6. Kết cấu của luận án
4.2.2. Hoàn thiện hệ thống phụ cấp lương đối với công chức cấp xã
4.2.2.1. Mục tiêu của giải pháp
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống phụ cấp của công chức cấp xã, tính đến yếu tố đặc thù của công chức cấp xã. Hiện nay, tiền lương và phụ cấp của công chức cấp xã được tính theo bảng lương công chức chung và các loại phụ cấp áp dụng cho công chức các cấp như phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung. Công chức cấp xã có thêm phụ cấp kiêm nhiệm chức danh, phụ cấp theo loại xã. Tuy nhiên, các phụ cấp này chưa tính hết yếu tố đặc thù đối với công chức cấp xã. Trong khi, một số phụ cấp khác chưa phù hợp, thậm chí còn chồng chéo giữa một số loại phụ cấp. Do đó, cần rà soát, áp dụng những phụ cấp phù hợp với đặc điểm công chức cấp xã, loại bỏ những loại phụ cấp không phù hợp và xây dựng mới những phụ cấp mang tính đặc thù của công chức cấp xã nhằm tính đầy đủ các hao phí sức lao động của công chức cấp xã mà tiền lương chưa tính đến.
4.2.2.2. Nội dung giải pháp
Rà soát lại toàn bộ các loại phụ cấp, loại bỏ những loại phụ cấp trùng lặp, những loại phụ cấp không còn phù hợp và bổ sung phụ cấp đặc thù cho công chức cấp xã. Trong giai đoạn này cần rà soát và bỏ phụ cấp trách nhiệm theo nghề. Trong giai đoạn tiếp theo, khi thực hiện trả lương theo vị trí việc làm thì tiếp tục bỏ phụ cấp chức vụ, phụ cấp công vụ và phụ cấp thâm niên vượt khung. Lý do cụ thể là:
- Bỏ phụ cấp trách nhiệm theo nghề: Tính chất công việc của công chức nói chung và công chức cấp xã khá đồng nhất (quản lý nhà nước) do đó việc có thêm phụ cấp trách nhiệm nghề là không cần thiết và dễ dẫn đến tình trạng có ngành có phụ cấp trách nhiệm nghề, ngành không có trong khi công việc của công chức theo các ngành đều đỏi hỏi trách nhiệm riêng. Rất khó để đánh giá chính xác ngành nào đòi hỏi trách nhiệm cao hơn ngành nào để xác định có được hưởng không và mức hưởng khác nhau giữa công chức làm các ngành khác nhau.
- Bỏ phụ cấp công vụ và phụ cấp chức vụ: Hiện tại, khi vẫn thực hiện trả lương theo bảng lương chung cho công chức các cấp như hiện nay thì vẫn áp dụng
phụ cấp công vụ và phụ cấp chức vụ lãnh đạo. Tuy nhiên, khi thực hiện trả lương theo vị trí việc làm như đề xuất ở trên thì sẽ loại bỏ hai loại phụ cấp này bởi khi thực hiện trả lương theo vị trí việc làm thì mức lương theo vị trí việc làm đã tính cả yếu tố quản lý, yếu tố lãnh đạo vào trong lương, yếu tố thực thi công vụ vào trong lương. Do đó, khi đã thực hiện trả lương theo vị trí việc làm mà vẫn áp dụng các loại phụ cấp này thì sẽ bị tính trùng (tính yếu tố quản lý, lãnh đạo và yếu tố thực thi công vụ cả trong lương và trong phụ cấp lượng).
- Bỏ phụ cấp thâm niên vượt khung: Khi tiền lương chuyển sang trả theo vị trí việc làm thì không còn phụ thuộc vào thâm niên mà phụ thuộc vào vị trí việc làm (mức độ phức tạp của từng vị trí việc làm) và kết quả hoàn thành công việc của công chức theo vị trí việc làm. Khi trình độ, kinh nghiệm của CCHC được nâng lên (do thâm niên) họ có thể thi tuyển vào các vị trí việc làm khác có mức lương cao hơn.
Bên cạnh đó, cần xây dựng bổ sung phụ cấp tăng trưởng địa phương và các chế độ phụ đặc thù cho công chức cấp xã. Bởi theo quy định hiện hành, một số cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế, giáo dục công tác trên địa bàn xã ngoài chế độ tiền lương theo ngạch bậc chung (giống công chức các cấp) và các loại phụ cấp chung thì họ còn được hưởng đặc thù nghề nghiệp (phụ cấp ưu đãi nghề). Ví dụ như giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở, giáo viên mầm non được hưởng thêm phụ cấp ưu đãi nghề giáo từ 30 – 70% tính mức lương cơ bản, cán bộ y tế xã được hưởng phụ cấp đặc thù nghề y là 20 – 25% (tính theo lương cơ bản). Trong khi, công chức cấp xã cùng công tác trên địa bàn, công việc cũng rất phức tạp, vất vả, trách nhiệm công tác của công chức cấp xã cũng rất nặng nề, điều kiện, địa bàn làm việc có nhiều khó khăn và phức tạp, song ngoài các khoản phụ cấp chung, công chức cấp xã không có khoản phụ cấp đặc thù nên mức sống thấp hơn nhiều so với các đối tượng khác, thấp hơn mức sống trung bình của xã hội. Do đó, trước hết Nhà nước cần nghiên cứu để xây dựng bổ sung thêm phụ cấp đặc thù cho công chức cấp xã. Phụ cấp này sẽ phụ thuộc vào yếu tố điều kiện đi lại khó khăn, phải di chuyển rộng để tiếp xúc với dân (tuyên truyền đường lối chính sách của Nhà nước đến người dân, thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước đối với người dân). Ngoài ra, Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng bổ sung phụ cấp tăng trưởng kinh tế của địa phương. Khoản phụ cấp này do địa phương tự xác định và chi trả dựa trên tốc độ tăng trưởng và khả năng của địa phương để đảm bảo tiền lương công chức gắn gắn với kết quả lao động và với mức sống dân cư. Các địa phương có tốc độ tăng trưởng và năng
suất lao động cao hơn so với mức chung của cả nước thì tiền lương của công chức địa phương đó sẽ được nhân với hệ số tăng trưởng của địa phương. Mỗi năm, mỗi địa phương sẽ có hệ số tăng trưởng địa phương khác nhau phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng GDP của địa phương. Khoản phụ cấp này có bản chất là thu nhập tăng thêm của công chức các cấp do hiệu quả công tác cao và để phù hợp với mức sống dân cư của địa phương, tránh cào bằng như hiện nay. Chẳng hạn, năm 2016 tốc độ tăng trưởng GDP của Đà Nẵng cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng GDP của cả nước thì tiền lương của công chức tại Đà Nẵng sẽ được cộng thêm hệ số tăng trưởng địa phương. Hệ số này được tính toán dựa vào chênh lệch tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng so với Tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước. Như vậy, địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao sẽ trả lương và phụ cấp cao cho công chức và ngược lại. Như vậy, phụ cấp này sẽ phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương, địa phương nào có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu được nhiều ngân sách sẽ được hưởng mức phụ cấp cao hơn. Việc áp dụng phụ cấp này sẽ khuyến khích công chức thực hiện tốt nhiệm vụ, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thông thoáng, lành mạnh để các thành phần kinh tế trên địa bàn hoạt động thuận lợi và phát triển, từ đó góp phần tăng trưởng kinh tế của địa phương. Từ tăng trưởng kinh tế của địa phương, địa phương trích lại một phần ngân sách để tính thêm phụ cấp cho công chức nói chung và công chức cấp xã nói riêng. Cụ thể, cách xác định các loại phụ cấp đề xuất bổ sung như sau:
(1) Căn cứ xây dựng các chế độ phụ cấp lương.
Để xây dựng các chế độ phụ cấp lương, cần dựa trên các căn cứ sau:
- Các quy định mang tính pháp lý.
Để xây dựng các chế độ phụ cấp lương, cần dựa trên các quy định hiện hành của các văn bản luật và dưới luật do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
- Những yếu tố cần đưa và đã đưa vào lương.
Căn cứ này đòi hỏi khi xây dựng phải xác định những yếu tố nào cần được tính trong tiền lương của người lao động. Theo nguyên tắc chung, trong tiền lương cần phải tính đến các yếu tố mức độ phức tạp của công việc; trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tay nghề của người lao động; mức độ nặng nhọc - độc hại của nghề, công việc; mức độ tái sản xuất sức lao động; ... Khi xây dựng cần liệt kê các yếu tố này, quy đổi các yếu tố ra thành tiền và so sánh với các yếu tố đã được đưa vào lương. Kết quả so sánh sẽ cho phép xác định:
+ Những yếu tố chưa được đưa vào lương;
+ Những yếu tố đã được đưa vào lương song mức chi trả chưa đủ.
Căn cứ vào các yếu tố trên, sẽ xác định được những yếu tố nào cần được đưa vào phụ cấp lương và những yếu tố nào không cần thiết phải đưa vào phụ cấp, có thể đưa trực tiếp vào lương của người lao động
- Mục tiêu và định hướng phát triển KT - XH của Đảng và Nhà nước trong từng thời kỳ.
Phụ cấp lương có thể được sử dụng như là một trong những đòn bẩy kích thích người lao động phấn đấu nhằm đạt được các mục tiêu, định hướng phát triển KT – XH mà Nhà nước đưa ra. Theo hướng này, cần xem xét kỹ các mục tiêu, chiến lược phát triển KT – XH trong từng thời kỳ, từ đó chọn các mục tiêu ưu tiên cần khuyến khích. Xuất phát từ các mục tiêu ưu tiên này, có thể lựa chọn và xây dựng các chế độ phụ cấp tương thích.
- Khả năng về tài chính (Ngân sách Nhà nước).
Việc phân tích các căn cứ nêu trên có thể cho phép đưa ra nhiều chế độ phụ cấp lương với các phương án khác nhau về mức phụ cấp. Song các phương án này chỉ có thể khả thi khi có đủ nguồn chi trả.
Như vậy, vấn đề được đặt ra là, cần xác định rõ tổng nguồn có thể có để chi trả cho các chế độ phụ cấp lương; tổng số người là đối tượng hưởng từng loại phụ cấp dự kiến đưa ra và tổng số tiền phải chi trả hàng tháng cho các đối tượng hưởng phụ cấp đối với từng loại phụ cấp dự kiến sẽ áp dụng.
Trường hợp nguồn chi trả phụ cấp không đủ, cần lựa chọn một vài chế độ phụ cấp quan trọng nhất để áp dụng. Thực tiễn quản lý cho phép đưa ra nhận xét: nếu đưa ra quá nhiều quy định về phụ cấp, hoặc đưa ra chế độ phụ cấp với mức không đủ khuyến khích, hiệu quả của phụ cấp sẽ không cao.
(2) Quy trình xây dựng các chế độ phụ cấp lương.
Bước 1: Xác định loại phụ cấp lương cần xây dựng mới. Bước này bao gồm các công việc:
- Nghiên cứu các quy định hiện hành về chế độ tiền lương và phụ cấp hiện hành. - Nghiên cứu các căn cứ xác định phụ cấp lương (được đề cập ở trên) để xác định chế độ phụ cấp lương thích hợp cần bổ sung.
- Khảo sát, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của quốc tế về việc xây dựng các chế độ phụ cấp lương cho công chức.
- Xin ý kiến của các cấp có thẩm quyển và các chuyên gia về các loại phụ cấp lương dự kiến cần xây dựng và đưa vào áp dụng.
- Tổng hợp các kết quả trên, đưa ra danh mục các loại phụ cấp lương và sắp xếp các loại phụ cấp lương theo thứ tự ưu tiên. Đồng thời, xác định rõ số đối tượng hưởng từng loại phụ cấp.
Bước 2: Xác định nguồn trả phụ cấp, lựa chọn loại phụ cấp và mức phụ cấp sẽ áp dụng.
Căn cứ các nguồn thu, chi ngân sách Nhà nước và căn cứ vào các mức tính toán dự kiến về kinh phí cần chi cho các chế độ phụ cấp lương mới để cân đối.
Căn cứ trên các loại phụ cấp có thể bổ sung, số đối tượng hưởng phụ cấp bổ sung, quỹ phụ cấp bổ sung, đưa ra các phương án bổ sung chế độ phụ cấp lương và mức phụ cấp.
Bước 3: Lấy ý kiến dân chủ về phụ cấp và mức phụ cấp.
Sau khi xây dựng xong các chế độ phụ cấp lương, cần lấy ý kiến của các bộ ngành có liên quan về phụ cấp và mức phụ cấp, sau đó chỉnh sửa, điều chỉnh cho phù hợp.
Bước 4: Ban hành phụ cấp mới và đưa vào áp dụng.
Bước này bao gồm một số công việc sau:
- Soạn thảo các văn bản quy định và hướng dẫn các chế độ phụ cấp lương mới. - Phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các chế độ phụ cấp lương mới
4.2.2.3. Điều kiện thực hiện giải pháp
Thực hiện phân cấp để các địa phương chủ động mở rộng quỹ lương và phụ cấp lương. Phân cấp cho chính quyền địa phương về sử dụng biên chế gắn ngân sách trả lương cho cán bộ, công chức trên địa bàn theo hướng địa phương có nguồn thu, kinh tế phát triển được chi trả tiền lương, phụ cấp tăng thêm so với tiền lương chung của Nhà nước quy định.