CHƯƠNG 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM GIẢM CHI PHÍ XUẤT KHẨU ĐƯỜNG BIỂN
3.1.2. Nhóm các giải pháp theo các thành phần chính của chi phí logistics
● Đối với chi phí vận tải
Các cơ quan liên quan và các địa phương phải phối hợp chặt chẽ đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế ách tắc giao thông trong giờ cao điểm trên các tuyến đường ra vào cảng biển khu vực nội đô để giảm thời gian và tốc độ giao nhận hàng hóa. Tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực xung quanh cảng có thể được giảm thiểu bằng cách xây dựng các vịnh đỗ xe tập trung và các trung tâm tập kết hàng hóa gần các cảng (ngắn hạn). Bên cạnh đó, cần nâng cấp đường dành cho xe tải nặng, phân làn và có làn dành riêng cho xe tải (trung hạn).
Đồng thời, Chính phủ nên đưa ra thêm chính sách ưu đãi cho những doanh nghiệp trong nước đạt chuẩn về chất lượng dịch vụ. Để thay đổi đội xe hoạt động hiệu quả hơn,
Nhà nước và các ngân hàng cần tổ chức những chương trình hiện đại hóa đội xe với những ưu đãi dành cho chủ xe nhằm loại bỏ xe cũ (miễn thuế đăng ký, khuyến khích giảm giá khi mua xe qua các nhà sản xuất thiết bị gốc), thay mức phí đường bộ đối với xe cũ nhằm hạn chế người dùng xe cũ. Các ngân hàng giải ngân nên ưu đãi đối với các đề án cho vay mua xe tải trọng lớn, tiết kiệm nhiên liệu hoặc có thể thành lập các hợp tác xã các chủ doanh nghiệp nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ tập hợp nguồn lực và hoạt động hiệu quả hơn. Mặt khác, phải liên kết các trung tâm logistics với các trung tâm tập kết hàng hóa đô thị trong quy hoạch các cảng cạn. Trong đó, các trung tâm logistics được ưu tiên ở các khu vực cảng cạn gần khu công nghiệp, gần các trung tâm hàng hóa lớn.
Để kết nối và dồn tải sang dần các phương thức vận tải khác, đề xuất tăng cường các sà lan container trên container để tăng cường sử dụng vận tải đường thủy nội địa. Áp dụng các thiết kế, tuyến đường thủy phù hợp cho việc đóng container, cải thiện thiết bị bốc xếp container tại các cảng sông.
Bên cạnh đó, cũng cần thúc đẩy vận tải hàng trên tuyến phía Bắc bằng các hãng tàu ven biển, trung tâm vận tải hàng hóa nội địa, giảm chi phí bốc xếp tại cảng cho hàng hóa nội địa và tăng cường các tàu ra - vào thúc đẩy hành trình vận tải ven biển. Đồng thời, áp dụng một số giải pháp cơ bản nhằm giảm chi phí vận tải biển như sau:
Giảm chi phí bốc dỡ: Việc đầu tư hệ thống cảng biển phải được quy hoạch và đầu
tư đồng bộ, có thể kết nối trực tiếp với vận tải đường biển, đường sắt, đường sông, đường bộ nhằm giúp giảm bớt chi phí về vận tải do có sự kết hợp tốt giữa các phương thức vận tải khác nhau và lập kế hoạch di dời các cảng biển nằm sâu trong sông để giảm chi phí hoa tiêu và phí luồng lạch.
Giảm thuế thu nhập thuyền viên: Việc này giúp thu hút được đội ngũ sĩ quan,
thuyền viên có năng lực gắn bó lâu dài với nghề, đồng thời cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, vì vậy Nhà nước có thể xem xét khả năng ban hành chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân đối với tiền lương (bao gồm cả tiền công và phụ cấp) của sỹ quan, thuyền viên làm việc trên tàu biển.
Giảm chi phí nhiên liệu: Nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp
vận tải biển Việt Nam được mua nhiên liệu với mức giá ưu đãi tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Giảm cảng phí: Đề nghị cho phép áp dụng giảm phí, lệ phí hàng hải tùy thuộc vào
trọng tải của tàu hoặc dựa theo khu vực. Việc giảm cảng phí sẽ khuyến khích tàu ra vào hoạt động đồng đều ở các khu vực.
Giảm thuế, phí: Giảm thuế đối với hàng hóa là vật tư, thiết bị phục vụ cho sửa
chữa, bảo dưỡng tàu biển; áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng ưu đãi cho tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu trong dự án đầu tư tàu biển được vay vốn lưu động với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng của Nhà nước; ưu tiên doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam mua nhiên liệu phục vụ nhu cầu vận tải nội địa với mức giá ưu đãi tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nâng cấp trang thiết bị công nghệ bốc dỡ, nâng cao năng lực bốc dỡ để giảm thời gian quay vòng của tàu, tiết kiệm chi phí lưu kho bãi và cảng phí. Đồng thời, cần tăng cường năng lực các tuyến luồng hàng hải tại các khu vực trọng điểm, đầu tư mở rộng nâng cấp tuyến luồng đảm bảo chuẩn tắc, lắp đặt hệ thống kiểm soát lưu thông trên biển, hệ thống nhận diện tự động, bố trí kinh phí nạo vét duy tu hàng năm để đảm bảo an toàn cho tàu trọng tải lớn ra vào cảng biển.
● Giải pháp về chi phí hành chính:
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ từ những cải cách về thủ tục hành chính từ các Bộ, ngành tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong xuất khẩu, giảm chi phí… từ đó tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam, tăng kim ngạch xuất khẩu, và tận dụng những lợi thế từ việc tham gia các FTA…
Do vậy, các Bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cắt bỏ hoặc đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến logistics, đặc biệt là thủ tục kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu ở các cấp, các ngành và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.
Để giảm chi phí thông quan, hệ thống cảng cạn cần hình thành một số địa điểm trong nội địa để làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container, bãi gom hàng hóa xuất nhập khẩu, bãi chứa container hậu phương của cảng biển.
● Đối với chi phí hàng tồn kho
Chi phí kho bãi sẽ được cắt giảm thông qua việc đầu tư xây dựng hệ thống cảng mở để giảm bớt các chi phí về thủ tục hải quan, thuế xuất nhập khẩu. Hiện nay, kho bãi đông lạnh và dây chuyền cung ứng lạnh chưa đáp ứng tối đa so với yêu cầu, khiến cho hàng hóa, đặc biệt nhiều loại nông sản, thủy sản, bị ứ tắc, khó tiêu thụ, các doanh nghiệp phải gánh chịu các chi phí lưu kho, logistic liên tục tăng. Hệ thống kho lạnh, bên cạnh phục vụ thị trường nội địa, mới tập trung vào phục vụ xuất nhập khẩu là chính. Vì vậy, cần tập trung đầu tư phát triển kho bãi đông lạnh và dây chuyền cung ứng lạnh phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu hàng thủy sản, nông sản, rau quả. Ngoài ra, cần giảm giá điện cho hoạt động kho đông lạnh để cắt giảm chi phí logistics.