3.1.1 Đặc điểm tuổi và giới
Độ tuổi trung bình của người bệnh là 65,2 ± 14,5. Đối với người cao tuổi thường có các vấn đề phối hợp như dinh dưỡng kém, rối loạn hấp thu,…. Đồng thời tâm lý của người cao tuổi thường dễ lo lắng, mất ngủ, sự sụt giảm các hormon và suy giảm khả năng hồi phục do lão hóa cũng ảnh hưởng tới quá trình hoạt động và phân chia tế bào. Những yếu tố này có thể làm quá trình liền thương diễn ra chậm hơn. Ngoài ra, việc hợp tác điều trị và chăm sóc của người bệnh có thể không được tốt cùng khả năng miễn dịch suy giảm dẫn tới tăng nguy cơ nhiễm trùng. Hơn nữa, những người trên 65 tuổi là yếu tố làm tăng nguy cơ chảy máu, đặc biệt là ở những người có dùng thuốc chống đông, làm tăng nguy cơ tụ máu trong ổ máy và nhiễm trùng ở những người bệnh cấy máy tạo nhịp [15]. Trong số những người bệnh này, tỉ lệ nam giới chiếm 65,4%. Y văn đã ghi nhận tuổi và giới là một trong những yếu tố độc lập tác động đến quá trình lành thương cũng như các biến chứng sau phẫu thuật [16].
3.1.2 Trình độ học vấn, nghề nghiệp và điều kiện kinh tế
Có 53,8% người bệnh chưa tốt nghiệp THPT, còn lại đã tốt nghiệp THPT, ĐH-CĐ-TC và sau ĐH. Người bệnh với trình độ học vấn cao hơn sẽ có khả năng nhận thức đầy đủ hơn khi được nhân viên y tế giải thích về trình trạng bệnh, cũng như phối hợp tốt hơn trong công tác điều trị và chăm sóc vết mổ sau cấy máy. Hưu trí là nhóm chiếm chủ yếu (42,3%) trong số những người bệnh. Điều này cũng phù hợp với tuổi trung bình của nhóm người bệnh. Một số người bệnh là nông dân hoặc công nhân là những người cần sử dụng tay nhiều cho lao động với cường độ cao, sau đặt máy có thể ảnh hưởng tới vận động do đó cần hướng dẫn chăm sóc và tập luyện cho người bệnh để vết thương lành tốt sau thời gian
nằm viện và tư vấn về các vấn đề có thể ảnh hưởng tới máy tạo nhịp khi làm việc.
Phần lớn người bệnh có điều kiện vừa phải (78,8%) và khá giả (17,3%).Chỉ có 2 người bệnh hoàn cảnh khó khăn (3,9%). Những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn sẽ cân nhắc hơn khi sử dụng các loại gạc đắt tiền hơn, tuy nhiên trong nhóm người bệnh của chúng tôi đã hạn chế bằng việc sử dụng 1 miếng gạc Aquacel và DuoDerm tới ngày thứ 7 sau cấy máy, trừ khi dịch thấm vào gạc quá nhiều mới cần thay gạc mới.
3.1.3 Đặc điểm chẩn đoán, điều trị và đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn
Phần lớn người bệnh có chẩn đoán BAV3 hoặc hội chứng suy nút xoang (tỉ lệ lần lượt là 30,8% và 40,4%). Đây là hai chỉ định phổ biến nhất trong tạo nhịp tim. [14-16]. Hầu hết người bệnh được cấy máy lần đầu (80,8%). So với lần đầu, những lần thay máy sau cần bộc lộ ổ máy cũ, tùy theo từng người bệnh sẽ có mức độ tạo sẹo, xơ hóa khác nhau mà ít nhiều ảnh hưởng tới nguy cơ chảy máu, khả năng hồi phục vết mổ. Và những người bệnh thay máy thường có nguy cơ nhiễm trùng thiết bị cấy cao hơn so với lần đầu tiên [17].
Loại MTN được cấy chủ yếu là MTN 2 buồng (73,1%), sau đó là MTN 1 buồng (17,3%) và CRT (9,6%). CRT là thiết bị tạo nhịp có 3 điện cực và kích thước thân máy lớn hơn so với hai loại kia, do đó việc tạo túi máy cần phải rộng hơn. Với túi máy rộng hơn và vết mổ dài hơn có thể ảnh hưởng đến tốc độ lành vết mổ, nguy cơ chảy máu, tụ máu cũng có thể cao hơn.
3.1.4. Tỷ lệ người bệnh sử dụng thuốc chống đông
Loại chống đông mà người bệnh được sử dụng nhiều nhất là kháng vitamin K (55,8%). Đây là loại chống đông có giá thành rẻ, tuy nhiên cần phải theo dõi thường xuyên và cần phải chú ý xét nghiệm đông máu trước khi tiến hành cấy máy để tránh nguy cơ chảy máu, tụ máu quá mức trong và sau thủ thuật. Còn chống đông đường uống thế hệ mới là nhóm thuốc khi người bệnh sử dụng không phải chỉnh liều và cũng không cần phải làm xét nghiệm theo dõi, tuy nhiên
có lẽ do giá thành cao nên tỉ lệ người bệnh dùng loại chống đông này là nhóm có tỉ lệ sử dụng thấp nhất (15, 4%).
Việc sử dụng thuốc chống đông dù là loại nào cũng làm tăng nguy cơ biến chứng của thủ thuật như chảy máu, nhiễm trùng [11].