hoa kính bán tình âm.

Vạn sự thủy lưu thủy, Bách niên tâm ngữ tâm.

ỷ lan hoành ngọc địch,

Minh nguyệt mãn hung khâm.

(Đất hẻo lánh đài thêm cổ kính, Theo thời tiết, mùa xuân về chưa lâu. Núi mây như xa như gần,

Ngõ hoa nửa rợp, nửa nắng. Muôn việc như nước tuôn nước, Trăm năm lòng lại nhủ lòng. Tựa lan can nâng chiếc sáo ngọc, Ánh trăng sáng chan hòa trước ngực.

(Lên núi Bảo Đài) [7, tr.456–457] Nhà thơ đến với núi Bảo Đài vào lúc mới chớm xuân, trời đất đang chuyển mùa nên thời tiết còn nhiều mây, nắng mưa bất chợt, giữa núi và mây như không có khoảng cách làm cho khung cảnh mờ ảo như xa như gần “Vân sơn tương viễn cận /Hoa kính bán tình âm”. Cảnh được miêu tả rất thực. Bảo Đài là một ngọn núi thuộc dãy Yên Tử, vào thời ấy, chắc hẳn Yên Tử còn là một vùng đất hẻo lánh xa xôi. Chính sự hẻo lánh ấy cùng với tiết trời lúc giao mùa càng làm cho đài thêm phần cổ kính hơn. Đài cổ kính, núi non cũng rất xưa, chỉ có mùa xuân là còn tươi mới – “xuân vị thâm”. Trong sự im ắng, yên tĩnh của đất trời, của đền đài, mùa xuân hiện ra tươi thắm. Sắc xuân như thấm vào cái im ắng ấy, vào cái cổ xưa, vào núi non, đất trời. Vì vậy, khung cảnh hiện ra trong bài thơ u tịch nhưng đẹp, cổ kính nhưng tràn ngập xuân sắc. Bài thơ cho thấy sự quan sát và miêu tả tinh tế của nhà thơ. Cảnh Bảo Đài được vẽ nên bằng những màu sắc thanh đạm, không có những gam màu chói lọi và chính vì thế mà tứ thơ trở nên sâu sắc, gợi những liên tưởng miên man xa vời. Tuy không có từ chỉ màu sắc nhưng màu sắc của cảnh vật như vẫn hiển hiện, người đọc vẫn cảm nhận được bức tranh thiên nhiên lúc chớm xuân: có sắc xuân nhưng vẫn còn một chút vương vấn của tiết trời mùa đông; có động từ chỉ hành động “lưu”, “ngữ”,

“hoành” lại có thể không diễn ra hành động nào. Trước khung cảnh thiên nhiên ấy, tâm hồn thi nhân thanh tĩnh lắng đọng. Thi nhân đi giữa khung cảnh ấy, con mắt thơ nhìn ngắm khắp mọi chốn, sự vật như mới được phát hiện lần đầu trong cảm xúc vừa ngạc nhiên, vừa hân hoan vui sướng. Mây bồng bềnh cùng núi dường như gần lại dường như xa, con đường nửa rợp bóng hoa, nửa thì tràn ngập ánh nắng. Trước khung cảnh nên thơ ấy, con người thi nhân như hòa cùng cảnh vật. Thi nhân nâng chiếc sáo lên thổi để cho ánh trăng chiếu sáng ngập lồng ngực và ánh sáng cũng từ lồng ngực mà dâng lên. Một sự hòa hợp tuyệt đối giữa tâm và cảnh. Nhà thơ Saigyo của Nhật vào thế kỷ mười hai cũng từng viết:

Vào sâu núi đồi Trái tim trăng sáng Ánh lên ngời ngời.

Đến với bài Thiên Trường vãn vọng, chúng ta lại được thấy một bức tranh thôn quê yên bình:

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên, Bán vô bán hữu tịch dương biên. Mục đồng địch lý quy ngưu tận, Bạch lộ song song phi hạ điền.

(Thiên trường vãn vọng) (Trước thôn, sau thôn đều mờ mờ như khói phủ,

Bên bóng chiều (cảnh vật) nửa như có, nửa như không. Trong tiếng sáo, mục đồng lùa trâu về hết,

Từng đôi cò trắng hạ cánh xuống đồng) [7, tr.464-465]

Đứng từ trên cao nhìn xa ra ruộng đồng, thôn xóm vào lúc trời sắp chạng

Một phần của tài liệu thơ trần nhân tông với những nét đặc điểm tiêu biểu (Trang 47)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(185 trang)
w