dùng thuốc chống đông với gạc Aquacel và DuoDerm
3.2.1 Đặc điểm liên quan tới vết mổ
- Mức độ đau:
Quản lý đau trong chăm sóc hậu phẫu, mà cụ thể trong chuyên đề này là
với người bệnh sâu cấy máy, có một vai trò vô cùng quan trọng. Về định nghĩa, đau là một triệu chứng chủ quan, gây khó chịu cho người bệnh và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như kết quả điều trị. Việc chăm sóc y tế không chỉ đơn thuần là khám và điều trị khỏi bệnh mà cần phải quan tâm đến cảm nhận, sự thoải mái của người bệnh.
Trong quá trình theo dõi sau cấy máy, người bệnh cảm thấy đau nhất vào ngày đầu tiên sau thủ thuật sau đó mức độ đau giảm dần. Trong ngày đầu tiên, tất cả người bệnh đều đau ở mức ít-vừa (VAS < 7), và không có người bệnh nào đau nhiều (VAS 7-10).. Tới ngày thứ 3, phần lớn người bệnh chỉ còn đau ít (VAS 1- 3) chiếm 78,8%, còn lại là đau mức độ vừa (VAS 4-6). Và cho tới ngày thứ 7, có 38,5% người bệnh không còn đau và 61,5% người bệnh đau ít, không còn người bệnh nào đau mức độ vừa. Đối với người bệnh sau cấy máy thông thường chỉ cần băng gạc đơn thuần, còn đối với người bệnh sau cấy máy có dùng chống đông thường được băng ép bằng nhiều gạc và băng dính 3M để cầm máu thật tốt, hạn chế xuất hiện tụ máu trong và quanh túi máy. Đối với quy trình của chúng tôi, bên trên lớp gạc Aquacel và DuoDerm có băng ép thêm bằng băng cuốn và gạc 3M. Với việc băng ép thêm như vậy, trong 24-48 giờ đầu tiên bệnh nhân có thể thấy cảm giác đau tức khó chịu hơn so với những người bệnh không phải dùng chống đông. Bên cạnh việc dùng thuốc để quản lý đau thì gạc Aquacel đã được chứng minh có hiệu quả tốt hơn đáng kể trong việc quản lý đau so với người
bệnh dùng gạc tẩm povidone-iodine, là loại gạc được sử dụng trong chăm sóc thường quy [18]. Ngoài ra, việc sử dụng gạc Aquacel và DuoDerm duy trì trong vòng 7 ngày, giúp hạn chế số lần thay băng, cũng có thể giảm bớt cảm giác đau trong những lần thay băng.
- Các biểu hiện tại chỗ dạng nhiễm trùng vết mổ
Như bất kỳ phẫu thuật nào khác, nhiễm trùng vết mổ là một biến chứng nặng và đáng lo ngại ở người bệnh cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn dù hiếm gặp. Nguy cơ hơn nữa là nhiễm trùng vết mổ có thể lan vào trong ổ máy gây nhiễm trùng máy tạo nhịp khiến người bệnh phải điều trị kháng sinh tích cực, kéo thời gian nằm viện và chi phí điều trị, chậm liền vết mổ và stress cho người bệnh, đôi khi phải loại bỏ thiết bị cấy ghép, thậm chí có thể dẫn tới nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn và tử vong. Do đó việc theo dõi và kiểm soát nhiễm khuẩn là công tác cực kỳ quan trọng trong giai đoạn sau cấy máy.
Trong quá trình lành vết thương, dịch rỉ được tiết ra trong đó giàu các yếu tố tăng trưởng thúc đẩy quá trình chữa lành. Tuy nhiên nếu có nhiễm trùng thì dịch này có thể tăng tiết, thay đổi màu sắc, trở nên đục và có mùi khó chịu. Ở các người bệnh được theo dõi cho tới ngày thứ 7, hầu hết người bệnh có lượng dịch rỉ ở mức vừa (84,6%), còn lại là dịch nhỏ (15,4%). Tất cả người bệnh đều có dịch rỉ là huyết thanh lẫn ít tế bào máu và không có mùi. Hiệu quả của gạc Aquacel trong quản lý dịch rỉ tốt hơn so với gạc thông thường cũng đã được ghi nhận trong nghiên cứu của tác giả Jurcak F và cộng sự [18]. Hiệu quả này có được do Aquacel có khả năng thấm hút vượt trội hơn hẳn gạc thông thường, đồng thời nhờ đặc tính hóa lỏng chuyển thành dạng gel linh hoạt, giúp ngăn không cho dịch lan tràn trên bề mặt bằng và giúp băng hấp thu được lượng dịch rỉ nhiều hơn. Bên cạnh đó, việc tạo gel cung cấp môi trường ẩm phù hợp thúc đẩy quá trình lành thương nên những tổn thương mạch máu có thể nhanh chóng được sửa chữa làm giảm lượng dịch tiết nhanh chóng. Bằng việc sử dụng gạc Aquacel và DuoDerm, trong quá trình theo dõi chúng tôi không cần phải bóc băng ra để đánh giá số lượng dịch mà có thể quan sát từ bên ngoài. Gạc Aquacel và DuoDerm không
cần phải thay trong 7 ngày trừ khi quan sát thấy lượng dịch rỉ thấm hút lan ra tới viền của gạc Aquacel.
- Đặc điểm tình trạng túi máy sau thủ thuật
Theo dõi tới ngày thứ 7, tất cả người bệnh đều có tình trạng liền thương ít nhất 90%, không có trường hợp nào có bung chỉ miệng túi. Điều này cho thấy vết mổ có khả năng liền tốt. Chỉ có 2 người bệnh có tụ máu mức độ vừa (3,8%). Kết quả này tương tự với kết quả nghiên cứu của tác giả Jazayeri và cộng sự [19]. Việc hình thành máu tụ trong ổ máy ngoài việc thao tác chính xác trong quá trình cấy máy còn có vai trò của việc băng ép bên ngoài ổ máy. Bên cạnh đó, theo dõi trong quá trình chăm sóc của điều dưỡng để phát hiện sớm ổ tụ máu để báo với bác sỹ để có phương án xử trí cũng là điều đáng lưu tâm.
- Đặc điểm mép vết thương và nhiệt độ xung quanh vết thương.
Tất cả các người bệnh đều có mép hồng và khép kín và nhiệt độ da xung quanh vết thương bình thường. Các tình trạng này cho thấy vết thương lành tốt và không có biểu hiện viêm quá mức do nhiễm trùng, thường là nóng lên do sung huyết. Khi sử dụng gạc thông thường khó có thể đánh giá vùng da xung quanh vết thương, còn đối với gạc Aquacel và DuoDerm, chúng tôi có thể đánh giá nhiệt độ da xung quanh vết thương so với những vùng khác mà không cần thiết phải bóc ra đánh giá cách ngày như thay băng thông thường.
Như vậy từ những dấu hiệu trên, chúng tôi thấy rằng 100% người bệnh được theo dõi sau cấy máy dùng gạc Aquacel không có biểu hiện nhiễm trùng vết mổ. Kết quả này tương tự với kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Thúy Cải [7]. Xét về quy mô thì vết mổ cấy MTNVV được coi là một tiểu phẫu nên nguy cơ nhiễm trùng vết mổ không cao và do số lượng người bệnh còn hạn chế nên chưa ghi nhận các trường hợp nhiễm trùng sau cấy máy. Còn với các phẫu thuật với vết mổ lớn hơn Aquacel cũng đã được chứng minh giúp làm giảm tỉ lệ nhiễm trùng vết mổ như trong nghiên cứu của Ravenscroft và cộng sự ở người bệnh sau phẫu thuật khớp hông hoặc đầu gối [23].
Dị ứng băng trên lâm sàng chủ yếu biểu hiện bởi tình trạng ngứa và các tổn thương da tại vị trí tiếp xúc. Tình trạng này gây ảnh hưởng xấu tới quá trình lành thương, làm nặng thêm tình trạng bênh, tăng khó khăn cho quá trình chăm sóc vết mổ và gia tăng sự khó chịu của người bệnh [20].
Ngứa là một triệu chứng chủ quan thường gặp khi da bị kích ứng. Tuy nhiên, ngứa cũng dễ bị ảnh hưởng bời nhiều yếu tố khác nhau và rất dễ nhầm lẫn ngứa do quá trình tái tạo biểu mô mới tại vết thương với ngứa do dị ứng băng dán. Ngoài ra khi duy trì băng lâu người bệnh có thể có tình trạng ra mồ hôi cũng có thể gây ngứa. Do đó cần đánh giá chính xác vị trí ngứa của người bệnh để xác định đúng nguy nhân gây ngứa. Trong số người bệnh được theo dõi chỉ có 4 người, tương đương với 7,7% xuất hiện ngứa tại vị trí băng gạc Aquacel và DuoDerm. Tuy nhiên ở vị trí dùng băng dính 3M, số lượng người bệnh có ngứa là 19, tương ứng với 36,5%. Kết quả này cũng tương đồng với kết quả của tác giả Nguyễn Thị Thúy Cải [7], tác giả Jurcak và cộng sự [18]. Điều này có thể do gạc Aquacel và DuoDerm với lớp băng dính hydrocolloid thân thiện với da hơn so với băng gạc truyền thống hay băng dính 3M.
Trong quá trình theo dõi, chúng tôi thấy tổn thương đỏ da là biểu hiện thường gặp nhất ở cả vị trí da dùng gạc Aquacel và DuoDerm cũng như vùng dùng băng dính 3M. Vị trí da dùng băng dính 3M có tỉ lệ xuất hiện sẩn là 19,2% và mụn nước là 11,5%, trong khi đó không có người bệnh nào xuất hiện tổn thương dạng này ở vị trí dùng gạc Aquacel và DuoDerm. Khi người bệnh sử dụng gạc truyền thống mà có các tổn thương da dị ứng, sẽ gặp các khó khăn khi chăm sóc vết mổ do các tổn thương da xuất hiện gần vị trí vết mổ. Còn đối với việc dùng gạc Aquacel và DuoDerm, việc băng ép chỉ duy trì trong 24-48 giờ đầu và vị trí dùng băng dính cũng xa vết mổ hơn, cùng với hiệu quả ít gây dị ứng của Aquacel và Duoderm cũng giúp quá trình chăm sóc vết mổ dễ dàng hơn.
Việc sử dụng băng 3M băng ép thêm bên ngoài là phương án phù hợp với tình hình thực tiễn khi chưa sẵn có các công cụ hỗ trợ chuyên biệt khác. Nhược điểm khi sử dụng băng dính 3M là người bệnh sẽ phải duy trì liên tục trong
những ngày đầu, dẫn tới khi gặp khó chịu hay dị ứng với băng cũng chưa thể bỏ ra ngay do việc bóc băng nhiều lần sẽ khiến khó chịu nhiều hơn cho bệnh nhân tại vùng dán băng. Trong số các phương tiện đã nhắc tới thì áo ép áp lực là một biện pháp thay thế có khắc phục được một số nhược điểm đã kể trên của băng ép 3M. Khi sử dụng áo ép áp lực, sau một khoảng thời gian băng ép, người bệnh sẽ được tháo áo ra để đánh giá vết mổ và cũng như là một khoảng thời gian nghỉ ngơi trước khi tiếp tục băng ép [13].
3.2.2 Sự thoải mái vận động và mức độ hài lòng của người bệnh
- Sự thoải mái vận động
Kết quả theo dõi của chúng tôi ghi nhận ó 34,6% người bệnh cảm thấy thoải mái và 5,8% rất thoải mái khi vận động sau cấy máy. Còn lại 59,6% người bệnh cảm thấy khó khăn khi vận động. Trong nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Thúy Cải, tỉ lệ người bệnh cảm thấy vận động thoải mái khi mang băng Aquacel là 39,4%, trong khi đó nhóm dùng băng gạc thông thường là 11,8% [7]. Đối với người bệnh cấy máy có sử dụng chống đông, trong 42-48 giờ đầu sẽ phải băng ép thêm, giai đoạn này sẽ khiến người bệnh cảm thấy khó khăn khi vận động nhất. Sau khi cấy MTNVV, người bệnh cũng được khuyến cáo hạn chế vận động vai bên cấy trong ít nhất 2 tuần, không giơ giơ khuỷu tay cao quá vai để tránh tuột điện cực và giúp máy cố định tốt vào thành ngực. Người bệnh sẽ được hướng dẫn những bài tập nhẹ nhàng để tránh hạn chế vận động khớp vai về lâu dài, và nên vận động, sinh hoạt nhẹ nhàng [21]. Sự thoải mái khi vận động của người bệnh cũng phụ thuộc vào khả năng liền thương, vết mổ liền tốt giúp người bệnh đỡ đau hơn, giúp quá trình vận động tốt hơn. Do đó người bệnh dùng gạc Aquacel có thể thoải mái vận động hơn do hiệu quả hỗ trợ liền thương tốt hơn gạc truyền thống và tránh nhiễm khuẩn. Ngoài ra, khi người bệnh dùng Aquacel và DuoDerm, với đặc tính có thể co giãn và bám chắc trên bề mặt da, khi người bệnh vận động cũng tránh được hiện tượng bong băng dính khi sử dụng gạc thông thường.
Hài lòng là cảm nhận chủ quan của người bệnh, được người bệnh xem xét trên toàn bộ các khía cạnh về mức độ đau, dị ứng, sự thoải mái khi vận động và cả chế độ chăm sóc. Hầu hết người bệnh hài lòng (78, 8%) và rất hài lòng (15,4%) khi sử dụng gạc Aquacel và DuoDerm. Trong nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Thúy Cải cũng ghi nhận tỉ lệ người bệnh hài lòng cao với gạc Aquacel và tỉ lệ này cao hơn so với người bệnh dùng gạc truyền thống [7].
Lý do tỉ lệ người bệnh cảm thấy hài lòng cao khi sử dụng gạc Aquacel và DuoDerm có thể do việc dùng gạc có thể lưu lại với thời gian tới ngày thứ 7, bệnh nhân không phải thay băng cách ngày nên ít phải chịu thêm những lúc đau trong quá trình thay bằng. Bên cạnh đó, với tỉ lệ dị ứng, phản ứng trên da gây khó chịu thấp của gạc Aquacel và DuoDerm cũng góp phần giúp người bệnh thấy thoải mái hon khi mang băng. Hơn nữa, từ khi bỏ băng ép bằng băng dính 3M, do đặc tính co giãn và bám chắc và da cũng giúp bệnh nhân thoải mái hơn nếu có vận động, và nhờ khả năng chống thấm nước của DuoDerm mà người bệnh cũng dễ dàng hơn trong việc vệ sinh cơ thể.