Những khó khăn trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học

Một phần của tài liệu Bảo tồn đa dạng sinh học (Trang 88 - 92)

III. Bảo tồn đa dạng sinh họ cở Việt Nam

4. Những khó khăn trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học

Để bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên và nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong nhiều năm qua Việt Nam đã cố gắng rất nhiều trong trong việc xây dựng các khu bảo tồn và các vườn quốc gia. Tuy nhiên, điều khó khăn gặp phải là trong và xung quanh các khu bảo tồn và vườn quốc gia còn nhiều nhân dân sinh sống, thậm chí cả những vùng trung tâm, nơi cần bảo vệ nghiêm ngặt. Ở đây họ phát nương làm rẫy, săn bắt các động vật, khai thác các sản phẩm của rừng để sinh sống. Các hoạt động của họ đã làm tổn hại đến mục tiêu của các khu bảo tồn, làm cho các khu bảo tồn bị giảm chất lượng một cách nhanh chóng.

Để giảm bớt khó khăn, chính phủ Việt Nam đã cho phép di chuyển một số dân ra khỏi khu bảo tồn và đã bắt đầu thực hiện ở Vườn Quốc gia Cúc Phương từ năm 1987. Số dân chuyển ra được định cư ngoài khu vực bảo tồn tạo thành một khu đệm. Chương trình này đã đạt được những kết quả bước đầu. Nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng, để thực hiện tốt công tác bảo tồn, điều quan trọng hơn hết là không tạo thêm sự xung đột giữa nhân dân địa phương và khu bảo tồn mà phải cộng tác với họ một cách chặt chẽ và chấp nhận những yêu cầu chính đáng của họ và điều quan trọng hơn là họ có hưởng được những lợi ích trực tiếp từ khu bảo tồn. Cần thiết phải xây dựng các vùng đệm, tạo công ăn việc làm cho nhân dân ở đó, giúp họ giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống để họ tự nguyện giảm dần sức ép lên khu bảo tồn và rồi tham gia tích cực vào việc bảo vệ vì lợi ích thiết thực của họ.

Nước ta đang gặp nhiều khó khăn trong công việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ thiên nhiên và sử dụng một cách bền vững tài nguyên thiên nhiên nói chung và xây dựng các khu bảo tồn và các vườn quốc gia nói riêng. Thử thách quan trọng nhất đối với nước ta trong công cuộc bảo vệ là sớm tìm được biện pháp ngăn chặn kịp thời sự suy thoái của rừng nhiệt đới, suy thoái các hệ sinh thái điển hình cùng với hệ động vật và thực vật phong phú ở đó.

Trong quá trình phát triển, chúng ta cần xây dựng cơ sở hạ tầng và tất nhiên, có những công trình mà chúng ta chưa đánh giá hết lợi ích và thiệt hại. Một trong những sự kiện đó là việc xây dựng đường Trường Sơn mà theo thiết kế sẽ đi qua và ảnh hưởng trực tiếp đến một số vườn Quốc Gia như Bến En, Cúc Phương, Phong Nha. Việc xây dựng và khai thác tuyến đường Trường Sơn cắt qua các khu bảo tồn thiên nhiên nói trên chắc chắn sẽ có nhiều tác động bất lợi đối với thiên nhiên và môi trường.

Nước ta là một trong những nước nghèo trên thế giới, dân số lại đông. Để duy trì cuộc sống trước mắt, nhiều người buộc phải khai thác mọi thứ tài nguyên thiên nhiên, đồng thời họ đã gây suy thoái môi trường và gây tổn hại cho sự phát triển trong tương lai. Vì vậy, để giải quyết vấn đề bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, cứu các loài khỏi nạn diệt vong không phải chỉ là vấn đề nâng cao kỹ thuật và tìm vốn đầu tư mà còn phải chú ý đến vấn đề kinh tế xã hội phức tạp, mà chủ yếu là cải thiện mức sống của người dân, nhất là những người dân nghèo, và nâng cao nhận thức của họ về bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên thiên nhiên, kể cả đất và rừng mà họ có trách nhiệm bảo vệ và được quyền quyết định về cách sử dụng tốt nhất cho cuộc sống của họ, con cháu họ và cả cộng đồng.

5. Các vấn đề ưu tiên

Để thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong thời gian tới, Việt Nam cần thực hiện các vấn đề ưu tiên sau đây:

1. Hoàn thiện cơ cấu tổ chức và quản lý đối với các hoạt động cụ thể sau:

• Giao trách nhiệm cho một cơ quan nhà nước thống nhất về mặt đa dạng sinh học trên toàn quốc

• Thành lập ban chỉ đạo quốc gia và văn phòng Công ước Đa dạng sinh học

• Xây dựng cơ chế điều phối và quản lý đa dạng sinh học liên ngành

• Xây dựng cơ chế phân cấp và hổ trợ các địa phương quản lý đa dạng sinh học

2. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhà nước về Đa dạng sinh học

• Xây dựng Luật Bảo vệ Đa dạng sinh học và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành luật;

• Sớm hoàn thiện và ban hành Kế hoạch hành động đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;

• Lồng ghép các nội dung bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học vào các quy hoạch, các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các ngành các cấp, các vùng và các tỉnh trong cả nước.

• Xây dựng chính sách tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; 3. Nâng cao hiệu quả các biện pháp bảo tồn

• Nâng cao hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học trên cạn;

• Tăng cường hệ thống khu bảo tồn biển và đất ngập nước;

• Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học nông nghiệp;

• Sử dụng hợp lý và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. 4. Tích cực phát triển và làm giàu đa dạng sinh học nông nghiệp

• Tiến hành đánh giá toàn diện đa dạng sinh học nông nghiệp Việt Nam;

• Mở rộng và nâng cao chất lượng bảo tồn các nguồn gen cây trồng, vật nuôi, cây thuốc, cây rừng. Chú trọng bảo tồn các nguồn gen bản địa.

• Thu thập, lưu giữ và dụng kiến thức bản địa về cây thuốc, trồng trọt, chăn nuôi và bảo vệ rừng phục vụ cho bảo tồn và phát triển bền vững.

• Xây dựng hệ thống đồng bộ các giải pháp bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học nông nghiệp.

5. Sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả tài nguyên sinh vật, không ngừng phát triển và nâng cao chất lượng tài nguyên đa dạng sinh học

• Kiểm soát chặt chẽ việc khai thác tài nguyên rừng, biển và tài nguyên sinh vật;

• Từng bước đẩy lùi, tiến tới loại trừ các hoạt động khai thác trái phép tài nguyên sinh vật;

• Nghiên cứu các loại lâm sản ngoài gỗ và xây dựng các phương thức khai thác bền vững các tài nguyên này;

• Phát triển du lịch sinh thái trên cơ sở nâng cao nhận thức và hiểu biết về đa dạng sinh học của các cộng đồng, của khách du lịch và của các cơ quan chuyên trách du lịch;

• Kiếm soát chặt chẽ, quản lý tốt các loài sinh vật lạ di nhập vào Việt Nam;

• Quản lý an toàn các sinh vật biến đổi gen và các sản phẩm của chúng. 6. Nghiên cứu và đào tạo

• Xây dựng chiến lược đào tạo dài hạn cán bộ đa dạng sinh học;

• Xây dựng và thực hiện chương trình khoa học, điều tra cơ bản các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách toàn diện;

• Xây dựng các chương trình nghiên cứu liên ngành về định lượng và lượng; 7. Tăng cường trách nhiệm và sự tham gia của các cộng đồng vào các hoạt động bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học

• Thực hiện truyền thông quốc gia dài hạn về tầm quan trọng của đa dạng sinh học và nội dung của chương trình quốc gia về nâng cao nhận thức đa dạng sinh học đã được phê duyệt;

• Xây dựng và mở rộng các mô hình và quản lý đa dạng sinh học dựa vào cộng đồng;

• Xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích bảo vệ đa dạng sinh học đối với cộng đồng;

• Lồng ghép nguyên tắc sử dụng bền vững, cách sống thân thiện với môi trường và quản lý hệ sinh thái vào chương trình học ở các trường phổ thông và tập huấn cho giáo viên về các phương pháp truyền thông hiệu quả;

8. Trao đổi thông tin

• Xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học;

• Xây dựng cơ chế trao đổi chia sẻ thông tin về đa dạng sinh học giữa các cơ sở nghiên cứu và cơ sở quản lý các cấp;

9. Nâng cao hiệu quả đầu tư

• Đầu tư mang tính chiến lược hơn nữa cho bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học;

• Chú trọng hơn nữa tới việc hổ trợ nhằm tạo môi trường thuận lợi cho bảo tồn đa dạng sinh học được thành công, thông qua cải cách chính sách và tăng cường thể chế;

• Đưa các hổ trợ bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học vào trong các lĩnh vực ưu tiên, ví dụ xóa đói giảm nghèo, y tế, và phát triển nông thôn; 10. Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực

• Hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN trong công tác bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học;

• Tăng cường hợp tác quốc tế và vận động các cá nhân, tổ chức nước ngoài tham gia nghiên cứu và hổ trợ quản lý đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Tóm tắt nội dung:

Do sự khác biệt lớn về khí hậu từ vùng gần xích đạo tới giáp vùng cận nhiệt đới, cùng với sự đa dạng về địa hình đã tạo nên sự đa dạng về thiên nhiên và cũng do đó mà Việt Nam có tính đa dạng sinh học cao. Nguồn tài nguyên thiên nhiên này không những là cơ sở vững chắc của sự tồn tại của nhân dân Việt Nam thuộc nhiều thế hệ đã qua mà còn là cơ sở cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam trong những năm sắp tới.

Mặc dù vậy, có nhiều nguyên nhân làm giảm đa dạng sinh học Việt Nam, trong đó phá hủy nơi ở và khai thác quá mức là nghiêm trọng nhất. Theo sách đỏ của IUCN 2004, Việt Nam có 289 loài động vật và thực vật bị đe dọa toàn cầu. Sách đỏ Việt Nam cũng đã liệt kê 1.056 động vật và thực vật bị đe dọa ở mức quốc gia.

Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo tồn đa dạng sinh học. Đến nay đã có 126 khu bảo tồn với diện tích 2,5 triệu ha chiếm 7,7% diện tích lãnh thổ. Bên cạnh đó, các loại hình bảo tồn chuyển vị cũng đã được thành lập, bước đầu thu được một số kết quả nhất định. Vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Bài tập

Câu 1. Giá trị của đa dạng sinh học Việt Nam

Câu 2. Kể tên các nguyên nhân trực tiếp làm suy thoái đa dạng sinh học ở Việt Nam Câu 3. Kể tên các nguyên nhân sâu xa làm suy thoái đa dạng sinh học ở Việt Nam Câu 4. Kể tên 4 trong số những tồn tại của hệ thống các khu bảo tồn ở Việt Nam Câu 5. Kể tên các hạng mục trong hệ thống rừng đặc dụng ở Việt Nam

Câu 6. Kể tên các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam

Câu 7. Kể tên các khu di sản thiên nhiên của ASEAN ở Việt Nam

Câu 8. Những khó khăn trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam

Tài liệu tham khảo: Tài liệu Tiếng Việt.

1. Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Ngân hàng thế giới, 2005. Báo cáo diễn biến Môi trường Việt Nam 2005. Đa dạng sinh học. Hà nội.

2. Lê Trọng Cúc, 2002. Đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên. Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

3. Dự án PARC, 2006. Tóm tắt chính sách: Xây dựng hệ thống khu bảo tồn thiên

nhiên Việt Nam – Những yêu cầu đổi mới chính sách và thể chế. Cục Kiểm Lâm/UNOPS/UNDP/IUCN, Hà Nội.

3. Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, 2004. Việt Nam Môi trường và Cuộc sống. NXB Chính trị Quốc gia.

4. Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, 2001. Các vườn Quốc gia Việt Nam. NXB Nông nghiệp.

5. Phạm Bình Quyền, Nguyễn Nghĩa Thìn, 2002. Đa dạng sinh học. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

6. Richard B. Primack (Võ Quý, Phạm Bình Quyền, Hoàng Văn Thắng dịch) 1999. sở sinh học Bảo tồn. NXB KH&KT Hà Nội.

7. Viện Năng lượng và Môi trường Pháp Ngữ, 2002. Lớp tập huấn về bảo tồn đa dạng sinh học. Đại học KHTN-ĐHQG Hà Nội.

WWF, 2002. Đề xuất chiến lược quản lý hệ thống khu bảo tồn Việt Nam 2003- 2010. Hà Nội.

Tài liệu Tiếng Anh.

1. Elizabeth A. Gordon, Oscar E. Franco and Mary L. Tyrrell, 2005. Protecting Biodiversity: A Guide to Criteria Used by Global Conservation Organizations. Yale School of Forestry & Environmental Studies.

2. Kalemani Jo Mulongoy and Stuart Chape, 2005. Protected Areas and Biodiversity. An Overview of Key Issues. UNEP, WCMC.

3. Michael J.B. Green and James Paine, 1997. State of the World's Protected Areas at the end of the Twentieth Century. Australia.

4. USAID, 2005. Biodiversity Conservation: A Guide For USAID Staff and Partners.

Một phần của tài liệu Bảo tồn đa dạng sinh học (Trang 88 - 92)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(92 trang)
w