Ngôn ngữ tượng trưng, ẩn dụ

Một phần của tài liệu thơ trần nhân tông với những nét đặc điểm tiêu biểu (Trang 89 - 96)

Bên cạnh lớp ngôn ngữ mang mĩ cảm Thiền, các biện pháp tu từ nghệ thuật cũng góp phần rất quan trọng trong việc làm nên giá trị nghệ thuật của thơ Trần Nhân Tông. Như hầu hết các tác giả khác, Trần Nhân Tông đã vận dụng các biện pháp tu từ một cách linh hoạt, đem lại hiệu quả cao nhất. Qua khảo sát các tác phẩm thơ ông, chúng ta nhận thấy các biện pháp nghệ thuật xuất hiện rất nhiều như: ẩn dụ, so sánh, điệp,… Trong đó, biện pháp tu từ ẩn dụ được sử dụng nhiều và thành công nhất. Ẩn dụ trong thơ Trần Nhân Tông gồm có ẩn dụ bằng hình ảnh, âm thanh và ẩn dụ bằng điển cố.

Trần Nhân Tông sử dụng 4 hình ảnh, xuất hiện 6 lần. Những hình ảnh này đều được lấy từ kinh tạng phật giáo: mã ý, viên tâm; đã ngõa, toàn quy; xuân; bảo. Những hình ảnh ẩn dụ này đều được Trần Nhân Tông sử dụng với xu hướng ước lệ hóa.

Trước hết Trần Nhân Tông dùng ẩn dụ để khẳng định Phật tính tồn tại trong mỗi con người:

Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch, Đối diện vô tâm mạc vấn thiền.

(Trong nhà sẵn của báu đừng tìm đâu khác,

Đối diện với cảnh mà vô tâm thì không cần hỏi Thiền nữa.

[7, tr.510] Cũng có khi ông dùng ẩn dụ để chỉ những việc làm tỉ mỉ, khổ công của người học đạo nhưng là sai lầm, vô ích, nhằm khai ngộ cho môn đồ:

Hữu cú vô cú, Lập tông lập chỉ.

Đả ngõa toàn quy, Đăng sơn thiệp thủy.

(Câu có câu không, Lập tông phái ý chỉ. Cũng là dùi rùa đập ngói,

Trèo núi lội sông.) [7, tr.486-488]

Cũng có lúc hình ảnh ẩn dụ ấy dùng để chỉ sức sống thường tồn của chân tâm như mùa xuân tươi thắm mãi:

Hoa ảnh mãn song xuân mộng trường.

(Bóng hoa tràn ngập cửa sổ, giấc mộng đêm xuân triền miên.) Cũng có khi hình ảnh ẩn dụ ấy được Trần Nhân Tông sử dụng một cách sáng tạo:

Viên nhàn, mã quyện, nhân ưng lão.

(Sơn phòng mạn hứng I) (Vượn nhàn, ngựa mỏi, người cũng đã già)

Trong thơ Thiền Lý – Trần, người ta thường dùng “Mã ý viên tâm” (ý ngựa, lòng vượn) để chỉ ý và lòng luôn dao động, mơ ước vọng cầu. Còn Trần Nhân Tông từ hình ảnh đó đã vận dụng sáng tạo nên hình ảnh “viên nhàn, mã quyện” để chỉ cái tâm bình lặng, an nhiên giữa cuộc đời, không còn chạy theo những danh lợi, thị phi.

Bên cạnh việc sử dụng ẩn dụ bằng hình ảnh, Trần Nhân Tông cũng sử dụng ẩn dụ bằng âm thanh. Trần Nhân Tông sử dụng 4 âm thanh: tiếng chuông, tiếng chim, tiếng sáo, tiếng ve, xuất hiện 7 lần trong 7 tác phẩm khác nhau. Những âm thanh này được dùng để khai thị giây phút đạt ngộ của con người.

Cổ tự thê lương thu ái ngoại, Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung

sơ.

(Lạng Châu vãn cảnh) (Ngôi chùa cổ lạnh lẽo sau lớp khói mùa thu,

Thuyền câu hịu quạnh, chuông chiều bắt đầu điểm.) [7, tr.468]

Thượng đế liên sầu tịch, Thái thanh thì nhất chung.

(Động Thiên hồ thượng) (Thượng đế thương hiu quạnh,

Thỉnh thoảng điểm một tiếng chuông giữa tầng biếc.)

( Trên hồ Động Thiên) [8, tr.455] Tiếng chuông vang vọng giữa không gian tĩnh lặng có thể lay dậy cả những miền sâu xa trong tâm hồn con người. Nó có thể hóa giải, xóa tan những vọng động khác nếu còn đâu đó trong tâm. Nó là tác nhân đủ để cho con người cân bằng chiều sâu của nội tâm.

Bên cạnh đó, những âm thanh này còn dùng để biểu thị cuộc sống thanh bình, yên ả. Nếu như tiếng ngựa hí, gươm khua là biểu tượng cho chiến tranh, chết chóc thì âm thanh sâu lắng, trong trẻo của tiếng sáo, tiếng chuông, tiếng chim hót véo von, tiếng ve ngân lại gợi nên không khí yên bình, vui tươi của cuộc sống làng quê.

Mục đồng địch lí quy ngưu tận.

(Thiên Trường vãn vọng) (Trong tiếng sáo, mục đồng lùa trâu về hết.)

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì.

(Trong khóm hoa dương liễu, chim hót chậm rãi.)

Đệ nhất thiền thanh thu tứ trường.

(Đề Phổ Minh tự thủy tạ) (Một tiếng ve đầu cất lên, tứ thu man mác.)

Việc sử dụng ẩn dụ bằng hình ảnh và âm thanh đã làm cho những câu thơ của Trần Nhân Tông trở nên lung linh, sống động, dễ đi vào lòng người và đạt được độ hàm súc cao. Tuy nhiên, chiếm số lượng lớn và thành công nhất có lẽ phải kể đến ẩn dụ bằng điển cố.

Trong văn học trung đại, “điển cố được xem là biện pháp tu từ, là chiếc chìa khóa của tác phẩm để mở ra thế giới bao la muôn màu muôn vẻ mà tác phẩm phản ánh cũng như thế giới nội tâm sâu xa, thầm kín nhưng nhạy cảm và tinh tế của người sáng tác [38, tr.82]. Do tính chất kiệm lời, vô ngôn, gợi mà không tả và quan niệm sùng cổ của văn học Phương Đông nên điển cố thường được Trần nhân Tông cũng như các tác giả trung đại khác sử dụng trong sáng tác. Nhìn chung, việc sử dụng điển cố trong thơ không chỉ giúp tác phẩm của Trần Nhân Tông có tính chất quí phái, trang nhã và bác học mà còn làm cho nội dung của chúng trở nên hàm súc, thâm thúy. Điển cố trong thơ Trần Nhân Tông được sử dụng đa dạng: có khi dùng điển cố để nói chuyện đời; có khi lại để nói chuyện đạo, chuyện tu Thiền.

Trong hai bài Quân tu ký Tặng sứ Bắc Lý Tư Diễn, Trần Nhân Tông sử dụng điển cố để bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ trước chuyện thế sự.

Cối kê cựu sự quân tu ký.

(Việc cũ ở Cối Kê ngươi nên nhớ). [7, tr.482]

Bài thơ được viết khi cuộc kháng chiến Nguyên – Mông lần thứ hai nổ ra, trước sức mạnh của quân địch, ta phải tạm thời rút quân. Trước tình thế ấy, Trần Nhân Tông đã đích thân ngự thuyền tới nơi hội quân và viết vào đuôi thuyền hai câu thơ để động viên quân sĩ. Bài thơ đã nhắc đến tích thời Xuân thu. Vua nước Việt là Việt Vương Câu Tiễn bị vua Ngô là Phù Sai đánh bại, phải ngụ trong

vùng Cối Kê sống một cuộc sống hết sức cực nhục, sau dấy binh lên, đánh bại được Ngô Phù Sai. Với việc sử dụng điển cố, Trần Nhân Tông đã đạt được độ hàm súc trong câu thơ, lời ít mà ý nhiều, phù hợp với hoàn cảnh. Trong bài Tặng Bắc sứ Lý Tư Diễn, Trần Nhân Tông cũng nhắc đến một điển cố:

Tận đạo tỉ thư thập hàng hạ,

Thắng như cầm điện ngũ huyền huân.

(Mọi người đều bảo tờ chiếu ban xuống chỉ có mươi hàng, Nhưng hơn hẳn tiếng hào ấm của chiếc đàn cầm năm dây.)

[7, tr.475-475] Đây là bài thơ được viết khi nhà vua tiếp đón sứ Bắc Lý Tư Diễn sang tuyên chiếu “tha tội” của vua Nguyên. Trần Nhân Tông đã họa lại thơ của Lý Tư Diễn và bày tỏ lòng biết ơn đến vua nhà Nguyên. Để nói lên tầm quan trọng của tờ chiếu, Trần Nhân Tông đã đề cập đến điển tích chiếc đàn năm dây của vua Thuấn ở Trung Hoa. Ngày xưa vua Thuấn làm đàn năm dây để ca bài ca Nam phong trong đó có câu “Gió Nam hòa ấm có thể giải được sự oán giận của dân ta, gió Nam hợp thời có thể làm giàu của cải của dân ta”. Trong bài Thiên Trường phủ, chúng ta cũng bắt gặp một điển cố về vua Thuấn:

Phảng phất canh tường nhập mộng nghiêu.

(Phảng phất trong chiêm bao hình dáng vua cha như trông tường thấy bóng, ăn canh thấy hình.) [7, tr.472-473] Lúc vua Nghiêu mất, vua Thuấn tưởng nhớ luôn trong ba năm, lúc ngồi thấy hình dáng vua Nghiêu ở trên tường, lúc ăn thấy hình bóng ở bát canh. Khi Trần Nhân Tông đến phủ Thiên Trường cũng thấy hình bóng vua cha hiển hiện khắp nơi giống như vua Thuấn thấy vua Nghiêu.

Bên cạnh đó, nhà thơ còn sử dụng rất nhiều điển cố để nói chuyện Đạo. Những điển cố này bắt gặp khá nhiều trong các bài Hữu cú vô cú, Đại Lãm Thần Quang tự,…

Để nói về cuộc đời vô thường, luôn luôn biến đổi, Trần Nhân Tông sử dụng điển cố văn học quen thuộc:

Tục đa biến thái vân thương cẩu

(Thói đời thay đổi như mấy trắng hóa chó xanh) [7, tr.481]

Để nhắc nhở đệ tử về sự mê chấp, lầm nhận cái hư vọng là điều chân thực, ông dùng điển: Hữu cú vô cú, Tự cổ tự kim. Chấp chỉ vong nguyệt, Bình địa lục trầm. (Câu có câu không, Từ xưa đến nay.

Chỉ “chấp” ngón tay mà quên vầng trăng, Thế là chết đuối trên đất bằng.) [7, tr.486-488]

Điển này được lấy từ kinh Lăng Nghiêm: Có người dùng ngón tay chỉ mặt trăng cho người khác thấy, người này nhân có ngón tay mà thấy được mặt trăng. Nếu như lại lấy ngón tay làm mặt trăng ắt lầm ngón tay và lầm luôn cả mặt trăng. Trần Nhân Tông đang muốn cảnh tỉnh cho học trò của mình về mục đích và phương tiện, ngón tay chỉ là phương tiện để đạt tới giác ngộ chứ không phải là mục đích, vì thế đừng mê đắm vào giáo lý mà đánh mất mục đích giác ngộ. Cũng có lúc ông dùng điển cố được lấy từ truyện Bá Nha – Tử Kỳ, sách Liệt Tử để nói đến những mê lầm trong cách học đạo của các đệ tử:

Hữu cú vô cú, Phi hữu phi vô.

Khắc chu cầu kiếm, Sách ký án đồ.

(Câu có câu không,

Khác nào anh chàng khắc mạn thuyền mò tìm gươm, Theo tranh vẽ đi tìm ngựa ký.) [7, tr.486-488]

Hai điển cố này để chỉ những việc làm ngu ngốc của người học đạo, quá chấp vào cái Có cái Không, chấp vào sách vở nên dẫn đến sai lầm. Trần Nhân Tông đã dùng điển cố để khai thị cho đệ tử biết được chỗ sai lầm để tránh, bởi theo ông chỉ cần “đối cảnh vô tâm” thì “mạc vấn thiền”.

Nói về cảnh giới giải thoát thì Trần Nhân Tông lại dùng điển từ Kinh Luật Luận:

Hữu cú vô cú, Như thị như thị. Bát tự đả khai, Toàn vô ba tị.

(Câu có câu không, Như thế như thế! Tám chữ mở ra

Hoàn toàn không còn điều gì hơn nữa.) [7, tr.486-488]

Bát tự nhắc đến ở đây có thể là “sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc.” (Dứt bỏ được ý niệm về sự sinh diệt thì sẽ hiểu được cõi tịch diệt là vui và an lạc), cũng có thể là “Ma-ha-bát-nhã ba-la-mật-đa” (Trí tuệ rộng lớn, đã tới được bờ bên kia). Dù là tám chữ nào thì cũng là nhằm nhắc các đệ tử về cảnh giới giải thoát.

Mặc dù, số lượng điển cố sử dụng không nhiều như những nhà thơ khác (Tuệ Trung) nhưng những điển cố Trần Nhân Tông đưa vào đều đem lại những giá trị nhất định cho nội dung và nghệ thuật thơ của ông. Chính nhờ việc sử dụng điển cố thích đáng mà những câu thơ của Trần Nhân Tông, dù nói chuyện Đời hay chuyện Đạo, đều trở nên gần gũi, dễ hiểu.

Một phần của tài liệu thơ trần nhân tông với những nét đặc điểm tiêu biểu (Trang 89 - 96)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(185 trang)
w