Quá trình hình thành, phát triển và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN NGUYỄN THỊ MINH PHƯƠNG (Trang 75 - 78)

TRONG CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM 3.1. TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG VÀ MÔ HÌNH TỔ CHỨC, BỘ MÁY CỦA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

3.1.1. Quá trình hình thành, phát triển và hoạt động của doanh nghiệp nhà nước nghiệp nhà nước

Doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam được hình thành trong thời kỳ kế hoạch hoá tập trung, được đổi mới và phát triển không ngừng trong quá trình hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa kể từ năm 1986. Trong thời gian qua, DNNN đã cơ bản thực hiện được vai trò, nhiệm vụ CSH giao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội; là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế.

* Giai đoạn 1991-1995

Thực hiện Nghị định số 388-HĐBT ngày 20/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) DNNN đã từng bước được tổ chức, sắp xếp lại. Theo Báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị năm 2000 [4], vào cuối những năm 1980, số lượng DNNN là trên 12.000 doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp do địa phương quản lý chiếm 75%. Trong giai đoạn 1991-1994, có hơn 250 tổng công ty, các liên hiệp xí nghiệp và các DNNN độc lập đã thực hiện sắp xếp lại; 17 tổng công ty đã thành lập theo Quyết định số 91/TTg ngày 7/3/1994, và 76 tổng công ty được thành lập và quản lý theo uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ cho các Bộ, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh theo Quyết định số 90/TTg ngày 7/3/1994 [20].

* Giai đoạn 1995-2000

Thông qua quá trình sắp xếp, tổ chức lại DNNN nêu trên, tính đến thời điểm đầu năm 2000 số lượng DNNN giảm xuống còn khoảng 6.000 DNNN, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của kinh tế nhà nước là 11,7%, gấp 1,5 lần tốc độ tăng trưởng bình quân của toàn bộ nền kinh tế và gần gấp đôi kinh tế ngoài quốc doanh (tốc độ tăng GDP bình quân hàng năm của toàn bộ nền kinh tế thời kỳ 1977-1980 là 0,4%; thời kỳ 1981-1985 là 6,4%; thời kỳ 1986-1990 là

3,9% và thời kỳ 1991-1995 là 8,2%) [4]. Nhờ đó, DNNN vẫn phát triển ổn định, làm ra 40,2% GDP, trên 50% giá trị xuất khẩu, đóng góp 39,25% tổng số nộp ngân sách nhà nước [20].

Bên cạnh những ưu điểm của DNNN về tăng trưởng sản xuất kinh doanh, nộp ngân sách, tạo việc làm và thu nhập cho 60.000 lao động, tích cực tham gia các chính sách xã hội, công tác đổi mới và sắp xếp lại DNNN giai đoạn này vẫn chưa đạt yêu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Nếu năm 1995 một đồng vốn nhà nước tạo ra được 3,46 đồng doanh thu và 0,19 đồng lợi nhuận, thì đến năm 1998 chỉ còn tương ứng là 2,9 và 0,14.

Qua 3 đợt sắp xếp theo Chỉ thị số 20/1998/CT-TTg ngày 21/4/1998 về đẩy mạnh, sắp xếp và đổi mới DNNN; Chỉ thị số 15/1999/CT-TTg ngày 16/5/1999 về việc hoàn thiện tổ chức hoạt động của tổng công ty nhà nước, DNNN đã giảm về số lượng nhưng quy mô của DNNN vẫn nhỏ. Tính đến hết năm 1999, quy mô vốn bình quân của một DNNN là 18 tỷ đồng, nhưng số DNNN có vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm 65,5%; số DNNN có vốn trên 10 tỷ đồng chỉ chiếm 21% [20].

* Giai đoạn 2001-2016

Qua 15 năm (2001-2016) sắp xếp, cơ cấu lại, số lượng DNNN đã giảm mạnh, tính đến tháng 10-2016 còn 718 DNNN, nhưng GDP theo giá thực tế của kinh tế nhà nước luôn đạt mức năm sau cao hơn năm trước, kể cả trong giai đoạn Việt Nam chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Tỷ trọng của kinh tế nhà nước trong GDP có xu hướng giảm nhưng vẫn duy trì khoảng trên 30% hàng năm, trong đó, phần đóng góp của DNNN khoảng 27-28%. Doanh nghiệp nhà nước chiếm 79% tổng nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực khai khoáng; 91%- sản xuất, phân phối điện; 65%- cung cấp nước, xử lý rác thải; 80%- thông tin truyền thông; 43%- nông, lâm nghiệp và thủy sàn; 57%- tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Doanh nghiệp nhà nước chiếm 86% tổng doanh thu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực khai khoáng; 96,8% trong lĩnh vực sản xuất, phân phối điện; 72,94% trong lĩnh vực cung cấp nước, xử lý rác thải; 82% trong lĩnh vực thông tin truyền thông; 52,7% trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; 48% trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Đóng góp vào GDP của khu vực kinh tế nhà nước năm 2010 là 29%, năm 2015 là 28%; tương tự cùng thời gian, đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước là 43%, của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là 15% và 17% [12].

Có thể nói DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty mặc dù đã được hưởng rất nhiều lợi thế và sự hỗ trợ của Nhà nước, có sự phát triển đáng kể như đã nêu trên, nhưng hoạt động của DNNN vẫn còn nhiều hạn chế, đó là:

- Hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với quy mô vốn, nguồn lực nắm giữ; năng lực cạnh tranh còn thấp (Hộp 3.1).

Hộp 3.1: Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước năm 2014, 2015

Doanh nghiệp nhà nước chiếm khoảng 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn Nhà nước, 60% tín dụng, 79% tổng nợ khó đòi của các ngân hàng thương mại và 70% vốn ODA, thế nhưng chỉ đóng góp khoảng 30% tăng trưởng GDP. Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các tập đoàn, tổng Cty đang nắm giữ những vị trí then chốt trong nền kinh tế như: ngân hàng, năng lượng, cơ khí, hóa chất..., tuy nhiên hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu.

Kết quả kiểm toán năm 2014, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những DNNN càng kinh doanh càng lỗ, đó là: Cty mẹ Cienco 5 lỗ đầu tư tài chính 11, 4 tỷ đồng; 5/50 Cty do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư thua lỗ 3.702 tỷ đồng và 11/31 Cty do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư thua lỗ 6.342 tỷ đồng. Ngoài ra, 7/24 Cty do Tổng Cty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) đầu tư lỗ lũy kế 339, 6 tỷ đồng; 6/57 Cty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) lỗ 118, 3 tỷ đồng; 3/8 Cty liên doanh, liên kết do Cty mẹ Tổng Cty Sông Đà đầu tư thua lỗ và 5/24 Cty liên doanh, liên kết do Tổng Cty ô tô đầu tư thua lỗ. Tiếp sau là danh sách các Cty kinh doanh tới mức âm VCSH như 3/10 Cty thuộc Cienco 5 (âm 53, 7 tỷ đồng); Cty Thực phẩm Miền Bắc thuộc Tổng Cty Thuốc lá (âm 166, 74 tỷ đồng). Tình trạng lỗ lũy kế lớn hơn vốn điều lệ /vốn đầu tư của CSH gồm hàng loạt các Cty liên doanh vốn Việt Nam và nước ngoài, thuộc ngành bất động sản, xây dựng và cả tài chính, với tỷ lệ lỗ gấp 1, 3 đến 3 lần vốn chủ.

Báo cáo Kiểm toán Nhà nước năm 2015 đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cho thấy, hiệu quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp giảm sút. Có 5/38 tập đoàn, tổng công ty kinh doanh thua lỗ. Trong đó, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) lỗ gần 3.500 tỷ đồng, Tổng công ty 15 (General 15) thuộc Bộ Quốc phòng lỗ 471 tỷ, Vinaincom lỗ 132 tỷ, Tổng công ty Mía đường II lỗ 15 tỷ đồng, Công ty TNHH một thành viên In Đắk Lắk lỗ 3 tỷ đồng. Có thể thấy, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sử dụng phần lớn nguồn lực của đất nước, nhưng năng suất lao động thấp, làm cho năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế ở mức thấp và có xu hướng tiếp tục xấu đi. Chưa kể, nợ doanh nghiệp tăng, các khoản phải thu-chi của 103 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con đã là 338.327 tỷ đồng, tăng 6% so với thực hiện năm 2014. Nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn. Điển hình, một số đơn vị có nợ phải thu quá hạn lớn, như: EVN, Vinalines, Vinataba, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam... và những doanh nghiệp có khoản nợ khó đòi lớn, như: MobiFone (công ty mẹ 312 tỷ đồng), VNPT - Global hơn 14 tỷ đồng, Vinataba 87 tỷ... (Xuân Thân, 2016).

- Quy mô sở hữu nhà nước lớn, nhưng tại nhiều DNNN đang tồn tại những khoản nợ khó đòi, nợ quá hạn hàng trăm tỷ đồng, thậm chí lên tới hàng nghìn tỷ đồng (Hộp 3.2).

Hộp 3.2: Những khoản nợ khó đòi, nợ quá hạn năm 2015

Tổng công ty Mobifone- Công ty mẹ có khoản nợ khó đòi 312,8 tỷ đồng (chiếm 30,4% nợ phải thu); Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) có khoản nợ khó đòi 376,65 tỷ đồng (chiếm 25,7% nợ phải thu). Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) có hai đơn vị là Văn phòng Tổng công ty và Công ty Cổ phần Hòa Việt có tổng khoản nợ khó đòi gần trăm tỷ đồng... Nhiều khoản đầu tư của các DNNN vào doanh nghiệp khác có tình trạng tài chính xấu, có nguy cơ ngừng hoạt động hoặc phải giải thể; trong đó nhiều đơn vị đã rơi vào tình trạng mất hết vốn CSH với giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng, như khoản đầu tư 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào Oceanbank và ngân hàng này bị mua lại với giá không đồng... Nhiều dự án do các DNNN làm chủ đầu tư đang rơi vào tình trạng “đắp chiếu” hoặc kém hiệu quả. Điển hình là 12 dự án lớn của các DNNN ngành Công thương, như: Dự án mở rộng Gang Thép Thái Nguyên (TISCO) giai đoạn 2; Nhà máy Đạm Ninh Bình; Nhà máy Sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ Hải Phòng (PVTex); Nhà máy Bột giấy Phương Nam Long An; Nhà máy Ethanol Bình Phước; Nhà máy Bio Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi); Đạm Hà Bắc, Đạm DAP 1 Lào Cai; DAP 2 Hải Phòng; Ethanol Phú Thọ; Nhà máy đóng tàu Dung Quất; Dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và Nhà máy Gang Thép Lào Cai. Hiện nay, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang có hệ số nợ phải trả trên vốn CSH rất cao. Điển hình là Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Cà Mau Vinalines có hệ số nợ phải trả cao gấp 153,92 lần vốn CSH (trong khi đó, gấp trên 3 lần đã là thiếu an toàn, rủi ro cao). Tập đoàn Điện lực (EVN) với 2 đơn vị thành viên là Tổng công ty Phát điện 3 (6,74 lần); Tổng công ty Phát điện 1 (4,35 lần). Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của nhiều doanh nghiệp lớn đã giảm liên tục trong 2- 3 năm gần đây, như: Tập đoàn Cao su (VRG), PVN, Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV), Tập đoàn Hóa chất (Vinachem), EVN, Tập đoàn Than- Khoáng sản (Vinacomin). Tỷ suất lợi nhuận của của EVN và Vinacomin năm 2015 siêu thấp, lần lượt là 1,9% và 1,1%. Cụ thể, năm 2015, Vinacomin đạt doanh thu gần 76.400 tỷ đồng, nhưng chỉ lãi trước thuế 840 tỷ đồng. Tương tự, Vietnam Airlines đạt doanh thu 66.000 tỷ đồng, nhưng chỉ lãi hơn 1.000 tỷ đồng. Bước sang nửa đầu năm 2016, EVN báo lỗ trước thuế 557 tỷ đồng và lỗ ròng 930 tỷ đồng. Vinachem lãi trước thuế 59 tỷ, nhưng lại lỗ ròng 477 tỷ đồng.

Nguồn: [87]

- Một số DNNN còn yếu kém, làm thất thoát vốn, tài sản, để nợ xấu cao, thua lỗ liên tục...

Một phần của tài liệu LUẬN ÁN NGUYỄN THỊ MINH PHƯƠNG (Trang 75 - 78)