“Một điểm sáng của cuộc khủng hoảng này là việc đẩy mạnh số hóa trong ứng phó của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đang mở rộng sử dụng số hóa trong mùa đầu
vào, tiếp cận người tiêu dùng, và trong các quy trình cần thiết của chính phủ.” - Caroline Freund Giám đốc Toàn cầu, Thương mại, Đầu tư và Cạnh tranh, Ngân hàng Thế giới
COVID-19 đã đẩy nhanh xu hướng số hóa trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Ví dụ, việc người lao động bị phong toả tạo ra động cơ mạnh mẽ cho doanh nghiệp chuyển đổi tự động hóa một số chức năng nhất định, khuyến khích số hóa và sử dụng các nền tảng trực tuyến. Những biện pháp hạn chế đi lại khuyến khích bán hàng trực tuyến và thúc đẩy thương mại điện tử, cho phép doanh nghiệp đưa hàng hóa và dịch vụ đến với người tiêu dùng mới. Một số thay đổi đã diễn ra trước đại dịch, nhưng hiện đang được đẩy nhanh để giúp doanh nghiệp thích ứng tốt hơn với điều kiện bình thường mới.
Trong Báo cáo e-Conomy SEA 2021 do Temasek (quỹ đầu tư của chính phủ Singapore), Google và công ty tư vấn quản lý Bain & Company công bố ngày 10/11/2021, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam năm 2021 dự kiến tăng trưởng 31% lên 21 tỷ đô la Mỹ nhờ sự tăng trưởng 53% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm 2020. Từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm tám triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới với hơn một nửa trong số họ đến từ các khu vực không phải thành phố lớn. Người tiêu dùng kỹ thuật số trước đại dịch trung bình đã sử dụng thêm bốn dịch vụ kỹ thuật số kể từ khi đại dịch bắt đầu. Về các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đông Nam Á, báo cáo cho biết, một trong ba thương gia kỹ thuật số của Việt Nam tin rằng họ sẽ không thể sống sót sau đại dịch nếu không có các nền tảng kỹ thuật số.
Ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực vận chuyển và chuỗi cung ứng đang là một giải pháp cho những khó khăn của các doanh nghiệp logistics chịu tác động bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, xu hướng này đang từng bước tạo nên những đột phá mới, đưa ngành vận chuyển và chuỗi cung ứng trở thành một điểm sáng trong nền kinh tế Việt Nam. Trên thị trường hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ 4.0 vào các dịch vụ logistics, tiêu biểu có thể kể đến dịch vụ vận tải với chuỗi cung ứng IoT và công nghệ bản sao kỹ thuật số (Digital Twins); dịch vụ kho bãi với ứng dụng nhà kho thông minh hay kho hàng tự động… Sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới các nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam như Shopee, Lazada hay Tiki đã trở thành cơ hội đầy tiềm năng để các doanh nghiệp logistics khai thác và phát triển.