III. BÁO CÁO VÀ ĐÁNH GIÁ CỦA BAN ĐIỀU HÀNH
III.3 Những cải tiến về cơ cấu tổ chức, chính sách, quản lý
môi trường làm việc an toàn, sạch sẽ, ngăn nắp, giúp dễ dàng, thuận tiện, tiết kiệm thời gian trong quá trình làm việc và cán bộ nhân viên sẽ tăng cường phát huy sáng kiến cải tiến, từ đó tăng tính mỹ quan về hình ảnh Eximbank đối với khách hàng.
Eximbank cũng phối hợp với công ty khảo sát thị trường hàng đầu của thế giới để thực hiện các dự án khách hàng bí mật nhằm đánh giá khách quan chất lượng dịch vụ do Eximbank cung cấp dưới góc nhìn của khách hàng. Theo đó, các kết quả đánh giá này giúp Eximbank phát hiện và điều chỉnh hệ thống chất lượng dịch vụ phù hợp với thực tế và nâng cao giá trị lợi ích cho khách
hàng.
III.3.3. Quản trị rủi ro năm 2020
1. Quản lý rủi ro thị trường
i) Quản lý rủi ro lãi suất:
Ngân hàng quản lý rủi ro này thông qua việc phân tích trạng thái chênh lệch kỳ định lại lãi suất của tài sản nhạy lãi (RSA) và nợ phải trả nhạy lãi (RSL); Thiết lập các hạn mức về tỷ lệ chênh lệch tích lũy (của RSA-RSL)/tổng tài sản tại các kỳ hạn trong thang kỳ hạn; Phân tích sự thay đổi của thu nhập lãi thuần (∆NII) và sự thay đổi của giá trị kinh tế của vốn chủ sở hữu (∆EVE) để đánh giá tổn thất về thu nhập và giá trị vốn kinh tế của Ngân hàng theo các kịch bản lãi suất khác nhau trong khoảng thời gian đo lường nhất định (thông thường là một năm).
ii) Quản lý rủi ro ngoại hối:
Rủi ro tỷ giá được quản lý thông qua việc giám sát nghiêm ngặt việc tuân thủ các quy định về hạn mức, bao gồm hạn mức giao dịch, hạn mức dừng lỗ, hạn mức thẩm quyền, hạn mức đối tác, hạn mức về tổng trạng thái cuối ngày,…. đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của cơ quan nhà nước và quy định nội bộ của Ngân hàng. Ngoài ra, Ngân hàng còn triển khai các mô hình đo lường đánh giá rủi ro, định giá các công cụ tài chính hàng ngày để ước lượng tổn thất nhằm kiểm soát rủi ro nằm trong khẩu vị mà Ngân hàng có thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, Ngân hàng có thể sử dụng các sản phẩm phái sinh nhằm mục đích ngăn chặn và phòng ngừa rủi ro tỷ giá có thể phát sinh.
(iii) Quản lý rủi ro giá đầu tư: Để quản lý rủi ro giá đầu tư, Eximbank đã triển khai các phương pháp đo lường, đánh giá danh mục đầu tư theo giá thị trường, thiết lập các giới hạn rủi ro giá đầu tư (hạn mức đầu tư trái phiếu, hạn mức dừng lỗ, …) phù hợp với quy định của NHNN và mục tiêu, chiến lược kinh doanh của ngân hàng trong từng thời kỳ.
2. Quản lý rủi ro thanh khoản
Để ngăn ngừa và xử lý các vấn đề về rủi ro thanh khoản, Eximbank đã xây dựng một hệ thống các quy định, quy trình nội bộ đầy đủ, thận trọng về quản lý rủi ro thanh khoản bắt kịp với tiêu chuẩn chung của toàn ngành, tuân thủ các quy định của cơ quan nhà nước. Việc quản lý rủi ro cụ thể được thực hiện thông qua công tác đánh giá và theo dõi khe hở chênh lệch thanh khoản hàng ngày, được thực hiện cho các dòng tiền theo kỳ hạn hợp đồng và theo hành vi của khách
hàng nhằm đo lường mức độ thặng dư hoặc thâm hụt ròng của dòng tiền tích lũy tại các kỳ hạn khác nhau một cách sát với thực tế nhất. Bên cạnh đó, các tỷ lệ an toàn hoạt động về thanh khoản theo yêu cầu của TT22 được Ngân hàng giám sát chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt. Ngoài ra, Ngân hàng cũng thực hiện kiểm tra sức chịu đựng về thanh khoản (Stress-test) nhằm đánh giá khả năng chịu đựng của ngân hàng đối với RRTK trong các kịch bản khác nhau, theo đó đưa ra các phương án xử lý dự phòng tối ưu nhất.
III.3.4. Báo cáo phát triển bền vững
Với định hướng phát triển bền vững là sự kết hợp, cân bằng giữa 3 vấn đề lớn: Kinh tế, xã hội và môi trường. Ý thức rõ vai trò của mình trong tiến trình đó, Eximbank đã và đang tích cực hưởng ứng các hoạt động đóng góp tăng trưởng kinh tế, chung tay bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự phát triển cộng đồng một cách cụ thể và thiết thực.
Phát huy những thế mạnh của công nghệ và liên tục cập nhật theo xu hướng hiện đại: Năm 2020 là một năm nhiều thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như ngành Ngân hàng nói chung và Eximbank nói riêng. Nhận thức được điều đó, Eximbank đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ cho việc kinh doanh và vận hành, nỗ lực để đem lại những giá trị tích cực cho khách hàng cũng như ứng dụng công nghệ thông tin để tối ưu và tăng năng suất vận hành.
Công nghệ - nhân lực là thế mạnh không ngừng được phát triển cùng hoạt động kinh doanh. Eximbank sẽ phát triển quy mô, gia tăng thị phần, nâng cao năng suất và hiệu suất tại từng điểm giao dịch. Tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và các chỉ số tài chính theo hướng an toàn, phù hợp, cải thiện mạnh mẽ các tỷ suất sinh lời, quản lý chi phí gắn liền với hiệu quả mang lại. Tăng cường xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng, lành mạnh hóa danh mục tài sản, tăng nguồn vốn phục vụ kinh doanh, cải thiện các chỉ số an toàn, tuân thủ quy định NHNN trong từng thời kỳ, tiến tới áp dụng các thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Từng bước nâng tầm vị thế, xây dựng Eximbank trở thành ngân hàng hiện đại - năng động, uy tín trên thị trường tài chính trong và ngoài nước. Với phương châm“Khách hàng là trọng tâm”, Eximbank sẽ chú trọng mở rộng và nâng cao chất lượng dữ liệu khách hàng, nghiên cứu thị hiếu cũng như lắng nghe nhu cầu của khách hàng, bắt kịp xu hướng tiêu dùng mới. Từ đó, ngân hàng hiện đại hóa sản phẩm dịch vụ, xây dựng hệ sinh thái, đa tiện ích, đảm bảo an toàn bảo mật, gia tăng trải nghiệm và góp phần tăng mức độ hài lòng của khách hàng. Đồng thời, tiếp tục tinh gọn quy trình, văn bản theo hướng ngắn gọn, hiệu quả.
Các tiêu chuẩn xã hội: Công tác đào tạo luôn được Eximbank quan tâm và ưu tiên hàng đầu nhằm xây dựng nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên môn cao, tuân thủ, đặt khách hàng làm trọng tâm và quy trình nghiệp vụ thống nhất trên toàn hệ thống.
Eximbank khuyến khích và tạo mọi điều kiện để nhân viên tham dự các lớp huấn luyện đào tạo nghiệp vụ, phát triển nghề nghiệp của bản thân; Mục tiêu đào tạo phát triển năng lực nhân viên được đưa vào KPIs của tất cả các đơn vị.
Trong năm 2020, công tác đào tạo của Eximbank được tập trung vào việc đẩy mạnh đào tạo năng lực kinh doanh, năng lực quản trị bán hàng theo mục tiêu, truyền cảm hứng, tạo động lực để thay đổi tư duy của đội ngũ bán hàng và các cấp cán bộ quản lý, đặc biệt là đào tạo đội ngũ quản lý kế cận; Chuẩn hóa tài liệu đào tạo và ngân hàng đề thi theo chức danh, nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ giảng viên nội bộ,…
Các tiêu chuẩn môi trường: Hàng năm, Eximbank luôn lập kế hoạch chi tiết về việc tiêu thụ và sử dụng năng lượng, văn phòng phẩm theo định mức nhằm giám sát chặt chẽ chi phí sử dụng năng lượng như sử dụng đèn chiếu sáng phù hợp tại nơi làm việc, sử dụng máy điều hòa nhiệt độ hợp lý…. Khi có sự thay đổi đột biến, ngân hàng luôn có giải trình để đảm bảo nắm rõ nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục. Đặc biệt trong năm 2020, trước tình trạng thế giới đang phải đối mặt với dịch bệnh Covid -19, các tiêu chuẩn về môi trường được Eximbank chú trọng cao nhằm đáp ứng tối đa công tác bảo vệ môi trường, sức khỏe của con người.
59