2.2.5.1. Những bệnh thường gặp ở lợn nái sinh sản a. Bệnh viêm tử cung
Theo Trần Tiến Dũng và cs. (2002) [5], viêm tử cung là một quá trình bệnh lý thường xảy ra ở gia súc cái sinh sản sau đẻ. Quá trình viêm phá huỷ các tế bào, tổ chức của các lớp hay các tầng tử cung gây rối loạn sinh sản ở gia súc cái làm ảnh hưởng lớn, thậm chí mất khả năng sinh sản của gia súc cái.
Theo Nguyễn Văn Thanh và cs. (2016) [22], viêm tử cung là một hội chứng thường xuất hiện trên lợn nái sau khi đẻ. Lợn nái viêm tử cung sẽ bị tổn thương lớp niêm mạc. Từ đó gây ảnh hưởng sự tiết Prostaglandin F2α và làm xáo trộn chu kỳ động dục làm tăng tình trạng chậm sinh và vô sinh.
Nguyên nhân bệnh viêm tử cung:
Võ Văn Ngầu (2011) [15] cho biết, bệnh viêm tử cung xảy ra ở những thời gian khác nhau nhưng bệnh xảy ra nhiều nhất vào thời gian sau khi đẻ 1 - 10 ngày.
Theo Nguyễn Xuân Bình (2005) [2]; Phạm Sỹ Lăng và cs. (2002) [8], bệnh viêm tử cung ở lợn nái thường do các nguyên nhân sau:
-Công tác phối giống không đúng kỹ thuật, nhất là phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo làm xây xát niêm mạc tử cung, dụng cụ dẫn tinh không được vô trùng khi phối giống có thể từ ngoài vào tử cung lợn nái gây viêm.
-Lợn nái phối giống trực tiếp, lợn đực mắc bệnh viêm bao dương vật hoặc mang vi khuẩn từ những con lợn nái khác đã bị viêm tử cung, viêm âm đạo truyền sang cho lợn khoẻ.
-Lợn nái đẻ khó phải can thiệp bằng thủ thuật gây tổn thương niêm mạc tử cung, vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng, viêm tử cung kế phát.
-Lợn nái sau đẻ bị sát nhau xử lý không triệt để dẫn đến viêm.
-Do kế phát từ một số bệnh truyền nhiễm như: sảy thai truyền nhiễm, phó thương hàn, bệnh lao… gây viêm.
-Do vệ sinh chuồng đẻ, vệ sinh bộ phận sinh dục lợn nái trước và sau đẻ không sạch sẽ, trong thời gian đẻ cổ tử cung mở vi sinh vật có điều kiện để xâm nhập vào gây viêm.
Nguyễn Thị Hồng Minh (2014) [10] cho biết, yếu tố thời tiết, khí hậu, ảnh hưởng rõ rệt đến tỷ lệ mắc hội chứng viêm tử cung: mùa hạ có tỷ lệ nhiễm cao nhất 53,37 %, mùa đông 46,05 %, mùa thu 43,70 %.
Nguyễn Thanh Sơn, Nguyễn Quế Côi (2006) [18], cho biết lợn đẻ khó phải can thiệp bằng tay hoặc dụng cụ trợ sản, thao tác của người trợ sản không đảm bảo kỹ thuật làm xây xát, tổn thương cổ tử cung, tạo điều kiện cho vi khuẩn bên ngoài xâm nhập vào gây viêm.
Triệu chứng:
Theo Phạm Ngọc Thạch và cs. (2013) [20], bệnh viêm tử cung ở lợn nái được chia làm hai thể:
-Thể cấp tính: con vật sốt 41 - 42oC trong vài ngày đầu âm hộ sưng tấy đỏ, dịch xuất tiết từ trong âm đạo chảy ra màu trắng đục đôi khi có máu lờ lờ.
-Thể mãn tính: không sốt, âm hộ không sưng đỏ nhưng vẫn có dịch nhầy trắng đục tiết ra từ âm đạo, dịch nhầy thường không liên tục mà chỉ chảy ra từng đợt từ vài ngày đến 1 tuần. Lợn nái thường thụ tinh không có kết quả hoặc khi đã có thai sẽ bị tiêu thai vì quá trình viêm nhiễm niêm mạc âm đạo tử cung lan sang thai làm chết thai.
Hậu quả của bệnh viêm tử cung:
Trần Tiến Dũng và cs. (2002) [5]; Trần Thị Dân (2004) [3], cho biết: Khi lợn nái bị viêm tử cung sẽ dẫn tới một số hậu quả chính sau:
-Khi lợn bị viêm tử cung dễ dẫn tới sảy thai.
-Lợn mẹ bị viêm tử cung bào thai phát triển kém hoặc thai chết lưu. -Sau khi sinh con lượng sữa giảm hoặc mất hẳn sữa nên lợn con trong giai đoạn theo mẹ thường bị tiêu chảy.
-Lợn nái bị viêm tử cung mãn tính không có khả năng động dục lại. -Tỷ lệ phối giống không đạt tăng lên ở đàn lợn nái viêm tử cung sau khi sinh đẻ
Để phát hiện là lợn nái có bị viêm hay không, ta có thể quan sát qua dịch tiết từ tử cung từ đó phát hiện bệnh viêm tử cung ở lợn nái.
Lê Minh và cs. (2017) [11] cho biết, bệnh viêm tử cung ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sản xuất của vật nuôi như: làm cho gia súc mất sữa, chậm động dục trở lại, không thụ thai, làm giảm năng suất. Trường hợp nặng, gia súc mất khả năng sinh sản, vô sinh vĩnh viễn.
Phòng bệnh:
Theo Nguyễn Tài Năng và cs. (2016) [14], vệ sinh chuồng trại sạch sẽ một tuần trước khi lợn đẻ, rắc vôi bột hoặc nước vôi 20 % sau đó rửa sạch
bằng nước thường, tắm cho lợn trước khi đẻ, vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục và bầu vú.
Trong khi đỡ đẻ bằng tay phải sát trùng kỹ bằng cồn, xoa trơn tay bằng vaselin hoặc dầu lạc. Cho lợn nái chửa thường xuyên vận động, đảm bảo ăn uống đầy đủ, vệ sinh sạch sẽ. Kiểm tra nghiêm ngặt dụng cụ dẫn tinh đúng quy định và không để nhiễm khuẩn. Không sử dụng lợn đực bị nhiễm khuẩn đường sinh dục để nhảy trực tiếp hoặc lấy tinh.
Phòng bệnh truyền nhiễm Leptospirosis, Brucellosis,… Bằng cách
dùng vắc xin đúng quy định, đúng thời gian cho đàn lợn sinh sản tránh những trường hợp bị sốt đột ngột gây sảy thai.
Điều trị:
Theo Trần Thị Thuận (2005) [25], thụt rửa tử cung, âm đạo bằng một số các dung dịch sau: nước muối NaCl 1 - 2 %, thuốc tím 0,1 %, lugol 0,5 - 1 %, rivanol 1 - 2 %, thụt rửa 2 - 3 lần trong ngày đầy tiên, những ngày sau mỗi ngày một lần. Nếu con vật sốt, mệt mỏi tiêm thuốc toàn thân: kháng sinh penicillin + streptomycin hoặc ampicillin và thuốc trợ sức B - complex, cafein natribenzoat.
b. Bệnh viêm vú trên lợn nái
Nguyên nhân:
Lợn nái bị nhiễm khuẩn: Trường hợp này, lợn nái có thể bị một số vi khuẩn xâm nhập trong núm vú gây viêm vú: E.coli, Staphylococcus, Streptococcus, Pseunomonas,...
Lợn nái thiếu dinh dưỡng: trường hợp này hay gặp vào mùa nóng, lợn nái kém ăn trong khi nhu cầu dinh dưỡng trong lúc này đang cần rất cao để sản sinh ra sữa nuôi con. Điều này dẫn đến lợn nái kém sữa, mất sữa.
Lợn nái bị phù tuyến vú: nguyên nhân là do lợn nái ăn nhiều trước khi đẻ, lợn nái uống ít nước dẫn đến bị táo bón, hay cũng có thể do lợn nái bị stress. Lợn nái bị dịch phù tích lại trong mô bào tuyến vú, dẫn đến các bầu vú cứng, lợn nái cảm thấy khó chịu (nhưng không cảm thấy đau) do sức ép của
dịch phù. Lợn nái có tuyến vú kém phát triển: nguyên nhân có thể do di truyền, do hormone, do thiếu dinh dưỡng, độc tố nấm mốc,... có thể dẫn đến tuyến vú của lợn nái kém phát triển, gây thiếu sữa, mất sữa.
Triệu chứng:
Lê Hồng Mận (2002) [9] cho biết: bình thường bệnh viêm vú xảy ra ngay sau khi đẻ 4 - 5 giờ cho đến 5 - 7 ngày có khi đến một tháng. Viêm vú thường xuất hiện ở một vài vú nhưng đôi khi cũng lan ra toàn bộ các vú. Vú có màu hồng, sưng đỏ, sờ vào thấy nóng, hơi cứng ấn vào lợn nái có phản ứng đau. Lợn nái giảm ăn, trường hợp nặng thì bỏ ăn, sốt cao 40,5 - 42oC kéo dài trong suốt thời gian viêm, sản lượng sữa giảm, lợn nái thường nằm úp đầu vú xuống sàn, ít cho con bú. Lợn con thiếu sữa kêu la chạy vòng quanh lợn mẹ đòi bú, lợn con ỉa chảy, xù lông, gầy còm, tỷ lệ chết cao 30 - 100 %. Vắt sữa ở những vú bị viêm thấy sữa loãng, trong sữa có những cặn hoặc cục sữa vón lại, xuất hiện những mảnh cazein màu vàng, xanh lợn cợn, đôi khi có máu.
Hậu quả của bệnh viêm vú:
Theo Nguyễn Xuân Bình (2005) [2]: mất sữa sau khi đẻ là do kế phát từ bệnh viêm tử cung và viêm vú. Khi bị viêm, cơ thể thường sốt cao liên tục 2 - 3 ngày, nước trong máu và trong mô bào bị giảm ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, nhất là quá trình hấp thu chất dinh dưỡng trong đường tiêu hóa bị giảm dần dẫn đến mất sữa, khả năng phục hồi chức năng tiết sữa sẽ bị hạn chế thường xảy ra ở lứa đẻ tiếp theo.
Điều trị:
-Dùng nước đá rửa và chườm ở bầu vú viêm để giảm sưng, nóng, đỏ, đau sau đó dùng tay xoa bóp nhẹ nhàng 2 - 3 lần/ngày để vú mềm dần.
-Vắt vú bị viêm 4 - 5 lần/ngày cho hết sữa để hạn chế việc lây lan từ vú viêm sang vú lành.
-Tiêm kháng sinh vetrimoxin: 1 ml/10 kg TT/1 lần/1 ngày.
-Tiêm thuốc giảm đau hạ sốt analgin: 1 ml/10 kg TT/1 lần/1 ngày.
c. Bệnh sót nhau
Nguyên nhân gây bệnh:
Trịnh Đình Thâu và cs. (2010) [24] cho biết, sau khi đẻ tử cung co bóp yếu trong thời gian mang thai nhất là giai đoạn cuối con vật không được vận động thỏa đáng. Trong thức ăn thiếu các chất khoáng, nhất là Ca và P. Hoặc tử cung bị sa liệt, con vật quá gầy yếu hoặc quá béo, chửa quá nhiều thai, thai quá to, khó đẻ, nước ối quá nhiều làm tử cung giãn nở quá mức.
- Do viêm niêm mạc tử cung trước lúc đẻ làm dính nhau với tử cung hoặc nhau chưa ra hết thì người đỡ đẻ đã kéo đứt còn lại một ít sót lại trong tử cung.
- Do lợn con còn sót lại ở trạng thái nằm sai vị trí làm tắc đường ra của nhau.
Triệu chứng:
Sau khi đẻ 4 - 5 giờ không thấy nhau ra hoặc không hết là bị sót nhau. Lợn nái rặn nhiều, đôi khi bỏ ăn, sốt cao liên tục 40 - 41°C trong vòng 1 - 2 ngày, lợn mẹ cắn con, không cho con bú, niêm dịch chảy ra màu đục, lẫn máu.
Biện pháp khắc phục:
Theo Trịnh Đình Thâu và cs. (2010) [24], can thiệp kịp thời ngay khi nái có biểu hiện bệnh, không để quá muộn sẽ gây ra viêm tử cung, can thiệp đúng kỹ thuật, không quá mạnh tay, tránh những tổn thương. Tiêm oxytocin để kích thích co bóp tử cung cho nhau còn sót lại đẩy ra ngoài hết. Sau khi nhau thai ra dùng nước muối sinh lý 0,9 % để rửa tử cung trong ba ngày liên tục.
2.2.4.2. Những bệnh thường gặp trên đàn lợn con theo mẹ a. Hội chứng tiêu chảy ở lợn con
Nguyên nhân:
-Do virus: Porcine circovirus type 2 (PCV2), Rotavirus, Enterovirus,
-Do vi khuẩn: chủ yếu do E.coli, Salmonella
-Do ký sinh trùng: sán lá ruột lợn và giun đũa lợn ký sinh ở đường tiêu hóa, chúng làm tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa gây viêm ruột ỉa chảy.
-Do chăm sóc nuôi dưỡng: chăm sóc nuôi dưỡng không đảm bảo vệ sinh thú y, thức ăn thiếu không đảm bảo phẩm chất, thiếu dinh dưỡng. Hệ quả là khả năng miễn dịch của cơ thể giảm rõ rệt, tạo điều kiện cho các vi khuẩn phát triển gây bệnh.
- Do thời tiết khí hậu: Theo Đoàn Thị Kim Dung (2004) [4], các yếu tố nóng, lạnh, mưa, nắng, hanh, ẩm thay đổi thất thường và điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể lợn, nhất là cơ thể lợn con chưa phát triển hoàn chỉnh, các phản ứng thích nghi của cơ thể còn rất yếu.
- Do stress: hệ thống tiên hóa của lợn mẫn cảm đặc biệt với stress. Hiện tượng stress thường gây nên biểu hiện chán ăn, nôn mửa, tăng nhu động ruột, có khi tiêu chảy, đau bụng.
- Do điều kiện chuồng nuôi: các yếu tố lạnh, ẩm ảnh hưởng rất lớn đến lợn sơ sinh, lợn con vài ngày tuổi. Trong các yếu tố về tiểu khí hậu thì quan trọng nhất là nhiệt độ và độ ẩm. Độ ẩm thích hợp cho lợn từ 75 - 85 %. Vì thế việc làm khô và giữ ấm chuồng là vô cùng quan trọng.
Theo Laval (1997) [7], khi nghiên cứu về bệnh tiêu chảy và nguyên nhân gây bệnh ông cho rằng: Salmonella cholerasuis, Salmonella typhymurium là
hai tác nhân gây tiêu chảy ở lợn con, lợn sau cai sữa và lợn vỗ béo.
Bệnh do E.coli có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi theo mẹ nào nhưng thường có hai thời kỳ cao điểm là 0 - 5 ngày tuổi và 7 - 14 ngày tuổi (Nagy và Fekete, 2005) [32].
Triệu chứng:
Lợn con lười bú, phân lỏng, tanh có màu vàng, nôn mửa lợn con sút cân nhanh do mất nước. Lợn con thích nằm lên người mẹ.
Điều trị:
Phạm Ngọc Thạch (2005) [19] cho biết, để điều tri ̣hội chứng tiêu chảy ở gia súc nên tập trung vào 3 khâu là: Loại trừ sai sót trong nuôi dưỡng như loại bỏ thức ăn kém phẩm chất, chăm sóc nuôi dưỡng tốt. Khắc phục rối loạn tiêu hoá và chống nhiễm khuẩn. Điều tri ̣hiện tượng mất nước và chất điện giải.
b.Bệnh viêm phổi
Nguyên nhân:
Do nhiều nguyên nhân mà trước đây chúng ta hay gọi là bệnh suyễn hoặc viêm phổi địa phương. Mycoplasma là tác nhân chính kết hợp với hệ vi khuẩn gây bệnh cộng phát như: Pasteurella multocida, Streptococcus, Staphylococcus và một số siêu vi khuẩn khác. Mycoplasma thường cư trú tại
amidan hoặc xâm nhập từ ngoài vào cơ thể dưới tác động trực tiếp của các yếu tố stress có hại và sức đề kháng của cơ thể yếu, chúng tăng cường độc lực chui vào phế quản và phế nang, ký sinh và sinh sản ở đó gây bệnh.
Lợn mẹ bị bệnh có thể truyền cho lợn con khi mang thai.
Triệu chứng:
Ở lợn con bệnh có thể xảy ra ngay sau khi sinh. Lợn gầy còm lông xù, thở thể bụng có khi ngồi thở, bụng hóp lại. Lợn bị bệnh không tranh bú với các con khác được nên ngày càng gầy yếu hơn, dễ mắc kế phát bệnh viêm khớp. Nếu không điều trị kịp thời tỷ lệ chết rất con.
Điều trị:
Bệnh viêm phổi có thể sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau để điều trị, ở trong trại thường sử dụng phác đồ sau để điều trị:
+Tylogenta: 1,5 ml/con, tiêm bắp ngày/lần.
+Hitamox LA: 1,5 ml/con, tiêm bắp ngày/lần.
Nếu lợn có hiện tượng ho nhiều, thở gấp thì tiêm bromhexine: 2 ml/con. Điều trị trong 3 - 6 ngày.
c.Bệnh viêm khớp
Nguyên nhân:
Do Streptococcus suis là vi khuẩn gram dương, gây viêm khớp lợn cấp và mãn tính ở mọi lứa tuổi. Bệnh này thường gây ra trên lợn con 1 - 6 tuần tuổi. Vi khuẩn xâm nhập qua đường miệng, cuống rốn, vết thương khi cắt đuôi, bấm nanh, các vết thương trên da, đầu gối khi chà sát trên nền chuồng, qua vết thiến.
Triệu chứng:
Lợn con đi khập khiễng từ 3 - 4 ngày tuổi, khớp chân sưng lên vào ngày 7 - 15 sau khi sinh nhưng tử vong thường xảy ra lúc 2 - 5 tuần tuổi. Thường thấy viêm khớp cổ chân, khớp háng và khớp bàn chân.
Lợn ăn ít, hơi sốt, chân lợn có hiện tượng què, đi đứng khó khăn, chỗ khớp viêm tấy đỏ, sưng, sờ nắn vào có phản xạ đau.
Điều trị:
Tiêm vetrimoxin: 1 ml/10 kg TT/1 lần/2 ngày.