CHƯƠNG 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM GIẢM CHI PHÍ XUẤT KHẨU ĐƯỜNG BIỂN
3.2.2. Đối với doanh nghiệp xuất khẩu
Các doanh nghiệp xuất khẩu nên đẩy mạnh thuê ngoài logistics, cụ thể là với phương thức xuất khẩu đường biển. Với một doanh nghiệp kinh doanh, hay sản xuất, việc tự mình thực hiện hết các hoạt động vận tải biển sẽ tốn nhiều chi phí hơn so với việc thuê các công ty chuyên về logistics thực hiện việc các công việc này. Thuê ngoài logistics hiện đang là xu thế, không chỉ trên thế giới, mà tại Việt Nam nhiều doanh nghiệp cũng đang quan tâm. Tại Việt Nam, tỷ lệ thuê ngoài logistics hiện nay chỉ mới chiếm khoảng 35% - 40%. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có sự phối hợp, hợp tác giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics với các nhà sản xuất và các nhà xuất khẩu. Quyết định số 200/QĐ- TTg về nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics Việt Nam đã đề ra nhiệm vụ đến năm 2025, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% - 60%. Nghị quyết 19-2018/NQ-CP Chính phủ cũng xác định cần phải thúc đẩy phát triển thuê ngoài logistics.
Có rất nhiều lý do để doanh nghiệp nên thuê ngoài thay vì tự mình thực hiện các công đoạn logistics, trong đó có một vài lý do liên quan đến chi phí như sau:
Có nhiều thời gian và chi phí hơn để tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt
lõi: Thay vì cố gắng tự mình thực hiện các dịch vụ vận tải biển, hãy thuê một công ty có chuyên môn và kinh nghiệm chuyên sâu có thể thực hiện các hoạt động xuất khẩu qua đường biển một cách dễ dàng. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp giải phóng tài nguyên và cho phép họ tập trung vào các hoạt động quan trọng khác.
Các chi phí nhỏ như chi phí bảo hiểm, chi phí lắp ghép, vận chuyển hoặc chi phí
kho cố định đều được các nhà cung cấp dịch vụ vận tải biển xử lý và chăm sóc và doanh nghiệp xuất khẩu không cần phải đối phó với nó. Ngoài ra, nếu thuê ngoài, nhà cung cấp dịch vụ 3PLs có thể giúp giảm chi phí về lương nhân sự thay vì phải chi tiêu rất nhiều vào việc cố gắng mở rộng đội ngũ nhân sự.
Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu cần lựa chọn cẩn thận các nhà cung cấp dịch vụ vận tải biển cho doanh nghiệp của mình để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất, nên lựa
chọn nhà cung cấp dịch vụ phù hợp để góp phần làm giảm chi phí xuất khẩu, giảm rủi ro của quá trình xuất khẩu.
Khi sử dụng dịch vụ vận tải bên ngoài, cần quy định rõ điều kiện giá dịch vụ trong hợp đồng vận tải, trong điều kiện hiện nay nên chọn phương pháp giá linh hoạt. Các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng dịch vụ vận tải biển nên yêu cầu các hãng vận tải biển chào giá dịch vụ vận tải tách rời với phụ phí xăng dầu. Giá dịch vụ sẽ được giữ nguyên trong suốt thời hạn hợp đồng và chỉ có phụ phí xăng dầu sẽ được điều chỉnh dựa trên giá thị trường.
Với doanh nghiệp sử dụng nhiều phương thức vận tải nội bộ (có tàu chuyên chở) nên sử dụng chiến lược bảo hiểm xăng dầu (fuel hedging strategy) nhằm hạn chế sự biến động xăng dầu. Thông qua các thị trường hàng hóa giao sau, các doanh nghiệp này thực hiện nghiệp vụ hedging với việc mua trước xăng dầu ở mức giá thỏa thuận. Các doanh nghiệp này với tư cách là người mua lớn, có khả năng đàm phán được giá tốt với các nhà cung cấp xăng dầu trên thế giới.
Trong các giao dịch quốc tế, các doanh nghiệp xuất khẩu nên xây dựng mối quan hệ chiến lược với một số hãng tàu để giành được thế chủ động trong việc đàm phán với người mua về quyền thuê tàu (chuyển từ tập quán thương mại quốc tế từ FOB sang điều kiện “C” trong Incoterms). Nhờ đó doanh nghiệp vừa có được mức giá hợp đồng thấp hơn so với mức giá thị trường, vừa có cơ sở để đàm phán với đối tác nước ngoài nhằm giành quyền vận tải, để từ đó kiểm soát được chi phí vận tải và không bị gây sức ép về giá.
Các đơn vị nên sử dụng tối đa tiện ích của CNTT, tăng cường năng lực liên kết với các đối tác, nhờ đó doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ vận tải có thể thỏa thuận trực tiếp với việc ứng dụng CNTT đã giúp giảm được những chi phí cho việc đi tìm kiếm đối tác và chi phí về nhân sự và giúp các doanh nghiệp giảm được ít nhất 5% chi phí vận tải.
Việc nắm rõ và đầy đủ các loại chi phí trong vận tải quốc tế nói chung và vận tải đường biển nói riêng là một trong những kiến thức thiết yếu đối với một người học và làm trong ngành xuất nhập khẩu. Vì vậy, bài luận đã đem đến những kiến thức từ tổng quan đến chi tiết về các loại chi phí trong vận tải quốc tế bằng đường biển. Bên cạnh đó nhóm cũng đưa ra những trường hợp cụ thể đối với từng loại chi phí nhằm giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận kiến thức hơn.
Có thể nói đối với mỗi doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chi phí vận chuyển có liên quan và ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản phẩm, đặc biệt khi giá thành lên quá cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Do đó, việc liên tục cập nhật thông tin đối với các loại chi phí bên cạnh những nghiệp vụ khác là vô cùng cần thiết, giúp người làm xuất nhập khẩu đưa ra những quyết định đúng đắn khi làm việc với các bên liên quan nhằm tối ưu hóa các loại chi phí và tránh rủi ro phát sinh chi phí.
Bài tiểu luận trên đây đã tập trung phân tích được thực trạng về chi phí xuất khẩu đường biển ở Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp đối với Nhà nước và Doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Nhóm nghiên cứu hy vọng qua bài tiểu luận có thể đem đến cho người đọc cái nhìn sâu hơn về các loại chi phí đối với một lô hàng xuất khẩu, góp phần nào đó đưa ra những kiến thức bổ ích cho các bạn sinh viên và những người làm trong ngành.
Một lần nữa nhóm nghiên cứu xin gửi lời cảm ơn chân thành tới giảng viên hướng dẫn PGS.TS Vũ Sĩ Tuấn đã có những định hướng, góp ý trong suốt quá trình học tập giúp em hoàn thành bài nghiên cứu này. Bài nghiên cứu không thể tránh khỏi thiếu sót do hạn chế về kiến thức và sự khó khăn trong tìm kiếm một số nguồn dữ liệu. Chúng em rất mong nhận được ý kiến từ thầy để hoàn thiện hơn bài tiểu luận.