Thiên Chúa không thể làm được tất cả mọi sự?

Một phần của tài liệu TaiSaoNgaiImLang (Trang 25 - 28)

Kinh thánh Cựu Ước có kể lại một câu truyện rất hay, đại ý như sau: Vào một ngày nọ, Satan xuất hiện trước mặt Thiên Chúa để mách bảo với Ngài về những tội lỗi mà con người đang mắc phạm dưới trần gian. Chúa liền hỏi ma qủy: “Ngươi có lưu ý đến Gióp, tôi tớ của Ta không? Chẳng có ai trên trái đất này liêm khiết, chính trực, kính sợ Ta và xa lánh tội lỗi như nó”. Ma quỷ liền trả lời: “Dĩ nhiên là hắn vâng lời và tuân phục Ông, vì Ông đã che chở và ban phát cho hắn đầy đủ mọi thứ: Nhà cửa, súc vật, ruộng nương, vợ đẹp con khôn. Thử lấy đi hết những gì hắn đang thụ hưởng, xem hắn có nguyền rủa Ông hay không?”

Chúa chấp nhận sự thách thức của ma quỷ. Bỗng nhiên lửa từ trời xuống phá huỷ nhà cửa ruộng nương và giết hết con cái của Gióp. Chính Gióp cũng bị phỏng đầy mình vô cùng đau đớn. Vợ ông xúi giục chồng chửi rủa Thiên Chúa, dù lỡ có bị Ngài phạt chết cũng cam lòng hả giận. Ba người bạn đến an ủi ông lúc đầu, rồi sau lại khuyên ông nên ‘nghỉ chơi’ với Chúa. Nhưng không có gì lay chuyển nổi lòng tin sắt đá chân tình của ông đối với Thiên Chúa. Cuối cùng, Chúa xuất hiện, khiển trách những người bạn ‘cà chớn’, và ân thưởng cho Gióp gấp đôi những gì ông đã mất. Bài học luân lý của câu truyện có vẻ khá đơn giản: Đừng mù quáng chối bỏ đức tin khi gặp hoạn nạn. Thiên Chúa có lý do riêng trong viẹc Ngài làm, nếu chúng ta kiên tâm nhẫn nại, Ngài sẽ đền bù gấp trăm ngàn lần những thiệt hại đau khổ của chúng ta.

Câu truyện, tưởng chừng như, lại rơi vào cái lập luận căn bản ‘Thiên Chúa gởi đau khổ đến để thử thách lòng tin con người’. Quan điểm này, không thể đứng vững được vì Thiên Chúa không thể giết những trẻ em vô tội, phá nhà phá cửa để chỉ chứng minh rằng ông Gióp trung thành và để thắng cả ma quỷ. Câu truyện tiếp diễn: Ba người bạn cùng sử dụng những luận điệu bênh vực cho Thiên Chúa, nào là Chúa quan phòng mọi sự, nào là chúng ta không được quyền xét đoán việc Ngài làm, nào là tại vì Gióp phạm tội nên ông phải sẵn sàng chịu đựng những hình phạt của Chúa … Gióp cay đắng cãi lại. Bởi vậy ông đã giám thách thức Chúa xuất hiện để trưng dẫn bằng cớ tội lỗi của ông, nếu không có thì Chúa phải chấp nhận là ông đã bị Ngài đối xử rất bất công.

Câu truyện ông Gióp đưa ra ba giả thuyết căn bản liên quan mật thiết với nhau: Giả thuyết thứ nhất, nếu Chúa toàn năng toàn thiện và công bình, thì bởi vì ông Gióp phạm tội, nên ông phải lãnh nhận hậu quả hình phạt. Giả thuyết thứ hai, nếu ông Gióp là người hiền lương đạo đức, thì phạt ông là Chúa bất công. Giả thuyết thứ ba, nếu Chúa không thể ngăn cản được đau khổ và tai hoạ đã xảy ra cho tôi tớ trung tín của Ngài, thì có lẽ Ngài không đủ uy quyền như chúng ta thường nghĩ.

Giả thuyết thứ nhất và thứ hai đều không chính xác theo tinh thần câu truyện, vì ông Gióp không phạm tội và Thiên Chúa không thể bất công. Chỉ còn lại giả thuyết thứ ba: Thiên Chúa không thể làm hết tất cả mọi sự. Giả thuyết này, thoạt nghe, rất nhiều người sẽ ồn ào phản đối và bác bỏ. Phúc Âm đã nói rõ: ‘Không có chuyện gì mà Thiên Chúa không làm được’. Tôi đồng ý hoàn toàn, nếu không, tại sao chúng ta lại phải tin ở một Thượng Đế còn khuyết điểm? Tuy nhiên, tôi sẽ chứng minh những đoạn sau cho bạn hiểu rằng:

Có những chuyện Thiên Chúa không thể làm được, không phải bởi vì Ngài không đủ quyền năng, nhưng vì

Ngài đã trao quyền năng đó cho con người và cho định luật tự nhiên. Chính vì thế Ngài không thể ‘xía’ vô quyền hành và tự do của con người, nếu Ngài can thiệp vào, thì đó không còn tự do thật sự nữa.

Nếu chúng ta tạm chấp nhận giả thuyết thứ ba, chúng ta sẽ cất khỏi tâm hồn mình một gánh nặng to lớn: Thiên Chúa không dùng đau khổ để sửa phạt hay thử thách nhân loại. Ngài cũng không gởi những nghịch cảnh ngặt nghèo đến những người vô tội hiền lành. Ngài không phải là nguyên nhân của những ‘thánh giá’ tai họa mà con người đang chịu đựng.

Thế kỷ thứ 20 sắp qua, nhân loại không thể tiếp tục tin tưởng vào hình ảnh của một Thiên Chúa quyền uy khắt nghiệt như quan toà xét đoán tội lỗi và quyết định hình phạt. Họ chỉ tin vào một Thiên Chúa yêu thương, nhân từ, hơn cả cha mẹ trần thế. Một Thiên Chúa luôn giang rộng vòng tay ôm con vào lòng ủi an vỗ về khi con bay nhảy ngoài cuộc đời gặp nhiều rủi ro lỡ chân vấp ngã. Câu hỏi của chúng ta bây giờ không phải là: Lạy Chúa, tại sao Ngài bắt con đau khổ nhiều quá?’ nhưng chính là: ‘Lạy Chúa! Ngài biết những đau khổ con đang phải gánh chịu, xin Ngài giúp con!. Chúng ta có quyền chạy tới cầu xin sự trở giúp của Ngài, không phải để bị xét đoán, không phải để được thưởng công hay bị sửa phạt, nhưng để được bổ sức và an ủi.

CHƯƠNG BA

Một phần của tài liệu TaiSaoNgaiImLang (Trang 25 - 28)