1. Đau khổ tự nhiên xuất hiện?
Một phụ nữ, sau khi nghe giảng, đã tới hỏi tôi: “Thưa Cha, nếu Thiên Chúa không gởi đau khổ đến cho con người, vậy thì, đau khổ ở đâu ra?” Theo phản ứng nhất thời, tôi định trả lời: “Tự nhiên nó xuất hiện”.
Tôi nhớ tới thằng cháu ngây thơ cụ của tôi: Lúc còn bé, nó rất tinh nghịch, chuyên môn phá phách đồ đạc trong nhà, nếu lỡ tay đánh đổ bình hoa, xé rách một quyển sách, khi bị tra hỏi, câu trả lời của nó rất đơn giản: “Con đâu có biết, tự nhiên nó như vậy mà!” Một hôm thằng bé leo cây hái xoài, em tôi bắt gặp hoảng hốt la lên: “Ti!Ai cho con trèo cây, té bây giờ, xuống ngay! Khốn nạn con cái nhà làm sao con leo được hỡ! Thằng Ti tỉnh bơ trả lời: “Con đâu có biết tự nhiên con ở trên cây mà!”
Câu tra vấn thông dụng nhất mà chúng ta thường được nghe ‘không có lửa làm sao có khói’ chứng tỏ rằng bất cứ chuyện gì xảy ra trên đời này cũng đều phải có nguyên nhân. Chúng ta khó lòng tin được chuyện ‘tự nhiên’ của thằng bé cháu tôi. Khi không thể cắt nghĩa được sự phát sinh của đau khổ trên trần gian, rất nhiều người đã quy trách nhiệm cho Thiên Chúa.
Cứ giả sử rằng con người với trí thông minh đã có thể giải thích được chín mươi phần trăm những biến chuyển xảy ra trên mặt đất, thì ít nhất cũng cũng còn khoảng mười phần trăm những sự kiện huyền bí mà khoa học cũng đành bó tay. Nếu vậy, tại sao chúng ta lại đòi hỏi tất cả mọi chuyện đều phải hợp lý? Tại sao chúng ta không thể để cho vũ trụ có
những chuyện ‘tự nhiên’ khi trí hiểu của con người vẫn còn nhiều giưói hạn?
Cách đây vài năm, tại Melbourme, vùng Clifton Hill, một người bất bình thường tự nhiên xách súng ra đường bắn loạn xạ, ba bốn người chết, vài người khác bị thương. Hãy thử suy luận xem tại sao kẻ sát nhân lại hành động như vậy: Có thể anh là một cựu chiến binh, bị ám ảnh bởi quá khứ, có thể anh bị ruồng rẫy bỏ rơi, bị say sưa, tuyệt vọng, bị khủng hoảng thần kinh?...
Đương không cầm súng ra đường bắn chết những người vô tội là một hành động phi lý. Tuy vậy, nếu chúng ta tìm tòi điều tra quá khứ của kẻ sát nhân, có thể chúng ta sẽ khám phá ra nguyên nhân và động lực đã thúc đẩy anh ra tay. Nhưng điều không thể giải thích được là tại sao bà Smith lại đi bộ ngang qua tầm đạn đúng lúc đó để bị vắn trọng thương, trong khi bà Ann tự nhiên tạt vô quán mua nước uống thoát chết? Tại sao ông Peter, thường lúc đi làm về sẽ chạy hướng South Eastern, tự nhiên nổi hứng đổi đường định mệnh để bị bắn gục trên xe, còn ông Green, người chưa bao giờ uống hai ly cafê cùng một lúc, bỗng đổi ý uống thêm ly thứ hai trong quán thoát nạn?
Người Việt Nam sẽ trả lời rất vắn gọn: Bà Smith và ông Peter đã tới số, còn ông Green và bà Ann thì chưa. Tính mạng của hàng chục con người được đặt trong tay của số mệnh quyết định dùm. Đem số mệnh để giải thích có nghĩa là thú nhận rằng chúng ta không thể hiểu được số mệnh là gì, tại sao và khi nào chúng ta sẽ tới số? Tự nhiên nó tới, chúng ta đành phải chấp nhận. Thằng cháu’tự nhiên’ của tôi – như vậy – cũng có lý.