Thomas N Garavan (2007) đề cập tới bốn nội dung phân tích khi nghiên cứu chiến lược phát triển nhân lực của doanh nghiệp.
Nội dung thứ nhất, phân tích các yếu tố môi trường bên ngoài ảnh hưởng tới chiến lược phát triển nhân lực của doanh nghiệp. Theo bài báo, các yếu tố quan trọng cần phân tích bao gồm: yếu tố kinh tế, yếu tố phát luật, yếu tố đặc trưng ngành nghề, yếu tố công nghệ, yếu tố thị trường lao động, yếu tố văn hóa.
Nội dung thứ hai, doanh nghiệp tiến hành phân tích các yếu tố môi trường bên trong ảnh hưởng tới chiến lược phát triển nhân lực của doanh nghiệp. Trong phân tích các yếu tố môi trường bên trong, chiến lược và cơ cấu của doanh nghiệp được nhìn nhận là yếu tố quan trọng cần phân tích.
Chiến lược của doanh nghiệp được nhìn nhận là yếu tố tác động tới yêu cầu và phương thức thực hiện công tác phát triển nhân lực của doanh nghiệp. Trong phân tích chiến lược của doanh nghiệp được tiến hành nhằm xác định chiến lược áp dụng tại doanh nghiệp. Các chiến lược doanh nghiệp áp dụng được phân loại thành hai chiến lược cơ bản bao gồm chiến lược cung ứng sản phẩm hoặc dịch vụ giá rẻ, chiến lược khác biệt hóa. Doanh nghiệp sử dụng chiến lược cung ứng sản phẩm hoặc dịch vụ giá rẻ có chiến lược phát triển tập trung vào đào tạo kỹ năng nhằm nâng cao hiệu suất hoạt động, các doanh nghiệp này ít chú trọng vào các chương trình phát triển đội ngũ quản lý, các doanh nghiệp này cũng có xu hướng sử dụng chuyên gia nhân lực từ bên ngoài. Doanh nghiệp áp dụng chiến lược chiến lược khác biệt hóa (chú trọng đổi mới sáng tạo) cần tạo sự thay đổi và cần đội ngũ nhân lực có năng lực tạo dựng sự thay đổi, chiến lược phát triển nhân lực tập trung tạo ra
những thay đổi lớn, phát triển đội ngũ quản lý, hoàn thiện lộ trình công danh, nâng cao nguồn vốn tri thức, doanh nghiệp áp dụng chiến lược này cũng chú trọng việc thu hút nhân lực chất lượng cao từ bên ngoài.
Về phân tích cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, trong nghiên cứu chiến lược phát triển nhân lực hai nhóm cơ cấu chiến lược được nghiên cứu bao gồm doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp đa quốc gia. Doanh nghiệp có cơ cấu nội địa có xu hướng sử dụng một chiến lược phát triển nhân lực, doanh nghiệp đa quốc gia có thể xây dựng chiến lược phát triển nhân lực dành riêng cho từng quốc gia nơi doanh nghiệp đặt chi nhánh. Đánh giá cơ cấu tổ chức doanh nghiệp cũng đề cập tới mức độ phù hợp giữa các yêu cầu của chiến lược phát triển nhân lực của doanh nghiệp và phương thức tiến hành công việc của doanh nghiệp, theo đó khi yêu cầu chiến lược phát triển nhân lực có sự khác biệt với phương thức tiến hành công việc của doanh nghiệp, doanh nghiệp cần tập trung vào đào tạo kỹ năng, đào tạo lại, trao quyền, phát triển năng lực đội ngũ quản lý.
Nội dung thứ ba là nghiên cứu về công việc của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có đặc trưng về công việc và nhân lực sử dụng, chiến lược phát triển nhân lực cần phù hợp với đặc trưng công việc và nhân lực của doanh nghiệp. Phân tích được tiến hành nhằm xác định các chiến lược phát triển nhân lực dựa trên ảnh hưởng của chiến lược tới công việc.
Nội dung thứ tư bao gồm nghiên cứu về nhân lực của doanh nghiệp. Phân tích tập trung vào các vấn đề bao gồm nhu cầu cá nhân, năng lực đội ngũ nhân lực và lộ trình công danh. Các định hướng chiến lược được xác định dựa trên các phân tích nguyện vọng cá nhân, mong muốn phát triển nghề nghiệp, sự phấn đấu và cống hiến đối với doanh nghiệp.